Monday, February 18, 2019

Lý luận về quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là việc nhà nước thực hiện quyền lực công để điều hành, điều chỉnh toàn bộ tác hoạt động GD-ĐT trong phạm vi toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của Nhà nước.

1. Khái niệm quản lý nhà nước đối với hệ thống trường đại học cao đẳng

1.1 Khái niệm về quản lý nhà nước

Trong hệ thống các chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước là chủ thể duy nhất quản lý xã hội toàn dân, toàn diện bằng pháp luật. Quản lý xã hội là thực hiện các chức năng tổ chức nhằm tạo những điều kiện cần thiết để đạt những mục đích đề ra trong quá trình hoạt động chung của con người trong xã hội. Vì vậy, từ khi xuất hiện nhà nước, quản lý xã hội được nhà nước đảm nhận. Nhưng, quản lý xã hội không chỉ do nhà nước với tư cách là một tổ chức chính trị đặc biệt thực hiện, mà còn do tất cả các bộ phận khác cấu thành hệ thống chính trị thực hiện như: các chính đảng, tổ chức xã hội… Như vậy, quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội, trật tự pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.[16, tr.6]
Quản lý nhà nước là các công việc được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước, cũng có khi do nhân dân trực tiếp thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu hoặc do các tổ chức xã hội, các cơ quan thực hiện nếu được Nhà nước giao quyền thực hiện chức năng nhà nước. Quản lý nhà nước thực chất là sự quản lý có tính chất nhà nước, do nhà nước thực hiện thông qua bộ máy nhà nước trên cơ sở quyền lực nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Chính phủ.

1.2 Quản lý nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng

Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là việc nhà nước thực hiện quyền lực công để điều hành, điều chỉnh toàn bộ tác hoạt động GD-ĐT trong phạm vi toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của Nhà nước. Quản lý nhà nước về GD-ĐT là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các hoạt động GD-ĐT do các cơ quan quản lý có trách nhiệm về giáo dục của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp GD-ĐT, duy trì kỷ cương, thỏa mãn nhu cầu GD-ĐT của nhân dân, thực hiện mục tiêu GD-ĐT của nhà nước.
Trong khái niệm quản lý nhà nước về GD-ĐT nổi lên 3 bộ phận chính, đó là chủ thể, khách thể và mục tiêu của giáo dục và đào tạo:
Chủ thể quản lý nhà nước về GD-ĐT là các cơ quan có thầm quyền (cơ quan lập pháp, hành pháp) được quy định ở điều 87 của Luật Giáo dục.
Khách thể của quản lý nhà nước về GD-ĐT là hệ thống giáo dục quốc dân và mọi hoạt động GD-ĐT trong phạm vi toàn xã bội.
Mục tiêu GD-ĐT về tổng thể đó là việc bảo đảm trật tự kỷ cương trong các hoạt động GD-ĐT, để thực hiện được mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội, hoàn thiện và phát triển nhân cách của công dân; Tuy nhiên ở mỗi cấp học, bậc học đã được cụ thể hóa mục tiêu trong Luật giáo dục và điều lệ các nhà trường
Như vậy, có thể nói: Quản lý nhà nước về GD-ĐT là sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Bộ giáo dục từ trung ương đến cơ sở lên hệ thống GĐQD và các hoạt động giáo dục của xã hội nhằm nâng cao dân trí – đào tạo – bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và hoàn thiện nhân cách cho công dân. [13, tr.5]
Cần lưu ý rằng, quản lý nhà nước là việc thực thi ba quyền : Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội và hành vi của công dân. Còn quản lý nhà nước về GD-ĐT thực chất là thực thi quyền hành pháp để tổ chức, điều hành và điều chỉnh mọi hoạt động giáo dục đào tạo trong phạm vi toàn xã hội. Tuy nhiên, để quản lý có hiệu lực và hiệu quả, việc sử dụng quyền hành pháp phải kết hợp với quyền lập pháp và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Từ những cơ sở lý luận trên có thể hiểu: Quản lý nhà nước đối với hệ thống các trường đại học cao đẳng là nhà nước thực thi quyền hành pháp để điểu chỉnh các hoạt động trong HTGDĐH-CĐ đồng thời thể hiện sự cam kết của nhà nước đối với sự phát triển của giáo dục đào tạo. Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ ngành và ủy ban nhân dân các địa phương được phân cấp chia sẻ thực hiện cam kết đó, cần phân định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc quản lý các trường để tạo sự đồng thuận cao.

2. Đặc điểm quản lý nhà nước đối với hệ thống trường đại học cao đẳng tư thục

Một trong các mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về GD-ĐT là nhằm bảo đảm môi trường sư phạm thuận lợi cho việc thực hiện được mục tiêu giáo dục mà Nhà nước quy định. Từ các nhận thức trên, chúng ta thấy quản lý nhà nước về GD-CĐ có đặc điểm:
Thứ nhất: Vừa theo nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước đối với hoạt động của quản lý giáo dục đào tạo, vừa theo nguyên tắc hành chính giáo dục đối với một cơ sở giáo dục trong đó có cơ sở giáo dục đại học tư thục. Hành chính-giáo dục thực chất là triển khai chức năng, nhiệm vụ quyền hạn do Nhà nước quy định (phân cấp, phân công hoặc uỷ quyền). Các cơ quan, tổ chức thay mặt Nhà nước triển khai sự nghiệp GD-ĐT và điều hành, điều chỉnh các hoạt động GD-ĐT. Quản lý hành chính thực chất là việc xây dựng các văn bản pháp quy và chấp hành các văn bản, kết hợp với quản lý giáo dục là đưa việc xây dựng các văn bản vào các hoạt động chuyên môn của giáo dục làm cho mọi người hiểu được các quy định của văn bản để thực hiện cho đúng.
Thứ hai: Do các trường ĐH-CĐTT được huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước nên công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống các trường này cũng có những điểm khác biệt so với các trường công lập cả về mục tiêu, sứ mạng, tổ chức, cách thức huy động các nguồn lực…
Thứ ba: Về tổ chức bộ máy các trường tư thục cũng không giống như trường công lập, các trường tư bầu Hội đồng quản trị, còn các trường công thì có hội đồng trường và hoạt động của hai hội đồng này cũng có những điểm khác nhau. Mặt khác do tính tự chủ cao nên tổ chức bộ máy của trường tư thường gọn nhẹ nhưng nhiều khi họ lại thiết lập bộ máy tổ chức chưa hợp lý.
Thứ tư: Cách thức huy động vốn của trường tư thục thường đa dạng hơn, nhưng chủ yếu vẫn là sự đóng góp của người học, các trường tư rất ít được nhận từ sự tài trợ của nhà nước, việc huy động vốn từ cổ đông đóng góp thường chỉ góp ban đầu để thành lập trường. Đặc biệt do chưa có cơ chế hoạt động rõ ràng như doanh nghiệp nên các trường chưa có quyền phát hành cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Xã hội ngày càng phát triển thì xu thế các loại hình trường công và tư ngày càng xích lại gần nhau hơn, ở nước ta do các trường ngoài công lập mới ra đời và phát triển từ cuối những năm 80, đặc biệt những trường đại học cao đẳng ngoài công lập ra đời bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, do đó ít nhiều các trường ngoài công lập sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát triển như những trường công lập, để nhanh chóng hội nhập và học hỏi kinh nghiệm, các trường ngoài công lập đặc biệt là các trường tư thục thường xuyên liên hệ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các trường công lập và các trường ngoài công lập khác. Học hỏi trao đổi trên các lĩnh vực đào tạo như hỗ trợ tuyển sinh, xây dựng mục tiêu chương trình cho các ngành học, liên kết đào tạo của tất cả các bậc học từ trung học lên cao đẳng và đại học, trao đổi hỗ trợ giáo viên sinh viên, đặc biệt hệ thống các trường đại học cao đẳng tư thục. hiện tại các trường đại học cao đẳng ngoài công lập đã thành lập hiệp hội nhằm tăng cường giúp đỡ quan hệ nhau trên mọi lĩnh vực, đồng thời qua đó có những tiếng nói chung kiến nghị với nhà nước cũng như với Bộ GD&ĐT.
Qua nghiên cứu đặc điểm của trường tư thục cho thấy quản lý nhà nước với khu vực này cần phải có những đặc thù riêng, từ đó ta có thể hiểu QLNN đối với khu vực giáo dục tư thục: Quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục tư thục là nhà nước thực thi quyền hành pháp để điểu chỉnh các hoạt động trong hệ thống đại học cao đẳng tư thục đồng thời thể hiện sự cam kết của nhà nước đối với sự phát triển của khu vực này. Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân các địa phương được phân cấp chia sẻ thực hiện cam kết đó, cần phân định nội dung QLNN với nội dung quản lý nhà trường để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.   

Lý luận về quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

Lý luận về quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

3 Nội dung cơ bản quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

Nội dung QLNN theo Luật giáo dục đại học bao trùm toàn bộ hệ thống GDĐH-CĐ, do đó đối với hệ thống các trường tư thục cần phải xây dựng cơ chế quản lý riêng đối với lĩnh vực này, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính và cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tư thục. Nội dung QLNN đối với khu vực GDĐHCĐTT bao gồm những vấn đề:

3.1 Xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển khu vực giáo dục đại học, cao đẳng trong đó có trường tư thục.

Đây là kế hoạch tổng thể xây dựng mạng lưới các trường phù hợp với yêu cầu của xã hội, phù hợp với sự phát triển chung của cả hệ thống các trường đại học cao đẳng, phù hợp với chiến lược phát triển của toàn ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Kế hoạch tổng thể này được đề xuất, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phê chuẩn, đó là thể hiện sự nhất trí cao của các cấp lãnh đạo, là sự thống nhất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cho phép thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó.
Bảng 1.1 Xây dựng chiến lược quy hoạch hệ thống các trường ĐH-CĐ
Chiến lược phát triển giáo dục đại học cao đẳng là một căn cứ quan trọng để nhà nước chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược phát triển nhân lực và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu của chiến lược nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục giữa các vùng khác nhau để đạt được mặt bằng chung, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở giáo dục có điều kiện bứt phá mạnh, đi trước một bước, chiến lược cũng phân công rõ, cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo. Công tác xây dựng chiến lược quy hoạch phải được thực hiện chung cho toàn hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng. Vừa phải đảm bảo phát triển hệ thống các trường tư thục một cách hài hòa. Qua khảo sát các nhà quản lý trong và ngoài ngành giáo dục thì 92,5% (M: 3,38) số người được hỏi ý kiến đều đồng thuận với việc Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng chiến lược tổng thể chung của toàn ngành, đồng thời có 86,6% các nhà quản lý cho rằng công tác xây dựng quy hoạch phát triển khu vực GDĐHCĐTT phải nằm trong toàn hệ thống GDĐH-CĐ. Qua đó cho thấy công tác xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển khu vực GDĐHCĐTT là hết sức quan quan trọng nhằm đảm bảo cho khu vực này vận hành đồng bộ và có hiệu quả.

3.2 Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dùng để điều chỉnh toàn bộ hệ thống

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho các trường ĐH-CĐTT được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế. Đối với các trường tư thục do có những tính chất và đặc điểm riêng nên ngoài những văn bản áp dụng chung cho hệ thống các trường ĐH-CĐ thì cần xây dựng hệ thống pháp luật riêng cho các trường tư thục.
Các văn bản quy phạm pháp luật để điều hành và quản lý xã hội, quản lý Nhà nước bằng pháp luật là một nguyên tắc rất quan trọng của Hiến pháp. Nhất là khi nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế tập trung, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước thì việc hoàn thiện pháp luật về khu vực GDĐHCĐTT trở nên rất cần thiết. Ý nghĩa quan trọng hàng đầu của hoạt động này rà soát, hệ thống hóa để phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực tư thục. Mục tiêu trực tiếp của rà soát, hệ thống hóa là nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc loại bỏ các quy định, các văn bản không còn phù hợp, xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện, thống nhất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Kết quả khảo sát các nhà quản lý giáo dục cho thấy có 92,39% (M: 3,35) tán thành với quan điểm là Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống các trường tư thục thông các hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dùng để điều chỉnh đối với khu vực này. Tuy nhiên có tới 23 nhà quản lý chiếm tỷ lệ 24% chưa đồng thuận với chủ trương Bộ GD&ĐT giữ vai trò chủ đạo trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, điều đó cho thấy việc ban hảnh các văn bản đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện thêm những vấn đề lý thuyết cũng như quy trình kỹ thuật của việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với khu vực GDĐHCĐTT sẽ có tác dụng rất lớn, hỗ trợ cho hoạt động này trong tương lai.

3.3 Hình thành các cơ chế chính sách đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

Chính sách đối với khu vực GDĐHCĐTT trong cơ chế KTTT định hướng XHCN phải bảo đảm sản phẩm giáo dục vừa là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa là một loại sản phẩm dịch vụ riêng có. Vì vậy, một mặt chính sách phải làm cho nó đáp ứng nhiều hơn với nhu cầu của thị trường, đồng thời chính sách phải phát huy được vai trò định hướng và hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực này. Nhà nước sử dụng công cụ chính sách để tác động, can thiệp vào quá trình vận động của khu vực GDĐHCĐTT nhằm loại bỏ hoặc hạn chế, những ảnh hưởng xấu của cơ chế thị trường, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời nó còn là cơ sở tạo ra sân chơi bình đẳng, rộng rãi cho các đối tác trong toàn xã hội tham gia phát triển hệ thống. Thực tế của các nước phát triển chỉ ra rằng, hệ thống các trường tư thục chỉ có thể phát triển bền vững, lành mạnh và đúng định hướng trên nền tảng của một hệ thống thể chế, pháp luật đầy đủ, ổn định. Với ý nghĩa đó, việc hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, các quy phạm điều hành quản lý ở cấp vĩ mô cần được tiến hành thường xuyên để theo kịp với quá trình phát triển của KT-XH. Hệ thống thể chế mới phải ngày càng tăng cường chức năng quản lý vĩ mô của nhà nước, đồng thời nâng cao quyền chủ động cho các cơ sở đào tạo. Nhà nước chỉ nên thực hiện vai trò, chức năng của người trọng tài điều khiển hơn là trực tiếp tham gia vào hoạt động của các trường tư thục.
Khảo sát các nhà quản lý giáo dục cho thấy có 75,79% đồng ý với ý kiến cho rằng Nhà nước thông qua Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong việc ra những chính sách để áp dụng chung cho toàn khu vực GDĐHCĐTT, đồng thời các nhà quản lý giáo dục cũng mong muốn cần phải xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho khu vực GDĐHCĐTT phát triển.
Cơ chế chính sách thông thoáng còn có vai trò tạo lập môi trường thuận lợi, an toàn và bình đẳng, nó được biểu hiện thông qua các yếu tố như: hạ tầng cơ sở tốt, hệ thống pháp luật đầy đủ, ổn định, nền hành chính rõ ràng và bộ máy công quyền trong sạch, lành mạnh… Những yếu tố trên đều do nhà nước tạo dựng nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước đáp ứng mục tiêu phát triển của toàn hệ thống. Môi trường thuận lợi còn thể hiện ở sự lành mạnh, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các trường công lập với các trường tư thục. Đồng thời với vai trò Nhà nước là chủ thể quản lý cao nhất, là người đại diện cho quyền lợi của cả cộng đồng quốc gia, chỉ có Nhà nước mới có đủ tư cách, sức mạnh, tiềm lực để thực hiện quyền bảo hộ. Thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật và bộ máy hành chính, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như: quyền sở hữu, quyền tự do đào tạo theo pháp luật quy định, bảo vệ bản quyền, thương hiệu nhà trường…
Do các trường tư thục mới hình thành và phát triển, vì vậy họ còn rất non trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên nhà nước cần phải có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về ưu đãi tín dụng, thậm trí cấp cả NSNN cho đào tạo theo nhiệm vụ giao… nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở tư thục có điều kiện tồn tại và phát triển.

3.4 Thực thi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục

Nội dung kiểm tra, giám sát gồm kiểm định chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo; cơ sở vật chất, giám sát tuân thủ các tiêu chuẩn về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và thực hiện các tuyên bố về sứ mạng và cam kết với sinh viên.
Ghi chú: Kết quả khảo sát các nhà quản lý giáo dục tại Việt Nam; Kiểu trả lời Đ: đồng ý; M: Mong muốn; Tần suất trả lời (F) 4: Tích cực nhất, 1: không tích cực nhất.
Hầu hết các nhà quản lý giáo dục chiếm 92,3% đều cho rằng cần phải tăng cường công tác kiểm tra thông qua việc áp dụng bằng nhiều biện pháp như tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục… đối với khu vực GDĐHCĐTT tại Việt Nam, có như vậy mới điều chỉnh được hệ thống các trường tư thục hoạt động theo những kỳ vọng của nhà nước và của xã hội. Ngoài ra nội dung quản lý nhà nước với trường đại học, cao đẳng tư thục cần thể hiện sự phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa Bộ giáo dục và đào tạo và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố:
Bộ GDĐT quản lý về mặt nhà nước đối với các trường ĐH-CĐTT, tất cả các vấn đề từ việc rà soát quá trình, điều kiện, thủ tục thành lập trường, đến công tác tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo, kiểm tra quá trình đào tạo. Công tác quản lý được thể hiện bởi những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa trường đại học tư thục với các đối tượng trong xã hội phải điều chỉnh như các trường đại học cao đẳng khác, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.
Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố quản lý giám sát các trường ĐH-CĐTT, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, đây là cơ quan thay mặt Nhà nước theo dõi hoạt động của hệ thống các trường tư thục, các trường đại học cao đẳng tư thục có hoạt động đúng hay không.

4 Các nhân tố tác động đến quản lý nhà nước đối với hệ thống trường đại học cao đẳng tư thục

4.1 Quan điểm và cam kết của nhà nước đối với vai trò của hệ thống trường đại học cao đẳng tư thục

Mỗi quốc gia trong từng giai đoạn phát triển của mình sẽ có các điều kiện kinh tế xã hội riêng. Để phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước thì mỗi quốc gia khác nhau đều xây dựng hệ thống giáo dục khác nhau. Sự vận hành của khu vực này và hiệu quả hoạt động của nó phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và cam kết của nhà nước. Các cam kết này thể hiện qua các khía cạnh sau:
a) Nhà nước thừa nhận vai trò của Trường ĐH-CĐTT. Điều này phải được thể hiện qua việc chủ động trong việc hình thành và phát triển hệ thống các trường ĐH-CĐTT. Mặc dù các trường đại học công lập vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giáo dục đại học, nhưng các trường ĐH-CĐTT được khuyến khích thành lập nhằm hỗ trợ các trường công lập trong việc giải quyết và đáp ứng nhu cầu được đào tạo ở trình độ cao của người dân. Việc thừa nhận này cần được thể chế hóa bằng Hiến pháp, luật và những văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục tư thục phát triển. Trường đại học ĐH-CĐTT là một phần trong hệ thống giáo dục quốc dân, cùng các trường công lập đem lại cơ hội học tập tốt hơn cho người dân.
b) Thừa nhận sự cần thiết của việc xã hội hóa giáo dục ĐH-CĐ. Một trong những ý kiến chủ chốt được nhiều nhà kinh tế và giáo dục tán đồng là ý kiến về tư nhân hóa giáo dục. Nhìn chung khi một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức thì việc cải cách các quyền sở hữu là một điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ để cải thiện việc sử dụng các tài sản.
c) Chính sách phát triển khu vực tư thục, dân lâp và công lập. Nhà nước cần xây dựng định hướng phát triển giáo dục đại học, mà đại diện là Chính phủ phải xây dựng hệ thống luật pháp cho các trường đại học biết mình được làm những gì và không được làm gì trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đồng thời Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo là người tổ chức cho các trường thực hiện điều tiết kiểm tra giám sát và đánh giá hệ thống các trường, đặc biệt là các trường tư thục.
d) Chế độ khuyến khích phát triển khu vực tư thục. Chế độ khuyến khích cần được thể hiện chủ yếu qua việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư vào giáo dục tư thục. Môi trường đầu tư này thông thường được tạo nên bởi một hệ thống pháp luật ổn định và vững chắc, các quy định về lao động cởi mở, cơ sở hạ tầng thuận tiện, một môi trường chính sách thuận lợi đặc biệt là cần thiết. Khi các chính sách đảm bảo không hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân trong GDĐH-CĐ thì một môi trường đầu tư tốt sẽ xuất hiện.

4.2 Các nhân tố tác động đến quản lý nhà nước đối với hệ thống trường đại học cao đẳng tư thục

Những nhân tố tác động đến quản lý nhà nước đối với hệ thống các trường đại học cao đẳng tư thục bao gồm:
a) Về sự mở rộng và xu thế toàn cầu hóa trong giáo dục trên cơ sở “Hiệp định chung về thuế quan và thương mại” (Gereral Agreement on Tarifs and trade) ký vào năm 1947, sau vòng đàm phán thứ 8 bắt đầu tại Urugoay năm 1986 và kết thúc tại Marrakesh (Ma rốc) năm 1994, ngày 15 tháng 4 năm 1994, 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định thành lập WTO. Tại vòng đàm phán Urugoay, lần đầu tiên việc thương mại các lĩnh vực dịch vụ được thương thảo và đi đến ký kết Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS. Riêng về giáo dục thì tại khoản 3 điều 10 của GATS có nêu: Trừ hoạt động giáo dục có nguồn tài trợ triệt để của quốc gia, còn lại tất cả các hoạt động giáo dục có thu phí, hoặc mang tính thương mại đều thuộc phạm trù thương mại giáo dục.
Nhiều quốc gia ủng hộ GATS trong các chính sách về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Lý lẽ ủng hộ GATS thường là: việc trao đổi dịch vụ giáo dục đại học sẽ tăng vì thêm nhiều nhà cung cấp mới và các thể thức cung cấp mới; tăng số sinh viên được thụ hưởng giáo dục đại học, tăng lợi ích về kinh tế cho người cung cấp giáo dục đại học và cho đất nước.
Tuy nhiên có nhiều quan điểm phê phán tự do hóa dịch vụ giáo dục vì những lý do sau:
– Một là phải hiểu thế nào là vấn đề dịch vụ công của chính phủ được loại trừ khỏi phạm vi GATS trong khi cùng tồn tại dịch vụ giáo dục công và tư. Điều I (3) của GATS ghi rõ: “Bất cứ dịch vụ nào trong bất cứ lĩnh vực nào ngoại trừ dịch vụ được cung cấp để thi hành quyền của chính phủ”. Như vậy những trường hợp như là giáo dục đại học thì dịch vụ công và tư cùng tồn tại có phải là dịch vụ giống nhau hay cạnh tranh nhau không.
– Hai là GATS làm cho giáo dục đại học đi chệch quan niệm là hàng hóa công cộng, đe dọa việc bảo vệ chất lượng giáo dục đại học, làm cho chính sách giáo dục bị méo mó do thương mại hóa và lợi ích kinh tế bị chi phối. Thương mại hóa giáo dục là một thực tế, nhưng giáo dục đại học không thể mua bán như các hàng hóa khác. Chính phủ và các trường đại học không thể để mất quan niệm đây là một thứ hàng hóa công cộng được cung cấp vì lợi ích xã hội mà không vì lợi ích cá nhân và hướng tới một mục tiêu “Lợi ích công cộng toàn cầu” (global public good).
– Ba là GATS tác động đến những vấn đề trung tâm của giáo dục đại học: Tự chủ, ra quyết định, chính sách quốc gia….Một khi chấp nhận GATS, quốc gia đó có thể phải mở cửa thị trường giáo dục đại học để các trường đại học, công ty nước ngoài vào làm việc tự do lập chi nhánh, cấp bằng… Các nhà chức trách của nước sở tại sẽ không kiểm soát được. Các trường đại học trong nước có thể phải tiếp nhận người nước ngoài vào làm việc như người bản xứ. GATS đặc biệt tác động mạnh đối với các nước có nền giáo dục đại học yếu.
b) Về môi trường xã hội các cơ sở đào tạo tư nhân rất dễ bị phê phán vì thiếu trách nhiệm đối với thái độ, lòng tin và giá trị về mặt xã hội của các cá nhân, những nhóm riêng lẻ hoặc cả các tổ chức xã hội. Những thái độ cư xử và các giá trị là khác nhau giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa các sinh viên và cựu sinh viên, giữa cha mẹ học sinh và học sinh, giữa những người ở tỉnh này và tỉnh khác….. sự khác biệt về các giá trị gây ra những khó khăn cho cả việc lập chính sách đối với khu vực GD-ĐHCĐ ngoài công lập, và khó khăn không nhỏ cho các trường trong việc thiết kế một môi trường có lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ và sự thỏa mãn mọi người.
Sự bùng nổ mới đây về những niềm tin xã hội: càng ngày một niềm tin mạnh mẽ vào quyền con người được học tập, được làm việc, được nhận trợ giúp vật chất nếu như họ có khả năng học tập mà không có khả năng đóng học phí, tính công bằng về giáo dục được đảm bảo đối với những nhóm dân cư bị thiệt thòi (người nghèo, nông thôn, dân tộc ít người, phụ nữ…). tất cả các đòi hỏi này buộc khi định ra chính sách phát triển khu vực tư thục phải tính tới các chính sách đi kèm nhằm tạo những cơ hội tốt hơn về giáo dục cho mọi người.
Những quy tắc đạo đức và hành vi theo đạo lý có thể đem lại lợi ích cho cả người học và cho cả khu vực giáo dục tư thục:
Những người làm việc cho các trường ngoài công lập có lợi nhờ những quy tắc đạo đức, họ có thể hy vọng rằng những quan hệ của họ với trường tư sẽ được chỉ đạo bởi những cách suy xét theo đạo đức.
Những học sinh, sinh viên học ở các cơ sở đào tạo tư thục, dân lập có lợi nhờ các quy tắc đạo đức bởi vì họ hy vọng rằng những việc giảng dạy, học tập được xử thế theo một phương thức thẳng thắn và lương thiện. tiếp đó chính niềm hy vọng này và bằng việc giảng dạy có chất lượng sẽ mang lại cho người học niềm tin tưởng, tăng thêm việc quan hệ với cơ sở đào tạo.
Cả khu vực tư thục có thể được lợi khi các cơ sở đào tạo thống nhất và đồng ý về hành vi theo đạo lý. Lập trường thống nhất của họ có thể làm tăng mức độ cạnh tranh lành mạnh, thẳng thắn và hạn chế những cách thực hành phi đạo lý (quảng cáo giả, chất lượng đào tạo thấp…).
Hai yếu tố quan trọng nhất để tăng cường hành vi theo đạo lý đó là: sự mở rộng công khai và tính chất công khai; mối quan tâm được tăng thêm của công chúng được thông tin tốt hơn.
Các quy chế của nhà nước và sự giáo dục phải tuân theo những yếu tố này để tăng cường tính trách nhiệm của các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Những điều khoản quy định sẽ làm tăng sức mạnh, làm cho các quy tắc đạo đức có hiệu quả. Khi mà các cơ sở đào tạo tư nhân làm trái các quy tắc đã chấp nhận thì những đặc quyền, những lợi ích khác nhau cần phải bị rút bỏ và cần áp dụng các khoản phạt.
Trách nhiệm xã hội của các trường tư nhân và các chỉ số giám sát của nhà nước về đào tạo.
c) Về cơ chế quản lý Nhà nước cần thiết phải xây dựng cơ chế tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học. Không thể chấp nhận tình trạng giao tự chủ thì hiệu trưởng, giám đốc các trường đại học được toàn quyền quyết định mà không có cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực của hiệu trưởng. Vì vậy, nhà nước cần thiết phải xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm, thông qua một khung pháp lý cụ thể, theo đó các trường được quyền tự quyết định mọi vấn đề nhưng nếu vượt qua sẽ vi phạm chính sách pháp luật.

5 Các mô hình quản lý nhà nước về giáo dục đại học cao đẳng

Quản lý nhà nước về GDĐH-CĐ dựa trên một số mô hình có tính bao quát là: Thứ nhất là kiểm soát nhà nước hay Nhà nước kiểm soát (state control model), thứ hai là giám sát nhà nước hay Nhà nước giám sát (state-supervising model), thứ ba là quản lý công mới (the new public management); thứ bốn là dựa vào thị trường (market-based model).
– Ở Mô hình kiểm soát nhà nước, nhà nước thành lập, sở hữu, tài trợ, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các trường đại học [78, tr.27]. Dựa trên “sự kiểm soát và việc lập kế hoạch theo lý trí”, nhà nước điều khiển các quyết định và hành động của các nhân tố khác trong hệ thống, trực tiếp lập kế hoạch chiến lược và phân phối các ưu tiên cho các trường [76, tr.20]. Bộ giáo dục quốc gia nắm quyền kiểm soát tập trung các trường và các chính khách trực tiếp bổ nhiệm hiệu trưởng. Trường đại học có quyền tự chủ rất hạn chế, rất thụ động, hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan nhà nước.
Hình thức Nhà nước toàn trị (the sovereign state) của Olsen (1988) được Gornitzka & Maassen (2000) phát triển cho thấy GDĐH-CĐ được xem như là công cụ để tiếp cận các mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội, các trường đại học phải thực hiện vai trò nghị sự chính sách GDĐH-CĐ của nhà nước [80, tr.270]. Tự chủ chỉ xuất hiện khi nhà nước quá tải, khi đó, một số quyết định có tính kỹ thuật có thể được chuyển giao cho cấp trường. Hình thức QLNN theo kế hoạch hóa tập trung và bao cấp mà Liên Xô và các nước XHCN áp dụng trước đây là đơn cử về sự kiểm soát cao độ đối với trường đại học mặc dù cũng có một sự phân cấp quyền hạn nhất định cho các trường [62, tr.53], [69, tr.378, 379].
Mô hình có tính kiểm soát tạo thuận lợi trong đầu tư tập trung nguồn lực, dễ dàng định hướng hoạt động của trường đại học nhằm đạt được mục tiêu quốc gia ngắn hạn. Tuy nhiên, nó không khuyến khích sự tự chủ và tính trách nhiệm; không giúp giải quyết vấn đề tài chính và làm xói mòn các nguyên tắc quản trị tốt. Sự tham gia sâu của các chính khách có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, xin cho hay chủ nghĩa cơ hội (The Task Force on HE & Society, 2000) [65, tr.53]. Các trường bị cô lập đối với các mục tiêu chính sách công cộng.
– Sự khiếm khuyết của Mô hình kiểm soát đã thối thúc các nước chuyển sang Mô hình giám sát nhà nước dựa trên “sự tự điều chỉnh”. Theo đó, nhà nước ảnh hưởng hạn chế hơn đối với trường đại học nhưng vẫn giữ vai trò quản lý vĩ mô, giám sát hệ thống và “điều khiển từ xa”. Trường đại học được trao quyền quyết định tương lai của mình, thiết lập các ưu tiên dựa trên những nguồn lực đa dạng hơn của cả nhà nước và tư nhân. Mục đích việc giám sát là nhằm cân bằng trách nhiệm của nhà nước với yêu cầu tự chủ của trường đại học [65, tr.53]. Sự cân bằng được thực hiện thông qua các cơ chế đệm, cơ chế phối hợp đảm bảo chất lượng, việc hướng dẫn chính sách và duy trì hệ thống chịu trách nhiệm. Trong một số lĩnh vực hoạt động, các trường chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, tự do hoặc có kiểm soát [76, tr.20]. Mô hình giám sát cho thấy nhiều ưu điểm, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, vừa khuyến khích các trường chủ động trong hoạt động.  
– Ở hình thức Quản lý công mới, quản lý GDĐH dựa trên cơ chế thị trường. Việc quản lý của nhà nước đối với các trường đại học gắn với sự đo lường kết quả thực hiện, các hệ thống quản lý và theo dõi cũng như sự gia tăng các hệ thống kiểm toán trong khi việc trao quyền quản lý chính thức thì mang tính thầu khoán [81, tr.335]. Nhà nước thực hiện vai trò “lái thuyền” hơn là “chèo thuyền”. Người ta xem đây như là dạng thức kinh doanh với sự tiếp cận giám sát chất lượng. Trong đó, có sự kết hợp giữa sự tự chủ thủ tục, nhất là trong quản lý tài chính và điều hành với sự giám sát của nhà nước trong đào tạo và nghiên cứu. Đặc điểm chung của hình thức này là: i) tăng cường được chức năng quản trị bên trong nhà trường; ii) nhà nước và nhà trường cùng thiết lập các ưu tiên, bao gồm: hợp đồng hóa quan hệ nhà nước và các trường, đánh giá mục tiêu và sử dụng chỉ số thực hiện; iii) định hướng khách hàng, tập trung vào chất lượng; và iv) giá trị bằng tiền với sự nhấn mạnh chi phí hoàn trả. Vai trò của nhà nước là phát triển thị trường giáo dục nội bộ, vừa khuyến khích các nhà cung cấp tư nhân tham gia vừa chấp nhận sự rút khỏi thị trường của các nhà cung cấp công lập bị thất bại. Bộ và các cơ quan của Bộ thực hiện điều khiển các trường bằng việc xây dựng các mục đích và hợp đồng thành tích rõ ràng.
Thách thức lớn nhất của mô hình này là nó đòi hỏi năng lực quản lý tốt của cả cấp trường và cấp hệ thống, nhất là khả năng xác định mục tiêu phù hợp có thể đánh giá được.
– Ở Mô hình dựa vào thị trường thì vai trò thị trường được nhấn mạnh và xem như cơ chế phối hợp. Người ta quan niệm đào tạo và nghiên cứu có thể trao đổi chứ không đơn thuần là hàng hoá công cộng. Khái niệm chỉ huy và kiểm soát ít được nhấn mạnh và quản lý các trường đại học có sự dịch chuyển, từ can thiệp đến đánh giá. Vai trò của nhà nước không bị thu hẹp mà là được xác định lại, một mặt, khơi dậy sức mạnh các lực lượng thị trường, tạo áp lực để thúc đẩy chất lượng và cạnh tranh giữa các trường, còn mặt khác thì phát hiện, ngăn chặn hay điều chỉnh khuyết tật của thị trường. Chức năng các trường công được nhận thức lại và quá trình tư nhân hóa GDĐH-CĐ được đẩy mạnh. Các trường phải cân nhắc tín hiệu thị trường và phải cạnh tranh trong tuyển sinh hay nghiên cứu. Tài trợ công chỉ ở mức tối thiểu và các trường phải chịu “áp lực kinh doanh”, [76, tr.21]. Ưu điểm của mô hình này là nó bảo đảm được sự tự chủ cao của một trường đại học, nhất là thúc ép được việc cải thiện chất lượng và giảm chi phí nhờ cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên, sự cạnh tranh có thể dẫn tới sự phân tầng chất lượng và mức học phí trong hệ thống GDĐH-CĐ, người nghèo thì thường khó tiếp cận tầng chất lượng cao. Đặc biệt, đó là nguy cơ về vai trò nhà nước bị vô hiệu hoá và sự bóp méo thị trường. Nhà nước theo đuổi chính sách phát triển giá thành đúng chi phí đào tạo và các hợp đồng nghiên cứu thì được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Tóm lại qua nghiên cứu bốn mô hình quản lý nhà nước về giáo dục đại học cho thấy mỗi mô hình có những ưu và nhược điểm khác nhau, với điều kiện ở nước ta hiện nay và định hướng trong thời gian tới. Qua sự phân tích, sàng lọc thì mô hình giám sát nhà nước kết hợp với mô hình dựa vào thị trường sẽ cho mô hình tương đối phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

The post Lý luận về quản lý nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học cao đẳng tư thục appeared first on Luận văn 1080.



from Luận văn 1080 http://bit.ly/2IkrSyk
via gqrds

No comments:

Post a Comment