Tuesday, February 19, 2019

Lý luận chung về thủ tục xét xử mà bị cáo là người chưa thành niên

Tình hình tội phạm nói chung, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp đã và đang trở thành sự quan tâm, lo lắng của nhiều nước trên thế giới, nếu không có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước thì hậu quả không chỉ trước mắt mà còn là gánh nặng cho thế hệ mai sau

1. Khái niệm thủ tục xét xử vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên

1.1. Khái niệm bị cáo là người chưa thành niên

Theo Từ điển tiếng Việt thì khái niệm người chưa thành niên được định nghĩa như sau: “Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần cũng như chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân”. Theo quy định tại Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 thì “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó có quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Bên cạnh Công ước về quyền trẻ em thì Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên Hợp Quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 14.12.1992 cũng là một văn bản pháp luật quốc tế quan trọng đề cập đến khái niệm “người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi” như là một sự kế thừa của Công ước về Quyền trẻ em. Quy tắc Riát về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 14.12.1990 mặc dù không đưa ra một cách cụ thể về khái niệm người chưa thành niên, song thông qua các quy định cũng giúp chúng ta hiểu người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, do sự phát triển của từng quốc gia khác nhau, nên khái niệm người chưa thành niên ở các quốc gia cũng khác nhau, bên cạnh việc đưa ra khái niệm này thì Công ước về Quyền trẻ em vẫn còn những điều khoản để ngỏ cho các nước quy định về độ tuổi cho người chưa thành niên, thậm chí ngay trong một quốc gia các văn bản pháp luật cũng quy định không thống nhất về vấn đề này.

Theo pháp luật Việt Nam, từ những kinh nghiệm được thừa nhận trong quá khứ, dựa trên những thành tựu do các ngành khoa học khác mang lại cũng như tiếp thu các văn bản pháp luật quốc tế mà các nhà làm luật đã đưa ra khái niệm về người chưa thành niên, tuỳ theo từng lĩnh vực điều chỉnh của từng ngành luật, như sau: Điều 18 Bộ luật dân sự Việt Nam quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên” và Bộ luật lao động Việt Nam cũng quy định: “Người lao động chưa thành niên là người dưới 18 tuổi”. Như vậy, có thể thống nhất một quan điểm là người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Quan niệm này cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em ngày 20.2.1990 mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên là những người chưa đủ 18 tuổi, nhưng chỉ những người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội, còn người chưa thành niên dưới 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (Điều 12 của Bộ luật hình sự).

Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật hình sự lại quy định người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự và người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm nhất định? Quy định này của Bộ luật hình sự về mặt lý luận có thể hiểu, người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra vì người chưa đủ 14 tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. Một hành vi được coi là không có lỗi cũng tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự). Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó, họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm (rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng) chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm. quy định này cũng thể hiện chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự của Đảng và Nhà nước ta.

Điều 50 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử, như vậy, căn cứ vào quy định này và quy định tại Điều 12 của Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự nêu trên, thì có thể hiểu bị cáo là người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi ở thời điểm đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Từ phân tích trên có thể đưa ra định nghĩa về bị cáo là người chưa thành niên như sau:

Bị cáo là người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội phạm bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Việc xác định tuổi của bị cáo là người chưa thành niên rất quan trọng vì đây là căn cứ ngăn chặn, áp dụng các thủ tục đặc biệt đối với bị cáo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên. Việc xác định tuổi của bị cáo còn giúp Cơ quan tiến hành tố tụng xác định được việc xét xử và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên

1.2. Khái niệm thủ tục xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên

Như đã nêu trên, người chưa thành niên là người đang ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và nhiều khi do bị tác động mạnh của điều kiện bên ngoài. Chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm để phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng luôn luôn coi trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà ngay cả khi quyền trẻ em bị xâm phạm cần được bảo vệ hoặc khi đối tượng này vi phạm pháp luật. Luật hình sự bảo vệ người chưa thành niên bị coi là người phạm tội và cũng quy định một chế tài riêng để xử lý, thủ tục tố tụng cũng phải phù hợp với lứa tuổi chưa thành niên nhằm thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có một chương riêng (Chương XXXII) quy định về thủ tục tố tụng đối với vụ án mà người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Tuy nhiên, trong Điều 301 quy định về phạm vi áp dụng “Thủ tục đối với người chưa thành niên”, nhà làm luật Việt Nam không hề ghi nhận khái niệm pháp lý “thủ tục đối với người chưa thành niên” là gì? Qua nghiên cứu các quy định về thủ tục đối với người chưa thành niên trong chương này, chúng ta có thể hiểu: Các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên có những đặc trưng so với thủ tục tố tụng áp dụng đối với người thành niên. Những đặc trưng này thể hiện ở các quy định về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng, về đối tượng phải chứng minh, về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, về việc bào chữa, việc tham gia của gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội vào tố tụng cũng như công tác xét xử và thi hành án. Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định các quyền tố tụng và bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật đối với đối tượng này.

Như vậy, thủ tục xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam là tổng hợp các quy định về thủ tục đặc biệt mang tính chất nhân đạo đối với bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhằm xét xử vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo trong hoạt động xét xử.

2. Những quy định chung về thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên

2.1. Phạm vi áp dụng thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh từ khi một người bị bắt, bị tạm giữ về hình sự. Đối với người thực hiện hành

vi   phạm tội bị bắt, bị tạm giữ, bị khởi tố, truy tố và xét xử là người chưa thành niên thì xuất phát từ nhận thức người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức về hành vi còn hạn chế, dễ bị tác động bởi những điều kiện ngoại cảnh, Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003 đã dành một chương (chương XXXII) quy định về thủ tục đặc biệt đối với người chưa thành niên.

Phạm vi áp dụng của Chương này được thể hiện tại Điều 301 Bộ luật tố tụng hình sự như sau: “Thủ tục tố tụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này”.

Như vậy, có thể hiểu phạm vi áp dụng thủ tục xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên bao gồm các quy định tại Chương XXXII Bộ luật tố tụng hình sự (từ Điều 302 đến Điều 310) và tất cả những quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự nếu không trái với những quy định của chương này. Việc quy định phạm vi áp dụng như vậy để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo là người chưa thành niên.

2.2. Những vấn đề cần xác định rõ trong vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên

Khi tiến hành xét xử với những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, ngoài những vấn đề bắt buộc phải chứng minh đối với các vụ án hình sự nói chung, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 302 của Bộ luật tố tụng hình sự Tòa án cần phải xác định rõ các vấn đề sau đây:

Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên: Việc xác định tuổi của bị cáo là người chưa thành niên đặc biệt quan trọng vì đây là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội cũng như việc xác định trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội giúp cho người tiến hành tố tụng có thể đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của người chưa thành niên gây ra để có thể áp dụng biện pháp tư pháp hay hình phạt thích hợp, bảo đảm chế độ thi hành án theo quy định của pháp luật.

Điều kiện sinh sống và giáo dục: Hành vi phạm tội của người chưa thành niên thường bắt nguồn từ điều kiện sống và giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Cho nên, làm rõ yếu tố này cũng xác định khả năng cải tạo và giáo dục người chưa thành niên phạm tội, đồng thời cũng có thể giúp cho việc xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp đối với người phạm tội nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng.

Khoa học đã chứng minh con người chịu sự ảnh hưởng tác động qua lại của môi

trường xung quanh, hành vi phạm tội không phải ngẫu nhiên hình thành, nó phát sinh không phải từ chính môi trường, chính bản thân người đó mà là do sự tác động qua lại giữa môi trường và cá nhân con người đó. Đối với người chưa thành niên ảnh hưởng của môi trường xung quanh càng thể hiện rõ hơn, đó là: điều kiện sinh sống của gia đình, thái độ, cách ứng xử của cha mẹ, những người thân trong gia đình; điều kiện học tập và sinh hoạt của họ ở nhà trường, đoàn thể, nơi cư trú.

Có hay không có người đã thành niên xúi giục: Việc xác định có hay không có người thành niên xúi giục cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội là những vấn đề quan trọng, làm cơ sở cho việc đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà người chưa thành niên đã thực hiện, từ đó đề ra những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tái phạm.

Nguyên nhân và điều kiện phạm tội: Việc người chưa thành niên phạm tội là một hiện tượng đang tồn tại trong xã hội. Hiện tượng này không phải ngẫu nhiên xuất hiện mà bao giờ cũng có nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nó. Chúng ta muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và đề ra được những biện pháp khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả thì phải tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện dẫn họ đến việc phạm tội.

2.3. áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo là người chưa thành niên

Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự bao gồm bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Tùy theo tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân của bị can, bị cáo, các biện pháp ngăn chặn này có thể được áp dụng đối với cả trường hợp người phạm tội là người thành niên và trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên ở các giai đoạn tố tụng nhằm bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, pháp luật về tố tụng hình sự cũng có những quy định đặc biệt để áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Đối với các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam

Ngoài những yêu cầu chung quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật tố tụng hình sự, theo quy định tại Điều 303 của Bộ luật tố tụng hình sự và những quy định có liên quan thì việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên được thực hiện như sau:

Biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, chỉ có thể được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong trường hợp họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, bắt, tạm giữ, tạm giam chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp họ phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

So sánh với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 trước đây, Điều 303 của Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định bổ sung khoản 3, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà Bộ luật tố tụng hình sự cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Người chưa thành niên phải được giam, giữ ở khu vực riêng; không được giam, giữ người chưa thành niên chung với người thành niên.

Về việc giám sát bị cáo là người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 304 Bộ luật tố tụng hình sự thì nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên là không cần thiết, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có thể ra quyết định giao bị can, bị cáo chưa thành niên cho cha mẹ, người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Những người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó. Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc cha mẹ, người đỡ đầu có quyền từ chối không thực hiện nghĩa vụ giám sát của mình khi được yêu cầu, mặt khác theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì cha mẹ, ông bà, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình và người đỡ đầu có trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dạy người chưa thành niên, cho nên họ phải có nghĩa vụ giám sát, giáo dục, chăm sóc người chưa thành niên. Như vậy có nghĩa là trong mọi trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thì việc giám sát bị can, bị cáo chưa thành niên phải được cha mẹ, người đỡ đầu của họ thực hiện. Hay nói một cách khác, việc giám sát bị can, bị cáo chưa thành niên vừa là quyền vừa là nghĩa vụ bắt buộc của cha mẹ, người đỡ đầu của họ. Quy định này khác hẳn quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự về biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo chưa thành niên, thủ tục bảo lĩnh chỉ được đặt ra đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng và phải có cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh. Việc cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh là do họ hoàn toàn tự nguyện, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể bắt buộc họ được.

2.4. Việc điều tra, truy tố và xét xử những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Thủ tục về những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên là thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXXII, Phần thứ bảy Bộ luật tố tụng hình sự. Những thủ tục này gồm: Điều tra, truy tố, xét xử; bắt, tạm giữ, tạm giam; giám sát bị can, bị cáo; bào chữa; việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội; xét xử; chấp hành án phạt tù; chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp và giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án.

Việc áp dụng quy định về tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên phải căn cứ vào tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong trường hợp bị can, bị cáo có hành vi phạm tội lúc chưa đủ mười tám tuổi nhưng khi phát hiện được tội phạm thì họ đã đủ mười tám tuổi thì áp dụng những quy định về tố tụng hình sự đối với người đã thành niên, vì áp dụng với họ tố tụng đối với người chưa thành niên không còn phù hợp nữa. Như vậy, cần phải hiểu rằng việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phụ thuộc vào thời điểm phát hiện tội phạm mà người đó thực hiện.

Riêng về xét xử thì tuổi của người chưa thành niên được tính đến lúc phạm tội chứ không phải đến lúc xét xử. Có thể khi xét xử người phạm tội đã thành niên (đủ mười

tám tuổi) nhưng khi phạm tội người đó chưa đủ mười tám tuổi thì vẫn áp dụng các hình phạt đối với người chưa thành niên.

Người chưa thành niên phạm tội là người ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và nhiều khi còn bị tác động mạnh của những điều kiện bên ngoài. Do đó, quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải được tiến hành hết sức thận trọng, cụ thể và chính xác trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố của bản thân và những điều kiện bên ngoài tác động đến người đó.

Điều 302 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về yêu cầu đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi tiến hành tố tụng. Đây là yêu cầu rất cao đối với người tiến hành tố tụng về mặt phẩm chất và năng lực cần thiết để đảm bảo cho quá trình tố tụng được tiến hành khách quan, thận trọng và chính xác. Đồng thời yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải làm rõ được mức độ phát triển năng lực nhận thức của họ qua lời khai của cha, mẹ, giáo viên, bạn bè họ, nhận xét của tổ dân phố, Đoàn thanh niên, tài liệu y tế, kết luận của giám định trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức của họ. Có thể sử dụng các giáo viên về tâm lý học, các chuyên gia trong lĩnh vực tập lý, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm để xác định mức độ phát triển năng lực nhận thức của người chưa thành niên.

Cần làm rõ những đặc điểm về tính cách của người chưa thành niên, tình trạng sức khỏe, thói quan, mức độ phát triển về nhận thức, năng khiếu, những vấn đề mà đứa trẻ quan tâm… Những tài liệu này có ý nghĩa đối với việc đánh giá chứng cứ và quy mức độ, tính chất trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.

Để làm rõ điều kiện sinh sống và giáo dục cần chú ý thu thập những tài liệu như: điều kiện sống, nghề nghiệp, trình độ, nơi làm việc, lối sống đạo đức, quan hệ xã hội của bố mẹ cũng như trách nhiệm của họ đối với con cái. Mặt khác, cần phải tìm hiểu kỹ thái độ và kết quả học tập, lao động của người chưa thành niên, đạo đức, lối sống, quan hệ bạn bè, sự tham gia vào các tổ chức, tập thể… của người đó; trước khi phạm tội người chưa thành niên đó có chỗ ở hay không; nguồn gốc phát sinh những quan niệm, thói hư tật xấu và động cơ, mục đích phạm tội; có sự xúi giục lôi kéo của người thành niên, bạn bè hay không để có những quyết định đúng đắn. Nhất là trong trường hợp có sự xúi giục, lôi kéo của người chưa thành niên thì phải xử lý nghiêm khắc người đó để phòng ngừa việc phạm tội của người chưa thành niên. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định rõ việc mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử là “có hay không có người thành niên xúi giục ” thay vì quy định trước đây của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 là “có hay không người lớn xúi giục” để tránh hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất (điểm c khoản 2 Điều 302).

3. Những vấn đề về người tiến hành tố tụng trong vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên

Xuất phát từ những đặc điểm tâm sinh lý, trình độ, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam có những quy định đặc biệt để áp dụng riêng đối với những trường hợp mà người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Bộ luật tố tụng hình sự đã dành toàn bộ Chương XXXII để quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trên cơ sở kế thừa những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 29-6-1988, đồng thời có một số bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên. Theo đó, khoản 1 Điều 302 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định “…Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là những người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học và khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của người chưa thành niên”. Đối với Hội thẩm nhân dân, khi tham gia xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, luật không quy định phải có những điều kiện nêu trên, nhưng trong Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Những tiêu chí này là những điều kiện cần thiết để Thẩm phán, Hội thẩm có thể hiểu và có những phương pháp phù hợp khi tiến hành hoạt động xét xử, bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự là “việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định về đội ngũ những người tiến hành tố tụng chuyên trách trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, điều đó cho thấy, hiện nay những người tiến hành tố tụng đang phải kiêm nhiệm giải quyết cả các vụ án do người thành niên thực hiện nên việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên cho những người tiến hành tố tụng là cần thiết.

Khoản 1 Điều 302 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về yêu cầu đối với người tiến hành tố tụng phải có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, nhưng thực tế đang có nhiều bất cập về số lượng, về kiến thức của những người tiến hành tố tụng với những diễn biến phức tạp của tội phạm trong những người chưa thành niên; vì vậy, cần mở các lớp đào tạo đối với những người được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng trong các vụ án người chưa thành niên phạm tội, trang bị cho họ những kiến thức cần thiết về tầm quan trọng của việc bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em, những kiến thức pháp luật quy định đối với những người chưa thành niên phạm tội, đào tạo cho họ kỹ năng xét hỏi những người chưa thành niên khi họ phạm tội. Cần có chính sách cụ thể đối với những người tiến hành xét xử những người chưa thành niên phạm tội. Cần nghiên cứu để thành lập các bộ phận chuyên trách trong cơ quan xét xử các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên. Trước mắt, khi chưa có điều kiện thành lập bộ phận này thì cần phải cử những người tiến hành tố tụng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm giải quyết loại án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Song song với đó là cần phải có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn để giúp đỡ về mặt pháp lý cho người chưa thành niên phạm tội, nhất là trong điều kiện hiện nay khi luật về trợ giúp pháp lý đã được Quốc hội thông qua.

Yêu cầu đặt ra khi tiến hành xét xử (khoản 2 Điều 302) là cần phải xác định rõ: Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên; điều kiện sinh sống và giáo dục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Đây là một yêu cầu rất không dễ thực hiện vì với thời hạn tố tụng không nhiều, điều kiện hiện có về cơ sở vật chất, các phương tiện làm việc và nhất là vấn đề con người của các cơ quan Tòa án thì khó có thể thực hiện được quy định này, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phạm tội là những trẻ lang thang, không có địa chỉ cư trú rõ ràng.

4. Vấn đề tham gia của người bào chữa và đại diện gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội

4.1. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa

Trong những vụ án mà người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì việc tham gia tố tụng của người bào chữa là bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với những trường hợp khi phạm tội, người phạm tội là người chưa thành niên nhưng khi khởi tố, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì không bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc bào chữa viên nhân dân. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa có thể theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp người bào chữa tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về việc xác định những trường hợp cụ thể nào có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên, chúng tôi thấy rằng:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Luật sư được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25-7-2001 và có hiệu lực kể từ ngày 01-10-2001 thì “Công ty luật hợp danh… không được thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng”. Như vậy, theo quy định này thì có thể hiểu các luật sư là thành viên của công ty luật hợp danh không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa nói chung và là người bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Ngày 29-6-2006, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua Luật luật sư (Luật này có hiệu lực từ ngày 01-1-2007) thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001. Theo tinh thần quy định của Luật này thì người có đủ tiêu chuẩn để trở thành luật sư, đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và đã gia nhập một đoàn luật sư đều có thể hành nghề luật sư trong các lĩnh vực mà luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó là thành viên đã đăng ký. Như vậy việc luật sư nào có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa không phụ thuộc vào việc họ hành nghề trong công ty luật hợp danh, văn phòng luật sư hay hành nghề với tư cách cá nhân. Chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi này là hợp lý; tuy nhiên, trong khi Luật luật sư chưa có hiệu lực thi hành thì việc xác định luật sư nào có thể tham gia tố tụng để bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội cần tuân thủ quy định tại Điều 19 Pháp lệnh luật sư năm 2001 nêu trên.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 139 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì “quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền”; điều này có thể hiểu là “người đại diện hợp pháp” là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật dân sự này thì “… cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó”. Như vậy, trong tố tụng hình sự không có người đại diện theo ủy quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà chỉ có người đại diện của những người này theo pháp luật. Việc xác định trường hợp nào là đại diện theo pháp luật của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 141 của Bộ luật dân sự; cụ thể họ có thể là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

Thứ ba, về “bào chữa viên nhân dân”, cho đến nay chưa có một văn bản nào chính thức quy định hoặc giải thích về những tiêu chuẩn của người được công nhận là “bào chữa viên nhân dân”. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng thì bào chữa viên nhân dân cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề này. Về những tiêu chuẩn để có thể được công nhận là bào chữa viên nhân dân, chúng tôi đề nghị cân nhắc và thể hiện trong dự thảo thông tư liên tịch một số tiêu chuẩn sau đây:

 Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên;

 Là thành viên của một tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

– Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực;

 Có kiến thức pháp lý;

 Có sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ;

  Không thuộc một trong các trường hợp không được bào chữa quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 của Bộ luật tố tụng hình sự.

4.2. Việc tham gia tố tụng của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải được tiến hành thận trọng nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của họ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 306 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì trong trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, việc tham gia tố tụng của đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Cho đến nay, mặc dù chưa có văn bản giải thích chính thức “đại diện gia đình” của người chưa thành niên phạm tội là ai; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khái niệm “đại diện gia đình” trong điều luật này được hiểu rộng hơn khái niệm “người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên”, không chỉ bao gồm cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên mà còn có thể là anh, chị, ông, bà, cô, dì, chú, bác hoặc những người thân thích khác của họ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 306 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì: “Trong trư-ờng hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra”.

So sánh với quy định tại khoản 2 Điều 276 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, khoản 2 Điều 306 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã có sự bổ sung, quy định cụ thể hai trường hợp bắt buộc phải có mặt đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can đó là: trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần. Đối với hai trường hợp này, nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can mà không có mặt đại diện gia đình của họ thì có thể bị coi là đã vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, ngoài hai trường hợp nêu trên, việc xác định trường hợp nào là “trường hợp cần thiết khác” phụ thuộc vào đánh giá của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

5. Quy định pháp luật về thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên từ năm 1945 đến năm 2003

5.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954

Đây là thời kỳ Đảng, Nhà nước ta giành chính quyền từ tay triều đình phong kiến phản động và bọn thực dân Pháp xâm lược bằng cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Chủ yếu, thời kỳ này về pháp luật, chúng ta vẫn sử dụng một số chế định tiến bộ trong Bộ luật, văn bản Luật do thực dân Pháp và triều đình phong kiến ban hành trên cơ sở có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp với chế độ xã hội mới. Đặc biệt là luật tố tụng hình sự

 một trong những luật cơ bản của hệ thống pháp luật cũng chưa được xây dựng thành Bộ luật riêng.

Mọi hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự chủ yếu tuân thủ và dựa trên cơ sở các quy định mang tính hiến định cho toàn bộ hoạt động tư pháp Việt Nam trong Hiến pháp 1946 (Chương VI từ Điều 63 đến Điều 69). Do vậy, chưa thể có được chế định riêng về thủ tục đặc biệt áp dụng để giải quyết các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Hoạt động tố tụng trong những vụ án mà người chưa thành niên phạm tội nhìn chung vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục tố tụng dành cho người đã thành niên phạm tội.

Sang chế độ xã hội chủ nghĩa, khi xử tội người chưa thành niên đều phải tôn trọng những nguyên tắc: “Tư pháp chưa quyết định thì chưa được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam” – Điều 11 Hiến pháp 1946 và “Các phiên tòa đều phải công khai, trừ trường hợp đặc biệt”, “người bị cáo được quyền bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư”, “cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi bị cáo và tội nhân” – Điều 67 và 68 Hiến pháp 1946.

Những quy định trên, về cơ bản đã đảm bảo cho người chưa thành niên phạm tội được xét xử một cách công bằng, khách quan theo quy định của pháp luật, đây là những quy định tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển các chế định về thủ tục đặc biệt cho những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên giai đoạn sau này.

5.2. Giai đoạn 1954 đến 1975

Giai đoạn này, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc với hai chế độ và hai hệ thống pháp luật hoàn toàn khác nhau. Sau năm 1954, miền Bắc lập lại hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam tiếp tục nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, rồi đến đế quốc Mỹ và bè lũ ngụy quân, ngụy quyền. Pháp luật Việt Nam lúc này chia thành hai mảng rõ rệt, tương ứng với mỗi chế độ trên mỗi miền lãnh thổ.

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng từ năm 1945 ở miền Bắc, tiếp tục được kế thừa, phát triển và hoàn thiện. Còn ở miền Nam, đế quốc Mỹ và ngụy quyền cũng xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng.

Trước tiên, Chính phủ Việt Nam cộng hòa ban hành Luật số 11/58 ngày 3/7/1958 thiết lập Tòa án thiếu nhi. Điều 1 Luật này quy định: “Tòa án thiếu nhi sẽ được thiết lập bằng các sắc lệnh tại nơi xét ra cần thiết. Tòa án thiếu nhi có thẩm quyền xét xử các thiếu nhi nhỏ hơn 18 tuổi can tội đại hình hay tiểu hình”. Tuy nhiên, trong trường hợp có đồng phạm hoặc đồng lòa 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi, Tòa án thường có thẩm quyền xét xử nhưng phải áp dụng luật thiếu nhi với can phạm nhỏ hơn 18 tuổi.

Trong Luật số 11/58 ngày 3/7/1958, việc thiết lập Tòa án thiếu nhi chỉ mang tính hình thức và dập khôn máy móc toàn bộ pháp luật tố tụng hình sự của các nước tư bản về xét xử trẻ em phạm pháp. Chính phủ Việt Nam cộng hòa ban hành luật này nhằm sử dụng

chiêu bài dân chủ, nhân đạo để che đậy mưu đồ phản động của bè lỹ đế quốc hơn là việc xử lý đối với trẻ em phạm pháp. Có thể nói rằng, Luật số 11/58 chẳng bao giờ được thi hành trên thực tế, trước hết nhờ những quy định mập mờ: “Tòa án thiếu nhi sẽ được thiết lập bằng các sắc lệnh tại nơi xét ra cần thiết”.

Tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mặc dù chưa có Bộ luật tố tụng hình sự, song các chế định về thủ tục đặc biệt giải quyết những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên đã được ban hành dưới nhiều hình thức khác nhau như thông tư, bản tổng kết kinh nghiệm của Tòa án nhân dân tối cao…, những chế định này tương đối phát triển, trong đó quan trọng nhất phải kể đến:

 Thông tư số 06/TATC ngày 19-9-1967 của Tòa án nhân dân tối cao về đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

 Bản rút kinh nghiệm số 607/NKPL ngày 13-9-1973 của Tòa án nhân dân tối cao về việc viết bản án sơ thẩm và phúc thẩm (do Công văn số 612/NCPL ngày 14-9-1973 của Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Tòa án nhân dân các địa phương).

 Thông tư số 16/TATC ngày 27-9-1974 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về trình tự, thủ tục sơ thẩm về hình sự.

Những văn bản này không chỉ đề cập đến nguyên tắc chủ yếu khi xét xử người chưa thành niên phạm tội mà còn bao gồm các chế định về bào chữa, đại diện gia đình, quyền và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng… khi giải quyết vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Tóm lại, do chưa có Bộ luật tố tụng hình sự nên hoạt động xét xử người chưa thành niên phạm tội nói riêng vẫn phải dựa vào các bản án lệ, các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều có bản tổng kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn xét xử cho Tòa án nhân dân các cấp để không ngừng hoàn thiện hoạt động xét xử các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên và góp phần hoàn thiện chế định về thủ tục đặc biệt. Cơ bản và quan trọng nhất là đặt nền móng cho sự phát triển của chế định về thủ tục đặc biệt trong các giai đoạn sau.

5.3. Giai đoạn từ năm 1975 đến trước khi sự thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và kết thúc bằng chiến thắng 30/4/1975 đánh dấu cho kỷ nguyên mới của dân tộc ta: Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Trong bối cảnh lịch sử mới, việc ban hành các văn bản luật tố tụng hình sự dưới các hình thức đơn lẻ, thiếu hệ thống như trước đây không còn phù hợp mà cần thiết phải có những bộ luật, luật có tính hệ thống, hiệu lực ổn định trong thời gian dài làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong điều kiện miền Nam mới được giải phóng, các quy định của pháp luật ngụy quyền Sài Gòn trước đây về xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn ít nhiều còn ảnh hưởng. Với những cố gắng, nỗ lực của các nhà làm luật, ngày 28/6/1988 Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1989 thay thế cho các văn bản pháp luật đơn lẻ trước đây về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nói chung và thủ tục xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên nói riêng.

5.4. Giai đoạn từ năm 1988 đến trước khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 là Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1988. Bộ luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của pháp luật tố tụng hình sự truyền thống, quán triệt và thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ, đồng thời tham khảo những kinh nghiệm của pháp luật hình sự thế giới, nhất là pháp luật tố tụng hình sự của Liên xô (cũ). Bộ luật quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong đó có quy định “Thủ tục đặc biệt” tại Chương XXXI- phần VII là sự kế thừa và phát triển pháp luật tố tụng hình sự dành cho người chưa thành niên phạm tội của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến khi ban hành bộ luật, với tinh thần đổi mới, đặc biệt, nguyên tắc, đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội không ngừng được hoàn thiện và phát triển để việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng công tác xét xử, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Chương XXXI Bộ luật tố tụng hình sự 1988. Những quy định về thủ tục xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên trong Bộ luật này hầu như được kế thừa quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 hiện hành. Đó là các hướng dẫn tại Công văn số 52/1999/KHXX ngày 15.6.1999 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên, như sau:

1- Khi xét xử mà bị cáo là người chưa thành niên, nếu bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa, thì Tòa án phải yêu cầu Đoàn Luật sư cử người bào chữa cho họ. Nếu Tòa án đã có yêu cầu và Đoàn luật sư đã cử người bào chữa cho bị cáo, thì cần phân biệt như sau:

 Trong trường hợp người bào chữa có mặt mà bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ không có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

 Trong trường hợp người bào chữa có mặt mà bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi người bào chữa thì Tòa án căn cứ vào các khoản 2 và 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì phải hoãn phiên tòa. Trong trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu thay đổi người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

  Trong trường hợp người bào chữa có mặt (hoặc vắng mặt) mà bị cáo từ chối người bào chữa, thì Tòa án lập biên bản về việc bị cáo từ chối người bào chữa. Trong biên bản này phải có chữ ký của bị cáo. Sau khi lập biên bản xong, Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

  Trong trường hợp người bào chữa vắng mặt tại phiên tòa mà bị cáo không từ chối người bào chữa, thì Tòa án căn cứ vào Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 để hoãn phiên tòa

2-  Khi xét xử sơ thẩm mà bị cáo là người chưa thành niên, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 “thành phần Hội đồng xét xử phải có một hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”; do đó, các Tòa án cần phải thực hiện đúng quy định này. Cụ thể là khi phân công Hội đồng xét xử sơ thẩm cần phải xem xét trong danh sách hội thẩm nhân dân có ai là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để mời họ tham gia Hồi đồng xét xử.

Cần lưu ý là khái niệm “giáo viên” được quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 cần được hiểu theo nghĩa rộng của nó, tức là những “nhà giáo “-những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác. Theo quy định tại Chương III Luật giáo dục, thì nhà trường bao gồm: “Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 44); Nhà trường của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 45) và các loại trường chuyên biệt khác như: Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học (Điều 56); Trường chuyên, trường năng khiếu (Điều 57); Trường, lớp dành cho người tàn tật (Điều 58); Trường giáo dưỡng (Điều 59). Về các cơ sở giáo dục khác, thì theo tinh thần quy định tại Điều 60 Luật giáo dục, đó là các cơ sở giáo dục được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Theo hướng dẫn tại Công văn 81/2002/TANDTC ngày 10.6.2002 của Tòa án nhân dân Tối cao thì: khái niệm “giáo viên” quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 cần được hiểu là những “nhà giáo” – những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác, kể cả trong trường hợp họ đã nghỉ hưu.

6. Danh mục tài liệu tham khảo

Văn bản pháp luật

  1. Chính phủ (2000), Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 3/10 quy định việc thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Hà Nội.
  2. Chính phủ (2000), Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 3/10 quy định về thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2000), Nghị định số 62/2000/NĐ-CP ngày 3/10 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, Hà Nội.
  4.   Quốc hội (1988), Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội.
  5.   Quốc hội (1991), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Hà Nội.
  6.   Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội.
  7.   Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội.
  8.   Quốc hội (1999), Bộ luật hình sự, Hà Nội.
  9.   Quốc hội (2000), Luật hôn nhân và gia đình, Hà Nội.
  10.   Quốc hội (2003), Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội.
  11.   Quốc hội (1995), Bộ luật dân sự, Hà Nội.
  12.   Quốc hội (2005), Bộ luật dân sự, Hà Nội.
  13.   Quốc hội (2006), Luật luật sư, Hà Nội.
  14.   ủy ban Thường vụ Quốc hội (2000), Pháp lệnh luật sư, Hà Nội.
  15.   ủy ban Thường vụ Quốc hội (2004), Nghị quyết 509/2004/NQ-UBTVQH 11 ngày 29/4 về việc giao thẩm quyền xét xử theo quy định của khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự, Hà Nội.
  16.   “Số chuyên đề về Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (2000), Dân chủ và pháp luật, (3).

Văn bản pháp luật quốc tế

  1.   Báo cáo của ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc về công tác dự án tư pháp người chưa thành niên (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2.   Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (1990).
  3.   Quy tắc Riyath về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (1990).
  4.   Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (Quy tắc Bắc Kinh) (1992)
  5.   Radda Barnen (2001), Báo cáo lượng giá dự án tư pháp người chưa thành niên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Văn bản khác

  1.   Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam (1996), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2.   Lê Cảm (1999) Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền (Một số vấn đề cơ bản của phần chung), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  3.   Lê Duẩn (1970), Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  4.   Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội.
  5.   Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội
  6.   Giáo trình Luật tố tụng hình sự (2001), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  7.   Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (2005), Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học, Hà Nội.
  8.   Phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội (1987), Nxb Pháp lý, Hà Nội.
  9.   Đỗ Thị Phượng (2004), “Bàn về khái niệm và cơ sở áp dụng thủ tục đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong luật tố tụng hình sự Việt Nam” Luật học, (4).
  10.   Đỗ Thị Phượng – Lê Cảm (2004), “Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên: Những khía cạnh pháp lý hình sự, tố tụng hình sự, tội phạm học và so sánh luật học”, Tòa án nhân dân, (21).
  11. Thanh thiếu niên làm trái pháp luật – Thực trạng và giải pháp (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  12.   Tòa án nhân dân tối cao (1967), Thông tư số 06/TATC ngày 19/9 về đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, Hà Nội.
  13.   Tòa án nhân dân tối cao (1974), Thông tư số 16/TATC ngày 27/9 hướng dẫn về trình tự, thủ tục sơ thẩm về hình sự, Hà Nội.
  14.   Tòa án nhân dân tối cao (1999), Công văn số 52/1999/KHXX ngày 15/6 về việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên, Hà Nội.
  15.   Tòa án nhân dân tối cao (2002), Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6 hướng dẫn một số vấn đề về nghiệp vụ cho các Tòa án nhân dân địa phương, Hà Nội
  16.   Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ (1992), Thông tư liên tịch số 03/TTLN ngày 20/6 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về lý lịch của bị can, bị cáo, Hà Nội.
  17.   Trường Đại học Luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  18.   Trường Đại học Luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Hà Nội.
  19.   Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (1999), Chuyên đề về tư pháp hình sự so sánh, Hà Nội.
  20.   Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp và tổ chức cứu trợ trẻ em của Thụy Điển (2000), Tăng cường năng lực hệ thống tư pháp người chưa thành niên, Hà Nội.
  21.   Việt Nam Cộng hòa (1958), Luật số 11/58 ngày 03/7 về việc thiết lập Tòa án thiếu nhi, Sài Gòn.

 

The post Lý luận chung về thủ tục xét xử mà bị cáo là người chưa thành niên appeared first on Luận văn 1080.



from Luận văn 1080 http://bit.ly/2X8JsZq
via gqrds

No comments:

Post a Comment