Tuesday, February 19, 2019

Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế

Việc QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây vẫn là vấn đề đang được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới nghiên cứu. Bài viết xin chia sẻ cơ sở lý luận của quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

1. Khái niệm quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

1.1 Khái niệm quản lý

Quản lý trong xã hội nói chung là quá trình tổ chức và điều hành các hoạt động nhằm đạt được những mục tiêu và yêu cầu nhất định, dựa trên những quy luật khách quan.

“QLNN là sự tác động, tổ chức, điều chỉnh mang tính quyền lực Nhà nước, thông qua các hoạt động của bộ máy Nhà nước, bằng phương tiện, công cụ, cách thức tác động của Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội theo đường lối, quan điểm của Đảng cầm quyền” (Trần Ngọc Uẩn, 2004, trang 20).

Theo nghĩa rộng, QLNN là hoạt động tổ chức, điều hành của bộ máy Nhà nước, nghĩa là nó bao hàm cả sự tác động, tổ chức của quyền lực Nhà nước trên các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo cách hiểu này, QLNN được đặt trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Theo nghĩa hẹp, QLNN là quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người theo pháp luật, nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ QLNN. CQNN nói chung còn thực hiện các hoạt động có tính chất chấp hành, điều hành, tính chất hành chính Nhà nước nhằm xây dựng, tổ chức bộ máy và củng cố chế độ công tác nội bộ của mình. Chẳng hạn, ra quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập các đơn vị, tổ chức thuộc bộ máy của mình, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, ban hành quy chế làm việc nội bộ. Những hoạt động trên cũng là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trong nội bộ CQNN.

Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế

Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế

1.2 Khái niệm quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin

“QLNN đối với lĩnh vực CNTT là việc Nhà nước sử dụng quyền lực công để điều chỉnh các hoạt động CNTT nhằm xây dựng, tổ chức, lưu trữ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động KT-XH, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”

Theo khái niệm này, QLNN đối với lĩnh vực CNTT đó là xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT; hình thành nên các tổ chức với cơ cấu và cơ chế hoạt động thích hợp để quản lý các hoạt động CNTT.

Cũng theo khái niệm này, QLNN còn là sự thúc đẩy, kích thích đảm bảo phát triển ổn định và liên tục của CNTT thông qua: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, phát triển nguồn nhân lực về CNTT, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, chiến lược phát triển CNTT và ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội…

1.3 Khái niệm quản lý Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin

QLNN về ứng dụng CNTT là việc nhà nước sử dụng quyền lực công để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng CNTT nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của ứng dụng CNTT vào hoạt động của tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động này.

Đó là việc xây dựng tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực về ứng dụng CNTT, ban hành các chủ trương chính sách và các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT, để đảm cho bảo ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả cao nhất nhằm phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy cải cách hành chính. Cùng với đó là việc xây dựng và ban hành các kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ứng dụng CNTT.

2. Nội dung, đặc điểm của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

2.1. Nội dung quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

Nội dung quản lý nhà nước về công nghệ thông tin:

Theo luật CNTT nội dung QLNN về CNTT quy định quản lý về hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Nội dung QLNN về CNTT gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách ứng dụng và phát triển CNTT.

Thứ hai, xây dựng, ban hành, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT.

Thứ ba, quản lý an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT. Thứ tư, tổ chức quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Thứ năm, quản lý và tạo điều kiện thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế về CNTT. Thứ sáu, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực CNTT. Thứ bảy, xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực CNTT.

Thứ tám, xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định về việc huy động nguồn lực CNTT phục vụ quốc phòng, an ninh và các trường hợp khẩn cấp theo quy định.

Thứ chín, quản lý thống kê về CNTT.

Thứ mười, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực CNTT (Quốc hội, 2006, trang 3).

Nội dung quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước:

QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN không nằm ngoài các nội dung QLNN về CNTT nói chung. Đồng thời công tác QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN cũng có các đặc thù riêng:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin.

Tổ chức bộ máy QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN là việc xây dựng bộ máy quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn ứng dụng CNTT cũng như vận hành, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng CNTT. Khác với bộ máy QLNN đối với lĩnh vực CNTT, bộ máy QLNN về ứng dụng CNTT hiện nay còn có một cấp trung gian, đó là Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT các cấp.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách ứng dụng CNTT.

Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch và chính sách ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nội dung quan trọng trong công tác QLNN về ứng dụng CNTT. Công tác quy hoạch phát triển CNTT giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể và định hướng để phát triển CNTT, nhằm mục đích nâng cao vai trò QLNN đối với lĩnh vực CNTT, ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ cải cách hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công. Nó tạo cơ sở để CQNN đầu tư ứng dụng CNTT theo đúng định hướng.

Kế hoạch ứng dụng CNTT, giúp CQNN có hướng đầu tư đúng đắn các ứng dụng CNTT, trên cơ sở đánh giá thực trạng để đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện. Nó bao gồm kế hoạch từng giai đoạn (thường là 5 năm), kế hoạch hàng năm, kế hoạch phát triển từng lĩnh vực cụ thể (kế hoạch phát triển hạ tầng, kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kế hoạch ứng dụng…).

Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về ứng dụng CNTT là nội dung không thể thiếu được đối với công tác QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, đó là các chính sách về ưu tiên ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT góp phần tích cực cho công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá nền hành chính hướng tới Chính phủ điện tử.

Thứ ba, xây dựng quy chế, quy định và tổ chức hoạt động ứng dụng CNTT. Để ứng dụng CNTT trong CQNN hoạt động mang lại hiệu quả cao cần xây dựng và ban hành các quy định, quy chế về tổ chức và hoạt động ứng dụng CNTT như quy định về đầu tư cho ứng dụng CNTT; quy chế quản lý và vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT; quy chế hoạt động và cung cấp thông tin…

Thứ tư, quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin, bảo đảm kỹ thuật, an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, yếu tố hàng đầu là phát triển hạ tầng CNTT. Đó là hạ tầng kỹ thuật (mạng máy tính, máy tính và các thiết bị phụ trợ khác), hệ thống truyền dẫn… Quản lý phát triển hạ tầng CNTT là việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy định về phát triển hạ tầng CNTT, đảm bảo hạ tầng CNTT phát triển một cách thống nhất, đúng quy chuẩn kỹ thuật, có hiệu quả trong ứng dụng CNTT phục vụ tốt hoạt động của CQNN.

Thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của CQNN có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống KT-XH và được pháp luật quy định đảm bảo an toàn, bí mật. Quản lý an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của CQNN là xây dựng hệ thống thiết bị (phần cứng, phần mềm) và các quy định để đảm bảo không để lộ, lọt và mất thông tin. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định đó.

Thứ năm, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực CNTT. Quản lý và phát triển nguồn nhân lực cho CNTT là yếu tố then chốt, có ý

nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng CNTT vào phát triển KT-XH nói chung và ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN nói riêng. Quản lý phát triển nguồn nhân lực CNTT chính là xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng, như xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn và đào tạo lại đội ngũ này với nhiều mức độ qui mô, loại hình và đối tượng đào tạo, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT.

Thứ sau, công tác thống kê và kiểm tra việc thực hiện các quy định Nhà nước về ứng dụng CNTT.

Việc thống kê và kiểm tra các quy định của Nhà nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng thể về ứng dụng CNTT của các cơ quan CQNN cũng như việc chấp hành các quy định của Nhà nước về ứng dụng CNTT.

Hiện nay hàng năm Bộ TT&TT, UBND cấp tỉnh đều tổ chức thống kê, đánh giá ứng độ ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số tỉnh đã tiến hành thống kê và đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Sở, Ban, ngành và UBND cấp huyện.

Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế

Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế

2.2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ nhất, quản lý phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự phối hợp cao. CNTT là công nghệ mũi nhọn, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, luôn có sự thay đổi. CNTT được phổ biến và ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh mọi đối tượng đều có thể tham gia vào các hoạt động của CNTT. Điều đó, cho thấy tính phức tạp trong công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT. Đây không chỉ là quản lý ở một ngành, một lĩnh vực hay một phạm vi nào đó, mà phải bao quát tất cả. Quản lý trong điều kiện phát triển, thay đổi liên tục cả về nội dung, hình thức.

QLNN đối với lĩnh vực CNTT không đơn thuần chỉ là vấn đề quản lý kỹ thuật, mà phải quản lý cả về thông tin, dữ liệu, việc xây dựng, cung cấp, truyền tải, khai thác thông tin, dữ liệu. Tính nhạy cảm đối với thông tin ngày nay đã và đang được đặt ra cho công tác QLNN nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp cần phải giải quyết, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế…

Tính phức tạp và nhạy cảm trong công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành để CNTT thực sự phát huy vai trò trong phát triển KT-XH. Đó là sự phối hợp trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy định về quản lý CNTT.

Thứ hai, QLNN về CNTT không giới hạn về không gian và thời gian. Cuộc cách mạng CNTT đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và biến đổi hàng ngày. Ở bất cứ nơi đâu, quốc gia nào trên thế giới, CNTT cũng đã được đưa vào khai thác sử dụng. Thông qua CNTT, các ứng dụng của CNTT chúng ta có thể nắm bắt kịp thời, nhanh nhất những diễn biến về chính trị, tình hình KT-XH của toàn thế giới.

Bên cạnh những ưu điểm đó, CNTT cũng đặt ra những thách thức trong quản lý không bị giới hạn về không gian và thời gian đó là đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo kịp thời, nhanh nhất thông tin phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý về CNTT phải có trình độ. CNTT là công nghệ có nhiều tầng lớp, là lĩnh vực phát triển và đào thải nhanh, được phổ biến và ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải có trình độ. Trước hết, người cán bộ quản lý phải là người am hiểu về công nghệ và các xu hướng phát triển của nó để tham mưu cho cơ quan, cấp có thẩm quyền đưa ra các chính sách, quy định trong hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT. Đồng thời, phải là người có tư duy tổng hợp tốt để giải quyết tính phổ biến của CNTT.

Thứ tư, QLNN về CNTT đòi hỏi phải có tính cập nhật. Với đặc điểm phát triển và đào thải nhanh của CNTT, quản lý không bị giới hạn về không gian và thời gian, QLNN đối với lĩnh vực CNTT đòi hỏi phải có tính cập nhật. Đó là, nắm bắt kịp thời tình hình và xu hướng phát triển của CNTT, cập nhật, truyền tải kịp thời thông tin phục vụ phát triển KT-XH. Thực tiễn ngày nay, tính cập nhật trong QLNN đối với lĩnh vực CNTT đang được phát huy tác dụng. Thông qua CNTT, mọi hoạt động của đời sống xã hội được phản ánh kịp thời tới người dân. Đặc biệt là thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong phát triển KT-XH.

3. Tầm quan trọng của QLNN đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.

CNTT đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sốngKT-XH. Công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT có tầm quan trọng trong việc phát huy vai trò của nó, đó là:

Thứ nhất, đảm bảo tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong xã hội hiện nay, thông tin đã trở thành một nguồn tài nguyên (tài nguyên thông tin). Tài nguyên thông tin cũng giống như những tài nguyên vật chất khác (như đất đai, rừng, khoáng sản, năng lượng…) là tài sản cực kỳ quý giá của đất nước, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Việc khai thác và ứng dụng tài nguyên thông tin đã trở thành một ngành nghề kinh doanh của rất nhiều nước (kinh doanh thông tin), và cũng đã trở thành điểm tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế các nước. Tài nguyên thông tin cũng là nguồn tài nguyên mang tính chiến lược quan trọng, vị trí của nó trong các lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, chính trị…và giá trị ứng dụng thực tế ngày càng được nâng cao, tài nguyên thông tin và các thiết bị được thông tin hoá đã trở thành thứ dùng để thể hiện sức mạnh tổng hợp của một quốc gia.

Bên cạnh vấn đề về tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được xác định có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống KT-XH. Cơ sở dữ liệu ngày nay được biết đến như một thư viện, một nguồn thông tin đáng tin cậy mà trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn thông tin có độ tin cậy và tính pháp lý cao. Mọi thông tin đều có thể truy cập, tiếp cận từ hệ thống các cơ sở dữ liệu khác nhau và có tính mở, nhờ đó các thông tin, dữ liệu đều được chia sẻ và trở thành tài sản chung của cộng đồng. Để đảm bảo tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thì vai trò của QLNN đối với lĩnh vực CNTT được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CTTT. Sự phát triển nhanh và mạnh của CNTT trong năm qua đã phát sinh nhiều lỗ hổng trong công tác an ninh, bảo mật. Nhiều cơ quan, đơn vị đã phải đối mặt với việc hình thành và lan tràn nhiều biến thể virus mới, việc tấn công trên mạng ngày càng nở rộ với quy mô mang tính chất quốc tế rõ rệt, với mục đích vụ lợi và đánh cắp tài chính. Các Trang/Cổng thông tin điện tử trong nước liên tiếp bị tấn công với mức độ phức tạp và ngày càng gia tăng…

Luật CNTT đã quy định về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin và an ninh thông tin: Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia phải được bảo vệ. UBND các cấp, lực lượng vũ trang và tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng thông tin có trách

nhiệm phối hợp bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng thông tin thuộc thẩm quyền quản lý; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng thông tin và an ninh thông tin của CQNN có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng thông tin có trách nhiệm tạo điều kiện làm việc, kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết để CQNN có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin khi có yêu cầu (Quốc hội, 2006, trang 21).

Để làm được điều đó, vai trò của QLNN đối với lĩnh vực CNTT rất quan trọng, đó là: xây dựng các cơ chế chính sách, quy định về an toàn, an ninh thông tin, đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Thứ ba, đảm bảo ứng dụng và sử dụng CNTT vào hoạt động thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT đó là: Ưu tiên ứng dụng và phát triển CNTT trong chiến lược phát triển KT-XH và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vai trò của QLNN đối với lĩnh vực CNTT là triển khai thực hiện chính sách đó với các nội dung chủ yếu:

– Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

– Ứng dụng CNTT trong thương mại.

– Ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa thể thao, du lịch, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác.

Chính sách của Nhà nước về đảm bảo ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực này được thể hiện: Nhà nước có chính sách khuyến khích ứng dụng CNTT trong việc dạy, học, tuyển sinh, đào tạo và các hoạt động khác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo trên môi trường mạng, chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong giáo dục – đào tạo. Nhà nước có chính sách khuyến khích ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, văn hóa – thể thao, du lịch, quốc phòng, an ninh,…

4. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tổ chức bộ máy QLNN là điều kiện để tổ chức thực thi công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT. Thể hiện ở hệ thống bộ máy quản lý được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Ở nước ta, Luật CNTT quy định Chính phủ thống nhất QLNN về CNTT trên cơ sở hình thành các cơ quan QLNN ở Trung ương và địa phương. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện QLNN đối với lĩnh vực CNTT tại địa phương (Quốc hội, 2006, trang 3).

Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ (2008, phần I): Sở TT&TT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện QLNN về: báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; CNTT, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, uỷ quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Như vậy chủ thể của công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT ở cấp tỉnh là UBND tỉnh, Sở TT&TT là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN đối với lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT của tỉnh. Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Sở TT&TT đối với lĩnh vực CNTT là: Tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về ứng dụng và phát triển CNTT; cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp điện tử, công nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT; về xây dựng và quản lý khu CNTT tập trung; xây dựng danh mục và quy chế khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, quy chế quản lý đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt; tổ chức thực hiện, báo cáo định kỳ, đánh giá tổng kết việc thực hiện các kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN của tỉnh; xây dựng quy chế, quy định về hoạt động ứng dụng CNTT của địa phương; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn CNTT theo thẩm quyền; tổ chức, hướng dẫn thực hiện các dự án ứng dụng CNTT phục vụ thu thập, lưu giữ, xử lý thông tin số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh; xây dựng quy chế quản lý, vận hành, đảm bảo kỹ thuật, an toàn thông tin; hướng dẫn sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của UBND tỉnh; xây dựng mới hoặc duy trì, nâng cấp, đảm bảo kỹ thuật, an toàn thông tin cho hoạt động Trang/Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; hướng dẫn các đơn vị trong tỉnh thống nhất kết nối, cung cấp nội dung thông tin và các dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh theo sự phân công của UBND tỉnh; khảo sát, điều tra, thống kê về tình hình ứng dụng và phát triển công nghiệp CNTT; xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, doanh nghiệp tại địa phương phục vụ công tác báo cáo định kỳ theo quy định; Thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách về CNTT của tỉnh.

Đối với Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện: Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện QLNN về: báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; CNTT, cơ sở hạ tầng thông tin; phát thanh trên địa bàn (Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, 2008, phần II).

Đối với bộ máy chỉ đạo, điều hành ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN ở địa phương có thêm một cấp trung gian đó là Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT cấp tỉnh và Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT cấp huyện. Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT có nhiệm vụ Tham mưu UBND, Chủ tịch UBND về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT trong CQNN; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; Xây dựng chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm, triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính.

Như vậy tổ chức bộ máy QLNN về lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT ở cấp tỉnh như sau: UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ QLNN đối với lĩnh vực CNTT ở địa phương. Tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng dụng CNTT ở địa phương là Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh (đơn vị thường trực là Sở TT&TT). Tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN đối với lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT là Sở TT&TT.

5.Các nhân tố ảnh hưởng tới công tác QLNN đối với lĩnh vực CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Thứ nhất, môi trường pháp lý quản lý CNTT. Môi trường pháp lý là cơ sở để thực hiện QLNN đối với mọi ngành nghề nói chung, quản lý lĩnh vực CNTT nói riêng. Chính vì thế, để QLNN bất kỳ nước nào cũng phải ban hành các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý. Ở nước ta, những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong khi chú trọng đến vị trí, vai trò của CNTT, đã ban hành nhiều đạo Luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động, quản lý và phát triển về CNTT. Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ CNH, HĐH; Nghị quyết số 36-NQ-TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đã thực sự là kim chỉ nam cho ứng dụng CNTT phát triển. Tiếp theo đó nhiều đạo Luật, pháp lệnh liên quan đến CNTT được ban hành: Pháp lệnh bưu chính, viễn thông ngày 25/02/2002, Luật giao dịch điện tử ngày 29/11/2005, Luật CNTT ngày 29/6/2006… và hàng trăm các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật đã được ban hành. Đây thực sự là hành lang, môi trường pháp lý quan trọng trong quản lý CNTT ở nước ta.

Thứ hai, chính sách đầu tư. Chính sách đầu tư là điều kiện đảm bảo cho phát triển một ngành, một lĩnh vực kinh tế nhất định. Đặc biệt đối với lĩnh vực CNTT, là một ngành mới, non trẻ, chính sách đầu tư càng có vị trí quan trọng. Ở nước ta, Luật CNTT quy định chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT, theo đó Nhà nước ưu tiên ứng dụng và phát triển CNTT trong chiến lược phát triển KT-XH và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy công nghiệp CNTT phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thứ ba, tổ chức bộ máy QLNN về CNTT. Tổ chức bộ máy QLNN là điều kiện để tổ chức thực thi QLNN về CNTT và quản lý, chỉ đạo và điều hành các hoạt động ứng dụng CNTT. Thể hiện ở chỗ hệ thống bộ máy quản lý được hình thành từ Trung ương đến cơ sở. Ở nước ta, Luật CNTT quy định Chính phủ thống nhất QLNN về CNTT trên cơ sở hình thành các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.

Mỗi địa phương tuỳ theo từng điều kiện cụ thể sẽ phải tổ chức bộ máy QLNN sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương mình.

Thứ tư, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho quản lý và phát triển CNTT. Sự phát triển của CNTT suy đến cùng phụ thuộc vào số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Để đảm bảo nguồn nhân lực cho quản lý và phát triển CNTT, ở nước ta Luật CNTT đã quy định chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, Nhà nước có chính sách phát triển quy mô và tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Nhà nước quy định các chương trình, dự án ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT phải có hạng mục đào tạo nhân lực CNTT.

6.Chỉ số, tiêu chí đánh hiệu quả quản lý nhà nước và những yêu cầu đặt ra với ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Hiệu quả QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN tỉnh Hà Giang được đánh giá thông qua chỉ số mức độ ứng dụng CNTT tổng thể của tỉnh. Chỉ số này được Bộ TT&TT đánh giá hàng năm bao gồm các tiêu chí:

– Hạ tầng kỹ thuật CNTT. Tiêu chí hạ tầng kỹ thuật CNTT đánh giá về việc trang thiết bị máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức trong các CQNN, việc xây dựng các mạng máy tính (mạng máy tính nội bộ của CQNN, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng diện rộng của tỉnh) và số máy tính của CQNN kết nối với các mạng này. Cùng với đó là việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

– Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ. Tiêu chí ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ trong CQNN đánh giá việc triển khai các chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN.

– Tiêu chí thành phần về Trang/Cổng thông tin điện tử. Tiêu chí này đánh giá

các Trang/Cổng thông tin điện tử của CQNN có cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định hay không ? có cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến hay không ? Công tác bảo đảm an toàn thông tin cho Trang/Cổng thông tin điện tử và công tác tổ chức quản trị Trang/Cổng thông tin điện tử.

– Tiêu chí thành phần về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đánh giá việc ban hành các quy định, quy chế về đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin cũng như việc triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của các CQNN.

– Tiêu chí thành phần về xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT. Đánh giá việc ban hành các chủ chương, chính sách về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các quy định, quy chế về quản lý, vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT. Cùng với đó là việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm và hàng năm.

– Tiêu chí thành phần về nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT. Đánh giá số lượng, chất cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực CNTT của tỉnh. Cùng với đó là việc đánh giá công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ này.

Ngoài các tiêu chí trên để đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN ở tỉnh Hà Giang còn có các tiêu chí :

– Tiêu chí hệ thống tổ chức bộ máy QLNN về ứng dụng CNTT. Đánh giá việc xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN và bộ máy chỉ đạo, điều hành, vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

– Tiêu chí về tổng số nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN so với chỉ số xếp hạng tổng thể về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN được Bộ TT&TT xếp hạng hàng năm.

Để công tác QLNN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN cấp tỉnh phát huy hiệu quả cao nhất, đáp ứng nhu cầu về ứng dụng CNTT của các CQNN phục vụ đắc lực cho công tác cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử. Yêu cầu đặt ra đối với công tác QLNN ở cấp tỉnh đó là:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy QLNN đối với lĩnh vực CNTT

nói chung và bộ máy quản lý, chỉ đạo, điều hành, vận hành ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN cấp tỉnh nói riêng.

Thứ hai, các cơ chế, chính sách về ưu tiên đầu tư cho ứng dụng CNTT cũng như cơ chế chính sách về ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực CNTT vào làm việc trong các CQNN cấp tỉnh, cùng với đó là việc ban hành đầy đủ các quy định, quy chế về hoạt động ứng dụng CNTT phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm và hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư, triển khai một cách đồng bộ các ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN tỉnh, đồng thời kết nối tất cả các hệ thống ứng dụng CNTT của các CQNN tỉnh với nhau thành một thể thống nhất. Để từng bước hình thành một hệ thống ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN tỉnh hoàn chỉnh và liên kết chặt chẽ với nhau.

Thứ năm, đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra các quy định của Nhà nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN một cách thường xuyên, liên tục.

Thứ sáu, có kế hoạch và chính sách đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực QLNN về ứng dụng CNTT của tỉnh cũng như đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách về CNTT của các CQNN cấp tỉnh.

The post Cơ sở lý luận của quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và ứng dụng thực tế appeared first on Luận văn 1080.



Click here for more...
from #Bangladesh #News aka Bangladesh News Now!!!

No comments:

Post a Comment