Tuesday, February 19, 2019

Lý luận kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố

Lý luận kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố http://bit.ly/2SZjQPw

Hoạt động tư pháp điều tra tội phạm là hoạt động đặc biệt của cơ quan nhà nước trực tiếp tác động đến các quyền tự do thân thể, danh dự và tính mạng của công dân, để xảy ra việc khởi tố, điều tra, bắt giữ, giam và xử lý oan sai đối với công dân

Lý luận Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố

Lý luận Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố

1. Khái niệm, đặc điểm của giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Khi tội phạm xảy ra, việc giải quyết vụ án phải trải qua nhiều giai đoạn và do nhiều cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm xác định chính xác, khách quan bản chất vụ án, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ án được gọi là tố tụng hình sự.

Theo định nghĩa của giáo trình Luật tố tụng hình sự viên Nam, Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội thì: “Tố tụng hình sự là toàn bộ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, nhanh chóng, chính xác và đúng pháp luật” [6].

Quá trình giải quyết vụ án hình sự được chia thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn tố tụng hình sự có nhiệm vụ giải quyết những yêu cầu khác nhau và tương ứng với mỗi giai đoạn đó là chức năng cụ thể của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm thực hiện nhiệm vụ do pháp luật quy định. Như vậy, giai đoạn tố tụng hình sự được hiểu:

Là bước của quá trình tố tụng hình sự tương ứng với chức năng nhất định trong hoạt động tư pháp hình sự của từng loại chủ thể tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định, có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc để giải quyết vụ án hình sự một cách công minh, khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật, góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật, bảo vệ vững chắc các quyền và tự do của công dân [5].

BLTTHS nước ta chia quá trình giải quyết vụ án hình sự thành bốn giai đoạn bao gồm: Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự; giai đoạn điều tra vụ án hình sự và truy tố; giai đoạn xét xử vụ án hình sự và giai đoạn thi hành bản án hình sự. Đối với hoạt động xét xử phúc thẩm, tái thẩm và giám đốc thẩm không phải là các giai đoạn tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự mà các hoạt động đó là thủ tục tố tụng đặc biệt để xét lại những vụ án hình sự đã xét xử có kháng cáo và kháng nghị. Luận văn này không có điều kiện xem xét tất cả các giai đoạn của Tố tụng hình sự, mà chỉ tập trung vào nghiên cứu chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong giai đoạn khởi tố – điều tra. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ trình bày khái niệm, đặc điểm của giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự và hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra trong tố tụng hình sự.

1.1. Khái niệm và đặc điểm của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

1.1.1 Khái niệm

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng. Trong giai đoạn này cơ quan có thẩm quyền bào gồm CQĐT, VKS, Tòa án và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như cơ quan Kiểm lâm, Hải quan,… được áp dụng một số biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để kiểm tra, xác minh làm rõ tính xác thực của các tin báo, tố giác về tội phạm đã tiếp nhận. Việc kiểm tra, xác minh các tin báo, tố giác về tội phạm có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau tùy thuộc vào tính chất của sự việc, các biện pháp đó có thể là: Yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc công dân cung cấp tài liệu cần thiết và thông tin liên quan đến tin báo, tố giác về tội phạm; yêu cầu cung cấp các kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến thông tin về tội phạm để làm rõ sự việc; khám nghiệm hiện trường thu thập dấu vết phạm tội; áp dụng biện pháp tạm giữ; lấy lời khai của người bị tạm giữ; lấy lời khai của người tố giác tội phạm v.v…

Khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự nên cũng có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Thời điểm bắt đầu của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự được xác định từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện hoặc tiếp nhận các thông tin tố giác, tin báo về tội phạm và thời điểm kết thúc khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Khoảng thời gian của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự tùy thuộc vào tính phức tạp hay không phức tạp của các tin báo, tố giác về tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiếp nhận, thụ lý. Theo quy định Luật tố tụng hình sự thì thời gian tối thiểu của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là 20 ngày và tối đa không quá 2 tháng kể từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận được các tin báo, tố giác về tội phạm.

Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là chỉ xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể kết luận chính xác ngay được về tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Để kết luận chính xác các nội dung đó thì phải chuyển qua giai đoạn tiếp theo của quá trình tố tụng hình sự đó là giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Như vậy, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có thể hiểu: “Là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự trong đó, các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhằm làm cơ sở cho các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự” [6].

1.1.2  những đặc điểm chung, cơ bản của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

Thứ nhất, giai đoạn khởi tố vụ án là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên, có thời hạn được xác định từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện hoặc tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm và thời điểm kết thúc khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ hai, nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự chỉ xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ ba, chủ thể có thẩm quyền tiến hành các hoạt động trong giai đoạn khởi tố, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng (CQĐT, VKS, Tòa án) còn có những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như cơ quan kiểm lâm, hải quan,…Những cơ quan này trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về tội phạm sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ tư, các biện pháp mà các cơ quan có thẩm quyền được sử dụng trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bao gồm: Biện pháp yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc công dân cung cấp tài liệu cần thiết liên quan đến thông tin về tội phạm; khám nghiệm hiện trường thu thập dấu vết phạm tội; áp dụng biện pháp tạm giữ; lấy lời khai của người bị tạm giữ; lấy lời khai của người tố giác tội phạm v.v…

1.2 Khái niệm và đặc điểm giai đoạn điều tra vụ án hình sự

1.2.1   Khái niệm

Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là giai đoạn thứ hai của quá trình tố tụng hình sự được BLTTHS quy định trong 6 chương, từ chương VIII đến chương XIII. Giai đoạn điều tra được xác định bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự cho đến khi CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu và kết luận điều tra sang VKS đề nghị truy tố. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi có đủ các căn cứ do pháp luật quy định thì vụ án bị đình chỉ điều tra và tất nhiên các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra đối với vụ án đó sẽ chấm dứt, nên trong trường hợp vụ án bị đình chỉ điều tra thì cũng được coi là thời điểm chấm dứt giai đoạn điều tra vụ án.

Khoảng thời gian bắt đầu cho đến khi kết thúc của giai đoạn điều tra được Luật tố tụng hình sự quy định khá cụ thể, theo đó thời hạn điều tra (kể cả các lần gia hạn điều tra) đối với tội ít nghiêm trọng tối đa không quá 4 tháng, đối với tội nghiêm trọng không quá 8 tháng, đối với tội rất nghiêm trọng không quá 12 tháng, đối với tội đặc biệt nghiêm trọng không quá 20 tháng kể từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Riêng đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia ngoài các thời hạn điều tra nêu trên thì viên trưởng VKSNDTC có quyền gia hạn thêm khi thấy cần thiết, thời hạn gia hạn thêm không quy định cụ thể mà tùy vào tính chất phức tạp của vụ án mà viên trưởng VKSNDTC ấn định thời gian gia hạn. Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bởi kết quả của hoạt động điều tra là để phục vụ cho việc xét xử của Tòa án, mọi quyết định của Tòa án về sự việc phạm tội và người thực hiện tội phạm đều phải dựa trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được ở giai đoạn điều tra.

Cho nên nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng mọi biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để chứng minh tội phạm và người thực hiện tội phạm, các tình tiết khác có liên quan đến vụ án, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội để kiến nghị với các cấp các ngành thực hiện biện pháp phòng ngừa tội phạm. Nhiệm vụ trên được thực hiện bởi các chủ thể là CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Tất cả các hoạt động tố tụng được thực hiện bởi chủ thể của giai đoạn điều tra đều phải tuân theo đúng các quy định của Luật tố tụng hình sự góp phần giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật.

Như vậy, giai đoạn điều tra vụ án hình sự được hiểu là:

Một giai đoạn của tố tụng hình sự trong đó Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra được sử dụng các biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội và những vấn đề khác có liên quan đến vụ án làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án. Đồng thời thông qua hoạt động điều tra xác định nguyên nhân điều kiện phạm tội đối với từng vụ án cụ thể và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa với các cơ quan và tổ chức hữu quan [6].

1.2.2  Đặc điểm

Từ khái niệm về giai đoạn điều tra vụ án hình sự nêu trên, có thể rút ra các đặc điểm cơ bản và đặc trưng của giai đoạn này như sau:

Thứ nhất, giai đoạn điều tra vụ án hình sự là giai đoạn thứ hai của quá trình tố tụng hình sự có thời hạn xác định bắt đầu từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cho đến khi CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và kết luận điều tra sang VKS đề nghị truy tố hoặc CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Thứ hai, nhiệm vụ của giai đoạn điều tra vụ án hình sự là các cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án bao gồm cả tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội để kiến nghị với các cấp các ngành thực hiện biện pháp phòng ngừa tội phạm.

Thứ ba, chủ thể thực hiện các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều chỉ là CQĐT hoặc các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Các tài liệu do chính hoạt động của các chủ thể nói trên tiến hành thu thập mới được coi là những chứng cứ làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn các tài liệu có liên quan đến vụ án do các hoạt động khác cung cấp như hoạt động trinh sát thì phải được CQĐT kiểm tra và thẩm định lại thì mới được coi là chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Thứ tư, biện pháp mà các chủ thể áp dụng trong giai đoạn điều tra là mọi biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định, việc áp dụng các biện pháp đó tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng vụ án. Cụ thể các biện pháp đó là: Hỏi cung bị can; lấy lời khai người làm chứng; lấy lời khai người bị hại; tạm giam; cấm đi khỏi nơi cư trú; khám xét khẩn cấp; bắt tạm giam v.v… Các biện pháp được áp dụng phải theo đúng quy định của Luật tố tụng hình sự.

2. Kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự

2.1. Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan bộ máy chính quyền thực dân phong kiến tồn tại trên đất nước ta gần 100 năm. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản tuyên ngôn độc lập đánh dấu sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam.

Từ khi ra đời, Nhà nước ta đứng trước những yêu cầu của quá trình xây dựng và củng cố đất nước, trong đó việc tuân thủ pháp luật của của các cơ quan nhà nước và mọi công dân là một trong những yêu cầu cấp bách cần thực hiện. Muốn đáp ứng được yêu cầu đó cần tổ chức thành lập một cơ quan nhà nước có chức năng kiểm tra và giám sát các hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước và mọi công dân nhằm bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Lênin là người đầu tiên có quan điểm về tổ chức cơ quan kiểm tra, giám sát, quan điểm đó được thể hiện trong tác phẩm bàn về “Song trùng, trực thuộc và pháp chế”. Lênin xuất phát từ một vấn đề có tính quy luật là: Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải thiết lập một nền pháp chế thống nhất, điều mà Lênin gọi “pháp chế chỉ có một” với ba yêu cầu “phải có sự thống nhất về pháp chế trong toàn nước cộng hòa”; “phải có luật duy nhất trong toàn nước công hòa” và “phải có sự áp dụng thực hiện và tuân theo pháp luật một cách thống nhất”. Lênin cho rằng, để bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa cần phải thiết lập một nền pháp chế thống nhất, trật tự kỷ cương phép nước phải nghiêm minh. Vậy, muốn có pháp chế thống nhất không thể không thành lập cơ quan VKS.

Vận dụng tư tưởng của Lênin vào thực tiễn xây dựng, tổ chức bộ máy Nhà nước ta. Đảng và Nhà nước đã nhận định rằng, để đảm bảo cho pháp luật do Nhà nước ban hành được thực hiện một cách nghiêm minh và thống nhất thì việc tổ chức một cơ quan có chức năng kiểm tra và giám sát hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước và công dân là một đòi hỏi mang tính khách quan nên đã quyết định thành lập cơ quan VKS. Quan điểm trên đã được thể chế hóa trong các hiến pháp từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp 1992 (sửa đổi).

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) trong đó có sự điều chỉnh chức năng của cơ quan VKS với quy định “viên kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” (Điều 137). Luật tổ chức VKSND năm 2002 đã cụ thể hóa quy định trên với nội dung quy định rõ viên kiểm sát thực hiện chủ yếu hai chức năng đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Sự điều chỉnh đã đưa ra tiền đề cho việc nghiên cứu làm rõ chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của viên kiểm sát.

Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp là một vấn đề được quan tâm nghiên cứu, tranh luận trong suốt quá trình lập Hiến và lập pháp cũng như trong quá trình đổi mới cải cách tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nước ta trong thời gian qua. Nên, với mục đích đi sâu nghiên cứu làm rõ chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự để giúp chúng ta nhận thức và phân biệt hình thức hoạt động của VKS với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời đưa đến sự nhận thức chung, thống nhất của toàn thể cán bộ ngành kiểm sát nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002 trong thực tiễn, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Chức năng theo định nghĩa chung nhất được hiểu là những phương diện, hướng hoạt động của tổ chức, cá nhân thể hiện bản chất của hoạt động đó. Với quy định tại Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Điều 1 Luật tổ chức VKSND năm 2002 thì chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp được coi là vấn đề căn bản xuyên suốt toàn bộ hoạt động của hệ thống cơ quan VKS, đồng thời thể hiện bản chất trong hoạt động của VKS nước ta.

Thuật ngữ “kiểm sát các hoạt động tư pháp” được xuất hiện trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX, Nghị quyết số 08 ngày 02 /1/2002 của Bộ chính trị và đặc biệt được quy định tại Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức VKSND năm 2002. Tuy nhiên nhà lập pháp nước ta chưa đưa ra một định nghĩa pháp lý chung nhất của khái niệm “kiểm sát các hoạt động tư pháp” nên dẫn đến nhiều quan điểm nhận thức khác nhau về khái niệm này. Một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng:

Trong suốt một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực tư pháp thể hiện ở việc trước khi có Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX thuật ngữ quyền tư pháp ít được sử dụng trong ngôn ngữ chính trị, pháp luật và khoa học. Điều đó đã không tạo ra được tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề về tư pháp [41].

Trong đó có vấn đề “kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Cho nên hiện nay xung quanh khái niệm kiểm sát các hoạt động tư pháp đang còn có nhiều quan điểm khác nhau, tựu chung lại có ba nhóm quan điểm sau:

Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, “kiểm sát các hoạt động tư pháp chỉ bao gồm nội dung kiểm sát các hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án” [40].

Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, “kiểm sát các hoạt động tư pháp bao gồm việc kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (cả các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính) và phần “tư pháp” trong thi hành án” [40].

Nhóm quan điểm thứ ba cho rằng:

Hoạt động tư pháp là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước và cũng phải chịu sự giám sát từ bên ngoài cũng như từ bên trong hệ thống tư pháp, chịu sự giám sát Nhà nước và giám sát xã hội. Theo nghĩa rộng, kiểm sát tư pháp cũng được hiểu là giám sát tư pháp, là một bộ phận, một lĩnh vực của hoạt động giám sát Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Còn theo nghĩa hẹp thì kiểm sát tư pháp được hiểu là chức năng của viên kiểm sát. Phạm vi kiểm sát tư pháp là việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 3 Luật tổ chức viên kiểm sát nhân dân năm 2002). Mục đích của của kiểm sát tư pháp là bảo đảm cho pháp luật được áp dụng thống nhất trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định [11].

Mỗi quan điểm trên đây đều có những lập luận đúng của mình về khái niệm “kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi trước hết cần phải khẳng định kiểm sát các hoạt động tư pháp là chức năng hiến định của VKS. Kiểm sát các hoạt động tư pháp là một dạng giám sát Nhà nước về tư pháp, đây là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, khác với hoạt động giám sát Nhà nước nói chung về tư pháp, kiểm sát các hoạt động tư pháp là sự giám sát trực tiếp các hoạt động cụ thể của các cơ quan tư pháp trong quá trình tố tụng với mục đích là nhằm đảm bảo cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án và bản chất pháp lý của chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp trong hành vi của các chủ thể bị kiểm sát. Từ đó, theo chúng tôi có thể đưa ra định nghĩa về khái niệm kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự như sau:

Kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự là chức năng hiến định của VKS, có nội dung là giám sát trực tiếp các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhằm bảo đảm cho pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.

Như vậy, khi đã hiểu được như thế nào là kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự, thì vấn đề đặt ra cho chúng ta cần tiếp tục làm rõ đó là: Kiểm sát hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự là gì? Đặc điểm của chúng?

Chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự của VKS thực chất là kiểm sát việc tuân theo pháp luật các hoạt động tư pháp của CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra với tính chất là một chức năng của VKS thì hoạt động đó có bản chất pháp lý là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp các hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bởi CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn khởi tố và điều tra các vụ án hình sự nhằm bảo đảm việc khởi tố – điều tra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan người vô tội.

Từ bản chất pháp lý đó chúng ta cũng cần xem xét đối tượng của hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra các vụ án hình sự là gì? và phạm vi của nó?. Theo chúng tôi, đối tượng của kiểm sát khởi tố – điều tra các vụ án hình sự chính là các hành vi xử sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình khởi tố – điều tra vụ án hình sự. Khi tiến hành hoạt động kiểm sát, VKS phải dựa trên các căn cứ pháp lý là Hiến pháp, Luật tổ chức VKS, Bộ luật hình sự, BLTTHS và các văn bản pháp luật khác có liên quan để theo dõi, xem xét bảo đảm sự tuân theo pháp luật, cũng như bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của các hành vi tố tụng hình sự mà chủ thể bị kiểm sát thực hiện.

Về phạm vi của kiểm sát khởi tố – điều tra các vụ án hình sự từ trước đến nay đang là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên về mặt lý luận chúng tôi cho rằng phạm vi của quyền công tố bắt đầu từ khi có tội phạm xảy ra, theo đó các cơ quan tư pháp có thẩm quyền có trách nhiệm khởi động hoạt động công tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội. CQĐT cũng có quyền phát động công tố nhưng đó là sự phát động nằm trong sự kiểm sát của VKS nên không mang tính độc lập. Do vậy, khi CQĐT phát động quyền công tố đồng thời theo đó làm phát sinh các hoạt động tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ… để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm. Nhằm bảo đảm cho các hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ của VKS thông qua hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Vì vậy, phạm vi của hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra các vụ án hình sự được xác định bắt đầu từ khi có tội phạm xảy ra hoặc phát hiện được dấu hiệu của tội phạm cho tới khi vụ án được kết thúc điều tra bằng bản kết luận điều tra của cơ quan có thẩm quyền chuyển cho VKS đề nghị truy tố hoặc khi CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Việc xác định phạm vi như vậy là thể hiện tính đầy đủ, toàn diện của công tác kiểm sát khởi tố – điều tra các vụ án hình sự của VKS, cũng như thể hiện đầy đủ bản chất pháp lý của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố – điều tra các vụ án hình sự đó là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp trong hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự.

Từ những nội dung nêu trên, có thể đưa ra định nghĩa về chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự như sau:

Kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự là chức năng hiến định của VKS, có nội dung là giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố – điều tra vụ án hình sự, nhằm bảo đảm cho pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.

Xuất phát từ khái niệm đã nêu ở trên và trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm sát tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự, cho phép rút ra một số đặc điểm chung của nó như sau:

Thứ nhất, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự là chức năng hiến định của VKS, có phạm vi xác định thời điểm bắt đầu từ khi có dấu hiệu của tội phạm xảy ra và thời điểm kết thúc khi cơ quan tiến hành tố tụng kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra cho VKS đề nghị truy tố hoặc vụ án được đình chỉ điều tra.

Thứ hai, nội dung của chức năng này chính là việc giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố – điều tra các vụ án hình sự.

Thứ ba, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự là nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.

2.2. Mối quan hệ giữa kiểm sát các hoạt động tư pháp với thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự

Để quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng đã được nêu rõ trong Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX, Nghị quyết 08 ngày 02/1/2002 của Bộ chính trị về “một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp trong thời gian tới” và đặc biệt trên cơ sở nội dung Điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và nội dung của Luật tổ chức VKSND năm 2002, thì vấn đề phân biệt giữa hoạt động thực hành quyền công tố với kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự cũng như mối quan hệ giữa chúng với nhau cần phải được làm rõ nhằm tạo cơ sở cho việc áp dụng vào hoạt động thực tiễn các quy định của BLTTHS và Luật tổ chức VKSND năm 2002.

Trước khi đi vào phân tích mối quan hệ giữa hoạt động thực hành quyền và hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS trong tố tụng hình sự, chúng ta cần thống nhất về mặt nhận thức các vấn đề: Quyền công tố? Thực hành quyền công tố?

Quyền công tố: là một khái niệm pháp lý, gắn liền với bản chất Nhà nước và pháp luật. Từ trước tới nay trong pháp luật thực định nhà làm luật nước ta chưa làm rõ và chưa có một định nghĩa chung về ” quyền công tố”. Theo quan điểm của chúng tôi trước hết quyền công tố là một loại quyền lực nhà nước (quyền lực công), nó ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của Nhà nước, do đó quyền công tố luôn luôn gắn liền với bản chất Nhà nước. Trong đời sống xã hội cũng như trong lịch sử hình thành và phát triển của mình thì quyền công tố chủ yếu được phát sinh trong quan hệ pháp luật giữa một bên là Nhà nước (với tư cách là chủ thể quyền lực) và bên kia là người thực hiện hành vi phạm tội (với tư cách là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt). Trong quan hệ đó Nhà nước muốn trừng trị được người phạm tội để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì trước hết Nhà nước phải buộc tội được người phạm tội. Nên theo chúng tôi quyền công tố là việc Nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước (nhân danh quyền lực công) truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, quyền công tố có nội dung là sự buộc tội đối với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, với nội dung đó có thể khẳng định quyền công tố chỉ được thực hiện trong lĩnh vực hình sự, còn trong lĩnh lực tố tụng dân sự, hành chính, kinh tế thì VKS tham gia để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Với việc xác định quyền công tố chỉ có trong tố tụng hình sự đã tạo cơ sở cho việc xác định rõ đối tượng của quyền công tố chỉ là tội phạm và người phạm tội. Tuy vậy, phạm vi quyền công tố không phải có trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự, điều này đã được thể hiện rõ trong Luật tổ chức VKSND năm 2002, thi hành án là một giai đoạn tố tụng hình sự nhưng ở giai đoạn này VKS chỉ tham gia với vai trò là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án trong công tác thi hành án hình sự (Điều 23 Luật tổ chức VKSND năm 2002).

Do đó giai đoạn thi hành án không có hoạt động thực hành quyền công tố. Như vậy, trong tố tụng hình sự, phạm vi quyền công tố được xác định từ khi có tội phạm xảy ra cho đến khi vụ án được xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị. Từ nội dung trên có thể hiểu quyền công tố là: Một loại quyền lực của Nhà nước, được Nhà nước giao cho VKS thực hiện để truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc tội người đã có hành vi bị coi là tội phạm, được thực hiện trong suốt quá trình khởi tố – điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.

Thực hành quyền công tố: Thuật ngữ thực hành quyền công tố đã được nhà làm luật nước ta ghi nhận và đề cập trong nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời hoạt động thực hành quyền công tố cũng đã gắn liền với hoạt động của VKS hơn 40 năm qua (từ năm 1960). Thế nhưng trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay (BLTTHS 1988, cũng như BLTTHS năm 2003 vừa được Quốc hội thông qua) nhà làm luật chưa ghi nhận một định nghĩa pháp lý về khái niệm “thực hành quyền công tố”.

Khi đã làm rõ được thế nào là quyền công tố, thì một vấn đề cần có sự nhận thức thống nhất đó là quyền công tố và thực hành quyền công tố là hai khái niệm, hai phạm trù khoa học pháp lý khác nhau, không thể đồng nhất hai khái niệm này với nhau. Để bảo đảm thực hiện quyền công tố trong thực tế đấu tranh chống tội phạm thì Nhà nước phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố. Các quyền năng pháp lý đó Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước nào thực hiện để phát hiện tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì cơ quan ấy được gọi là cơ quan có trách nhiệm thực hành quyền công tố.

Việt Nam, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp năm 1959 cho đến Hiến pháp 1992 (sửa đổi) thì chức năng thực hành quyền công tố được giao cho cơ quan VKS. Để thực hiện có hiệu quả chức năng đó VKS được áp dụng “các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội” (Điều 13 BLTTHS). Tuy nhiên, thực tiễn điều tra và xét xử ở nước ta cho thấy CQĐT và Tòa án các cấp cũng khởi tố vụ án hình sự, thậm chí số án do CQĐT khởi tố chiếm khoản 95% và theo như quy định mới của BLTTHS năm 2003 thì việc khởi tố vụ án hình sự được tập trung vào một đầu mối là CQĐT. Như vậy, số vụ án mà VKS khởi tố và yêu cầu khởi tố chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số án mà CQĐT khởi tố, hơn nữa CQĐT có quyền bắt người, tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ… Chính vấn đề thực tiễn nói trên là sự thể hiện nguyên tắc công tố trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta, tức là trách nhiệm và nghĩa vụ phát hiện, chứng minh tội phạm và người phạm tội thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan diều tra, VKS và Tòa án.

Từ những nội dung nêu trên, có thể hiểu: Thực hành quyền công tố là việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã có hành vi bị coi là tội phạm trong các giai đoạn khởi tố – điều tra, truy tố và xét xử. Nội dung này được thể hiện khá cụ thể tại các Điều 13 và Điều 17 Luật tổ chức VKS năm 2002. Từ nội dung khái niệm nói trên và trên cơ sở các quy định của BLTTHS có thể nêu lên nội dung của thực hành quyền công tố bao gồm:

Thứ nhất, những hoạt động phát động công tố, đó là khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Thứ hai, trong giai đoạn điều tra, VKS tiếp tục thực hành quyền công tố với những nội dung: Yêu cầu CQĐT khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; đề ra yêu cầu điều tra; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của CQĐT; hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của CQĐT; quyết định việc truy tố; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Từ những nội dung nêu trên chúng ta đi vào phân tích mối quan hệ giữa kiểm sát các hoạt động tư pháp với thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự.

Theo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức VKS năm 2002, trong lĩnh vực tư pháp hình sự VKS có hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đây là hai chức năng độc lập, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong thực tiễn hoạt động thực hiện chức năng của ngành kiểm sát trong lĩnh vực tư pháp hình sự, VKS các cấp luôn luôn quán triệt đường lối công tác kiểm sát là đấu tranh chống tội phạm gắn liền với đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; không để lọt tội phạm đồng thời cũng không được làm oan người vô tội. Nên việc thực hiện đồng thời hai hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự là mang tính khách quan, do vậy giữa hai hoạt động này luôn có mối quan hệ với nhau. Mối quan hệ đó được thể hiện ở các phương diện sau:

Khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm, vụ án được khởi tố, tức là quyền công tố được phát động đã làm phát sinh hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố vụ án hình sự, hoạt động này được VKS thực hiện để bảo đảm việc khởi tố đúng với các quy định pháp luật, thông qua hoạt động kiểm sát khởi tố xét thấy quyết định khởi tố của CQĐT không có căn cứ và hợp pháp, tức là quyết định đó trái pháp luật thì VKS yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chấm dứt ngay hoạt động điều tra, đồng thời ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố trái pháp luật, như thế quyền công tố có thể bị triệt tiêu và việc ra quyết định hủy bỏ tức là VKS đã thực hành quyền công tố. Do vậy, làm tốt chức năng kiểm sát khởi tố vụ án hình sự sẽ là cơ sở cho việc ra quyết định của VKS được chính xác và đúng pháp luật nhằm bảo đảm về mặt pháp lý và hạn chế được các vi phạm trong việc thực hành quyền công tố của VKS.

Ngược lại nếu thực hiện kiểm sát khởi tố không tốt sẽ mất đi tính hiệu quả trong việc thực hành quyền công tố, thậm chí quyết định pháp lý của VKS là vi phạm pháp luật. Ví dụ, trong trường hợp CQĐT khởi tố vụ án trái pháp luật, nếu kiểm sát khởi tố không kiểm sát chặt chẽ thì sẽ không phát hiện được vi phạm trong việc ra quyết định khởi tố của CQĐT thì VKS sẽ không đưa ra được các yêu cầu và biện pháp khắc phục ngay từ đầu, chính điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án phải đình chỉ điều tra.

Khi VKS quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, các quyết định tố tụng khác của CQĐT, tức là VKS trực tiếp sử dụng quyền công tố. Nhưng hoạt động thực hành quyền công tố của VKS cũng phải tuân theo quy định của pháp luật, muốn vậy trước khi quyết định các vấn đề trên, VKS phải tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn hoặc trong việc khởi tố bị can của CQĐT, tức là VKS tiến hành thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Để thực hiện tốt quyền công tố, có nghĩa là đảm bảo việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác của CQĐT được chính xác, đúng pháp luật thì đòi hỏi phải kiểm tra chặt chẽ tính có căn cứ và tính hợp pháp của các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự mà CQĐT quyết định áp dụng, mà hoạt động kiểm tra này chính là thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Trên cơ sở kết quả của hoạt động kiểm sát thấy rằng quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là có căn cứ và hợp pháp thì VKS sẽ quyết định phê chuẩn để thi hành, ngược lại nếu xét thấy quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự của CQĐT là không có căn cứ và hợp pháp VKS sẽ quyết định không phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định tố tụng trái pháp luật của CQĐT, đồng thời yêu cầu CQĐT chấm dứt ngay các hoạt động tố tụng. Ví dụ, theo quy định mới của BLTTHS năm 2003, quyết định khởi tố bị can của CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải được VKS cùng cấp phê chuẩn.

Do vậy, để phê chuẩn hay hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của CQĐT thì VKS phải tiến hành hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố bị can nhằm bảo đảm quyết định khởi tố bị can là có căn cứ và hợp pháp, nếu qua hoạt động kiểm sát xét thấy quyết định khởi tố bị can có căn cứ và hợp pháp thì VKS quyết định phê chuẩn để CQĐT tiến hành hoạt động điều tra, ngược lại quyết định khởi tố bị can không có căn cứ thì VKS quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố của CQĐT.

Với việc thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp sẽ làm tiền đề cho hoạt động thực hành quyền công tố được thực hiện một cách chính xác, nếu có sai sót, vi phạm trong việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra sẽ kéo theo sự vi phạm pháp luật của hoạt động thực hành quyền công tố. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra khi chức năng thực hành quyền công tố của VKS được thực hiện cũng sẽ làm tiền đề phát sinh hoạt động kiểm sát. Ví dụ khi VKS phê chuẩn lệnh bắt khấn cấp của CQĐT thì làm phát sinh hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tạm giữ người bị bắt của CQĐT nhằm bảo đảm việc tạm giữ người phải có lệnh hoặc có quyết định phê chuẩn của VKS, đồng thời bảo đảm thời hạn tạm giữ đúng theo quy định của pháp luật.

Khi truy tố bị can ra Tòa án để xét xử, tức là VKS thực hành quyền công tố, hoạt động đó thể hiện qua việc ban hành quyết định truy tố. Nhưng quyết định truy tố của VKS cũng phải bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp và điều đó có nghĩa là bản thân VKS trong giai đoạn truy tố cũng phải đặt trong sự tuân thủ pháp luật. Muốn bảo đảm quyết định truy tố có căn cứ thì phải dựa trên cơ sở của kết quả hoạt động kiểm sát điều tra vụ án của VKS, nếu thực hiện tốt hoạt động kiểm sát điều tra thì VKS sẽ nắm được nội dung của vụ án, những tình tiết buộc tội, tình tiết gỡ tội của bị can và các tình tiết liên quan khác của vụ án và đó chính là căn cứ vững chắc cho việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, ngược lại nếu VKS thực hiện không tốt hoạt động kiểm sát điều tra thì có thể dẫn đến việc truy tố oan, sai.

Cho nên, hoạt động kiểm sát điều tra là cơ sở rất vững chắc cho hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố và xét xử. Bên cạnh đó, hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố lại là tiền đề làm phát sinh hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS tại phiên tòa xét xử. 

Như vậy, giữa kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố trong lĩnh vực tư pháp hình sự luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ và biện chứng với nhau, nhiệm vụ của hoạt động này làm tiền đề cho nhiệm vụ của hoạt động kia và ngược lại; kết quả của hoạt động này là cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động kia và ngược lại. Mối quan hệ biện chứng giữa hai hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp chỉ song song tồn tại trong phạm vi bắt đầu từ khi tội phạm được phát hiện, khởi tố điều tra cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị.

2.3. Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đưa nước ta dành được độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay từ ngày đầu xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xây dựng các cơ quan chuyên trách như cơ quan Công tố và Tòa án có nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, trừng trị và phòng ngừa các tội phạm hình sự nhằm mục tiêu là bảo vệ chế độ Nhà nước của nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tiền thân của cơ quan VKS là cơ quan Công tố viên được thành lập theo sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945, vào giai đoạn đó Công tố viên là một bộ phận trong hệ thống cơ quan Tòa án, sau Nhà nước ta đã ban hành các Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946; Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946; Sắc lệnh số 51 ngày 20/7/1946 và sắc lệnh số 19 ngày 16/2/1947… quy định thành lập hệ thống Tòa án nhân dân (tòa án thường), trong đó Công tố viên là một tổ chức bên cạnh Tòa án và trực thuộc Bộ tư pháp quản lý. Hệ thống Công tố ở Tòa thượng thẩm và Tòa án đệ nhị cấp do một viên trưởng lý đứng đầu, lúc này Công tố viên chỉ có chức năng truy tố người phạm tội ra Tòa án để xét xử. Cho nên trong giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến 1950 tổ chức Công tố nằm trong hệ thống Tòa án.

Đến năm 1958 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thông qua ngày 29/4/1958, thực hiện việc cải cách tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước nên Quốc hội đã quyết định thành lập cơ quan viên công tố trung ương và hệ thống viên công tố. Từ thời điểm này viên công tố tách khỏi hệ thống Toà án thốngvà trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sau đó Phủ Thủ tướng đã ban hành Nghị định 256/TTg ngày 1/7/1959 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của viên công tố, trong đó có quy định: “Nhiệm vụ của viên công tố là điều tra và truy tố trước Tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra…” [7], như vậy ngoài chức năng truy tố theo luật hình sự những kẻ phạm pháp, viên công tố còn có chức năng trong việc giám sát chấp hành pháp luật trong điều tra vụ án hình sự.

Từ giai đoạn này trở đi, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự của viên công tố bắt đầu được hình thành và thực hiện. Đến năm 1959, Quốc hội ban hành Hiến pháp 1959 trong đó đã quy định tổ chức cơ quan VKSND thành một hệ thống độc lập với Chính phủ và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức VKSND năm 1960 để cụ thể hóa chức năng của VKS trong đó có chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự. Với việc ban hành Luật tổ chức VKSND năm 1960 đã đánh dấu sự hình thành hệ thống cơ quan VKS từ trung ương đến địa phương, đồng thời khẳng định chức năng hiến định là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Cũng trong thời gian này VKSNDTC và Bộ công an đã ban hành nhiều thông tư liên bộ quy định trách nhiệm của hai ngành trong công tác phối hợp phòng chống và đấu tranh tội phạm, cụ thể là thông tư số 427-TTLB ngày 28/6/1963 đã quy định trách nhiệm của từng ngành đối với việc điều tra xử lý tội phạm, thông tư quy định: Cơ quan Công an điều tra đảm nhiệm việc điều tra tất cả các vụ án phản cách mạng và những tội phạm phức tạp. Còn VKS chủ yếu là làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra, đồng thời trong phạm vi điều kiện và khả năng của mình sẽ trực tiếp và điều tra một số loại phạm pháp kinh tế và hành vi phạm pháp đã tương đối rõ.

Đến giai đoạn những năm 80, Nhà nước ta đã ban hành Hiến pháp năm 1980 trong đó quy định chức năng của VKS như sau: “viên kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và các đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Các viên kiểm sát nhân dân địa phương, các viên kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình” (Điều 138). Trên cơ sở đó Luật tổ chức VKSND năm 1981 đã quy định cụ thể chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra tại chương II. Tuy nhiên trong giai đoạn này chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chặt chẽ, cụ thể về trình tự thủ tục hoạt động điều tra, cũng như hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự, từ đó dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm.

Ngày 28/6/1988, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa VIII đã thông qua BLTTHS đầu tiên của nước ta đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Bộ luật tố tụng đã quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục khởi tố – điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, bên cạnh đó có quy định về hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra của VKS với mục đích là nhằm xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Điều 23 BLTTHS quy định: “viên kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hình sự, thực hiện quyền công tố bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, VKS có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào”. Với quy định đó VKS thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với toàn bộ hoạt động tố tụng của CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy, từ giai đoạn này trở đi, hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra được thực hiện theo quy định của một văn bản quy phạm pháp luật và trong suốt thời gian hơn 15 năm thực hiện BLTTHS, chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra của VKS đã góp phần quan trọng trong công cuộc phòng chống, đấu tranh các loại tội phạm, đảm bảo việc ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển một nền kinh tế bền vững trong thời kỳ đổi mới của đất nước ta, đồng thời tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Năm 2001, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây được gọi là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi), lần sửa đổi này đã điều chỉnh chức năng của VKS với quy định:” VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” (Điều 137), như vậy Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã quy định rõ kiểm sát hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng chính của VKS, điều đó thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự nói riêng là chức năng quan trọng và chỉ giao cho cơ quan VKS thực hiện.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật tổ chức VKSND năm 2002 được ban hành và tại các Điều 12, 14 chương II quy định: “VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. Bên cạnh đó để đáp ứng những yêu cầu trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong thời kỳ mới là nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa bảo đảm chống để lọt tội phạm vừa bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân không bị vi phạm…, đồng thời trải qua hơn 10 năm thực hiện BLTTHS năm 1988 đã nảy sinh những bất cập trong thực tiễn áp dụng, đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung.

Nên năm 2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI đã tiến hành thảo luận và thông qua BLTTHS năm 2003 thể hiện những tư tưởng mới về cải cách tư pháp hình sự, trong đó tại Điều 2 chương II – Những nguyên tắc cơ bản có quy định: “… viên kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này.

VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội”. Ngoài ra còn có những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát khởi tố – điều tra như Điều 113, v.v…

Như vậy, trong suốt quá trình hình thành và phát triển hệ thống cơ quan VKS thì chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự ngày càng được khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, nhằm mục đích là sự tuân thủ nghiêm minh và thống nhất các quy định pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự.

3. Mối quan hệ giữa cơ quan điểu tra và viên kiểm sát trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự

3.1. Khái niệm

CQĐT và VKS theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự là các cơ quan tiến hành tố tụng, có trách nhiệm thay mặt Nhà nước chứng minh tội phạm và người phạm tội khi phát hiện có tội phạm xảy ra trong thực tế đời sống xã hội.

Quá trình chứng minh giải quyết vụ án hình sự là một quá trình tố tụng bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau từ khởi tố – điều tra đến truy tố, xét xử và thi hành án. Mỗi giai đoạn tố tụng là các bước giải quyết tương ứng và gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nhất định của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. CQĐT và VKS mặc dù là hai cơ quan độc lập trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình. Nhưng với yêu cầu đặt ra là một mặt phải cương quyết xử lý nghiêm minh tội phạm và người phạm tội, một mặt là phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đúng pháp luật trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng thì trong quá trình khởi tố – điều tra các vụ án hình sự đã làm phát sinh mối quan hệ tố tụng hình sự giữa CQĐT và VKS.

Từ đó có thể hiểu: Mối quan hệ giữa CQĐT và VKS trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự là mối quan hệ tố tụng hình sự được phát sinh trong quá trình phát hiện tội phạm, khởi tố – điều tra vụ án hình sự.

Cơ sở pháp lý của mối quan hệ giữa CQĐT và VKS trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự là các quy định của BLTTHS và các văn bản về pháp luật tố tụng hình sự có liên quan.

3.2. Nội dung mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và viên kiểm sát trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự

Trên cơ sở các quy định của BLTTHS và các văn bản có liên quan thì mối quan hệ giữa CQĐT và VKS trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự được thể hiện dưới hai hình thức: Phối hợp và chế ước. Do giới hạn của đề tài này chúng tôi không phân tích nội dung mối quan hệ phối hợp, mà chỉ phân tích nội dung chế ước trong mối quan hệ giữa cơ quan VKS với CQĐT để làm rõ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong khởi tố – điều tra của VKS.

BLTTHS đã quy định: “viên kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, viên kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân nào hoặc tổ chức nào” (Điều 23, BLTTHS). Như vậy, thực hiện chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự qua đó nếu phát hiện được những

vi  phạm của CQĐT thì VKS có quyền áp dụng mọi biện pháp mà BLTTHS quy định để loại trừ vi phạm, chính quy định đó của pháp luật đã thể hiện tính chế ước của VKS đối với CQĐT trong hoạt động tố tụng.

Theo từ điển tiếng Việt thì: “Chế” là phép định ra, làm ra, đặt ra; còn “ước” là bó buộc. Việc dùng khái niệm “chế ước” vì theo như pháp luật tố tụng hình sự nước ta, VKS có các quyền năng pháp lý như: Giám sát, yêu cầu, hủy bỏ. Mà bản chất pháp lý của các quyền năng này là sự chế ước đối với hoạt động tố tụng của CQĐT – với tính chất là đối tượng của hoạt động kiểm sát.

Suốt quá trình tố tụng từ khi tội phạm được phát hiện hay có dấu hiệu tội phạm đến khi khởi tố và tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội thì VKS đều tham gia với tư cách là cơ quan giám sát thông qua hai hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (nghiên cứu hồ sơ). Việc thực hiện các quyền năng của VKS trong quá trình giải quyết vụ án hình sự như yêu cầu điều tra, phê chuẩn các quyết định tố tụng hay hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của CQĐT… được gọi là thực hiện chức năng thực hành quyền công tố của VKS với mục đích nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, đồng thời ngăn ngừa mọi hoạt động xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân.

 bất kỳ một cơ chế hoạt động nào cũng phải có sự kiểm tra để hoạt động đó thực hiện một cách nghiêm chỉnh, bất kỳ quyền hạn nào cũng phải chịu sự giám sát, nếu không sẽ dẫn đến lạm quyền. Trong khi hoạt động tố tụng của CQĐT ở chừng mực nào đó nhất định đều ảnh hưởng, liên quan đến quyền công dân, mà quyền này đã được pháp luật bảo vệ, nên bất kỳ hoạt động tố tụng nào của CQĐT liên quan đến quyền công dân đều phải được cân nhắc và giám sát một cách chặt chẽ. Ví dụ, CQĐT muốn áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng như khám xét khẩn cấp, bắt khẩn cấp, bắt bị can để tạm giam hoặc áp dụng biện pháp tạm giam…thì tất cả các quyết định áp dụng các biện pháp nói trên phải được VKS cùng cấp phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành.

Trong trường hợp CQĐT ra quyết định áp dụng các biện pháp nói trên không có căn cứ, tức là các quyết định vi phạm pháp luật thì VKS có quyền quyết định hủy bỏ quyết định trái pháp luật đó và yêu cầu CQĐT phục hồi lại toàn bộ các các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, ví dụ nếu đã bắt người thì phải trả tự do ngay hoặc nếu thu giữ tài sản thì trả lại cho chủ sở hữu.

Thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đặt ra yêu cầu đối với CQĐT là không những phải xử lý nghiêm minh tội phạm và người phạm tội, mà còn đòi hỏi phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng của mình. Tuy nhiên, để có sự đảm bảo yêu cầu nói trên thì việc chế ước của VKS đối với hoạt động tố tụng của CQĐT hoàn toàn là tất yếu. Song VKS thực hiện quyền chế ước cũng trong phạm vi luật định chứ không phải VKS tự đặt ra và yêu cầu CQĐT thực hiện.

Sự chế ước được biểu hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất của từng chế định, trong BLTTHS quyền chế ước của VKS được quy định rất rộng và chặt chẽ từ việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (theo BLTTHS năm 2003) cho đến việc phê chuẩn, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều này thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước ta là tôn trọng và bảo vệ quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Nếu VKS thực hiện tốt các quyền năng chế ước thì sẽ góp phần vào kết quả giải quyết các vụ án hình sự đạt hiệu quả cao, nâng cao chất lượng công tác điều tra, tránh các sai sót và vi phạm các quy định của BLTTHS của CQĐT, đồng thời qua đó thể hiện rõ chức năng thực hành quyền công tố của VKS trong tố tụng hình sự.

Nghiên cứu các chế định của pháp luật tố tụng hình sự thấy rằng, quyền chế ước của VKS được thực hiện dưới các hình thức cơ bản sau:

Thứ nhất, VKS có quyền giám sát các hoạt động điều tra của CQĐT một cách trực tiếp, như kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường, kiểm sát hoạt động khám nghiệm tử thi, kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can… hoặc giám sát một cách gián tiếp thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu phản ánh hoạt động điều tra. Qua hoạt động giám sát, VKS có quan điểm là nhất trí, không nhất trí, phê chuẩn hay không phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT. Hoạt động giám sát là cơ sở để VKS thực hiện quyền chế ước, chỉ khi thông qua hoạt động giám sát thì VKS mới nắm rõ các hoạt động tố tụng của CQĐT đúng hay sai hoặc còn thiếu sót ở điểm nào, từ đó đưa ra các yêu cầu, biện pháp cụ thể để CQĐT thực hiện trong quá trình điều tra vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám sát của VKS bị hạn chế khi cơ chế giám sát không đảm bảo, khi kiểm sát viên – người trực tiếp tiến hành hoạt động giám sát nhận thức không đầy đủ và thực hiện không nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quyền năng giám sát của mình hoặc khi CQĐT không phối hợp chặt chẽ với VKS. Bởi lẽ, yêu cầu đặt ra cho hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự là phải kiểm sát ngay từ đầu, tức là VKS phải giám sát ngay từ khi CQĐT phân loại, xử lý các tố giác và tin báo tội phạm, nếu như CQĐT không có sự phối hợp trong giải quyết các tố giác và tin báo tội phạm, thì hoạt động giám sát của VKS bị hạn chế, điều đó có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm của CQĐT.

Thứ hai, VKS có quyền đề ra yêu cầu CQĐT thực hiện các hoạt động điều tra khi phát hiện thấy việc khởi tố – điều tra của CQĐT chưa đầy đủ, còn thiếu sót về chứng cứ để làm cơ sở chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc phát hiện có vi phạm pháp luật tố tụng hình sự có thể dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Ví dụ như VKS có quyền yêu cầu CQĐT khởi tố bổ sung, nếu CQĐT không khởi tố thì VKS khởi tố và yêu cầu điều tra hoặc khi kết thúc điều tra phát hiện việc bỏ lọt tội phạm thì VKS quyết định trả hồ sơ và yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung, yêu cầu cung cấp tài liệu cần thiết về tội phạm và việc vi phạm pháp luật của Điều tra viên… Đề ra yêu cầu điều tra có thể được thực hiện ngay từ khi có tin báo, tố giác về tội phạm để làm rõ có tội phạm xảy ra hay không? Hoặc sau khi khởi tố vụ án hình sự để làm rõ đối tượng gây án, thậm chí ngay trong quá trình điều tra vụ án hình sự để củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can.

Thứ ba, VKS có quyền hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của CQĐT. Đây là một trong những quyền năng thể hiện chức năng thực hành quyền công tố của VKS, là phương tiện bảo đảm cho việc điều tra phải tuân theo pháp luật một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, tránh tùy tiện trong hoạt động tố tụng hình sự của CQĐT. Trên thực tế, VKS chỉ thực hiện điều này khi đã có yêu cầu nhưng CQĐT không thực hiện hoặc không thể tự hủy bỏ để khắc phục được. Ví dụ như VKS quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố của CQĐT nếu thấy quyết định đó không có căn cứ pháp luật. Do vậy, nếu VKS thực hiện tốt, triệt để quyền năng này thì ngoài việc góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, mà còn hạn chế rất nhiều trường hợp vụ án phải đình chỉ điều tra vì không có sự kiện phạm tội hoặc bị can không phạm tội v.v… Để thực hiện quyền năng này được chính xác thì VKS phải thực hiện chức năng kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn khởi tố, từ đó thường xuyên chấn chỉnh hoạt động điều tra của CQĐT để làm sao không xảy ra vi phạm về tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án, nếu có vi phạm xảy ra thì kịp thời yêu cầu khắc phục ngay, đặc biệt là ngăn chặn vi phạm quyền công dân.

Quyền chế ước nói trên của VKS cũng phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và cũng có giới hạn nhất định, chẳng hạn trong trường hợp không đồng ý với quyết định của VKS cùng cấp thì CQĐT vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền đề nghị viên trưởng- VKS cấp trên trực tiếp xem xét và quyết định, thời hạn cho cơ quan VKS cấp trên xem xét giải quyết là 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của CQĐT (khoản 4, Điều 141 BLTTHS).

Việc phân tích bản chất, hình thức trong mối quan hệ giữa CQĐT và VKS góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và vận dụng thống nhất trong thực tiễn. Đồng thời qua đó tìm ra những cơ sở khoa học để đổi mới, hoàn thiện các quy chế về mối quan hệ trong giải quyết các vụ án hình sự giữa hai cơ quan này, qua đó thực hiện mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng của CQĐT và VKS trong khởi tố – điều tra các vụ án hình sự.

Đặc biệt BLTTHS năm 2003 vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004 có những quy định liên quan đến mối quan hệ giữa CQĐT và VKS như bổ sung quy định VKS có quyền phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của CQĐT, hay sửa đổi quy định về nhiệm vụ giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan nhà nước theo đó thẩm quyền giải quyết thuộc CQĐT, còn VKS có trách nhiệm sau khi tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm (bao gồm cả thông tin về người phạm tội tự thú quy định tại Điều 102) và kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước thì chuyển ngay cho CQĐT kèm theo các tài liệu có liên quan để xử lý giải quyết và kiểm sát việc giải quyết thông tin về tội phạm đó của CQĐT (Điều 103 BLTTHS năm 2003).

Ngoài ra, trong việc khởi tố vụ án hình sự, BLTTHS năm 2003 cũng quy định rõ phạm vi thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự giữa CQĐT và VKS, theo đó VKS chỉ ra quyết định khởi tố vụ án trong hai trường hợp: Thứ nhất, khi hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT; thứ hai là khi Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án (Điều 104 BLTTHS năm 2003). Việc quy định rõ như trên là hoàn toàn hợp lý, tránh việc đồng thời trong cùng một lúc CQĐT và VKS ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quy định đó cũng để thống nhất với việc tập trung cho Cơ quan điều giải quyết các tố giác và tin báo tội phạm. Những quy định của BLTTHS năm 2003 đã dần dần làm rõ trách nhiệm của từng CQĐT và VKS trong hoạt động tố tụng, nên nếu có xảy ra việc bồi thường cho người bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây ra thì sẽ làm rõ được trách nhiệm của cơ quan nào thực hiện bồi thường theo Nghị quyết 388/NQ của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có nhiều trường hợp do nhận thức không đúng đắn các quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa CQĐT và VKS nên đã có hiện tượng do chỉ tập trung vào việc phát hiện, điều tra tội phạm mà không chú ý đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm, thậm chí có trường hợp VKS chỉ sử dụng đơn thuần quan hệ phối hợp mà không sử dụng quyền chế ước đã dẫn đến hiện tượng “hữu khuynh”, làm thay CQĐT, né tránh, không cương quyết bảo vệ quan điểm đúng đắn cũng như các quy định pháp luật bị vi phạm. Ngược lại, sử dụng cứng nhắc quyền chế ước của VKS đối với CQĐT có thể tạo nên mối quan hệ căng thẳng trong công tác. Những trường hợp nói trên tuy không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra và kết quả công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

4. Tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong khởi tố, điểm tra vụ án hình sự

Hiến pháp năm 1959 ra đời đã ghi nhận VKSND là một cơ quan trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 1960 đã ghi nhận VKSND có nhiệm vụ: “Điều tra những việc phạm pháp về hình sự, truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan công an và của CQĐT khác; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ của các trại giam…”.

Điều này cho thấy, từ khi mới thành lập VKSND đã có trách nhiệm quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo cho pháp luật tố tụng hình sự được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt nam, Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND có những bước tiến và có những thay đổi căn bản về nội dung. Nhưng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của VKS vẫn được ghi nhận. Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 2002 đã quy định: “viên kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng những công tác sau đây

1-  Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;…

2-  Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự;…”.

Như vậy, trải qua một thời gian dài phát triển cho đến nay trong lĩnh vực tư pháp hình sự VKS vẫn có trách nhiệm, quyền hạn là kiểm sát việc tuân theo pháp luật – đây là một trong hai chức năng cơ bản của VKS và được thực hiện thông qua các khâu công tác cơ bản là: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra (kiểm sát điều tra); kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử (kiểm sát xét xử); kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án(kiểm sát thi hành án) và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ, cải tạo(kiểm sát giam giữ cải tạo). Từ khi có BLHS và BLTTHS thì công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự được quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn để phù hợp với các giai đoạn của tố tụng hình sự.

Trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự thì toàn bộ hoạt động tố tụng của CQĐT chịu sự kiểm sát của khâu công tác kiểm sát điều tra và khâu kiểm sát giam, giữ. Các khâu công tác này có quyền sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đã được pháp luật quy định để tác động đến hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự.

Từ những phân tích trên cho thấy khâu công tác kiểm sát là quá trình hoạt động nghiệp vụ của VKS trong các giai đoạn tố tụng hình sự, nhằm thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố của ngành kiểm sát.

Xuất phát từ nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho mỗi cấp kiểm sát khác nhau, cũng như nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong mỗi thời kỳ khác nhau, từ số lượng biên chế cán bộ và trình độ của các cán bộ, kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát cụ thể khác nhau, nên việc tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự ở mỗi cấp kiểm sát không hoàn toàn giống nhau. Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002, hệ thống cơ quan VKS được tổ chức thành 3 cấp: Cấp trung ương là VKSND Tối cao; Cấp tỉnh gồm VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) và cuối cùng là VKSND cấp huyện gồm VKSND các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

Theo mô hình tổ chức đầy đủ với nghĩa mỗi khâu công tác là một đơn vị nghiệm vụ để thực hiện chức năng của ngành, thì ở VKSND Tối cao có các vụ nghiệp vụ; ở VKSND cấp tỉnh có các phòng nghiệp vụ và ở cấp huyện có bộ phận nghiệp vụ. Theo quy định hiện nay, để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra, VKS các cấp tổ chức theo mô hình sau:

– VKSND Tối cao tổ chức 2 đơn vị nghiệp vụ gồm;

+  Vụ kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

+  Vụ kiểm sát giam, giữ và cải tạo

– VKSND cấp tỉnh tổ chức 2 đơn vị nghiệp vụ gồm:

+ Phòng kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

+ Phòng kiểm sát giam giữ và cải tạo

Tuy nhiên, ở VKSND cấp tỉnh do nhu cầu chuyên môn hóa công tác nên riêng công tác kiểm sát điều tra có thể được tổ chức thêm một phòng kiểm sát điều tra theo loại tội phạm được phân công kiểm sát điều tra, cụ thể:

+  Phòng kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm các vụ án an ninh – ma túy.

– VKSND cấp huyện được tổ chức một bộ phận chuyên môn là bộ phận hình sự – trong đó thực hiện cả kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát giam, giữ.

Việc tổ chức các đơn vị nghiệp vụ theo mô hình nói trên dựa trên cơ sở tổ chức thực hiện việc “thông khâu”. Cách tổ chức thực hiện “thông khâu” kiểm sát ở đây được hiểu là mô hình tổ chức bộ máy mà theo đó một đơn vị nghiệp vụ được giao đảm nhiệm nhiều công tác kiểm sát khác nhau hoặc được giao thêm những nhiệm vụ vốn là của công tác kiểm sát khác. Theo đó thì “thông khâu” tức là thông giữa công tác kiểm sát điều tra với kiểm sát xét xử (sơ thẩm), điều này có nghĩa kiểm sát viên của phòng kiểm sát điều tra đảm đương luôn hoạt động kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự, đồng thời thực hiện chức năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án đó.

Ví dụ, một kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra sơ thẩm một vụ án hình sự A thì kiểm sát viên đó tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử tại phiên toà đối với vụ án hình sự A mà mình đã kiểm sát điều tra. Vậy, về bản chất của việc tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong tư pháp hình sự theo mô hình “thông khâu” có nghĩa là một biện pháp quy định một đơn vị nghiệp vụ thực hiện hai hoặc nhiều hoạt động của hai hoặc nhiều công tác kiểm sát khác nhau, tức là một kiểm sát viên của một đơn vị nghiệp vụ có thể thực hiện ” thông” từ công tác kiểm sát điều tra sang công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Trên đây chúng tôi đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận về giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự và chức năng kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự của VKS trong tố tụng hình sự.

Trình tự, thủ tục của quá trình giải quyết vụ án hình sự trong giai đoạn khởi tố – điều tra và quy định về hoạt động kiểm sát trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự của VKS đã được BLTTHS nước ta quy định khá cụ thể. Vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra được pháp luật quy định như thế nào? vấn đề này cần có sự nghiên cứu làm rõ. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa việc tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm sát trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự là một yêu cầu mang tính khách quan để thấy được những bất cập cần đưa ra các kiến nghị sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện trong xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự. Luận văn này chúng tôi không đi vào phân tích trình tự, thủ tục trong giai đoạn khởi tố – điều tra mà tập trung nghiên cứu các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự quy định chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố – điều tra vụ án hình sự. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ trình bày các quy định của pháp luật về kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự.

5. Kiểm sát giai đoạn khởi tố

5.1. Kiểm sát việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm

Một trong những nguồn thông tin về tội phạm đó là các tố giác, tin báo của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước và mọi công dân. Thông tin về tội phạm là một dự kiện không thể thiếu được cho việc phát hiện, khám phá tội phạm, do đó nguồn tố giác và tin báo về tội phạm đóng góp một phần rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm của Nhà nước. Cho dù cơ quan bảo vệ pháp luật có lực lượng mạnh và có các phương tiện kỹ thuật hiện đại đến đâu đi chăng nữa mà thiếu sự phối hợp cung cấp thông tin về tội phạm của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước và của quần chúng nhân dân thì việc phát hiện và xử lý tội phạm khó đạt được kết quả cao.

Công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là cuộc đấu tranh mang tính chất xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, công tác này đạt được kết quả cao hay không phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức xã hội và của quần chúng nhân dân nhằm cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng các thông tin về tội phạm. Trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin về tội phạm được quy định tại Điều 8 BLTTHS năm 1988 và tiếp tụng được khẳng định và có sự sửa đổi, bổ sung trong quy định của BLTTHS năm 2003, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, cụ thể được quy định: “Quyền và nghĩa vụ các tổ chức và công dân là phát hiện và tố giác hành vi phạm tội, tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức” (Điều 25 BLTTHS năm 2003). Bên cạnh đó BLTTHS năm 2003 còn có điểm mới và tiến bộ hơn so với BLTTHS năm 1988 trong việc quy định khá cụ thể và chặt chẽ trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bởi vì thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thể phát hiện hành vi phạm tội như tham ô, đưa và nhận hối lộ hoặc vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý Nhà nước về kinh tế v.v…

Những hành vi phạm tội đó cần phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, bảo đảm sự ổn định của xã hội, nên BLTTHS năm 2003 đã quy định: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với CQĐT, VKS và Tòa án trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và phải thông báo ngay cho CQĐT, VKS mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi các tài liệu có liên quan cho CQĐT, VKS xem xét khởi tố đối với người có hành vi phạm tội” Đối với cơ quan Thanh tra Nhà nước thì: “…Có trách nhiệm phối hợp với CQĐT, VKS, Tòa án trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện có sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu có liên quan và kiến nghị CQĐT, VKS khởi tố vụ án hình sự”.

Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định trách nhiệm phát hiện tin báo và tố giác tội phạm là của mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và công dân. Các thông tin về tội phạm phải được gửi ngay tới cơ quan cuối cùng có trách nhiệm giải quyết đó là CQĐT và VKS, Điều 86 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn không quá hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tin báo, CQĐT, VKS trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”. Trong suốt quá trình thực hiện quy định trên, đồng thời trong thực tiễn phát triển của xã hội thì hiện tượng vi phạm, tội phạm đã diễn ra ngày càng phức tạp với số lượng gia tăng nên việc quy định trong phối hợp phát hiện và xử lý các tố giác và tin báo về tội phạm cần cụ thể hơn, nên ngày 15-5-1992 liên bộ VKSND tối cao – Bộ nội vụ (nay là Bộ công an) – Bộ quốc phòng – Bộ lâm nghiệp – tổng cục Hải quan đã ban hành thông tư liên ngành số 03-TT/LN quy định về quản lý và xử lý tin báo tội phạm, trong đó có quy định: “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các CQĐT, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…” và “… khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, VKS có trách nhiệm chuyển đến CQĐT có thẩm quyền để giải quyết, yêu cầu khởi tố hoặc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển cho CQĐT để tiến hành điều tra”. Cho nên, về lý thuyết hoạt động của VKS trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm bao gồm những nội dung:

Thứ nhất, kiểm sát việc tiếp nhận (thụ lý) thông tin về tội phạm ở CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo quy định của BLTTHS năm 1988 và Thông tư liên ngành số 03-TT/LN, VKSND có nhiệm vụ kiểm sát việc CQĐT đã phát hiện và thụ lý đầy đủ các vi phạm và tội phạm xảy ra trên địa bàn mình quản lý hay chưa, có trường hợp nào CQĐT không thụ lý hay không? Lý do không thụ lý. Trong trường hợp VKS nhận được tố giác và tin báo về tội phạm nhưng CQĐT chưa nhận được thì VKS chuyển đến cho CQĐT để tiến hành xác minh.

Đối với hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận (thụ lý) các tố giác, tin báo về tội phạm của VKS thì đây là một công việc có tính chất phức tạp, bởi quy định về thụ lý các thông tin về tội phạm của CQĐT cũng như các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay thường do ngành dọc quy định, nên đòi hỏi người cán bộ kiểm sát bên cạnh việc nắm rõ quy định chung của BLTTHS, còn phải nắm được quy định của CQĐT về việc thụ lý, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Mặt khác còn phải nắm được phương pháp nghiệp vụ về điều tra án hình sự thì mới có thể phát hiện được các vi phạm của CQĐT.

Ví dụ, trong thực tế hiện nay có nhiều thông tin về tội phạm xảy ra nhưng CQĐT thấy khó phá án hoặc do một nguyên nhân nào đó hay nhận thức thông thường là không quan trọng nên đã bỏ ngoài sổ sách thụ lý những đơn thư tố giác của công dân, từ đó mà VKS không thể kiểm sát đầy đủ số thụ lý các tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT. Trong trường hợp đó các kiểm sát viên có thể thông qua việc yêu cầu xem các báo cáo của Công an khu vực, Công an các phường về việc phản ánh các sự kiện có dấu hiệu tội phạm trong khu vực, sau đó đối chiếu với sổ thụ lý cùng thời điểm sẽ phát hiện ra CQĐT có vào sổ thụ lý hay không.

Vấn đề kiểm sát việc thụ lý các tố giác và tin báo về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền điều tra hiện đang gặp nhiều khó khăn do nhận thức và phương pháp phối hợp giữa hai ngành Công an và VKS chưa có sự thống nhất. Để giải quyết bất cập trên, trong BLTTHS năm 2003 nhà làm luật đã bỏ quy định về kiểm sát việc thụ lý các tố giác và tin báo về tội phạm của VKS, mà quy định VKS chỉ có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác và tin báo tội phạm của CQĐT, Điều 103 của Bộ luật quy định: “1/… VKS có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu liên quan đã tiếp nhận cho CQĐT có thẩm quyền…4/ Trong thời gian hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, CQĐT trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của CQĐT đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

Như vậy, kể từ ngày 1-7-2004 khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành thì VKS không đến CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra để nắm và kiểm sát thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm, mà chỉ có trách nhiệm kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT.

Thứ hai, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Trong nội dung này VKS tập trung kiểm sát về thời hạn giải quyết và các biện pháp mà CQĐT áp dụng khi tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh có đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hay không. Cụ thể, về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm Điều 86 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn không quá hai mươi ngày kể từ khi nhận được tố giác hoặc tin báo, CQĐT phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác hoặc tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác, tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”. Như vậy, thời hạn để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không phức tạp là hai mươi ngày, nếu thông tin về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp phải kiểm tra, xác minh ở nhiều địa bàn khác nhau thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng. Để kiểm sát được chặt chẽ thời hạn giải quyết thông tin về tội phạm của CQĐT thì VKS phải nắm được cụ thể nội dung của thông tin đó nhằm phân loại và xử lý, nếu thông tin về tội phạm có nội dung rõ ràng, xác thực và xét thấy hành vi mà đơn thư tố giác hay tin báo phản ánh có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì không cần thiết phải chờ hết hai mươi ngày mới ra quyết định xử lý. Trong trường hợp nói trên mà CQĐT vẫn để kéo dài thời hạn cho hết hai mươi ngày mới ra quyết định xử lý thì VKS có biện pháp yêu cầu CQĐT quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành hoạt động điều tra.

Tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay ở nhiều địa phương do sự phối hợp giữa hai ngành Công an và VKS trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm chưa được tốt, do nhận thức chưa thống nhất quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 1988. CQĐT cho rằng, pháp luật cho phép thời hạn 20 ngày kiểm tra, xác minh thì đến ngày thứ 20 ra quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là không vi phạm pháp luật. Nhận thức đó làm hạn chế tính kịp thời trong phát hiện cũng như trong việc xử lý tội phạm, dẫn đến những hậu quả bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật như để thời gian kéo dài đối tượng phạm tội có thể xóa dấu vết phạm tội hay bỏ trốn gây trở ngại cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Do đó, VKS phải kiểm sát chặt chẽ thời hạn giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm để từ đó đề ra yêu cầu, biện pháp cho CQĐT tiến hành xử lý, giải quyết nhanh chóng, tránh gây ra những hậu quả như đã nêu trên.

Cùng với hoạt động kiểm sát về thời hạn kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo tội phạm, VKS còn phải tiến hành kiểm sát tính hợp pháp của những biện pháp mà CQĐT áp dụng trong quá trình kiểm tra, xác minh. Hoạt động kiểm tra, xác minh các tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT nhằm để xác định có dấu hiệu của tội phạm đã xảy ra hay không và trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, mà chưa cần phải làm rõ đối tượng phạm tội. Nên khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì CQĐT không được áp dụng bất kỳ biện pháp tố tụng hình sự nào. Nếu CQĐT áp dụng biện pháp tố tụng hình sự để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, ví dụ như hỏi cung, khám xét, bắt hoặc tạm giữ …thì vi phạm pháp luật. Chỉ sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền thì mới cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự do luật định để thu thập tài liệu và kiểm tra các chứng cứ nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội. Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các tố giác và tin báo về tội phạm, VKS phải kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm của CQĐT trong quá trình xác minh tố giác, tin báo về tội phạm nếu có, như thế mới bảo đảm các hoạt động của CQĐT tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kết quả của quá trình kiểm tra, xác minh các tố giác, tin báo về tội phạm đã thụ lý, CQĐT sẽ đánh giá và xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không để từ đó giải quyết bằng việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Với chức năng của mình, VKS tiếp tục kiểm sát việc khởi tố của CQĐT.

5.2. Kiểm sát quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự

Việc quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự làm phát sinh mối quan hệ pháp luật tố tụng hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là giữa CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra với cơ quan VKS. Mối quan hệ này được phản ánh thông qua việc thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của VKS.

Có thể nói, kiểm sát việc khởi tố là thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS trong giai đoạn khởi tố – điều tra các vụ án hình sự, thông qua việc thực hiện chức năng này VKS có trách nhiệm bảo đảm quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền phải có căn cứ và hợp pháp, kịp thời ngăn chặn ngay từ ban đầu các vi phạm pháp luật của CQĐT. Ví dụ, như việc ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ dẫn đến áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự sai hoặc việc ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự trái pháp luật thì sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Về nguyên tắc, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tố giác, tin báo về tội phạm, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì CQĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ngược lại nếu xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay có dấu hiệu của tội phạm hình sự nhưng có cắn cứ không khởi tố vụ án thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tất cả các quyết định này của CQĐT phải được gửi cho.

VKS để tiến hành kiểm sát việc khởi tố. Bản chất của hoạt động kiểm sát việc khởi tố bao gồm hai nội dung là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền.

Tính có căn cứ là một nội dung cơ bản mà hoạt động kiểm sát khởi tố hướng vào. Điều 83 BLTTHS quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”, Theo quy định trên thì căn cứ duy nhất để khởi tố vụ án hình sự đó là khi có đủ cơ sở xác định một cách chính xác có dấu hiệu tội phạm đã xảy ra. Còn dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở nào thì BLTTHS đã liệt kê ra 5 cơ sở tại Điều 83. Vì vậy, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh các thông tin về tội phạm, CQĐT xác định chính xác có dấu hiệu tội phạm thì khi đó mới được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để mở cuộc điều tra. Ngược lại khi xác định không có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp mặc dù xác định có dấu hiệu của tội phạm nhưng có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 89 BLTTHS thì CQĐT cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thông qua hoạt động kiểm sát việc khởi tố xét thấy quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT không có căn cứ thì VKS có quyền ra quyết đinh hủy bỏ các quyết định nói trên.

Tính hợp pháp là nội dung quan trong thứ hai mà VKS cần phải xem xét khi thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố. Nội dung này bao gồm những vấn đề cần xem xét như về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án; quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nội dung và hình thức của quyết định đó đã đúng theo quy định của BLTTHS chưa…Nếu qua kiểm sát, VKS phát hiện có những vi phạm về thầm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì yêu cầu cơ quan ra quyết định đó có biện pháp khắc phục. Ví dụ, các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm…chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 93 BLTTHS, nếu các cơ quan nói trên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định trên là đã vi phạm về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Vi phạm đó cần được phát hiện và yêu cầu khắc phục kịp thời.

Qua nghiên cứu và so sánh quy định về thẩm quyền ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của BLTTHS năm 2003 với BLTTHS năm 1988 thì nhà làm luật đã có những sửa đổi, bổ sung mới, cụ thể như quy định thu hẹp phạm vi khởi tố vụ án hình sự của VKS, theo đó VKS chỉ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong hai trường hợp:

+   Khi hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền điều tra.

+  Khi Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.

Việc hạn chế như trên là để thống nhất với quy định mới về việc tập trung thống nhất giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ở một đầu mối là CQĐT.

Hơn nữa BLTTHS năm 2003 bên cạnh việc tiếp tục quy định thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan khác được tiến hành một số hoạt động điều tra thì có bổ sung một cơ quan nữa đó là lực lượng cảnh sát biển có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự khi xác định có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình. Ngoài ra, Bộ luật còn quy định khá rõ thẩm quyền chức danh tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, cụ thể đối với CQĐT theo quy định tại Điều 94 Bộ luật thì Thủ trưởng CQĐT là người ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên trong thực tế Phó thủ trưởng CQĐT trên cơ sở được ủy quyền cũng được ký các quyết định này.

Như vậy, khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự, VKS căn cứ vào các quy định của BLTTHS để tiến hành kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định đó một cách chặt chẽ. Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc khởi tố, VKS phải cùng CQĐT phân loại và xử lý các tố giác, tin báo về tội phạm và giám sát chặt chẽ việc xác minh của CQĐT. Đồng thời phải nắm chắc các cấu thành tội phạm của những hành vi bị coi là tội phạm được quy định trong BLHS, đặc biệt là những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì bảo đảm phải có căn cứ theo quy định của Điều 88 BLTTHS.

Còn đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà CQĐT và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra gửi đến, VKS cũng phải xem xét chặt chẽ căn cứ từ chối không khởi tố, bởi vì quyết định không khởi tố vụ án luôn tiềm ẩn khả năng che giấu tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Điều 89 BLTTHS đã quy định liệt kê ra 7 căn cứ để không được khởi tố vụ án hình sự, do đó nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có một trong các căn cứ quy định tại Điều 89 thì quyết định đó là vi phạm pháp luật và VKS phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định trái pháp luật đó của CQĐT và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra vụ án.

Đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án khi được chuyển đến VKS để yêu cầu điều tra. Nếu qua kiểm tra, xem xét thấy không có căn cứ thì VKS kháng nghị lên Tòa án cấp trên để xem xét, đồng thời báo cáo cho VKS cấp trên biết. Quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án đã được sửa đổi, bổ sung tại BLTTHS năm 2003, trong đó quy định thay thế “Tòa án” bằng “Hội đồng xét xử” và bổ sung quy định: “Yêu cầu VKS khởi tố”. Sự sửa đổi bổ sung này không chỉ là sự hợp lý hóa ngôn từ, mà còn là sự thay đổi cách thức xử lý thông tin về tội phạm của cơ quan xét xử, điều này thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, không phải là Tòa án nói chung mà chính là Hội đồng xét xử thông qua việc xét xử mà phát hiện dấu hiệu tội phạm;

Thứ hai, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm tại phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử có hai cách xử lý hoặc là ra quyết định khởi tố vụ án hình sự rồi gửi tới VKS để xem xét, quyết định giao cho CQĐT tiến hành điều tra; hoặc là yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự. Đương nhiên việc khởi tố hay không khởi tố vụ án theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử phải được VKS thông báo lại.

Như vậy điểm mới của BLTTHS năm 2003 là nhà làm luật đã quy định rõ Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chứ không phải là ” Tòa án” một thuật ngữ chung chung, hơn nữa cũng quy định một cách linh hoạt cho Hội đồng xét xử có hai phương án xử lý khi thông qua xét xử phát hiện được dấu hiệu tội phạm.

Về trình tự, thủ tục kiểm sát việc khởi tố, BLTTHS nước ta đã quy định: “Trong thời hạn 24 giờ quyết định khởi tố của CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền điều tra phải được gửi đến VKS để kiểm sát việc khởi tố…” (Điều 87 BLTTHS năm 1988). Việc quy định như vậy là đảm bảo cho VKS thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố được kịp thời, nhằm hạn chế những vi phạm trong việc khởi tố của CQĐT. Mục đích kiểm sát là bảo đảm không một người nào không thực hiện hành vi phạm tội thì họ không thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật tố tụng hình sự, như bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, hạn chế các quyền công dân.

Để thực hiện chức năng kiểm sát quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự, VKS có thể tiến hành thông qua hai phương pháp sau:

+  Trực tiếp tham gia cùng CQĐT phân loại các tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ đầu để xem xét việc quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự ngay, còn nếu thông tin tội phạm nào phải tiến hành kiểm tra xác minh mới xác định có hay không dấu hiệu tội phạm thì yêu cầu CQĐT tiến hành kiểm tra xác minh thông tin đó.

+  Gián tiếp thông qua nghiên cứu các tài liệu liên quan kèm theo quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự mà CQĐT gửi đến. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu đó VKS có thể xem xét việc khởi tố của CQĐT có đúng hay không.

Tóm lại, thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc khởi tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thông qua đó VKS sẽ loại trừ ngay từ đầu các vi phạm pháp luật của CQĐT và yêu cầu CQĐT sớm có biện pháp khắc phục kịp thời để hạn chế việc khởi tố tràn lan không có căn cứ rồi sau đó phải đình chỉ điều tra hoặc không khởi tố vụ án không có căn cứ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

6. Kiểm sát hoạt động điều tra

Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là bước của quá trình tố tụng tiếp theo, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự do BLTTHS quy định để chứng minh hành vi phạm tội đã xảy ra do ai thực hiện, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội đó. Đồng thời làm rõ động cơ mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội… trên cơ sở đó đảm bảo các chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định: “CQĐT có quyền áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chức cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can” (Điều 11 BLTTHS). Các biện pháp hợp pháp mà CQĐT được áp dụng trong giai đoạn điều tra rất nhiều, tuy nhiên tựu chung lại có thể phân chia thành hai nhóm sau:

Thứ nhất, các biện pháp tố tụng nhằm thu thập và kiểm tra chứng cứ gồm: Hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, thu giữ, giám định, nhận dạng v.v…

Việc áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự để tiến hành điều tra vụ án hình sự của CQĐT được gọi là các hoạt động điều tra.

Thứ hai, các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định tố tụng quan trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định khởi tố bị can, áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam).

Các biện pháp nói trên khi được áp dụng đều liên quan trực tiếp tới các quyền cơ bản của công dân, nên đòi hỏi việc áp dụng phải tuân thủ đúng về trình tự cũng như thủ tục do BLTTHS đã quy định. Do đó, việc giám sát chặt chẽ đảm bảo quá trình điều tra vụ án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS là trách nhiệm của VKS. Hoạt động giám sát quá trình điều tra vụ án hình sự là sự thể hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, một trong những chức năng cơ bản của VKS nhằm bảo đảm cho các hoạt động điều tra của CQĐT được khách quan, toàn diện, việc áp dụng các biện pháp điều tra theo luật định phải có căn cứ và hợp pháp.

Trách nhiệm và quyền hạn của VKS đối với hoạt động điều tra được quy định khá đầy đủ trong BLTTHS, cụ thể:

1-  viên kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ. viên kiểm sát phải kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra và đề ra biện pháp khắc phục.

2- viên kiểm sátcó nhiệm vụ:

 áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật này quy định để mọi hành vi phạm tội đều phải được điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội;

 Bảo đảm không để một người nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật;

  Bảo đảm hoạt động điều tra phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này. Trong việc điều tra phải thu thập cả chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, làm rõ những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can và tìm ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội;

  Bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can là có căn cứ và hợp pháp… (Điều 141 BLTTHS).

Với quy định trên cho thấy, toàn bộ hoạt động điều tra của CQĐT đều nằm dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKS. Để thấy được cụ thể việc thực hiện chức năng kiểm sát điều tra vụ án hình sự, chúng tôi đi sâu vào phân tích và làm rõ chức năng kiểm sát đối với từng hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi nội dung của đề tài này chúng tôi chỉ đi sâu phân tích một số hoạt động kiểm sát thể hiện việc thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS trong giai đoạn điều tra để từ đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của VKS cũng như phương pháp, cách thức kiểm sát như thế nào khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động điều tra của CQĐT.

6.1. Kiểm sát khám nghiệm hiện trường

Hiện trường vụ án hình sự là nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi phát hiện tội phạm. Hiện trường vụ án có ý nghĩa rất quan trọng đến việc làm sáng tỏ các tình tiết có liên quan đến vụ án, bởi bất cứ một hành vi phạm tội nào cũng để lại dấu vết. Vì xuất phát từ đặc tính cơ bản của vật chất và nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của vật chất trong triết học Mác- Lênin, khoa học điều tra hình sự đã chứng minh: Không có tội phạm nào mà không để lại dấu vết, vấn đề là có biết cách phát hiện ra chúng hay không mà thôi.

Khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra nhằm phát hiện, xem xét ghi nhận các dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết liên quan đến vụ án trên hiện trường vụ án. Vì vậy, nếu làm tốt việc khám nghiệm hiện trường sẽ giúp CQĐT xác định đúng hướng trong quá trình điều tra vụ án, giúp điều tra viên xây dựng đúng giả thuyết điều tra về đối tượng phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội…Với tính chất quan trọng của hoạt động khám nghiệm hiện trường nên pháp luật tố tụng hình sự quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục khám nghiệm trong đó có quy định sự bắt buộc tham gia của VKS đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường để lấy cơ sở làm căn cứ xác định dấu hiệu của tội phạm để từ đó có căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự, nên VKS thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường bên cạnh việc bảo đảm hoạt động khám nghiệm được tiến hành khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, mà còn có thể nắm được rõ các tình tiết liên quan đến vụ án ngay từ ban đầu khi tội phạm xảy ra để làm cơ sở cho hoạt động kiểm sát tiếp theo như kiểm sát khởi tố vụ án, kiểm sát khởi tố bị can v.v…

BLTTHS quy định trong mọi trường hợp, trước khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho VKS cùng cấp biết để cử kiểm sát viên thực hiện kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường. VKS thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động khám nghiệm phải bảo đảm các nội dung sau:

Hoạt động khám nghiệm hiện trường phải có tính khách quan: Cụ thể khi tổ chức hoạt động khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến (có thể là đại diện chính quyền địa phương, đại diện các tổ chức, đoàn thể đóng trên địa bàn khám nghiệm hoặc người dân ở địa bàn đó hoặc trong trường hợp nhất định có sự chứng kiến của bị can, người bị hại, người làm chứng), hơn nữa xem xét CQĐT đã mời những người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể để tham gia việc khám nghiệm hay chưa, ví dụ như: cán bộ kỹ thuật hình sự, bác sĩ pháp y… Ngoài ra, khi tiến hành hoạt động khám nghiệm phải tuân theo đúng ý kiến của người có chuyên môn, Điều tra viên không được áp đặt ý kiến của mình cho nhà chuyên môn tham gia khám nghiệm, nếu có hiện tượng Điều tra viên áp đặt ý kiến thì Kiểm sát viên phải có yêu cầu chấm dứt ngay.

Hoạt động khám nghiệm hiện trường phải toàn diện: Hiện trường sau khi tội phạm đã xảy ra có thể để lại nhiều dấu vết, thậm chí là có cả vật chức liên quan đến vụ án, đặc biệt trong các vụ án nghiêm trọng, như vụ án giết người chưa xác định rõ đối tượng phạm tội thì các dấu vết, vật chứng tại hiện trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chứng minh người phạm tội. Do vậy, đòi hỏi Điều tra viên cũng như Kiểm sát viên tham gia giám sát phải có kinh nghiệm và nghiệp vụ giỏi để đề ra những giả thuyết điều tra đúng đắn từ đó định ra hướng khám xét, tìm kiếm dấu vết và vật chứng của vụ án được đầy đủ và chính xác, tức là cần bắt đầu khám nghiệm từ đâu, cần chú ý những gì và cần phải tìm kiếm những dấu vết gì… Với định hướng đó mới đảm bảo tính toàn diện trong hoạt động khám nghiệm, mục đích của hoạt động khám nghiệm đặt ra là không bỏ qua bất kỳ dấu vết và vật chứng nào liên quan đến vụ án cho dù dấu vết hay vật chứng đó là nhỏ nhất. Bởi vì, có thể lúc khám xét những dấu vết hay vật chứng đó chưa quan trọng, nhưng sau này có thể đối chiếu và liên kết với các dấu vết, vật chứng khác đánh giá sự liên hệ với nhau của từng dấu vết chúng ta có thể có được sự đánh giá toàn diện về vụ án và đưa ra chứng cứ chắc chắn để chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Do vậy, kiểm sát viên khi tham gia kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường cần quan tâm và chú trọng tính toàn diện của hoạt động khám nghiệm, vì nếu để xảy ra việc khám nghiệm sơ sài, qua loa với mục đích cho xong việc sẽ dẫn đến những khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội và sau này nếu có tổ chức khám nghiệm lại thì hiện trường của vụ án qua một thời gian dài do tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan có thể bị thay đổi, biến dạng so với ban đầu nên rất khó khăn cho hoạt động khám nghiệm lại.

Hoạt động khám nghiệm hiện trường phải đúng quy định của pháp luật: Tức là kiểm sát viên giám sát hoạt động của những người tiến hành khám nghiệm đã tuân thủ đúng những quy định của pháp luật hay chưa. Ví dụ như Điều tra viên đã mô tả một cách toàn diện các đặc điểm của hiện trường trong biên bản khám nghiệm chưa, cụ thể là tình trạng hiện trường, điều kiện ánh sáng, độ ẩm, tình trạng dấu vết, phạm vi hiện trường, kích thước dấu vết để lại hiện trường, khoảng cách giữa các dấu vết, các vật chứng thu được tại hiện trường… nếu còn thiếu đặc điểm nào thì Kiểm sát viên cần yêu cầu ngay để bổ sung kịp thời hoặc khi thu giữ được các vật chức tại hiện trường thì cần tiến hành niêm phong bảo quản tuân theo đúng quy định của pháp luật về niêm phong vật chứng.

Như vậy, VKS thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường là để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, bảo đảm hạn chế những vi phạm của CQĐT ngay từ đầu để từ đó có cơ sở vững chắc cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự sau này. Nếu để xảy ra sai sót hay vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường sẽ rất khó khăn cho hoạt động chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi xin dẫn chứng một vụ án mà việc khám nghiệm hiện trường của CQĐT cũng như trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trong dẫn đến vụ án phải điều tra, xét xử lại nhiều lần.

Cụ thể nội dung vụ án như sau: Khoản 8h ngày 9/5/2001, anh Trần Văn Hán đi thăm vườn, thấy có dấu chân trâu và thấy Nguyễn Văn Thảo đang làm cỏ vườn gần đó, anh Hán nói với Thảo: “trâu nghé nhà mày phải nhốt vào chứ. Ai lại để ăn hết dây khoai lang nhà tao”. Nghe vậy, Thảo bảo “cách đây hai hôm cháu thấy trâu làng bên vào ăn, cháu đuổi mãi mới hết”, anh Hán lại nói tiếp “thế còn mấy lần trước trâu nghé nhà mày thì sao”. Hai người nói đi nói lại dẫn đến xích mích nhau rồi anh Hán và Thảo lao vào đẩy nhau, Thảo lấy cuốc đánh vào tay, đầu gối phải và bả vai trái anh Hán. Thấy hai người giằng co, đánh nhau, Nguyễn Văn Đạt (bố đẻ của Thảo) chạy đến giật cuốc trên tay Thảo vứt đi và quát Thảo về nhà. Anh Hán chạy vào nhà gần đấy lấy con dao phay chạy ra chém Đạt. Đạt dùng chiếc bay xới cỏ giơ lên đỡ. Mọi người đến can không cho Hán và Đạt đánh nhau. Trên đường về anh Hán thấy Thảo đang đứng ở gốc cây liền cầm dao đuổi theo Thảo nhưng không được thì quay lại liền gặp Đạt hai người lại xông vào xô xát nhau. Hậu quả anh Hán bị thương tích nặng.

Nguyễn Văn Đạt khai: Khi đến điểm sân gạch và xi măng tiếp giám nhau, Hán dùng dao chém, Đạt dơ bay lên đỡ, anh Hán nhảy song phi vào bụng Đạt, Đạt dơ bay lên đỡ nên Hán ngã ngửa, đập đầu xuống sân bị thương tích. Anh Hán khai: Đuổi Thảo không được anh quay lại liền bị Đạt dùng cán bay ngáng chân làm anh ngã, liền sau đó Đạt dùng cán bay đánh vào gáy làm anh ngất xỉu.

Tại bản giám định pháp y số 886 ngày 27/8/01 Tổ chức giám định pháp y trung ương kết luận anh Hán bị thương tích 13%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 15 ngày 18/6/2002 Tòa án huyện Lục Nam đã áp dụng khoản 2 Điều 89, Điều 173 BLHS tuyên bố Nguyễn Văn Đạt không phạm tội ” cố ý gây thương tích”.

Ngày 26/6/2002 VKS huyện Lục Nam đã kháng nghị phúc thẩm và tại bản án hình sự phúc thẩm số 127 ngày 26/11/2002 của Tòa án tỉnh Bắc giang đã quyết định y án sơ thẩm.

Ngày 16/1/2003 VKS Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Tòa án tối cao xét xử hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để giao lại cấp sơ thẩm điều tra lại. Và Tòa án tối cao đã quyết định như kháng nghị của VKS Tối cao.

Qua xem xét vụ án thấy các nhân chứng đã khai không thống nhất về hiện trường nơi xảy ra vụ án. Có người khai anh Hán bị đánh ở gần cổng nhà Đạt, có người khai anh Hán bị Đạt đánh ngã xuống sân gạch rất phẳng. Trong khi đó có người lại khai anh Hán bị Đạt đánh ngã xuống nơi tiếp giáp giữa sân gạch và sân xi măng. Biên bản khám nghiệm hiện trường của Cơ quan Công an xác nhận phần tiếp giáp hai sân có chỗ gợn lên nhưng không miêu tả phần gợn lên cao hay thấp.

Theo lời khai của anh Trần Văn Hải người trực tiếp khâu vá băng bó vết thương cho anh Hán thì vết thương ở đầu anh Hán rách nham nhở. Trong khi cán bay là hung khí Đạt dùng đánh anh Hán lại không được thu giữ và miêu tả đặc điểm trong biên bản khám nghiệm để xác định hình thù, bằng gỗ hay bằng tre, nhẵn hay xù xì. Do vậy khó xác định được sự phù hợp giữa thương tích và hung khí gây thương tích. Do đó phải tiến hành xác định lại hiện trường cụ thể của vụ án, dựng lại hiện trường xác định hung khí gây án là rất cần thiết để việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng pháp luật.

Qua vụ án này thấy rằng việc tiến hành khám nghiệm hiện trường ban đầu của CQĐT là quá sơ sài dẫn đến nhiều sai sót nên việc chứng minh tội phạm sẽ hết sức khó khăn. Do đó, VKS cần quan tâm trong việc thực hiện chức năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường để bảo đảm có đủ chứng cứ nhằm giải quyết vụ án được chính xác.

6.2 Kiểm sát khởi tố bị can

Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, CQĐT tiến hành các hoạt động điều tra để thu thập các tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh người đã thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở đánh giá khách quan và xem xét toàn diện các chứng cứ đã thu thập được, nếu có đủ căn cứ để xác định chính xác người đã thực hiện hành vi phạm tội thì CQĐT quyết định khởi tố bị can đối với người đó để làm rõ về hành vi phạm tội.

Vậy, về nguyên tắc chỉ được khởi tố bị can sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, trừ những trường hợp phạm tội quả tang thì đối tượng phạm tội bị phát hiện và bị bắt ngay trong lúc đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội và CQĐT trên cơ sở xác định dấu hiệu của tội phạm (cấu thành tội phạm) ra đồng thời quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với người đã bị bắt.

Việc ra quyết khởi tố bị can của CQĐT với mục đích là nhằm xác định về mặt pháp lý một con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm và quyết định khởi tố bị can đó sẽ trực tiếp hạn chế một số quyền và lợi ích hợp pháp thuộc về nhân thân người bị khởi tố. Do đó, để nhằm hạn chế những vi phạm pháp luật của CQĐT trong việc khởi tố bị can; bảo đảm việc khởi tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, VKS phải kiểm sát chặt chẽ các quyết định khởi tố bị can của CQĐT.

Tại Điều 103 BLTTHS đã quy định: “Quyết định khởi tố bị can phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp”, tiếp đó theo nội dung Điều 141 BLTTHS và Điều 14 Luật tổ chức VKSND năm 2002 thì; Kiểm sát khởi tố bị can là quyền năng pháp lý của VKS khi thực hiện chức năng kiểm sát điều tra nhằm bảo đảm việc khởi tố bị can của Cơ quan có thẩm quyền điều tra là có căn cứ, hợp pháp, đúng người, đúng tội và không để người nào bị khởi tố một cách trái pháp luật .

Nội dung mà VKS tiến hành kiểm sát khởi tố bị can đó là kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp quyết định khởi tố bị can của CQĐT và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều điều tra. Để hoạt động kiểm sát được chặt chẽ đúng với yêu cầu của pháp luật, trước hết VKS phải xác định được hành vi của bị can thông qua việc nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ rồi đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự để xem xét hành vi của bị can đã xâm phạm vào khách thể loại nào được quy định trong BLHS, đồng thời xem xét có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hay không. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu điều tra ban đầu có trong hồ sơ còn để nắm được lý lịch nhân thân và xác định chính xác năng lực trách nhiệm hình sự của bị can nhằm khẳng định chính xác người đã thực hiện hành vi phạm tội, tiền án và tiền sự của người phạm tội (nếu có). Trên cơ sở đó mới khẳng định được tính có căn cứ của quyết định khởi tố bị can và đưa ra các biện pháp tố tụng hình sự thích hợp tiếp theo để áp dụng, ví dụ có cần thiết phái áp dụng biện pháp tạm giam bị can hay không.

Tuy nhiên, việc xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội là công việc không phải đơn giản, nhất là trong những vụ án hình sự chưa xác định được đối tượng phạm tội. Các vụ án mà hành vi phạm tội có tính chất mức độ càng nghiêm trọng bao nhiêu thì lại càng khó khăn khi xác định đối tượng phạm tội. Ví dụ trong các vụ án giết người không quả tang đối tượng phạm tội đã dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu tội phạm như phi tang vật chứng, xóa các dấu vết của tội phạm trên hiện trường vụ án… Trong những trường hợp đó CQĐT phải tiến hành nhiều biện pháp tố tụng để thu thập đầy đủ chứng cứ nhằm xác định đối tượng phạm tội như xác minh, tra cứu tàng thư can phạm, sàng lọc các đối tượng khả nghi… Trên cơ sở đó đánh giá một cách toàn diện, đúng đắn để xác định chính xác đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội. Khi thực hiện chức năng kiểm sát khởi tố bị can đối với các vụ án phức tạp, VKS phải thẩm tra, xem xét việc khởi tố bị can của CQĐT một cách thận trọng, thậm chí phải phúc tra lại lời khai của người bị tạm giữ hoặc lời khai của người làm chứng để xem xét CQĐT đã khởi tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật hay chưa; có bỏ lọt hành vi phạm tội, người phạm tội khác mà chưa được khởi tố không, nếu có vi phạm thì VKS phải yêu cầu CQĐT có biện pháp khắc phục ngay.

Việc kết luận hành vi do bị can đã thực hiện có cấu thành tội phạm tương ứng với một tội danh nhất định do BLHS quy định phải dựa trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, nhưng để thu thập được đầy đủ các chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội là cả một quá trình điều tra. Nên khi thực hiện chức năng kiểm sát, kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án đó không được chủ quan khi cho rằng đã có quyết định khởi tố bị can rồi là đã có đầy đủ các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị can đó và đủ cơ sở để xử lý kết thúc điều tra. Để có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của bị can đòi hỏi CQĐT phải thu thập đầy đủ chứng cứ, bao gồm cả chứng cứ xác định có tội và cả chứng cứ xác định vô tội của bị can và có sự đánh giá một cách toàn diện các chứng cứ thì mới kết luận được hành vi phạm tội của bị can. Nếu hết thời hạn điều tra theo luật định, CQĐT không chứng minh được bị can phạm tội thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra ngay. Do vậy, trong quá trình kiểm sát khởi tố bị can: “Nếu thấy quyết định khởi tố bị can của CQĐT chưa đủ căn cứ, thì kiểm sát viên yêu cầu CQĐT bổ sung hồ sơ hoặc báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để xem xét quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật. Trường hợp không đồng ý với quyết định khởi tố bị can của CQĐT thì VKS báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo trực tiếp phục trách kiểm sát điều tra và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu đề xuất của mình” (Điều 8 Quy chế công tác kiểm sát điều tra).

Tính hợp pháp của quyết định khởi tố bị can là nội dung quan trọng thứ hai đòi hỏi VKS các cấp phải quán triệt trong việc thực hiện chức năng kiểm sát khởi tố bị can. Trong đó VKS kiểm sát các vấn đề như thẩm quyền của cơ quan cũng như người ký quyết định khởi tố bị can, nội dung và hình thức của quyết định đó, hay việc CQĐT đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can đã bị khởi tố hay chưa. Tất cả các vấn đề trên thuộc về thủ tục bắt buộc đối với cơ quan đã ra quyết định khởi tố bị can, nếu qua kiểm sát VKS phát hiện có vi phạm một trong các nội dung trên, ví dụ như người ký quyết định khởi tố bị can không đúng thẩm quyền hay CQĐT không ghi rõ bị can bị khởi tố về tội gì, được quy định tại điều mấy của BLHS thì VKS kịp thời yêu cầu CQĐT khắc phục ngay các vi phạm đó để bảo đảm việc khởi tố bị can được hợp pháp.

Bên cạnh những nội dung nêu trên, trong thực tiễn điều tra tội phạm không phải lúc nào CQĐT cũng thu thập được đầy đủ và chính xác ngay những chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội đã bị khởi tố tại quyết định khởi tố bị can. Mà việc thu thập chứng cứ tiếp theo sau khi có quyết định khởi tố bị can có thể làm thay đổi nội dung của quyết định khởi tố. Chẳng hạn những chứng cứ thu thập sau này không phản ánh đúng với hành vi phạm tội đã được ghi trong quyết định khởi tố bị can, mà lại phản ánh rõ hành vi phạm tội khác, Ví dụ: Trong quyết định khởi tố bị can A, CQĐT đã ghi: A đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản phạm vào Điều 135 BLHS, nhưng trong quá trình điều tra sau này thấy có đủ chứng cứ phản ánh A có hành vi cướp tài sản chứ không phải là cưỡng đoạt tài sản.

Trong trường hợp đó CQĐT phải thay đổi quyết định khởi tố bị can. Ngoài ra, trong quá trình điều tra sau khi có quyết định khởi tố bị can, CQĐT có căn cứ chứng minh ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố, bị can còn có hành vi phạm tội khác nữa mà CQĐT chưa ghi vào nội dung quyết định khởi tố bị can trước đây, trong trường hợp này CQĐT phải bổ sung quyết định khởi tố bị can. Các quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can cũng phải được VKS kiểm sát chặt chẽ nhằm bảo đảm tính có căn cứ. BLTTHS quy định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can khi có căn cứ sau:

+   Có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không cấu thành tội ghi trong quyết định khởi tố bị can trước đây, mà cấu thành tội phạm khác.

+   Có đủ căn cứ xác định ngoài hành vi phạm tội đã được ghi trong quyết định khởi tố, bị can còn có hành vi phạm tội khác nữa.

Qua nghiên cứu BLTTHS năm 2003 thấy rằng, nhà làm luật đã đưa vào một số quy định mới so với BLTTHS năm 1988 về quyền và trách nhiệm của VKS trong việc quyết định khởi tố bị can. Điều này được thể hiện trên các hoạt động tố tụng sau đây:

Thứ nhất, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền. Bộ luật mới quy định CQĐT có quyền khởi tố bị can nhưng VKS có trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của CQĐT. Khi CQĐT ra quyết định khởi tố bị can thì quyết định này có hiệu lực, VKS phê chuẩn là việc tiếp tục thừa nhận hiệu lực của quyết định khởi tố bị can, còn nếu hủy bỏ thì làm mất hiệu lực của quyết định đó. Với quy định này đã nâng cao trách nhiệm của CQĐT và VKS trong

việc khởi tố bị can phải thận trọng hơn, góp phần khắc phục tình trạng khởi tố bị can tràn lan dẫn đến oan, sai cũng như ngăn ngừa bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nội dung này được quy định tại Điều 126 khoản 4, cụ thể: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, CQĐT phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, VKS phải quyết định phê chuân hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi cho CQĐT”. Với quy định đó thì quyết định khởi tố của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm…cũng phải được VKS xét phê chuẩn (Điều 111 khoản 3 BLTTHS năm 2003).

Thứ hai, phê chuẩn quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can hoặc hủy bỏ quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền. Điều 127 khoản 2 Bộ luật quy định: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, CQĐT phải gửi các quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi, bổ sung đó cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn ba ngày, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can”.

Những quy định nói trên là sự sửa đổi, bổ sung mới mà trước đây BLTTHS năm 1988 chưa có, những quy định mới đó thể hiện rõ trách nhiệm của VKS các cấp trong việc thực hiện chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự, góp phần nâng cao chất lượng điều tra, bảo đảm không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm thông qua việc xem xét quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan có thẩm quyền.

Tóm lại, khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố bị can, VKS phải kiểm sát chặt chẽ tính có căn cứ và tính hợp pháp quyết định khởi tố bị can của các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm khởi tố bị can đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Muốn làm được như vậy đòi hỏi VKS phải thường xuyên bám sát các hoạt động điều tra của CQĐT để thúc đẩy việc điều tra đồng thời phát hiện kịp thời các

thiếu sót vi phạm trong quyết định khởi tố bị can từ đó đề ra các yêu cầu khắc phục, bổ sung ngay.

6.3. Kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can

Hoạt động hỏi cung bị can là biện pháp tố tụng mà CQĐT áp dụng công khai, trực tiếp với bị can nhằm thu thập, củng cố chứng cứ làm rõ về hành vi phạm tội của bị can hoặc đồng phạm (nếu có) đã bị khởi tố, cũng như những tình tiết khác phục vụ cho quá trình giải quyết đúng đắn vụ án.

Để hoạt động hỏi cung bị can đáp ứng yêu cầu khách quan, toàn diện và đúng pháp luật thì VKS phải giám sát hoạt động hỏi cung của CQĐT. Căn cứ pháp luật để VKS thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc hỏi cung bị can đó là BLTTHS, điều 14 Luật tổ chức VKS năm 2002 và Điều 16 quy chế công tác kiểm sát điều tra. Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can, VKS bám sát các nội dung sau:

+  Hỏi cung bị can phải được tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Nếu qua kiểm sát thấy CQĐT tiến hành hỏi cung bị can trước khi có quyết định khởi tố bị can thì đây là vi phạm tố tụng, VKS phải có yêu cầu CQĐT hủy bỏ kết quả hỏi cung đó. Vì khi chưa có quyết định khởi tố bị can, thì lời khai chỉ có thể là của người bị bắt hoặc người bị tạm giữ, lời khai đó là một trong các chứng cứ làm căn cứ để khởi tố bị can.

+   Qua nghiên cứu các biên bản hỏi cung bị can, nếu thấy chưa làm rõ được chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ xác định không có tội và các tình tiết tăng năng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can hoặc CQĐT chưa phân hóa làm rõ được vai trò của từng bị can khi có nhiều đối tượng cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội thì VKS cần yêu cầu CQĐT hỏi bổ sung bị can để làm rõ các vấn đề nói trên.

+   VKS phải bảo đảm các bản cung mà CQĐT tiến hành hỏi bị can phải làm rõ được hành vi phạm tội của bị can đã bị khởi tố, những mâu thuẫn trong lời khai của bị can cần phải được phân tích làm rõ.

+   Nếu phát hiện có dấu hiệu mớm cung, bức cung, dùng nhục hình… thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra chuẩn bị các câu hỏi và tình huống sẽ xảy ra để trực tiếp phúc cung bị can nhằm kiểm tra lại toàn bộ các lời khai của bị can có phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án đã được thu thập hay không. Nếu các lời khai của bị can không thống nhất hoặc giữa lời khai của các bị can có nhiều mâu thuẫn thì phải yêu cầu CQĐT cho đối chất hoặc thực nghiệm điều tra.

+  Bảo đảm hoạt động hỏi cung bị can phải do điều tra viên được phân công điều tra vụ án thực hiện. Nếu các bản cung bị can do cán bộ không trực tiếp được phân công điều tra vụ án hỏi thì phải được Điều tra viên điều tra vụ án đó kiểm tra lại bằng một bản cung khác thì mới được coi là chứng cứ để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Ngoài ra, trong những vụ án mà người phạm tội là người chưa thành niên thì VKS phải kiểm sát bảo đảm việc tiến hành hoạt động hỏi cung bị can phải có mặt người giám hộ tham gia. Đây là quy định bắt buộc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người chưa thành niên phạm tội.

Tóm lại, kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can phải bảo đảm được ba yếu tố, đó là khách quan, trung thực và đúng pháp luật. Kết quả lời khai của bị can phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án đã thu thập được thì được coi là chứng cứ. Nếu lời khai của bị can không trung thực, không khách quan thì lời khai đó không có giá trị chứng minh tội phạm, dẫn đến việc kết luận, giải quyết vụ án không khách quan. Chính vì vậy, việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can của VKS là rất quan trọng, góp phần vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội một cách đúng đắn và khách quan.

6.4. Kiểm sát hoạt động khám xét

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, CQĐT có căn cứ để nhận định rằng trong người hoặc chỗ ở người bị tình nghi đang cất giấu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc dấu vết của tội phạm, các tài liệu có liên quan đến vụ án mà những chứng cứ này rất quan trọng cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Đồng thời để ngăn chặn ngay việc người đó tẩu tán hoặc tiêu hủy chứng cứ của vụ án thì CQĐT thực hiện hoạt động khám xét.

Khám xét được hiểu là hoạt động điều tra nhằm tìm kiếm dấu vết tội phạm, vật chứng, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án hoặc để phát hiện người đang truy nã. Từ khái niệm đó cho thấy khám xét là một biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, nên khi CQĐT áp dụng thì sẽ trực tiếp đụng chạm đến các quyền thuộc về nhân thân của công dân, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, bí mật thư tín, điện tín… mà các quyền này là những quyền cơ bản của công dân luôn luôn được pháp luật bảo vệ. Do vậy, đòi hỏi CQĐT không được tùy tiện khi quyết định khám xét hoặc hoạt động khám xét phải tuân theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Để bảo đảm cho các yêu cầu trên thì hoạt động khám xét của CQĐT phải đặt dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKS nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trong mọi trường hợp lệnh khám xét do người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 ban hành phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp không thể trì hoãn thì CQĐT có quyền tiến hành khám xét mà không cần có sự phê chuẩn trước của VKS đối với lệnh khám xét, nhưng sau khi khám xét xong trong thời hạn 24 giờ, CQĐT phải báo cáo bằng văn bản cho VKS về hoạt động khám xét đã tiến hành (Điều 116 BLTTHS). Như vậy, việc áp dụng biện pháp khám xét của CQĐT có thể phân ra thành hai loại: Hoạt động khám xét thường và hoạt động khám xét khẩn cấp.

Đối với hoạt động khám xét thường, trước khi CQĐT thi hành thì bắt buộc lệnh khám xét phải có sự phê chuẩn đồng ý của VKS cùng cấp. Điều đó có nghĩa CQĐT phải gửi hồ sơ trong đó có các tài liệu liên quan đến việc khám xét cùng với lệnh khám xét đến VKS xem xét để phê chuẩn. Qua nghiên cứu và xem xét nếu thấy rằng CQĐT quyết định khám xét là có căn cứ theo quy định tại Điều 115 BLTTHS thì VKS quyết định phê chuẩn lệnh khám xét của CQĐT khi đó lệnh khám xét mới có hiệu lực pháp luật để thi hành, còn ngược lại việc khám xét không có căn cứ thì VKS quyết định không phê chuẩn lệnh khám xét của CQĐT và tất nhiên lệnh đó sẽ không được thi hành. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa làm rõ được thời hạn đối với việc xét phê chuẩn của VKS đối với lệnh khám xét của CQĐT là mấy giờ? hay mấy ngày?, quy định rõ thời hạn là để làm rõ được trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng, hơn nữa để tránh gây khó khăn trong việc áp dụng quy định này khi mà CQĐT luôn có xu hướng đề nghị VKS phê chuẩn ngay để thi hành, trong khi VKS cần có một thời hạn nhất định để xem xét nhằm bảo đảm việc phê chuẩn phải chính xác và có căn cứ. Việc làm đó có thể làm nảy sinh vấn đề CQĐT cho rằng VKS không tạo điều kiện cho hoạt động điều tra. Ngoài ra, trong thực tế cũng xảy ra nhiều trường hợp Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ nghiên cứu để đề xuất lãnh đạo phê chuẩn, nhưng do thiếu trách nhiệm đã không làm kịp thời mà còn giam hồ sơ lại trong thời gian dài dẫn đến hoạt động khám xét của CQĐT bị trì hoãn, thiếu tính kịp thời trong hoạt động điều tra tội phạm.

Bất cập nói trên nhà làm luật vẫn chưa khắc phục bổ sung khi ban hành BLTTHS năm 2003, tại Điều 141 Bộ luật này vẫn quy định: “…Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”.

Đối với hoạt động khám xét khẩn cấp, pháp luật tố tụng hình sự cho phép CQĐT tiến hành khám xét mà không cần có sự phê chuẩn trước của VKS đối với lệnh khám xét. Bời vì, trong nhiều trường hợp đối tượng phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội luôn có ý thức muốn tẩu tán, tiêu hủy vật chứng hoặc xóa các dấu vết của tội phạm… nên để kịp thời ngăn chặn ngay những việc làm đó của đối tượng phạm tội thì CQĐT phải tiến hành khám xét khẩn cấp. Đây là một trong những căn cứ để CQĐT tiến hành khám xét khấn cấp, ngoài ra Khoản 3 Điều 117 BLTTHS cũng quy định căn cứ để khám người trong trường hợp khấn cấp, cụ thể: “có thể tiến hành khám người không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét dấu trong người đồ vật cần thu giữ”.

Hoạt động kiểm sát việc khám xét được thực hiện theo các quy định tại Điều 115, 116, 117, 118, 120, 141 BLTTHS; Điều 14 Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Điều 14 Quy chế công tác kiểm sát, theo đó VKS phải bảo đảm các nội dung cơ bản sau: Chỉ khi có căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì mới quyết định phê chuẩn áp dụng biện pháp khám xét và phải bảo đảm hoạt động khám xét phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không được lợi dụng khám xét mà xâm phạm một cách trái pháp luật các quyền, lợi ích đó.

Trong trường hợp CQĐT tiến hành khám xét khẩn cấp, nếu qua kiểm tra báo cáo của CQĐT thấy rằng việc khám xét không có căn cứ và không hợp pháp thì VKS yêu cầu CQĐT khắc phục hậu quả ngay, đồng thời ra quyết định huỷ bỏ kết quả khám xét đó.

7. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn

Các biện pháp ngăn chặn là các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự mang tính nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, đặc biệt là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. Vì việc áp dụng các biện pháp này sẽ trực tiếp hạn chế một số quyền công dân đối với người bị áp dụng.

Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận: ” ở nước Cộng hào XHCN Việt nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật” và Hiến pháp năm 1992 cũng đã dành một chương quy định những quyền cơ bản của công dân, trong đó có những quyền gắn liền, không tách rời con người thường được gọi là quyền tự do nhân thân. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình các cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

BLTTHS nước ta quy định các biện pháp ngăn chặn gồm có: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Qua thời gian thi hành BLTTHS cho thấy việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đã phát huy tác dụng trong công tác đấu tranh phòng ngừa, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn để xảy ra những trường hợp bắt, giam, giữ oan, sai. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, BLTTHS đã quy định vai trò quyết định trong việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thuộc cơ quan VKS trong giai đoạn điều tra nên việc bắt, giam, giữ, gia hạn tạm giữ, tạm giam bị can đều phải được VKS xem xét, phê chuẩn đối với từng trường hợp, bảo đảm việc bắt, giữ, giam người có căn cứ, đúng pháp luật, góp phần phục vụ tốt công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân.

Do phạm vi giới hạn của luận văn, nên chúng tôi không có điều kiện đi vào nghiên cứu làm rõ từng biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS, mà chỉ tập trung vào nghiên cứu chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ trình bày một số biện pháp ngăn chặn là trọng tâm của hoạt động kiểm sát của VKS.

7.1. Kiểm sát hoạt động bắt người

Bắt người là biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang và người cần phải bắt trong trường hợp khẩn cấp khi có đủ căn cứ do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Biện pháp này hạn chế quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, được quy định tại các Điều 62, 63 và Điều 64 BLTTHS như: Bắt bị can để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người trong trường hợp quả tang, đang bị truy nã

7.1.1. Bắt bị can để tạm giam

Khi xác định có tội phạm đã xảy ra trên thực tế, xác định rõ đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó CQĐT quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội và xét thấy có đủ căn cứ để áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam thì CQĐT ra lệnh bắt bị can để tạm giam và chuyển lệnh đó cùng các tài liệu liên quan đến việc phê chuẩn cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn trước khi thi hành.

Để phê chuẩn được chính xác đúng pháp luật, VKS phải kiểm sát chặt chẽ không chỉ tính có căn cứ mà còn cả tính hợp pháp trong việc áp dụng biện pháp bắt này.

Nội dung thứ nhất mà VKS phải kiểm tra đó là tính có căn cứ trong việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam. Từ nhận thức về căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam gần như đồng nhất với căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, nên có quan điểm cho rằng, BLTTHS thực định quy định Điều 62 là không cần thiết, với lý do để thi hành lệnh tạm giam (theo Điều 70) thì phải ra lệnh bắt bị can như vậy là trái với nội dung Điều 61 BLTTHS quy định: “CQĐT, VKS hoặc Tòa án có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam…”, như thế khi bắt bị can để tạm giam có nghĩa cơ quan tiến hành tố tụng cùng một lúc đã áp dụng hai biện pháp ngăn chặn là tạm giam và bắt bị can, mặt khác khi áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam phải thông qua hai lần phê chuẩn của VKS, đó là trước hết phải phê chuẩn lệnh tạm giam, đến khi thi hành lệnh tạm giam phải ra lệnh bắt bị can nữa và phải tiếp tục được phê chuẩn.

Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm nói trên. Dưới góc độ lý luận và luật thực định thì các biện pháp ngăn chặn gồm bắt, tạm giữ, tạm giam… và trong phạm vi chức năng của mình cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn đó. Nhưng BLTTHS nước ta đã quy định phân loại từng trường hợp bắt, mà cụ thể là bắt bị can để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người trong trường hợp quả tang hoặc truy nã và mỗi trường hợp bắt nêu trên được coi là một biện pháp ngăn chặn. Chứ không phải vì sự kết hợp giữa hai thuật ngữ ” bắt” và ” tạm giam” thì lại nhận thức là áp dụng đồng thời hai biện pháp ngăn chặn. Hơn nữa, trong thực tiến điều tra, truy tố hiện nay không có việc VKS phê chuẩn hai lần đối với việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam mà chỉ phê chuẩn một lần bằng văn bản khi CQĐT có đề nghị gửi cùng lệng và các tài liệu liên quan để xét phê chuẩn. Về hình thức quyết định bắt bị can để tạm giam của CQĐT hiện nay ghi rất rõ là “Lệnh bắt bị can để tạm giam.

Từ phân tích trên có thể khẳng định việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam của CQĐT theo quy định của BLTTHS hiện hành được coi là việc áp dụng một biện pháp ngăn chặn, chứ không phải CQĐT áp dụng cùng lúc hai biện pháp ngăn chặn.

Khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, VKS sử dụng phương pháp gián tiếp là nghiên cứu hồ sơ tài liệu mà CQĐT chuyển đến để xét phê chuẩn. Nếu xét thấy việc áp dụng của CQĐT là có căn cứ thì VKS ra quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam của CQĐT và lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành. Ngược lại, nếu xét thấy không có căn cứ áp dụng thì VKS ra quyết định không phê chuẩn lệnh bắt của CQĐT và đương nhiên lệnh đó không có hiệu lực thi hành. Căn cứ pháp lý để VKS dựa vào khi kiểm sát tính căn cứ của việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam là quy định của Điều 61 BLTTHS, cụ thể: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội”. Ngoài ra, còn phải có những căn cứ được quy định tại điều 70 BLTTHS như: “Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm”. Nếu áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đối với những người chưa thành niên phạm tội ngoài các căn cứ nói trên còn phải tuân theo các căn cứ quy định riêng đối với vị thành niên phạm tội được qui định tại Điều 273 BLTTHS.

Đối với tính hợp pháp, VKS phải tiến hành kiểm sát chặt chẽ về thẩm quyền áp dụng, đối tượng bị áp dụng, thời hạn áp dụng. Căn cứ pháp lý để VKS căn cứ vào khi tiến hành kiểm sát tính hợp pháp việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam của CQĐT là quy định tại Điều 62 BLTTHS, cụ thể: “1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người:

… Trưởng Công an, phó trưởng công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh trở lên…Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”.

Như vậy, khi CQĐT áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam thì những người có thẩm quyền được quy định nói trên mới có quyền quyết định áp dụng, nếu xét thấy người không có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam thì VKS quyết định không phê chuẩn lệnh bắt.

Quy định về thẩm quyền của CQĐT trong việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đã được nhà làm luật sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS năm 2003, cụ thể có hai nội dung sửa đổi mới sau:

Thứ nhất nhà làm luật đã thu hẹp và phân định rõ trách nhiệm của từng người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, trong đó BLTTHS năm 2003 quy định Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện không có có quyền bắt bị can để tạm giam, mà chỉ có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp mới có quyền ra lệnh bắt bị can để tạm. Việc sửa đổi đó để phân định rõ thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng

Thứ hai, với xu hướng tăng thẩm quyền cho cấp huyện, theo đó Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT cấp huyện cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam. Không như quy định trong BLTTHS năm 1988 chỉ có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh trở lên mới có quyền áp dụng.

Việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đúng đối tượng cũng là một nội dung quan trọng khi thực hiện chức năng kiểm sát, đặc biệt những đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, vì theo quy định của BLTTHS trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng là vị thành niên phạm tội cần đảm bảo việc áp dụng phải đúng các quy định của Điều 273 BLTTHS.

Tóm lại, vấn đề đặt ra cho VKS khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam phải bảo đảm phát hiện vi phạm trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này, kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt không có căn cứ để ngăn chặn khả năng xâm phạm đến các quyền nhân thân của công dân. Tuy nhiên, VKS khi thực hiện chức năng của mình cũng không được gây cản trở cho hoạt động điều tra của CQĐT. Để thực hiện tốt nội dung trên, theo chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào trình độ nghiệp vụ của mỗi Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra và tổ chức công tác của viên trưởng VKS các cấp

7.1.2 Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Trường hợp khẩn cấp có thể được hiểu là trường hợp tội phạm đang hoặc đã được thực hiện mà CQĐT qua sự theo dõi kiểm tra, xác minh nguồn tin, thấy cần phải cấp bách ngăn chặn người phạm tội gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn ngừa người phạm tội chạy trốn hoặc tiêu hủy nguồn chứng cứ.

Từ khái niệm nêu trên cho thấy, bắt người trong trường hợp khẩn cấp mang tính chất phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa ở đây có nghĩa rộng không chỉ là phòng ngừa đối tượng phạm tội sẽ gây ra thiệt hại cho Nhà nước hoặc công dân khi đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, mà còn phòng ngừa đối tượng phạm tội tiếp tục phạm tội hoặc sẽ bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ của vụ án sau khi thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động điều tra tội phạm. Với tính chất như vậy, pháp luật tố tụng hình sự nước ta cho phép CQĐT có quyền độc lập thực hiện việc bắt khẩn cấp mà không cần phải có sự phê chuẩn trước của VKS cùng cấp khi thi hành lệnh bắt. Tuy vậy, việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp cũng đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm việc áp dụng đúng theo quy định của pháp luật, nên sau khi thực hiện bắt khẩn cấp CQĐT phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp để kiểm sát và xét phê chuẩn. Do đó, hoạt động kiểm sát chỉ được thực hiện sau khi CQĐT đã thực hiện xong việc bắt khẩn cấp và thông qua phương pháp gián tiếp nghiên cứu hồ sơ tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xem xét quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu VKS không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của CQĐT thì CQĐT phải trả tự do ngay cho người bị bắt, đây là quy định bắt buộc mà CQĐT phải thực hiện. Khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, VKS cũng phải bảo đảm hai nội dung, tính có căn cứ và tính hợp pháp của việc áp dụng.

Căn cứ của việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại khoản 1 Điều 63 BLTTHS, trong đó quy định 3 căn cứ đó là: Khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng, cần phải ngăn chặn ngay, khi người bị hại hoặc người chứng kiến chính mắt trông thấy hoặc xác nhận người này đúng là người đã thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn và phát hiện thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chổ ở người bị tình nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Như vậy, khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp của CQĐT thì yêu cầu đặt ra cho VKS là xem xét việc áp dụng đó có đảm bảo các căn cứ nói trên hay không. Nếu việc áp dụng có căn cứ đúng pháp luật thì VKS quyết định phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp để công nhận về mặt pháp lý kết quả của hoạt động bắt khẩn cấp mà CQĐT đã tiến hành và trên cơ sở đó để CQĐT áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự tiếp theo. Ngược lại, nếu việc áp dụng không có căn cứ pháp luật thì VKS ra quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của CQĐT và hậu quả của việc đó sẽ dấn tới hủy bỏ về mặt pháp lý kết quả của việc bắt khẩn cấp, do đó CQĐT phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

Tính hợp pháp của việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp được xem xét trên cơ sở người có thẩm quyền ra lệnh bắt, trình tự, thủ tục áp dụng được quy định tại Điều 63, 65 và Điều 66 BLTTHS.

Để bảo đảm tính thận trọng trong việc bắt người và cũng là để nâng cao trách nhiệm của VKS trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này, trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 1988 nhà làm luật đã xây dựng một số quy định mới, theo đó BLTTHS năm 2003 quy định như sau:

Về thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp chỉ gồm có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp (Điều 81 khoản 2). Như vậy, Bộ luật đã bỏ quy định Phó trưởng công an huyện có quyền bắt khẩn cấp, chỉ có Phó trưởng công an huyện phụ trách công tác điều tra là Phó thủ trưởng CQĐT mới có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp.

Trong trường hợp cần thiết, VKS phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp (Điều 81 khoản 4). Do vậy, khi VKS gặp, hỏi người bị bắt thì phải lập biên bản lấy lời khai và đó cũng là một tài liệu căn cứ cho việc xét phê chuẩn.

Thời hạn ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp là 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp (Điều 81 khoản 4). Như vậy, cả việc gặp, hỏi người bị bắt cho đến khi kết thúc việc xét phê chuẩn bắt khẩn cấp cũng chỉ trong thời hạn 12 giờ.

Việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp phải bằng văn bản riêng đó là quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn, trong đó phải nêu lý do đối với từng trường hợp (Điều 81 khoản 4).

Như vậy, với quy định mới nói trên, nhà làm luật đã làm rõ phạm vi những người có thẩm quyền bắt khẩn cấp và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người ra lệnh bắt khẩn cấp, trách nhiệm của VKS khi xét phê chuẩn bảo đảm khắc phục oan, sai ngay từ đầu.

7.2. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giữ

Tạm giữ được hiểu là biện pháp ngăn chặn do cơ quan có thẩm quyền áp dụng với nội dung là hạn chế quyền tự do trong thời hạn do pháp luật tố tụng hình sự quy định đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã nhằm bảo đảm cho CQĐT có thời gian tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu để có cơ sở quyết định việc khởi tố bị can.

Từ định nghĩa trên thì biện pháp tạm giữ chỉ được áp dụng trong ba trường hợp, đó là đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Trong bất kỳ mọi trường hợp tạm giữ nào, CQĐT đều phải gửi quyết định tạm giữ cho VKS cùng cấp để VKS thực hiện chức năng kiểm sát như Điều 68 BLTTHS đã quy định: “trong thời hạn 24 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho VKS cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”.

Biện pháp tạm giữ là biện pháp ngăn chặn nhằm cách ly khỏi xã hội đối với người bị bắt trong một thời hạn do luật định, do vậy trách nhiệm của VKS phải bảo đảm không được để xảy ra việc áp dụng biện pháp tạm giữ oan, sai. Điều đó đòi hỏi việc thực hiện chức năng kiểm sát nhà tạm giữ tại cơ quan Công an phải thường xuyên như quy chế về công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam đã quy định: “VKS các cấp phải tiến hành kiểm sát hàng ngày tại nhà tạm giữ của cơ quan Công an” với mục đích để cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ của CQĐT đúng theo quy định của pháp luật. Như vậy, sau khi nhân được quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, VKS phải kiểm tra tính căn cứ của việc ra quyết định tạm giữ, nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan ra quyết định tạm giữ trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trong trường hợp việc áp dụng biện pháp tạm giữ của CQĐT là cần thiết cho hoạt động điều tra ban đầu thì VKS cũng phải kiểm sát chặt chẽ thời hạn tạm giữ, nếu hết thời hạn tạm giữ mà CQĐT không có cơ sở để chứng minh được người bị tạm giữ đã thực hiện hành vi phạm tội thì VKS phải yêu cầu CQĐT trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Phương pháp kiểm sát việc tạm giữ, chủ yếu VKS sử dụng phương pháp gián tiếp thông qua việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu của CQĐT. Trong trường hợp cần thiết có thể gặp, hỏi trực tiếp người bị tạm giữ để từ đó có cơ sở khẳng định việc áp dụng biện pháp tạm giữ của CQĐT là đúng quy định của pháp luật.

Để tăng cường trách nhiệm của VKS trong việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, BLTTHS năm 2003 đã có những quy định mới so sánh với BLTTHS năm 1988 về thời hạn gửi quyết định tạm giữ, quyền hạn của VKS trong việc áp dụng, gia hạn tạm giữ, cụ thể BLTTHS năm 2003 quy định:

 CQĐT và những người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ thì phải gửi cho VKS. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ. Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ phải được lập thành văn bản riêng, trong đó phải nêu rõ lý do (Điều 86 khoản 3).

 Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn (Điều 87 khoản 2).

7.3. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn, chỉ áp dụng đối với người đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp bị khởi tố bị can đều bị áp dụng biện pháp tạm giam, mà việc áp dụng biện pháp tạm giam phải có cắn cứ theo quy định của BLTTHS. Trong giai đoạn điều tra, việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT đều chịu sự kiểm sát chặt chẽ của VKS thông qua quyền phê chuẩn của VKS, “Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 BLTTHS này phải được viên trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành” (Điều 70 khoản 3). Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp tạm giam được thực hiện chủ yếu thông qua phương pháp gián tiếp bằng việc nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu liên quan đến việc đề nghị áp dụng biện pháp tạm giam mà CQĐT chuyển cho VKS. Trong thời hạn nhất định VKS phải quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định tạm giam của CQĐT, “…trong thời hạn không quá ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, viên trưởng VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn” (Điều 70 khoản 3 BLTTHS).

Nội dung chủ yếu mà VKS hướng tới khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam là kiểm tra tính có căn cứ. Cơ sở pháp lý để VKS dựa vào để thực hiện hoạt động kiểm sát là các căn cứ được quy định tại Điều 70 BLTTHS, ngoài ra đối với người chưa thành niên phạm tội việc quyết định áp dụng biện pháp tạm giam còn phải căn cứ quy định tại Điều 273 BLTTHS. Qua hoạt động kiểm sát, VKS xét thấy việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT là có căn cứ theo luật định thì ra quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam của CQĐT, ngược lại xét thấy việc tạm giam là không có căn cứ và không cần thiết thì VKS kiên quyết không phê chuẩn lệnh tạm giam, để tránh trường hợp lạm dụng trong việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT.

Ngoài quy định về căn cứ được áp dụng biện pháp tạm giam, BLTTHS còn quy định các căn cứ không được áp dụng tạm giam tại khoản 2 Điều 70, trong đó quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam và áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trừ trường hợp đặc biệt”, đây là một quy định thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, nhằm tạo cho những đối tượng là phụ nữ có thai, người già yếu… những điều kiện để chăm sóc về mặt sức khỏe cũng như về mặt tinh thần. Mặc dù vậy, trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm có không ít những đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo đó để cố ý tiếp tục vi phạm pháp luật hình sự, do vậy trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 1988 nhà làm luật đã thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa nhân đạo Xã hội chủ nghĩa với yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, khoan hồng đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng, nhưng cũng phải kiên quyết tạm thời cách ly những đối tượng trên ra khỏi xã hội khi họ cố ý vi phạm pháp luật để bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, phục vụ điều tra, xử lý vụ án được nhanh chóng, kịp thời, nên Khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2003 có quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam, trừ những trường hợp sau đây:

1- Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.

2- Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử.

3-  Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Như vậy, tính có căn cứ là nội dung quan trọng mà VKS cần kiểm sát chặt chẽ khi thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam của CQĐT, làm được tốt công tác này sẽ hạn chế tình trạng tạm giam không có căn cứ vi phạm pháp luật của CQĐT và cũng để tránh những trường hợp bị can bị tạm giam sau đó phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc Tòa án xét xử tuyên không phạm tội.

Bên cạnh nội dung kiểm tra tính có căn cứ, trong hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam, VKS còn chú ý kiểm sát việc ra hạn tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra. VKS phải đảm bảo việc tạm giam phải đúng thời hạn theo quy định tại Điều 71 BLTTHS, trong trường hợp phải ra hạn tạm giam thì VKS xem xét quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền do BLTTHS quy định.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, VKS có trách nhiệm quyết định trong việc tạm giam. Lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài thẩm quyền phê chuẩn lệnh tạm giam, VKS còn phê chuẩn việc gia hạn tạm giam của CQĐT. Tất cả những quyền hạn trên thể hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giam của VKS đảm bảo việc tạm giam đúng người và đúng pháp.

7.4. Kiểm sát việc thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Các biện pháp ngăn chặn là các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự nhằm hạn chế các quyền thuộc về nhân thân của công dân trong một thời hạn do pháp luật quy định. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, căn cứ vào kết quả điều tra, điều kiện và sự ăn năn hối cải của bị can mà cơ quan ra quyết định áp dụng có quyền hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khi thấy không cần thiết nữa. Tuy nhiên, việc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đều được VKS kiểm sát chặt chẽ, nhất là những biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì muốn hủy bỏ hoặc thay đổi phải được VKS quyết định như Điều 77 BLTTHS quy định: “Đối với biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải do VKS quyết định”.

Vậy đối với các biện pháp ngăn chặn như tạm giam, CQĐT muốn hủy bỏ hoặc thay thế thì phải có công văn đề nghị VKS quyết định, nếu CQĐT tự quyết định hủy bỏ, thay thế thì quyết định đó là vi phạm pháp luật. Pháp luật quy định như vậy, nhưng trong thực tiễn áp dụng Điều 77 BLTTHS còn có cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nếu biện pháp ngăn chặn mà VKS phê chuẩn đang còn thời hạn áp dụng, thì việc hủy bỏ, thay thế phải do VKS quyết định, nhưng nếu biện pháp đó đã hết thời hạn áp dụng thì CQĐT có quyền thay thế biện pháp ngăn chặn khác chứ không phải do VKS quyết định. Có ý kiến cho rằng, kể cả trường hợp đã hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác vẫn phải do VKS quyết định.

Về vấn đề trên liên ngành VKSND tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ công an đã thống nhất hướng dẫn như sau: Trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn đã hết mà xét thấy không cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này thì việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác mà BLTTHS không quy định phải có sự phê chuẩn của VKS thì do CQĐT quyết định, nhưng phải thông báo việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đó cho VKS để bảo đảm việc theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ví dụ: Hết thời hạn tạm giam, CQĐT xét thấy không cần thiết phải ra hạn tạm giam, thì có thể quyết định cho bị can được bảo lĩnh và thông báo cho VKS biết. Đối với việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác mà Bộ luật quy định phải có sự phê chuẩn của VKS thì phải do VKS quyết định, ví dụ: hết thời hạn tạm giam, CQĐT xét thấy có thể cho bị can đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm thay thế cho việc gia hạn tạm giam, thì việc thay thế biện pháp này do VKS quyết định trên cơ sở đề nghị của CQĐT.

Tóm lại, để thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, VKS phải thực hiện hoạt động kiểm sát điều tra vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thông qua đó nắm được rõ các tình tiết, cũng như tính phức tạp của từng vụ án để khi CQĐT có đề nghị xét phê chuẩn áp dụng biện pháp ngăn chặn thì VKS đã nắm được nội dung vụ án và các vấn đề liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như nhân thân, độ tuổi… của người phạm tội, từ đó tạo cơ sở cho hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được chính xác, có căn cứ, tránh để xảy ra tình trạng oan, sai khi CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn.

8. Kiểm sát đình chỉ điều tra vụ án hình sự của CQĐT

Đình chỉ điều tra là biện pháp tố tụng do CQĐT áp dụng ở giai đoạn điều tra vụ án khi có một trong những căn cứ do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Việc nhà làm luật xây dựng chế định “đình chỉ điều tra” là thể hiện quan điểm bên cạnh việc phải xử lý nghiêm minh tội phạm và người phạm tội, Nhà nước ta luôn có chính sách khoan hồng nhân đạo đối với người phạm tội, đặc biệt là không làm oan người vô tội. Nên đình chỉ điều tra vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của CQĐT phải ra quyết định đình chỉ khi có căn cứ để đình chỉ điều tra.

Việc đình chỉ điều tra là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt toàn bộ hoạt động tố tụng đối với vụ án đó, CQĐT phải hủy bỏ ngay biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với bị can bị đình chỉ điều tra (nếu có), trả lại toàn bộ tài sản đang bị tạm giữ, kê biên… Ngoài ra, tùy theo trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng trong việc để xảy ra khởi tố bị can, điều tra và đã áp dụng biện pháp tạm giam sau đó phải đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự và vật chất đối với người bị oan, sai theo quy định của Nghị quyết 388 của Uỷ ban thường vụ quốc hội.

Mặc dù pháp luật tố tụng hình sự đã quy định khá cụ thể các căn cứ để đình chỉ điều tra vụ án, nhưng trong thực tiễn do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vẫn để xảy ra việc đình chỉ điều tra sai hoặc CQĐT vẫn cố tình không đình chỉ điều tra khi có căn cứ để đình chỉ. Do vậy, với chức năng của mình, VKS thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của CQĐT trong việc đình chỉ điều tra nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật. Cũng giống như các hoạt động kiểm sát trong giai đoạn điều tra, hoạt động kiểm sát đình chỉ điều tra chủ yếu tập trung kiểm tra tính có căn cứ trong quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT. Theo quy định tại Điều 139 BLTTHS thì ở giai đoạn điều tra, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau:

Thứ nhất: Có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 BLTTHS. Tức là khi có một trong những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự, như vậy khi chưa khởi tố vụ án hình sự mà xác định được có căn cứ quy định tại Điều 89 BLTTHS thì CQĐT không được khởi tố vụ án, trong trường hợp đã khởi tố vụ án và tiến hành điều tra CQĐT mới phát hiện được có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 BLTTHS thì sẽ phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Thứ hai: Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Thứ ba: Trong trường hợp được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 BLHS, thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra và có thể chuyển giao hồ sơ cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội xử lý. Có nghĩa quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 BLHS là những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

Trên đây là những căn cứ mà VKS phải dựa vào đó để thực hiện chức năng kiểm sát, bảo đảm quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT là có căn cứ và hợp pháp. Nếu để xảy ra việc đình chỉ điều tra không có căn cứ sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đưa ra xử lý trước pháp luật một cách nghiêm minh người phạm tội; ngược lại nếu để xảy ra tình trạng có căn cứ để đình chỉ điều tra mà CQĐT không tiến hành đình chỉ sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can và những người có liên quan, hoặc nếu việc đình chỉ điều tra không đúng thẩm quyền sẽ vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến quyết định đình chỉ điều tra sẽ không có hiệu lực pháp luật. Chính vì những lý do trên bắt buộc VKS phải thực hiện chức năng kiểm sát việc đình chỉ điều tra của CQĐT để hạn chế những vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

BLTTHS năm 1988 quy định các căn cứ để đình chỉ điều tra tại Điều 139, nhưng vấn đề đặt ra là ngoài các căn cứ đó ra, CQĐT có còn được quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp nào nữa không?, hơn nữa BLTTHS năm 1988 quy định CQĐT phải gửi quyết định đình chỉ điều tra cho VKS cùng cấp nhưng lại không quy định cụ thể VKS có quyền hạn gì trong trường hợp quyết định đình chỉ đó không có căn cứ. Những hạn chế này đã được nhà làm luật khắc phục bằng việc quy định bổ sung thêm căn cứ đình chỉ điều tra thuộc thẩm quyền của CQĐT trong BLTTHS năm 2003, theo đó BLTTHS năm 2003 tiếp tục kế thừa các căn cứ tại Điều 139 BLTTHS năm 1988 và có bổ sung thêm các căn cứ sau:

Thứ nhất, trường hợp trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trong trường hợp người bị hại đã yêu cầu khởi tố nhưng lại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Điều đó có nghĩa trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trường hợp bị hại đã có đơn yêu cầu khởi tố và sau đó rút đơn yêu cầu khởi tố trong giai đoạn điều tra thì CQĐT có quyền ra quyết định đình chỉ điều tra (điểm a, khoản 2 Điều 164).

Thứ hai, trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 19 BLHS); Miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25 BLHS) và trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69 BLHS).

Vậy điểm a, khoản 2 Điều 164 BLTTHS năm 2003 nhà làm luật đã mở rộng phạm vi thẩm quyền của CQĐT đối với việc đình chỉ điều tra, quy định bổ sung này chắc chắn sẽ khắc phục được bất cập trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự của CQĐT, tạo chủ động cho CQĐT trong việc đình chỉ điều tra, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm đình chỉ điều tra cho cơ quan VKS.

Đối với quyền hạn của VKS trong việc thực hiện chức năng kiểm sát đình chỉ điều tra của CQĐT, Khoản 4 Điều 164 BLTTHS năm 2003 quy định: “trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của CQĐT, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì VKS phải trả lại hồ sơ vụ án cho CQĐT để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu CQĐT phục hồi điều tra, nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thỉ hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố”. Với quy định mới này đã thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của VKS đối với việc đình chỉ điều tra của CQĐT, điều đó đã khắc phục được quy định chung chung về quyền hạn của VKS tại Điều 139 BLTTHS năm 1988.

Mặc dù BLTTHS năm 1988 chưa quy định rõ trách nhiệm của VKS trong việc đình chỉ điều tra của CQĐT, nhưng theo tinh thần chung của pháp luật tố tụng hình sự thì VKS phải có trách nhiệm bảo đảm quyết định định chỉ điều tra của CQĐT là có căn cứ và hợp pháp. Điều đó có nghĩa chỉ khi có căn cứ để đình chỉ điều tra thì CQĐT mới được quyết định đình chỉ, trong trường hợp nếu vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can và quyết định đình chỉ điều tra phải đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục tố tụng do luật định.

Để kiểm sát được tốt việc đình chỉ điều tra của CQĐT, đòi hỏi VKS phải nghiên cứu kỷ hồ sơ và thận trọng kiểm tra căn cứ áp dụng để đình chỉ, nếu thấy việc đình chỉ điều tra của CQĐT là đúng thì tiếp tục theo dõi, giải quyết các vấn đề có liên quan như phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với bị can đã bị đình chỉ điều tra. Ngược lại, nếu phát hiện CQĐT đình chỉ điều tra không có căn cứ thì VKS quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu CQĐT phục hồi điều tra.

Khi vụ án đã kết thúc điều tra bằng bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố chuyển đến VKS mới phát hiện hoặc mới phát sinh căn cứ dẫn đến việc đình chỉ thì VKS quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can theo quy định tại Điều 141, 142 và khoản 1 Điều 143b BLTTHS..

Cùng với việc thông qua BLHS năm 1999, ngày 21/12/1999 Quốc hội nước ta đã ban hành Nghị quyết số 32/1999/QH 10 về việc thi hành BLHS năm 1999. Tại mục 3 Nghị quyết quy định: “c) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm nhưng Bộ luật này không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ.

1- Không xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ”. Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành từ ngày 4/1/2000, như vậy, các quy định trên cũng được coi là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự, trong trường hợp vụ án đã được khởi tố điều tra thì tùy theo từng giai đoạn tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ. Do vậy, CQĐT cũng có thẩm quyền quyết định đình chỉ điều tra khi có một trong các căn cứ nói trên.

Tóm lại, việc thực hiện chức năng kiểm sát đình chỉ điều tra là hết sức quan trọng, thông qua đó VKS có trách nhiệm bảo đảm việc tuân theo pháp luật của CQĐT trong việc đình chỉ điều tra, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội của CQĐT. Trên đây là những nội dung phân tích các chế định pháp luật tố tụng hình sự về kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố – điều tra vụ án hình sự. Vậy, việc vận dụng những quy định đó vào thực tiễn như thế nào? Hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra vụ án hình sự của VKS trong những năm qua bên cạnh những ưu điểm, thì còn có những hạn chế gì? Qua đánh giá thực trạng đó cần rút ra các giải pháp, kiến nghị gì để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động kiểm sát khởi tố – điều tra của VKS trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt BLTTHS năm 2003 và Luật tổ chức VKS năm 2002. Tất cả các vấn đề trên sẽ được chúng tôi trình bày ở chương tiếp theo.

 

9. Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999 (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1988 (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2003 (2004), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Lê Cảm (2004), “Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng hình sự”, Kiểm sát, (2).
  1. Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên) (2001) Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  2. Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1945, 1959, 1960, 1963, 1984.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Chỉ thị của Bộ Chính trị về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc bắt, tạm giữ và tạm giam, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5.   Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội.
  6.   Trần Văn Độ (2003), “Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm soát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay”, Kỷ yếu đề tài cấp bộ: Những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Hà Nội.
  7.   Phạm Hồng Hải (2003), Mô hình lý luận Bộ luật tố tụng hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  8.   Hệ thống hóa các văn bản pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  9.   Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  10.   V.I. Lênin (1990), Bàn về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  11.   Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 1989 (1990), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  12.   Pháp lệnh về Kiểm sát viên 1993 (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội.
  13.   Pháp lệnh về Kiểm sát viên 2002 (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội.
  14.   Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992 (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  15.   Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  16.   Tòa án nhân dân tối cao (1990), Tập hệ thống hóa các văn bản về hình sự, dân sự, tố tụng, tập I, Hà Nội.
  17.   Tòa án nhân dân tối cao (1992), Tập hệ thống hóa các văn bản về hình sự, dân sự, tố tụng, tập II, Hà Nội.
  18.   Tòa án nhân dân tối cao (1995), Tập hệ thống hóa các văn bản về hình sự, dân sự, tố tụng, tập III, Hà Nội.
  19.   Từ điển tiếng Việt, (1999), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  20.   Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ an (2001), Báo cáo án đình chỉ và tạm đình chỉ, Nghệ An.
  21.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (1991), “Hình sự”, trong: Tập hệ thống hóa các văn bản cần thiết cho công tác kiểm sát, tập I , Hà Nội.
  22.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (1998), Quy chế công tác kiểm sát điều tra, Hà Nội.
  23.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (1998), Quy chế công tác kiểm sát giam, giữ và cải tạo, Hà Nội.
  24.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2000), Tài liệu tập huấn Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 (sửa đổi), Hà Nội.
  25. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2000), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 1999, Hà Nội.
  26.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2000), Báo cáo về án đình chỉ, tạm đình chỉ, Hà Nội.
  27.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2001), Tài liệu tập huấn công tác kiểm sát điều tra án trị an – xã hội, Hà Nội.
  28.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2001), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2000, Hà Nội.
  29.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2001), Báo cáo về án đình chỉ, tạm đình chỉ, Hà Nội.
  30.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2002), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2001, Hà Nội.
  31.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2003), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội.
  32.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2003), Tài liệu tập huấn Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Hà Nội.
  33.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2003), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2002, Hà Nội.
  34.   Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2003), Những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Kỷ yếu đề tài cấp bộ, Hà Nội.
  35.   Nguyễn Tất Viễn (2003), “Hoạt động tư pháp và kiểm sát các hoạt động tư pháp”, Kỷ yếu đề tài cấp bộ: Những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Hà Nội.
  36.   Võ Khánh Vinh (2003), “Về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Nhà nước và pháp luật, (8), tr. 4-5.

 

The post Lý luận kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố appeared first on Luận văn 1080.

No comments:

Post a Comment