Tuesday, February 19, 2019

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế http://bit.ly/2IoZmeV

Quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là việc triển khai các hoạt động có tính quy trình nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của nhà nước đối với lĩnh vực y tế.

1. Khái quát về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.1 Y tế và nguồn nhân lực y tế

1.1.1. Y tế

Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều kiện cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ tổ quốc [2, tr9].

Theo Tổ chức Y tế thế giới khái niệm sức khỏe được hiểu như sau: “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là một tình trạng không có bệnh tật”.

Có rất nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế không ổn định, ô nhiễm môi trường sống, chiến tranh, môi trường lao động không đảm bảo, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế vv… làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong những yếu tố đó, tác động của y học, y tế đóng một vai trò rất quan trọng đến sức khỏe con người.

Trong thế giới ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh sớm và phục hồi chức năng đã góp phần to lớn trong công tác điều trị và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Đồng hành với điều đó là sự phát triển của y học dự phòng đã góp phần to lớn trong công tác phòng chống và ngăn ngừa bệnh dịch, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở các quần thể dân cư; y học dinh dưỡng góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho mọi đối tượng và hỗ trợ điều trị các bệnh chuyển hóa liên quan đến rối loạn chuyển hóa; y học thể thao ngày càng phát triển cũng đã đóng góp cho sự phát triển thể chất và tăng cường thể lực cho cộng đồng dân cư. Y học của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đã và đang ngày càng có những đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Y học và y tế

Y học: “Là khoa học và nghệ thuật chữa bệnh, bao gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe nhằm duy trì, hồi phục cơ thể từ việc phòng ngừa và chữa bệnh”.

Y tế: “Là các hoạt động cụ thể trực tiếp ứng dụng khoa học y học vào việc phòng bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người”

Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học y học, các dịch vụ y tế đã được từng bước mở rộng, nhờ đó đã có những phương pháp chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cũng như các phương pháp phòng bệnh tiên tiến góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

1.1.1.2. Nguồn nhân lực y tế

Nguồn nhân lực

Có nhiều quan niệm về nguồn nhân lực (NNL). Theo tổ chức liên hiệp quốc: “Nguồn nhân lực là tổng thể sức dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh và sự tác động của con người trong việc cải tạo tự nhiện và cải tạo xã hội” [58, tr153].

Nguồn nhân lực được hiểu theo cả về nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường.

Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động.

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế

Theo quan niệm của kinh tế học hiện đại, NNL là một trong năm nguồn lực cơ bản (5 M) của phát triển xã hội. Các nguồn lực đó là: Nguồn lực con người (Man power resources), nguồn lực quản lý (Managerment resources) nguồn lực cơ sở vật chất (Material resources), nguồn lực về tiền bạc (Money resources), nguồn lực khoa học công nghệ (Managerment of Science and Technology resources).

Nguồn nhân lực được xem xét, đánh giá trên góc độ số lượng và chất lượng. Số lượng NNL được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng nguồn nhân lực. Chất lượng NNL là tổng thể những đặc trưng, phản ánh bản chất, tính đặc thù liên quan trực tiếp tới hoạt động trực tiếp sản xuất và phát triển con người.

Nguồn nhân lực được nghiên cứu trên giác độ về số lượng và về chất lượng:

+ Số lượng NNL được xác định dựa trên quy mô dân số, cơ cấu độ tuổi, giới tính và sự phân bố dân số theo khu vực và vùng lãnh thổ. Ở nước ta, số lượng nguồn nhân lực được xác định bao gồm tổng số người trong độ tuổi lao động (nam: 15 đến 60; nữ: 15 đến 55) vì người lao động phải ít nhất đủ 15 tuổi và được hưởng chế độ hưu trí hàng năm khi có đủ điều kiện về tuổi đời (Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi ) và thời gian đóng bảo hiểm xã hội (từ 20 năm trở lên). Đây là lực lượng lao động tiềm năng của nền kinh tế – xã hội. Sự gia tăng dân số là cơ sở để hình thành và gia tăng NNL, có nghĩa là sự gia tăng dân số sau 15 năm đạt độ tuổi lao động sẽ kéo theo sự gia tăng NNL. Tuy nhiên, khi nhịp độ tăng dân số chậm lại cũng không giảm ngay tức thì nhịp độ tăng NNL.

+ Chất lượng NNL thể hiện trạng thái nhất định của NNL với tư cách vừa là một khách thể vật chất đặc biệt, vừa là chủ thể của mọi hoạt động kinh tế và các mối quan hệ xã hội. Chất lượng NNL là tổng thể những nét đặc trưng phản ánh bản chất, tính đặc thù liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất và phát triển con người. Đó là khái niệm tổng hợp bao gồm những nét đặc trưng về trạng thái thể lực, trí lực, kĩ năng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần của nguồn nhân lực. Chất lượng NNL có liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như đảm bảo dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm gắn với tiến bộ kỹ thuật, thù lao của người lao động và các mối quan hệ xã hội khác.

Do đó, nghiên cứu về nguồn nhân lực cần phải xem xét, đánh giá cả về các mặt: về số lượng, về chất lượng và cả về cơ cấu hợp lý theo nhu cầu xã hội của nguồn nhân lực.

Ngoài ra còn có một số khái niệm khác về nguồn nhân lực như sau:

– Nguồn nhân lực là nguồn lực về con người và được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh. Trước hết là với tư cách là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, bao gồm toàn bộ dân cư có cơ thể phát triển bình thường.

Nguồn nhân lực với tư cách là yếu tố của sự phát triển kinh tế, xã hội là khả năng lao động của xã hội được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Với cách hiểu này nguồn nhân lực tương đương với nguồn lao động.

– Nguồn nhân lực có thể hiểu là tổng hợp cá nhân những con người cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể chất và tinh thần được huy động vào quá trình lao động.

Theo quy định của Tổng cục Thống kê, khi tính toán nguồn nhân lực xã hội còn bao gồm những người ngoài độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.

Từ những khái niệm khác nhau đó, dẫn đến một số điểm khác nhau trong tính toán về quy mô NNL. Tuy nhiên, những chênh lệch đó không đáng kể vì số người trong độ tuổi có khả năng lao động chiếm đa số trong NNL.

Xem xét dưới các góc độ khác nhau có thể có những khái niệm khác nhau về NNL, nhưng những khái niệm này đều thống nhất trên cơ sở nội dung cơ bản: Nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, là yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, giữ vai trò quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, của một vùng hay của một ngành chuyên môn nhất định.

Nguồn nhân lực y tế

Nguồn nhân lực ngành y tế là lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển y tế, bao gồm lực lượng lao động trực tiếp và lao động gián tiếp.

Năm 2006, WHO đã đưa ra định nghĩa: “Nhân lực y tế bao gồm tất cả những người tham gia chủ yếu vào các hoạt động nhằm nâng cao sức khoẻ”. Theo đó, nhân lực y tế bao gồm những người cung cấp dịch vụ y tế, người làm

công tác quản lý và cả nhân viên giúp việc mà không trực tiếp cung cấp các dịch vụ y tế. Nó bao gồm CBYT chính thức và cán bộ không chính thức (như tình nguyện viên xã hội, những người chăm sóc sức khỏe gia đình (CSSK), lương y…); kể cả những người làm việc trong ngành y tế và trong những ngành khác (như quân đội, trường học hay các doanh nghiệp).

Theo định nghĩa nhân lực y tế của WHO, ở Việt Nam các nhóm đối tượng được coi là “Nhân lực y tế” sẽ bao gồm các cán bộ, nhân viên y tế thuộc biên chế và hợp đồng đang làm trong hệ thống y tế công lập (bao gồm cả quân y), các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học y/dược và tất cả những người khác đang tham gia vào các hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ CSSK nhân dân (nhân lực y tế tư nhân, các cộng tác viên y tế, lang y).

Theo báo cáo của Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đến tháng 6/2011 tổng số lao động của cả ngành y tế từ Trung ương đến địa phương là 369.978 người. Lao động trực tiếp là những người trực tiếp làm việc trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về y tế, các đơn vị sự nghiệp y tế trong đó có đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học và các đơn vị kinh doanh về dược, trang thiết bị y tế, vắc xin và sinh phẩm y tế tham gia trực tiếp vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Lao động gián tiếp là những lao động làm việc trong các ngành, các đơn vị liên quan đến hoạt động y tế như truyền thông giáo dục sức khỏe, dịch vụ công cộng môi trường, công tác xã hội (Social Workers) vv…

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế

Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế

1.1.1.3. Đặc điểm của nguồn nhân lực y tế

– Là lực lượng được chọn lựa rất kỹ và chặt chẽ và thời gian đào tạo lâu hơn so với đào tạo các cán bộ ngành khác:

Điểm thi tuyển chọn đầu vào của các trường đại học y thường rất cao như năm 2007-2008 mỗi môn thi phải đạt trên 9 điểm mới có khả năng vào trường và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm gần đây khi mà các trường khác điểm thi tuyển sinh đầu vào thì thấp hơn nhiều. Lựa chọn đầu vào với điểm số rất cao nên đa số sinh viên trường Y phải học tập rất chăm chỉ, cần cù, tỉ mỉ, tạo thói quen về độ chính xác cao trong các hoạt động.

Ngoài việc tuyển chọn khắt khe ở đầu vào, quá trình đào tạo cũng rất cẩn thận, bài bản, công phu hơn về nhiều nội dung và thời gian dài hơn. Đa số các ngành hoàn thành trình độ đại học chỉ có 4 năm và lâu hơn chỉ có đại học bách khoa và một số ngành đào tạo 5 năm, trong khi đó đào tạo bác sĩ y khoa kéo dài đến 6 năm. Đối tượng đào tạo này cũng lâu hơn nữa ở tất cả các nước Mỹ, Anh, Pháp, Malaysia, có nước kéo dài tới 9 đến 12 năm.

– Nguồn nhân lực y tế luôn luôn thiếu và rất khó đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân:

Theo báo cáo của Bộ Y tế mỗi năm nước ta đào tạo ra 6.700 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y họcy tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học. Theo dự báo của Vụ Khoa học và đào tạo (nay là Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế), với tốc độ tăng dân số hiện nay, thì tới năm 2015 Việt Nam cần tới 372.000 cán bộ y tế, số lượng cần bổ sung từ nay cho đến năm 2015 khoảng gần 283.000 cán bộ y tế. Mỗi năm chúng ta cần thêm 5.800 bác sĩ, 1.600 dược sĩ và hơn 145.000 điều dưỡng viên. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng theo cấp số nhân thì khả năng đáp ứng của chúng ta lại chỉ mới đạt ở cấp số cộng. Lực lượng bác sỹ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về nguồn nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì tỉ lệ cán bộ y tế Việt Nam còn rất thấp.

– Phân bổ không đồng đều, tập trung nhiều ở vùng đô thị phát triển

Theo các tài liệu trên thì cán bộ y tế có trình độ cao đang có xu hướng dịch chuyển và tập trung về tuyến trên (tuyến trung ương, tuyến tỉnh), về những nơi có điều kiện tốt hơn, lĩnh vực chuyên môn có sức hấp dẫn cao hơn… bỏ lại tuyến dưới, những vùng khó khăn thiếu cán bộ có trình độ cao.

Bộ Y tế cho biết, năm 2008, cả nước có 349.491 cán bộ y tế, đạt tỷ lệ 40,5 cán bộ y tế/10.000 dân, trong đó số bác sĩ là gần 7 bác sĩ/10.000 dân. Tuy nhiên, riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 12,4 bác sĩ/10.000 dân.

Bảng 1. Phân bố cán bộ y tế theo dân số các vùng kinh tế xã hội

Tại Việt Nam, nguồn nhân lực y tế đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trong khi đó cơ cấu phân bố lại không đồng đều giữa các vùng miền tập trung chủ yếu ở các thành thị lớn.

– Cán bộ y tế phải chịu áp lực công việc rất lớn

Người cán bộ y tế hàng ngày đứng trước người bệnh phải đối phó với vô số những sự kiện, tuy có khi có sự kiện rất nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Người cán bộ y tế phải có cái nhìn toàn diện trên mọi mặt hoạt động của con người. Phải đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ của mọi thay đổi, tìm mối tương quan giữa các cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể con người. Cán bộ y tế phải dự đoán được những gì sẽ xảy ra trước mắt và những gì sẽ xảy ra sau này. Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, cộng với thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị, thiếu nhân lực, và đòi hỏi cao về trách nhiệm, song thu nhập của cán bộ y tế lại không cao (đứng ở một trong hai ngành có mức lương thấp nhất ở Việt Nam). Các yếu tố trên gây áp lực rất lớn đối với cán bộ y tế.

1.1.2. Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.1.2.1. Khái niệm đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế bao gồm toàn bộ các cán bộ đã tốt nghiệp đại học, những người đang trực tiếp chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiếp tục được đào tạo các chuyên khoa,chuyên ngành sau đại học nhằm trau dồi thêm kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Họ là các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng vv… được đào tạo chuyên khoa sau đại học theo các bậc học có cấp các văn bằng cụ thể như chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, bác sỹ nội trú hay theo hệ hàn lâm là Thạc sỹ và Tiến sỹ.Những cán bộ y tế này đang làm việc tại các đơn vị y tế công lập hoặc các đơn vị y tế ngoài công lập.

Trong phạm vi nghiên cứu của luận án này chỉ đề cập đến lực lượng lao động trực tiếp trong ngành y tế và cũng chỉ tập trung nghiên cứu đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là các bác sỹ được đào tạo bài bản theo quy định với trình độ nhất định,trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho người dân, bao gồm bác sỹ chuyên khoa cấp 1, bác sỹ chuyên khoa cấp 2, bác sỹ nội trú và một phần chuyên khoa theo hệ hàn lâm là thạc sỹ y học và tiến sỹ y học đang làm việc trong các đơn vị y tế công lập.

1.1.2.2. Sự hình thành đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học được hình thành thông qua quá trình đào tạo chuyên biệt. Có thể phân chia quá trình đào tạo chuyên khoa sau đại học thành 3 giai đoạn: thực hành tay nghề chuẩn bị cho đào tạo chuyên khoa, đào tạo chuyên khoa và đào tạo chuyên khoa sâu. Giữa các nước có sự khác biệt về cấu trúc chương trình, tên gọi, phương thức đào tạo, cơ quan quản lý đào tạo chuyên khoa y sau đại học.

Tại nhiều nước như Mỹ, Anh, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học y, người bác sỹ mới tốt nghiệp thường phải thực hành tay nghề có giám sát trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề đầy đủ. Thời gian thực tập tay nghề này thường kéo dài ít nhất một năm và có thể được gọi là “thực tập nội trú” (intership) hay Nhân viên y tế cơ sở. Tại một số nước như Trung Quốc, quá trình đào tạo đại học y thường kết thúc bằng một kỳ thực tập tương tự như thực tập nội trú. Quá trình đào tạo này được coi như để chuẩn bị cho đào tạo theo hướng chuyên khoa.

Các chương trình đào tạo chuyên khoa y sau đại học được phân loại như sau:

– Chương trình chuyên khoa: Là chương trình đào tạo có cấu trúc trong một lĩnh vực hành nghề y, sau khi hoàn thành chương trình đại học y hoặc, trong một số trường hợp, là sau khi hoàn thành chương trình cơ bản về lâm sàng, được thiết kế phù hợp với yêu cầu hành nghề của một chuyên khoa nhất định.

Trong chương trình đào tạo chuyên khoa, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu trong một chuyên khoa cụ thể trong bệnh viện, dưới sự giám sát của một bác sĩ có thâm niên cao hơn đã được đào tạo chuyên khoa trong cùng chuyên khoa hoặc chuyên khoa liên quan với chuyên khoa của học viên được giám sát.

– Chương trình chuyên khoa sâu: là chương trình đào tạo có cấu trúc tiếp theo sau khi hoàn thành chương trình chuyên khoa, được thiết kế phù hợp với các yêu cầu hành nghề của chuyên khoa sâu cụ thể.

Mặc dù quá trình đào tạo chuyên khoa sâu là đào tạo nâng cao so với đào tạo chuyên khoa, và người học có thể đã có giấy phép hành nghề đầy đủ, nhưng họ thường tiếp tục điều trị bệnh nhân dưới sự giám sát của một bác sĩ có thâm niên cao hơn. Vai trò của người học chuyên khoa sâu thường là tư vấn về các vấn đề chung hoặc tư vấn trong lĩnh vực chuyên khoa sâu mà họ theo học. Bác sĩ giám sát người học chuyên khoa sâu phải là người đã hoàn thành chương trình học chuyên khoa sâu liên quan, và được phép hành nghề độc lập, không cần có sự giám sát trực tiếp của bác sĩ khác. Bản thân người học chuyên khoa sâu cũng có thể là người giám sát đối với người học chuyên khoa.

1.1.2.3. Phân loại đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

a) Sơ lược về chuyên khoa trong lĩnh vực y tế

Chuyên khoa (Specialty) là một lĩnh vực của y học. Chuyên khoa sâu (Subspecialty) là một lĩnh vực hẹp trong một chuyên khoa.

Có thể phân loại chuyên khoa y học theo một số hướng sau:

– Nội khoa và ngoại khoa;

– Theo tuổi của bệnh nhân;

– Theo lĩnh vực chẩn đoán và điều trị;

– Theo cơ quan trong cơ thể con người và kỹ thuật- đều tư duy trong khám chữa bệnh.

Về mặt lịch sử, quan trọng nhất là sự phân chia các chuyên khoa y học theo ngoại khoa và nội khoa. Các chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực ngoại là những chuyên khoa mà phần quan trọng trong chẩn đoán và điều trị đạt được thông qua kỹ thuật đại phẫu. Các chuyên khoa nội là những chuyên khoa trong đó phần chính của chẩn đoán và điều trị không phải là đại phẫu. Gây mê xếp vào ngoại khoa vì đóng vai trò quan trọng trong quá trình phẫu thuật, mặc dù bác sĩ gây mê không bao giờ thực hiện các phẫu thuật lớn.

Nhiều chuyên khoa được xác định dựa theo cơ quan trong cơ thể do nhiều triệu chứng và bệnh tật xuất phát từ một cơ quan cụ thể. Cũng có chuyên khoa được xác định dựa trên kỹ thuật được sử dụng trong chuyên khoa đó, như chẩn đoán hình ảnh.

Độ tuổi của bệnh nhân cũng có thể là căn cứ để phân chia chuyên khoa. Bác sĩ nhi khoa xử lý hầu hết các chứng bệnh ở trẻ em mà không cần phải phẫu thuật. Nhiều chuyên khoa sâu thuộc khoa nhi có thể được xác định dựa theo các chuyên khoa sâu ở người lớn (dựa vào cơ quan trong cơ thể).

Một cách phân chia chuyên khoa nữa là dựa vào chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, chẩn đoán rất quan trọng đối với tất cả các chuyên khoa, nhưng một số chuyên khoa chủ yếu hoặc chỉ thực hiện chẩn đoán, chẳng hạn như bệnh lý, tâm thần học lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.

b) Phân loại đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế Dựa theo tính chất công việc, WHO chia thành bác sĩ đa khoa (Generalist

Medical Doctor) và bác sĩ chuyên khoa (Specialist Medical Doctor).

Bác sĩ đa khoa (gồm cả bác sĩ gia đình và bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu) chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ốm đau, bệnh tật, thương tích, các suy yếu về thể chất, tâm thần khác và duy trì sức khỏe nói chung cho con người thông qua việc áp dụng các nguyên tắc và biện pháp của y học hiện đại. Họ lập kế hoạch, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch chăm sóc, điều trị của những nhân viên y tế khác. Họ không giới hạn việc hành nghề của mình trong một số loại bệnh hoặc các phương pháp điều trị nhất định, và có thể chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế liên tục, toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa ốm đau, bệnh tật, thương tích, các suy yếu về thể chất, tâm thần khác bằng cách sử dụng thử nghiệm, chẩn đoán, thuốc, phẫu thuật, kỹ thuật vật lý, liệu pháp tâm thần chuyên khoa, thông qua ứng dụng của nguyên tắc và biện pháp của y học hiện đại. Họ lập kế hoạch, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch chăm sóc, điều trị bởi nhân viên y tế khác. Họ chuyên về các loại bệnh, các loại bệnh nhân hoặc phương pháp điều trị nhất định, có thể thực hiện công tác đào tạo y khoa và nghiên cứu trong các lĩnh chuyên môn đã lựa chọn.

Tổ chức Y tế Thế giới chia bác sĩ chuyên khoa thành các nhóm sau:

– Bác sĩ sản, phụ khoa và các chuyên khoa liên quan tới việc chăm sóc của hệ thống sản – phụ của phụ nữ bao gồm cả trước, trong, sau khi mang thai, sinh con.

– Bác sĩ nhi khoa và các chuyên khoa liên quan tới việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh tật ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên.

– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần và các chuyên khoa liên quan tới việc nghiên cứu, điều trị bệnh tâm thần, rối loạn hành vi.

– Bác sĩ các chuyên khoa khác liên quan tới chẩn đoán, quản lý và điều trị không dựa vào phẫu thuật (không bao gồm các nhóm kể trên) như tim mạch, giám định y pháp, tiêu hóa, huyết học, miễn dịch, bệnh truyền nhiễm, nội khoa, thần kinh, nghề nghiệp y học, ung thư, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng, hô hấp, tiết niệu.

– Bác sĩ ngoại khoa và các chuyên khoa liên quan tới việc điều trị bằng phẫu thuật.

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành danh mục chuyên khoa và chuyên khoa sâu của mình.

Hiện nay, tại Việt Nam việc phân loại đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cũng chưa được đầy đủ và rõ ràng và cũng chưa hoàn toàn giống như các nước trên thế giới mà tạm thời phân loại theo trình độ đào tạo gắn với các văn bằng, chứng chỉ cụ thể như:

– Tiến sĩ y khoa

– Thạc sĩ y khoa

– Chuyên khoa cấp 2

– Chuyên khoa cấp 1

– Bác sĩ nội trú bệnh viện

Chuyên khoa cấp 1 là loại hình sau đại học đặc thù của ngành y tế, được đào tạo liên tục sau khi tốt nghiệp bác sỹ sáu năm nhằm mục đích đào tạo nhân lực y tế có trình độ cao về thực hành trong một chuyên ngành rộng (như chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi vv…). Họ được bổ sung một số kiến thức khoa học cơ bản và y dược học cơ sở đã học trong đại học để có thể tự học vươn lên, đặc biệt tập trung thực hành tay nghề theo chuẩn năng lực để trở thành các chuyên gia y tế thực hành trong lĩnh vực chuyên khoa. Thời gian đào tạo từ hai đến ba năm tùy thuộc vào đặc điểm của từng chuyên khoa, kết thúc khóa đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 và được dự thi kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chuyên môn chuyên khoa đã được xác định.

Chuyên khoa cấp 2 cũng là loại hình sau đại học đặc thù của ngành y tế, được đào tạo liên tục sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 nhằm mục đích đào tạo nhân lực y tế có trình độ cao nhất về thực hành nghề nghiệp trong một chuyên ngành hẹp hơn (như chuyên ngành Nội hồi sức cấp cứu, Nội Tim mạch hay Ngoại gan mật, Ngoại chấn thương vv…). Họ được trang bị sâu thêm các kiến thức và kỹ năng về thực hành tay nghề theo chuẩn năng lực để trở thành các chuyên gia y tế độc lập thực hiện các kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên khoa. Thời gian đào tạo từ hai đến bốn năm tùy thuộc vào đặc điểm của từng chuyên khoa, kết thúc khóa đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp chuyên khoa cấp 2 và và có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật đã tích lũy được cho các chuyên khoa 1, nội trú bệnh viện và thạc sỹ, được tiếp tục xem xét tái cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chuyên môn chuyên khoa đã được xác định.

Bác sỹ nội trú bệnh viện là loại hình sau đại học đặc thù của ngành y tế, phải tốt nghiệp bác sỹ từ loại khá trở lên, được tuyển sinh qua kỳ thi cạnh tranh đặc biệt, đào tạo liên tục sau khi tốt nghiệp bác sỹ sáu năm nhằm mục đích đào tạo nhân lực y tế có trình độ cao về thực hành trong một chuyên khoa chuyên môn nhất định. Họ được bổ sung một số kiến thức khoa học cơ bản và y dược học cơ sở đã học trong đại học để có thể độc lập tự học vươn lên, đặc biệt tập trung thực hành tay nghề theo chuẩn năng lực để trở thành các chuyên gia y tế có trình độ thực hành tay nghề cao ” nhân tài ngành y tế ” thực hành trong lĩnh vực chuyên khoa. Thời gian đào tạo từ ba đến bốn năm tùy thuộc vào đặc điểm của từng chuyên khoa, kết thúc khóa đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú và được dự thi kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chuyên môn chuyên khoa đã được xác định.

Đào tạo chuyên khoa sau đại học ở Việt Nam khác so với các nước trên thế giới là bao gồm song song cả đào tạo chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, bác sỹ nội trú còn có đào tạo thạc sỹ y khoa, tiến sỹ y khoa trong cả các chuyên khoa lâm sàng ở bệnh viện. Các nước trên thế giới đào tạo chuyên khoa lâm sàng ở bệnh viện chỉ tập trung theo hướng đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu và đào tạo liên tục gắn với việc thi và cấp chứng chỉ hành nghề y tế. Đề xuất giai đoạn tới nhằm hội nhập với quốc tế, Bộ Y tế cần tập trung chỉ đạo tạo chuyên khoa lâm sàng ở bệnh viện theo hướng đào tạo chuyên khoa và đào tạo liên tục gắn với việc thi và cấp chứng chỉ hành nghề y tế;đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ dành cho cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, và trung cấp y tế, các viện nghiên cứu y dược, dành cho các chuyên khoa cận lâm sàng như xét nghiệm, sinh lý học con người, giải phẫu bệnh lý vv…, các chuyên ngành về y tế công cộng, về điều dưỡng.

1.1.2.4. Đặc điểm đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Thứ nhất, đối tượng được tuyển chọn đào tạo CK1, chuyên khoa CK2, (BSNT), là những nhân viên y tế có kinh nghiệm thực tế và tay nghề lâm sàng

Đối tượng đào tạo CK1 là những bác sỹ đã được đào tạo 6 năm sau đó được thực hành thực tế tay nghề trong một lĩnh vực chuyên khoa nhất định ít nhất là sau 2 năm mới đủ tiêu chuẩn thi tuyển sinh vào học học chuyên khoa cấp 1.

Đối tượng đào tạo BSNT: Khác với CK1, đối tượng ở đây là những sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên thì được tham dự thi tuyển và đỗ vào học BSNT để học thêm 3 năm. Đào tạo là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế, nhằm mục đích đào tạo các bác sĩ chuyên khoa có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế.

Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Đào tạo BSNT chỉ dành cho các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp hệ chính quy các chuyên ngành y ở một trường đại học y, đại học y – dược hoặc các cơ sở đào tạo khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nguyện vọng được học BSNT, tự nguyện làm đơn xin dự thi và chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

Khác với CK1 các học viên phải có đủ các điều kiện quy định mới được dự thi tuyển BSNT và tuổi đời không được quá 27 tuổi.

Đối tượng đào tạo CK2 là tất cả các cán bộ công tác trong lĩnh vực khoa học sức khỏe về thực hành lâm sàng và thực hành nghề nghiệp đã tốt nghiệp CK1, hoặc tốt nghiệp BSNTBV, hiện đang công tác trong chuyên ngành, có các điều kiện sau được dự thi tuyển vào học tập chuyên khoa 2.

– Có bằng tốt nghiệp CK1 chuyên ngành tương ứng xin dự thi, có thâm niên công tác trong chuyên ngành xin học từ 6 năm trở lên (không kể thời gian học CK1); hoặc có bằng BSNTBV đã công tác trong chuyên ngành 3 năm (tính từ ngày tốt nghiệp bác sỹ NTBV).

– Tuổi đời không quá 50 đối với nữ và 55 đối với nam.

Thứ hai, yêu cầu thực hành và tham gia thực tế cao hơn các ngành khác trong quá trình học tập

Quá trình đào tạo chuyên khoa cấp 1 nhằm đào tạo nhân lực y tế có khả năng thực hành trong một chuyên ngành rộng, bổ sung một số kiến thức khoa học cơ bản và y dược học cơ sở đã học trong đại học để có thể tự học vươn lên, trở thành các chuyên gia y tế thực hành chuyên khoa.

Chuyên khoa cấp 2 là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành Y tế, nhằm tạo ra các chuyên gia y tế bậc cao, có khả năng thực hành giỏi trong một chuyên ngành hẹp.

Đào tạo bác sĩ nội trú nhằm đào tạo các bác sĩ chuyên khoa có kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo. Đào tạo BSNTBV là một trong những phương thức đào tạo các chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành Y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Bác sĩ nội trú bệnh viện. Với các mục tiêu trên, học viên chủ yếu làm việc trực tiếp tại các cơ sở lâm sàng/ Bệnh viện. Nội dung thực hành chiếm tối thiểu 50% ở các chương trình đào tạo.

CK2 là bậc học tiếp theo của các bậc học: BS NTBV, chuyên khoa cấp 1 và là bậc đào tạo cao nhất về thực hành và áp dụng cho tất cả các chuyên ngành lâm sàng và thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Sau bậc đào tạo này, các cán bộ chuyên khoa 2 vẫn tiếp tục tự học vươn lên và không ngừng hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng về y học nhằm cập nhật với các kỹ thuật y học hiện đại.

1.1.2.5. Tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học là những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, chuyên sâu về từng lĩnh vực chuyên khoa trong ngành y tế Việt Nam, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và sự phát triển của nền y học Việt Nam.

Các bác sỹ có trình độ sau đại học trực tiếp tham gia công tác khám chữa bệnh tại các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập. Thực tế cho thấy niềm tin của người bệnh đặt vào các cán bộ y tế là các bác sĩ CK1, CK2 ở các cơ sở y tế địa phương cao hơn hẳn so với các bác sĩ có trình độ đại học. Sự phát triển dân số, phát triển kinh tế và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nói chung, khám chữa bệnh nói riêng của người dân đang ngày càng cao đòi hỏi ngành y tế phải nâng cao chất lượng cũng như số lượng đội ngũ cán bộ y tế.

Ở các cơ sở y tế ở Trung ương và các thành phố lớn, hầu hết đội ngũ bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh đều có trình độ sau đại học. Ở các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K… các bác sĩ làm việc ở các khoa phòng là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sỹ cao cấp, BSNT, thạc sĩ, CK1, CK2.

Bên cạnh công việc chuyên môn, đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học còn tham gia vào công tác quản lý. Bộ máy lãnh đạo của ngành y tế từ cấp Trung ương cho tới địa phương đều có trình độ sau đại học. Họ đang nắm giữ các chức vụ quan trọng về quản lý trong các cơ sở y tế của ngành y tế Việt Nam.

Trong đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học có một loại hình đào tạo đặc thù – đào tạo bác sĩ nội trú, nhằm mục đích đào tạo các bác sĩ chuyên gia có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo. Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. (Quy chế đào tạo BSNT – Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT ngày 04/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)[19]

Hiện nay đội ngũ cán bộ y tế tốt nghiệp bác sỹ nội trú đang nắm giữ các kỹ thuật y học tiên tiến ở Việt Nam và có khả năng hội nhập với quốc tế. Nhiều người trong số họ cũng đang giữ các chức vụ quan trọng về quản lý trong các cơ sở y tế của Việt Nam nhất là các cơ sở y tế ở Trung ương và các thành phố lớn trong cả nước.

Như vậy, sự phát triển của y tế nước ta cần phải gắn liền với sự phát triển của đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học. Việc mở rộng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và quản lý nguồn lực này là điều kiện tiên quyết để đưa ngành y tế Việt Nam ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển.

1.2. Khái quát về năng lực cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.2.1. Khái niệm về năng lực cán bộ, công chức, viên chức chuyên khoa

Theo các nghiên cứu của tác giả, năng lực được hiểu theo một cách chung chung thì có thể là “ khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên, sẵn sàng có thể thực hiện một hoạt động nào đó “(Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 1997. Năng lực có thể còn được hiểu “là khả năng làm việc tốt“ (Từ điển tiếng Việt thông dụng do nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội ấn hành năm 1996). Năng lực cũng được hiểu “là sức làm việc“ (Từ điển tiếng Việt do nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1997). Như vậy năng lực luôn luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và có hai yếu tố cơ bản, đó là năng lực pháp luật và năng lực hành vi của chủ thể. Năng lực là tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ cho phép một cá nhân thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của họ ở một mức độ chất lượng một công việc cụ thể.

Năng lực cán bộ, công chức viên chức cũng được hiểu bao hàm cả hai yếu tố nói trên và là sự hiểu biết và nhận thức cả về mặt chính trị xã hội cũng như chuyên môn nghiệp vụ, là khả năng quản lý, khả năng chỉ huy, quyết đoán, điều hành công việc, khả năng giao tiếp, diễn đạt công việc mang tính thuyết phục và giải quyết các tình huống xảy ra. Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế mang đầy đủ các năng lực chung của người cán bộ công chức viên chức nêu trên. Ngoài ra, người cán bộ chuyên khoa sau đại học phải có những đặc trưng nhất định, cơ bản để thực hiện quản lý các hoạt động họ để đạt được mục tiêu đặt ra.

– Họ có khả năng xây dựng tổ chức, lãnh đạo thực hiện các năng lực được giao.

– Họ là người có năng lực và có bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, biết động viên và sử dụng nhân lực trong nhóm làm việc với phương án tối ưu.

– Họ còn là một nhà ngoại giao, hiểu được các bên liên quan đến công việc, biết phân tích vấn đề, có kỹ năng giao tiếp và nghệ thuật đàm phán giải quyết mọi công việc, nhất là những công việc có nhiều mâu thuẫn phức tạp.

– Là người biết lập kế hoạch hoạt động và tổ chức vận hành thực hiện các hoạt động đó.

– Là nhà huấn luyện, có khả năng huấn luyện các đồng nghiệp những nghiệp vụ nhất định để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

– Kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động trong khuôn khổ công việc mà họ được giao nhiệm vụ quản lý.

1.2.2. Yêu cầu về năng lực đối với cán bộ chuyên khoa cấp 1

Sự thể hiện cụ thể năng lực cán bộ chuyên khoa cấp 1 là trình độ hiểu biết. Họ có kiến thức văn hoá, nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và hiểu biết rộng về những kiến thức liên quan, nắm bắt thường xuyên được tình hình trong nước, Quốc tế và ở địa phương cũng như cơ quan mình công tác. Về trình độ nhận thức người cán bộ chuyên khoa có khả năng phân tích vấn đề và lựa chọn vấn đề ưu tiên, tiếp thu cái mới và khả năng ứng xử.

Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ người cán bộ có trình độ thành thạo về chuyên ngành chuyên môn được đào tạo, có kinh nghiệm công tác và khả năng thuyết phục những người xung quanh. Họ có khả năng phán đoán, dự báo các tình huống, đưa ra quyết sách và giải quyết vấn đề, có khả năng tổ chức chỉ huy, phối hợp các hành động và đánh giá được con người. Bên cạnh các năng lực nêu trên đòi hỏi người cán bộ, công chức cần có thái độ chính trị rõ ràng, kiên định với những chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phẩm chất đạo đức chí công vô tư, công minh chính trực, đoàn kết nội bộ và nhiệt tình công tác.

1.2.3.Yêu cầu về năng lực đối với cán bộ chuyên khoa cấp 2

Là người cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực chuyên khoa chuyên ngành, có trình độ hiểu biết đầy đủ. Họ có kiến thức văn hoá, nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và hiểu biết rộng về những kiến thức liên quan, nắm bắt thường xuyên được tình hình trong nước, quốc tế và ở địa phương cũng như đơn vị mình công tác. Về trình độ nhận thức người cán bộ, công chức có khả năng phân tích vấn đề và lựa chọn vấn đề ưu tiên, tiếp thu cái mới và khả năng ứng xử.

Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ người cán bộ chuyên khoa cấp 2 sau đại học có trình độ tay nghề thành thạo nhất về chuyên khoa chuyên môn được đào tạo, có kinh nghiệm công tác và khả năng thuyết phục những người xung quanh.

Về năng lực quản lý người cán bộ có khả năng phán đoán, dự báo các tình huống, đưa ra quyết sách và giải quyết vấn đề, có khả năng tổ chức chỉ huy, phối hợp các hành động và đánh giá được mọi người. Bên cạnh các năng lực nêu trên đòi hỏi người cán bộ, công chức cần có thái độ chính trị rõ ràng, kiên định với những chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phẩm chất đạo đức chí công vô tư, công minh chính trực, đoàn kết nội bộ và nhiệt tình công tác. Đồng thời phải có trình độ quản lý trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, quan tâm đến bảo vệ môi trường, tính đến hiệu quả của các hoạt động chuyên môn kỹ thuật và tính bền vững của kết quả đó về sau và đề xuất, dự kiến được các chỉ số đánh giá các kỹ năng thực hành của các đồng nghiệp.

1.2.4. Yêu cầu về năng lực đối với cán bộ là Bác sỹ Nội trú

Đây là đội ngũ cán bộ trình độ hiểu biết được đào tạo và tự đào tạo toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các lĩnh vực khác. Họ có kiến thức văn hoá, nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và hiểu biết rộng về những kiến thức liên quan, nắm bắt thường xuyên được tình hình trong nước, quốc tế và ở địa phương cũng như cơ quan mình công tác. Về trình độ nhận thức người cán bộ có khả năng phân tích vấn đề và lựa chọn vấn đề ưu tiên tốt , tiếp thu nhiều kỹ thuật mới và khả năng ứng xử linh hoạt trong các tình huống thực tế diễn ra.

Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ người cán bộ có trình độ thành thạo về chuyên ngành chuyên môn được đào tạo, có tiềm năng phát triển theo hướng trình độ chuyên sâu cao hơn, hội tụ các kiến thức kỹ năng theo hướng như những cán bộ nòng cốt “nguồn lực con người tài năng” ở từng chuyên khoa nhất định, có kinh nghiệm công tác và khả năng thuyết phục những người xung quanh. Họ có khả năng phán đoán, dự báo các tình huống, đưa ra quyết sách và giải quyết các vấn đề, có khả năng tổ chức chỉ huy, phối hợp các hành động và đánh giá được con người. Bên cạnh các năng lực nêu trên đòi hỏi người cán bộ, công chức cần có thái độ chính trị rõ ràng, kiên định với những chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phẩm chất đạo đức chí công vô tư, công minh chính trực, đoàn kết nội bộ và nhiệt tình trong mọi công tác. Ngoài ra họ còn có khả năng:

– Thiết lập được các điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện từng mục tiêu, từng nội dung lớn của kỹ thuật y học và đồng thời có kỹ năng thương thuyết với các bên liên quan.

– Lập kế hoạch theo dõi, giám sát hỗ trợ triển khai mọi hoạt động của bản thân.

Lập được kế hoạch đánh giá các hoạt động kỹ thuật với những chỉ số, chỉ tiêu phù hợp và thực hiện báo cáo kết thúc hoạt động kỹ thuật.

1.3. Quản lý nhà nước đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.3.1. Khái quát về quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.3.1.1. Khái niệm quản lý nhà nước

Khái niệm về quản lý

Quản lý theo tiếng Anh và tiếng Pháp đều là từ “Management”, đó là sự rèn luyện, là sự dẫn dắt, chỉ huy một cộng đồng cai quản, giữ gìn một khối tài sản vật chất, tinh thần mà họ có trách nhiệm phải thực hiện để đạt được kết quả theo mục tiêu mong muốn. Theo Pierre G. Bergeron “Quản lý là hành động của việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra các hoạt động của các thành viên của một tổ chức để thực hiện mục tiêu của tổ chức đó”. Định nghĩa này đã nêu rõ các chức năng cơ bản của hoạt động quản lý. Như vậy quản lý vừa là một ” Khoa học” vừa là một ” Nghệ thuật”, là một nghề nhằm dẫn dắt, trong một điều kiện nhất định, một nhóm người để cùng thực hiện đạt được mục tiêu phù hợp với mục đích của tổ chức. Thuật ngữ “Quản lý” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào góc độ nghiên cứu của các ngành khoa học khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các tác giả có thể thống nhất ở những nét cơ bản sau: “Quản lý là sự tác động có kế hoạch, sắp xếp, chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, kiểm tra của chủ thể quản lý (cá nhân hay tổ chức) đối với hoạt động của xã hội và con người để phát triển phù hợp với quy luật, đạt mục tiêu đặt ra, đúng ý chí của nhà quản lý và với chi phí thấp nhất”.

Khái niệm về quản lý nhà nước

“Quản lý Nhà nước là tác động của chủ thể mang tính quyền lực Nhà nước, bằng nhiều biện pháp, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trên cơ sở pháp luật” [53, tr153]. Như vậy quản lý nhà nước là sự tác động của chủ thể quản lý nhà nước bao gồm Nhà nước, cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân được nhà nước ủy quyền thực hiện những hoạt động quản lý nhà nước, khách thể của quản lý nhà nước là trật tự quản lý nhà nước do pháp luật quy định. Quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước và điều hành các hoạt động của đối tượng bị quản lý. Đây là hoạt động mang tính tổ chức trực tiếp của nhà nước trên cơ sở chủ động, sáng tạo và được đảm bảo bởi tổ chức bộ máy nhất định, trước hết là bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước. Quản lý nhà nước mang tính chính trị, khoa học, mang tính dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện và hình thức chuyên nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước với sự đảm bảo có cơ sở vật chất to lớn.

Quản lý nhà nước là quản lý toàn dân, toàn diện và bằng pháp luật:

– Nhà nước quản lý toàn dân là nhà nước quản lý toàn bộ những người sống và làm việc trên lãnh thổ quốc gia, bao gồm công dân và những người không phải là công dân.

– Nhà nước quản lý toàn diện là nhà nước quản lý toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Nhà nước quản lý toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội có nghĩa là các cơ quan quản lý điều chỉnh mọi khía cạnh hoạt động của xã hội trên cơ sở pháp luật quy định.

– Nhà nước quản lý bằng pháp luật là nhà nước lấy pháp luật làm công cụ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo luật định một cách nghiêm minh.

Vậy quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội, trật tự pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

1.3.1.2. Quản lý nhà nước đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Quản lý nguồn nhân lực

Có nhiều cách hiểu khác nhau về quản lý nguồn nhân lực xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhau. Một số các khái niệm sau thường được đề cập đến trong hệ thống tài liệu nghiên cứu về quản lý nguồn nhân lực:

– Quản lý nguồn nhân lực là việc thiết kế, xây dựng hệ thống các triết lý, chính sách và thực hiện các hoạt động chức năng về thu hút, đào tạo, phát triển và duy trì nguồn lực con người trong một tổ chức nhằm đạt được kết quả tối ưu cho cả tổ chức và người lao động.

– Quản lý nguồn nhân lực là những hoạt động nhằm tăng cường những đóng góp có hiệu quả của cá nhân vào mục tiêu của tổ chức trong khi đồng thời cố gắng đạt được những mục tiêu của cá nhân.

– Quản lý nguồn nhân lực là một quá trình tạo ra môi trường tổ chức thuận lợi và đảm bảo rằng nhân lực hoàn thành tốt công việc của mình bằng việc sử dụng các chiến lược nhằm xác định và đạt được sự tối ưu về số lượng, cơ cấu và sự phân bố nguồn nhân lực với chi phí hiệu quả nhất. Mục đích chung là để có số nhân lực cần thiết, làm việc tại từng vị trí phù hợp, đúng thời điểm, thực hiện đúng công việc, và được hỗ trợ chuyên môn phù hợp với mức chi phí hợp lý.

– Quản lý nguồn nhân lực là tổng thể các hoạt động mà đối tượng của nó là con người trong tổ chức, được các chủ thể quản lý thực hiện bằng pháp luật và các biện pháp cụ thể (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực vv…) nhằm thu hút tài năng, nâng cao, phát huy hết tiềm năng của cá nhân trong việc đáp ứng các nhu cầu, mục tiêu định trước của tổ chức với hiệu quả cao[58, tr158].

Quản lý nhà nước nguồn nhân lực

Quản lý nhà nước nguồn nhân lực là sự tác động của các chủ thể mang tính quyền lực nhà nước đến sự hình thành, phát triển nguồn nhân lực bằng pháp luật và các biện pháp cụ thể (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực vv…) nhằm thu hút tài năng, nâng cao, phát huy hết tiềm năng của cá nhân trong việc đáp ứng các nhu cầu, mục tiêu đặt ra.

Quản lý nhà nước nguồn nhân lực y tế được thể hiện qua việc ban hành các chính sách (hệ thống văn bản pháp luật về nhân lực y tế); tổ chức bộ máy quản lý nguồn nhân lực; hoạch định, thực thi các chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; quản lý nguồn nhân lực (quy hoạch nguồn nhân lực, tuyển dụng, sử dụng, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách đãi ngộ); đề ra các giải pháp thu hút nguồn nhân lực; xã hội hoá, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là sự tác động có tổ chức và bằng các văn bản pháp luật của nhà nước và thông qua một hệ thống các chính sách với các công cụ tác động lên các hoạt động phát triển nguồn nhân lực y tế nhằm sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực, các cơ hội có thể có, để đạt được các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đã đặt ra.

Quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là quản lý nguồn lực con người nắm giữ những kỹ thuật cao trong y tế, nhân tố quan trọng quyết định cho sự phát triển y học nước nhà. Quản lý tốt là làm sao đó để dù họ làm việc trong lĩnh vực nào của nghề y cũng phải được đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí đó. Rõ ràng sự đồng bộ từ khâu giáo dục, đào tạo cho đến khâu sử dụng như: sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm vv… chắc chắn sẽ tạo nên hiệu quả cao trong công việc đối với một cá nhân, tạo nên sự phát triển vững chắc và nhanh chóng đối với một cơ quan y tế. Một cơ quan y tế nếu có nguồn nhân lực tốt tức là có trong tay đội ngũ cán bộ y tế tinh thông nghiệp vụ, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, việc từng bước khắc phục dần những yếu kém chính là đang tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mỗi bệnh viện, mỗi cơ quan y tế, vv…

Trước tiên quản lý nhà nước đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là hướng đến mục tiêu cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, phục vụ có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Mặt khác, quản lý nhà nước đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là tạo ra sự tuân thủ cho đội ngũ cán bộ các quy định tại nơi làm việc và các phương hướng, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, đóng góp sáng kiến vào các mục tiêu phục vụ tốt người dân và người bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ quan về mọi mặt.

Quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là việc triển khai các hoạt động có tính quy trình nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của nhà nước đối với lĩnh vực y tế. Quy trình này gồm các nội dung về xây dựng và ban hành các chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học, tổ chức bộ máy quản lý đội ngũ này, cũng như thực hiện các bước tuyển dụng, quản lý sử dụng, trả lương, đào tạo bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế.

Phương pháp quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, bao gồm:

– Phương pháp hành chính: các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trên cơ sở ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, về tổ chức bộ máy ngành y tế, về cơ chế hoạt động của các bệnh viện, về tiêu chuẩn chức danh của đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học, về cơ chế tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ ngành y tế,… Đồng thời, thông qua tổ chức bộ máy hành chính thực hiện quản lý lĩnh vực y tế ở trung ương và địa phương, nhà nước quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, trong đó có các cán bộ chuyên khoa sau đại học.

– Phương pháp khuyến khích: đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học là nguồn nhân lực quý của xã hội, vì họ đóng góp trực tiếp vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm cho mọi người có sức khỏe – vốn quý nhất của đời sống con người. Do đó, phương pháp quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học này cần chú trọng tính chất động viên, khuyến khích, tôn trọng, để có thể tạo được động lực làm việc, tác động đến ý thức, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này, nhằm phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng sức khỏe của người dân Việt Nam.

– Phương pháp kinh tế: để động viên sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế – đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học – các chế độ đãi ngộ về vật chất đối với đội ngũ này là sự thể hiện thiết thực nhất sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ này. Chế độ đãi ngộ thể hiện ở chính sách lương bổng, cơ chế tăng lương, thưởng phạt, phụ cấp… đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học.

1.3.2. Nội dung quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.3.2.1. Ban hành các chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Chính sách là công cụ chủ yếu để thực hiện quản lý nhà nước đối với các quá trình phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng và ban hành chính sách bao gồm toàn bộ quá trình nghiên cứu để hình thành các nội dung của chính sách và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua chính sách đó.

Chính sách thường được thể chế hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của các chủ thể phù hợp với mục tiêu của chính sách. Các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực y tế, tác động vào các mối quan hệ sản xuất, quan hệ lao động và quản lý để điều chỉnh, định hướng cho sự phát triển của NNL ngành y tế phù hợp với mục tiêu phát triển ngành y tế.

Trên thực tế, chưa có các chính sách riêng biệt dành cho đối tượng cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế. Các nội dung gắn với việc quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế được thể hiện trong nhiều chính sách cụ thể khác nhau, như:

– Chính sách về quản lý phát triển y tế: Quy định những tiêu chuẩn nghề nghiệp y tế, các chuyên ngành đào tạo;

– Chính sách về giáo dục, đào tạo cán bộ y tế: Quy định về cơ sở đào tạo cán bộ y tế, chương trình đào tạo, các quy định về nội dung chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức chuyên môn ngành y tế theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên môn ngành y tế; tiêu chuẩn giáo viên, chế độ với giáo viên và học viên, học phí…

– Chính sách thu hút và nâng hạng chức danh lao động: quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thay đổi, thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên môn ngành y tế; quy định tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên môn ngành y tế theo quy định của pháp luật; quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức chuyên môn ngành y tế;

– Chính sách sử dụng lao động: quy định chế độ việc làm, điều tiết quan hệ và điều kiện lao động; danh mục vị trí việc làm, cơ cấu vị trí việc làm và tiêu chí phương pháp xác định số lượng vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; danh mục, tiêu chuẩn, mã số chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên môn ngành y tế.

– Chính sách đãi ngộ đối với viên chức ngành tế:chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp theo lương, khen thưởng,…

– Chính sách quản lý đối với các cơ sở y tế: cấp, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám chữa bệnh; các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng…

– Chính sách đặc thù: về quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức ngành y tế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực quản lý nhà nước và chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ.

Việc xây dựng và ban hành các chính sách về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm các yêu cầu sau:

– Xác định đúng các vấn đề cấp thiết đặt ra trong việc phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, việc xác định vấn đề cần dựa trên những phân tích sâu về thực trạng cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, có thể sử dụng kỹ thuật phân tích SWOT để xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để tìm kiếm vấn đề.

– Mục tiêu chính sách cần rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi. Mục tiêu chính sách cần tính đến sự phát triển của y học trong tương lai và xu hướng biến động của bệnh tật, đặc biệt cần bảo đảm sự tương ứng với trình độ khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.

-Nghiên cứu kỹ để đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp, giải quyết đúng nguyên nhân của vấn đề đặt ra, đồng thời phải dự tính đầy đủ các điều kiện để thực hiện các giải pháp này một cách có hiệu quả. Chú ý xem xét và lựa chọn phương án tối ưu trong số các phương án được đề xuất.

1.3.2.2. Hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Chiến lược là một chương trình hành động tổng quát, triển khai các giải pháp để đạt được các mục tiêu toàn diện về phát triển trong một khoảng thời gian tương đối dài (10 năm, 20 năm).

Kế hoạch là một chương trình hành động cụ thể để đạt đến các mục tiêu định trước trong những khoảng thời gian nhất định (5 năm, hàng năm). Kế hoạch bao gồm những mục tiêu cụ thể và những giải pháp hành động cụ thể được lựa chọn để đạt được những mục tiêu này.

Chiến lược và kế hoạch là những công cụ quan trọng của quản lý. Sau khi chiến lược và kế hoạch được phê chuẩn, chúng là những căn cứ pháp lý để hướng dẫn hoạt động và đánh giá hoạt động của các chủ thể tham gia thực thi chiến lược và kế hoạch đề ra.

Lập chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là một quy trình có tính hệ thống nhằm xác định tầm nhìn dài hạn trong tương lai về nguồn nhân lực chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, xác định các mục tiêu về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ này theo các mục tiêu đề ra.

Kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là một chương trình hành động cụ thể nhằm huy động, sử dụng đội ngũ này nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo mục tiêu đề ra.

Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp y tế. Với sự phát triển của y học hiện đại, với xu hướng bệnh tật ngày càng trở nên đa dạng và xuất hiện nhiều chứng bệnh nan y, đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế chính là nhân tố quyết định chất lượng khám chữa bệnh. Chính kiến thức và tay nghề của đội ngũ này là sự bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia. Tính bền vững của các chiến lược là phải chú trọng đến việc sử dụng, phát huy nguồn nhân lực và duy trì, nuôi dưỡng nguồn nhân lực này.

Trong xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần chú ý:

– Phải xác định, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế trong giai đoạn hiện tại.

– Xác định rõ những tồn tại, thách thức trong việc phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.

– Xác định các mục tiêu về phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế.

– Xác định các giải pháp lớn nhằm phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cả về số lượng và chất lượng phù hợp với yêu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Việc hoạch định chiến lược và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là một nội dung quan trọng trong chiến lược và kế hoạch tổng thể về xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo mục tiêu từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển NNL ngành y tế trên phạm vi toàn quốc; chiến lược phát triển NNL ngành y tế, các chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành y tế ở từng địa phương, vùng miền, khu vực

1.3.2.3. Tổ chức bộ máy quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Tổ chức bộ máy là một cơ cấu hoàn chỉnh của hệ thống, trong đó được phân thành các bộ phận có nhiệm vụ khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, phối hợp hoạt động, hợp tác, tác động và tạo thành một tổng lực hướng theo mục tiêu chung.

Tổ chức bộ máy quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế được thiết kế từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã thông qua cơ quan tổ chức cán bộ làm nhiệm vụ quản lý chung đội ngũ cán bộ y tế trong đó có đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa sau đại học.

Đặc biệt, bộ máy quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế còn bao gồm hệ thống các trường đại học y, các bệnh viện trên phạm vi cả nước có sử dụng các bác sỹ chuyên khoa sau đại học.

Tổ chức bộ máy quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý và phát triển đội ngũ này. Đây chính là các bộ phận tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, là các chủ thể định hướng phát triển đội ngũ này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tổ chức bộ máy quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học cần bảo đảm các nguyên tắc sau:

– Hình thành cơ cấu tổ chức hợp lý trong một tổng thể thống nhất. Ở bất kỳ hệ thống quản lý nào, các bộ phận cấu thành đều phải được sắp xếp trong một cơ cấu được thiết kế hợp lý, có mối quan hệ qua lại hữu cơ với nhau, nhằm tạo ra một tổng lực hướng tới mục tiêu chung. Hệ thống tổ chức quản lý đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học nói riêng cần được thiết kế từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện, có mối liên hệ qua lại hữu cơ trong một tổng thể thống nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đội ngũ này một cách hiệu quả.

– Phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống. Việc phân định rõ và hợp lý quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống sẽ giúp cho toàn hệ thống vận hành một cách hiệu quả, đồng thời phát huy vai trò của từng tổ chức, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức trong việc thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm được giao, tránh sự chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống.

– Kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Quản lý nhà nước về y tế nói chung, trong đó có quản lý đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, nhằm bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền địa phương với các bộ ngành ở trung ương trong quản lý lĩnh vực y tế ở từng địa phương, tạo ra sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở từng địa phương nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.

– Bảo đảm sự phù hợp giữa quyền hạn với trách nhiệm của các tổ chức. Mỗi tổ chức thực thi các quyền hạn được giao, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trước cơ quan quản lý cấp trên, đồng thời trước những người dân mà tổ chức đó cung cấp dịch vụ y tế. Việc gắn quyền hạn với trách nhiệm là yêu cầu tất yếu để Nhà nước và mọi người dân có thể giám sát hoạt động của các tổ chức này nhằm mục tiêu quản lý tốt đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế theo các yêu cầu đặt ra.

1.3.2.4. Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Đào tạo nguồn nhân lực là một tập hợp nhiều hoạt động liên quan đến “dạy và học” được tiến hành trong một thời gian nhất định nhằm làm cho người lao động thay đổi kiến thức, kỹ năng và hành vi thực thi hoạt động của mình đáp ứng yêu cầu của công việc. Đây là quá trình trang bị cho người lao động các kiến thức, kỹ năng và hành vi ứng xử để họ có thể đảm nhận và thực thi công việc theo các yêu cầu đặt ra.

Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là một quá trình đào tạo có tính chuyên biệt, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hành thành thạo và hành vi thích ứng để đáp ứng yêu cầu khám chữa các bệnh chuyên khoa sâu với mức độ phức tạp và khó khăn cao trong lĩnh vực y tế.

Quá trình đào tạo chuyên khoa sau đại học bao gồm: đào tạo chuyên khoa và đào tạo chuyên khoa sâu. Việc đào tạo chuyên khoa sau đại học được thực hiện tại các trường đại học y, gắn với thực hành tại các bệnh viện.

Chương trình chuyên khoa được thiết kế phù hợp với yêu cầu hành nghề của một chuyên khoa nhất định,kết hợp với thực hành trong bệnh viện, dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa có thâm niên cao hơn. Các chuyên khoa mà bác sĩ có thể lựa chọn để học thường là gây mê, da liễu, cấp cứu, y học gia đình, nội khoa, thần kinh, sản khoa và phụ khoa, bệnh lý, nhi khoa, tâm thần học, y học thể chất và phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xạ trị ung thư, ngoại chung, phẫu thuật thần kinh, chỉnh hình, phẫu thuật tai mũi họng, phẫu thuật nhãn khoa, phẫu thuật tiết niệu,…

Chương trình chuyên khoa sâu là chương trình đào tạo tiếp theo sau khi hoàn thành chương trình chuyên khoa, được thiết kế phù hợp với các yêu cầu hành nghề của chuyên khoa sâu cụ thể, chẳng hạn như chuyên khoa tim mạch, nội tiết, phẫu thuật tim – lồng ngực, phẫu thuật nhi khoa, phẫu thuật ung thư, nội tiết sinh sản/vô sinh, ung thư phụ khoa,…

Chương trình chuyên khoa sâu gồm chương trình phụ thuộc và chương trình độc lập. Chương trình chuyên khoa sâu phụ thuộc là chương trình đòi hỏi có sự kết hợp với một chương trình chuyên khoa, thường được kiểm định gắn liền với chương trình chuyên khoa. Tuy nhiên, có các chương trình chuyên khoa sâu độc lập là chương trình không liên quan trực tiếp, hoặc phụ thuộc vào chương trình chuyên khoa nào đó.

Quá trình đào tạo chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế đòi hỏi phải được đánh giá và kiểm chứng để bác sỹ tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra theo yêu cầu. Trong thập kỷ qua, cách tiếp cận đánh giá dựa trên quá trình thực hiện đã được chú trọng nhiều hơn. Đánh giá đào tạo chuyên khoa y sau đại học nên dựa trên các bằng chứng tin cậy về việc học viên đã đạt được tiêu chuẩn tối thiểu cần thiết trong từng đầu ra đã định. Việc đánh giá làm rõ học viên đã có các kỹ năng lâm sàng cần thiết chưa? Đã làm chủ được các quy trình thực hành cần thiết. Họ có các kỹ năng xử lý thông tin và giao tiếp cần thiết?. Đã có các kỹ năng đánh giá lâm sàng và ra quyết định thích hợp?. Có thái độ và sự chuyên nghiệp thích hợp?. Họ có thể làm việc một cách hiệu lực và hiệu quả cùng với các thành viên khác trong nhóm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe?.

Trong tương lai, sẽ sử dụng nhiều hơn cách tiếp cận đánh giá dựa vào quá trình thực hiện, bao gồm cả việc áp dụng phương pháp kiểm tra lâm sàng có cấu trúc theo mục tiêu hay khách quan (The Objective Structured Clinical Examination – OSCE) một cách rộng rãi và sáng tạo. Học viên sẽ được đánh giá với tư cách là thành viên của một nhóm nhiều ngành nghề cùng giải quyết một loạt các kịch bản (SENARIO) thực tế lâm sàng.

1.3.2.5. Tuyển dụng và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Tuyển dụng là việc tổ chức tìm kiếm và tiếp nhận những đối tượng đáp ứng các yêu cầu của tổ chức vào làm việc trong tổ chức.

Các bác sỹ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực quý hiếm nên luôn là đối tượng được ưu tiên tuyển dụng tại các cơ sở y tế. Thông thường, các bác sỹ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế đã thuộc biên chế của một cơ sở khám chữa bệnh, hoặc ngay trong quá trình đào tạo đã được thực hành tại một cơ sở khám chữa bệnh và được tuyển dụng vào cơ sở đó. Do nhu cầu về nhân lực chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế luôn ít hơn nhiều so với cung về nguồn nhân lực này nên việc tuyển dụng thường thuận lợi.

Sử dụng nguồn nhân lực bao gồm việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, thuyên chuyển của nhân sự. Quá trình sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế gắn với việc sắp xếp, bố trí các cán bộ này vào các vị trí công việc tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Việc sắp xếp, bố trí các cán bộ chuyên khoa sau đại học phải căn cứ vào chuyên khoa mà họ đã được đào tạo để phát huy tốt nhất năng lực của những người này. Sắp xếp bố trí đúng cán bộ chuyên khoa sau đại học cũng bảo đảm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế và uy tín của cơ sở đó.

Bổ nhiệm là việc chỉ định một người vào một vị trí công việc khác với công việc họ đang đảm nhận. Đề bạt là việc đưa một người lên vị trí cao hơn trong công việc, gắn với việc được hưởng lợi ích lớn hơn về quyền hạn, uy tín, lương bổng. Đề bạt là cơ hội để thăng tiến trong con đường chức nghiệp của một người.

Thuyên chuyển hay luân chuyển là những hoạt động nhằm sắp xếp lại, bố trí lại nhân sự nhằm đáp ứng các mục tiêu của chủ thể quản lý và sử dụng tốt hơn nguồn nhân lực của tổ chức.

Cũng giống như các nhân sự khác, các bác sỹ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cũng chịu sự quản lý nhân sự của cơ sở y tế, được sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, thuyên chuyển theo yêu cầu công việc của tổ chức hoặc của ngành, địa phương nơi mình công tác.

Thông thường, các cơ sở y tế thường ban hành các quy định về tuyển dụng và sử dụng lao động của cơ sở mình, đây là căn cứ để các cơ quan, các đơn vị ngành y tế có căn cứ để nhận xét, đánh giá, bố trí tuyển chọn lao động vào làm việc trong lĩnh vực y tế, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế là những người làm công tác chuyên môn, có năng lực cao trong thực thi công tác chăm sóc sức khỏe của người bệnh, vì vậy đội ngũ này cần được bố trí đúng chuyên ngành, đặc biệt quan tâm tuyển dụng và bố trí họ vào những cơ sở y tế lớn của các địa phương để bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho các tỉnh thành trong cả nước.

– Việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế chủ yếu tập trung vào các vị trí chuyên môn, nếu giữ chức vụ quản lý thì cũng là các vị trí gắn với quản lý trực tiếp công tác chuyên môn để tận dụng năng lực chuyên môn của họ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khám chữa bệnh.

– Việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần gắn với các cơ sở vật chất nhất định, nói cách khác, cần bảo đảm điều kiện vật chất cần thiết để họ có thể phát huy năng lực chuyên môn một cách thuận lợi nhất.

– Sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cần gắn với việc thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, bảo đảm lợi ích chính đáng của họ và khuyến khích họ tận tâm với công việc, đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế dựa vào chế độ lương và phụ cấp do Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù cao của đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế như yêu cầu cao về năng lực đầu vào cũng như trong suốt quá trình đào tạo, thời gian đào tạo dài, tính chất công việc căng thẳng và quan trọng gắn với tính mệnh của bệnh nhân,… nên chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này cần được xác định phù hợp, tương ứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra.

1.4. Các nhân tố tác động đến quản lý nhà nước đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

1.4.1. Sự phát triển của y học

Từ thời kì sơ khai cho đến y học hiện đại ngày nay đã có một bước tiến dài. Đặc biệt trong thế kỷ 20, tốc độ thay đổi như vũ bão, liên tục có các sáng chế và phát minh khoa học, đổi mới công nghệ được ứng dụng trong y học khiến cho việc chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nan y trước đây trở nên dễ dàng hơn.

Alexander Fleming và việc khám phá ra Penicillin của ông đã thay đổi thế giới y học hiện đại. Thuốc kháng sinh làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của các bệnh do vi khuẩn và sự phổ biến của nó. Cùng với đó, việc tìm ra vaccine phòng bệnh ngăn cản sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

X-quang đã trở thành công cụ chẩn đoán mạnh mẽ cho phổ rộng của bệnh, từ gãy xương đến ung thư. Trong những năm 1960, chụp cắt lớp vi tính được phát minh. Các công cụ chẩn đoán quan trọng khác phát triển như hình ảnh cộng hưởng từ và siêu âm.

Nhiều loại thuốc mới được phát minh, nhiều phương pháp mới để điều trị bệnh (bao gồm hóa trị, xạ trị, và liệu pháp miễn dịch), mang lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân. Bệnh ung thư cũng có thể được chữa khỏi hoặc thuyên giảm… Phát minh và phát triển các loại thuốc ức chế miễn dịch và ghép mô nội tạng đã được ứng dụng để cấy ghép các bộ phận trên cơ thể người: ghép thận, ghép gan, ghép tim…

Tuổi thọ tăng lên, tỷ lệ ung thư, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và các bệnh khác của tuổi già tăng. Lối sống ít vận động góp phần vào một “đại dịch” của bệnh béo phì, đầu tiên ở các nước giàu, nhưng vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỉ 21, ngày càng nhiều ở các nước đang phát triển.

Như là kết quả trực tiếp của những tiến bộ trong ngành điện tử, khoa học máy tính, luyện kim, cơ khí, hóa học, và vật lý, y học lâm sàng đã phát triển nhanh chóng. Các chuyên khoa đã được tiêu chuẩn hóa. Hành nghề y ngày nay đòi hỏi nhiều kiến thức tiên tiến trong các lĩnh vực như tim mạch, tiêu hóa, huyết học, ung thư, di truyền học, sản khoa, phụ khoa, nhi khoa, thần kinh, nhãn khoa, chỉnh hình, và ngày càng nhiều hơn nữa. Nó đã trở thành điều kiện quan trọng cho bất kỳ bác sĩ nào đó để trở thành một chuyên gia trong mọi lĩnh vực, và thực hành lâm sàng hiện đại yêu cầu đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế phải không ngừng nâng cao năng lực.

1.4.2. Sự phát triển hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Cùng với sự phát triển của y học, đồng thời với sự gia tăng các loại hình bệnh tật, nhu cầu của xã hội về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế cũng không ngừng gia tăng. Do đó, hoạt động đào tạo chuyên khoa sau đại học cũng không ngừng mở rộng.

Ở Việt Nam, sau ngày giải phóng đất nước,hoạt động đào tạo sau đại học mới chỉ có một vài cơ sở đại diện cho các miền, đến nay cả nước đã có một mạng lưới đào tạo chuyên khoa sau đại học khá đông đảo, bao quát các vùng miền (12 cơ sở đào tạo chuyên khoa cấp 1, có 06 cơ sở đào tạo chuyên khoa cấp 2, có 04 cơ sở đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện, có 09 cơ sở đào tạo thạc sĩ và có 12 cơ sở đào tạo tiến sĩ các chuyên ngành y học). Hiện nay, Bộ Y tế cho phép mở rộng hơn ở một số bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 cũng tham gia đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa.

Số lượng chuyên ngành đào tạo cũng phát triển mạnh. Hiện có 46 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 93 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ; 42 chuyên ngành đào tạo chuyên khoa 1 và 101 chuyên ngành đào tạo chuyên khoa 2 và 51 chuyên ngành đào tạo bác sỹ nội trú.

Chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học ở các trường đại học cũng tăng lên đáng kể (bảng 2)

Sự phát triển hoạt động đào tạo chuyên khoa nói trên đòi hỏi việc quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế phải được quan tâm nhiều hơn. Lực lượng cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế trở thành nhân tố quyết định chất lượng y tế của một đất nước, tương quan so sánh với các nước khác trong khu vực, đặc biệt quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia cũng như công nghệ y học của quốc gia đó. Vì vậy, quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế trở thành một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về y tế trong giai đoạn hiện nay.

1.4.3. Chính sách của nhà nước đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Việc hình thành các chính sách cụ thể đối với đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế ngày càng trở nên cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong việc sử dụng và quản lý đội ngũ này. Bên cạnh đó, mọi chính sách trong lĩnh vực y tế đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế, vì vậy việc ban hành và tổ chức thực thi các chính sách đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tránh các sai sót có thể xảy ra, làm chảy máu nguồn nhân lực quý giá này.

Lao động trong ngành Y tế là một loại lao động đặc thù với cường độ cao trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động do phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và các dịch bệnh truyền nhiễm cũng như các loại hoá chất độc hại, các chất phóng xạ. Nhưng để trở thành một cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ chuyên khoa sau đại học thì cần có một quá trình đào tạo và thực hành tay nghề lâu dài. Những đặc thù nghề nghiệp nêu trên đòi hỏi phải có các chính sách ưu đãi phù hợp thì mới khuyến khích được tính tích cực, yêu ngành, yêu nghề của cán bộ y tế, góp phần duy trì và phát triển nhân lực y tế.

Trong giai đoạn tới, ngành y tế đứng trước nhiều khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều bệnh lạ nguy hiểm xuất hiện, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên chưa được cải thiện, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng còn lạc hậu, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho ngành y tế mặc dù được cải thiện nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, Nhà nước cần phải có nhiều chính sách hơn nữa để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế.

1.4.4. Điều kiện vật chất để tạo môi trường hoạt động cho đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Điều kiện vật chất của các cơ sở y tế có ảnh hưởng không nhỏ đến sự đóng góp của đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế và do đó đòi hỏi Nhà nước phải có sự quan tâm đúng mức đến việc trang bị cơ sở vật chất thỏa đáng cho lĩnh vực y tế.

Hệ thống bệnh viện Việt Nam được sắp xếp trên cơ sở phân bố rộng khắp, thuận tiện cho khả năng tiếp cận rộng rãi của các bộ phận dân số khác nhau trong toàn xã hội. Hệ thống bệnh viện hiện nay phần lớn là các bệnh viện do Nhà nước quản lý. Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 1.162 bệnh viện, chưa kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

Bảng 3.Tổng số bệnh viện và giường bệnh theo tuyến bệnh viện(năm 2011)

Đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế gắn với việc thực hành khám chữa bệnh có sử dụng các công nghệ hiện đại, đây là điều kiện cho việc phát huy tốt nhất tay nghề của đội ngũ này và đem lại lợi ích thiết thực cho sức khỏe của nhân dân. Ở các nước trên thế giới, đầu tư vào y tế ngày càng được coi trọng, các công nghệ hiện đại được quan tâm ứng dụng. Tại Việt Nam, nguồn lực chủ yếu để đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị của các bệnh viện công lập chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước. Xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam, yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại trong thời gian tới vẫn là ưu tiên của chi tiêu công trong ngành y tế. Đồng thời, chính sách xã hội hóa y tế của Nhà nước cần được triển khai mạnh mẽ và đúng hướng để huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào cơ sở vật chất cho lĩnh vực y tế nhằm tạo ra các điều kiện vật chất đầy đủ và hiện đại cho sự phát triển của lĩnh vực y tế.

1.5. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế

Kinh nghiệm đào tạo bác sỹ chuyên khoa sau đại học của các nước trên thế giới là hết sức phong phú. Luận án đã nghiên cứu và tham khảo cụ thể kinh nghiệm của các nước phát triển như Anh, Mỹ và một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Trung Quốc về đào tạo chuyên khoa sau đại học. Các kinh nghiệm này được giới thiệu chi tiết tại phần phụ lục. Trong mục này, trên cơ sở các kinh nghiệm cụ thể của các nước nói trên, luận án sẽ tổng hợp kinh nghiệm theo các giai đoạn của quá trình đào tạo chuyên khoa sau đại học. Đồng thời, luận án cũng giới thiệu tổng hợp một số kinh nghiệm của các nước về quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học.

1.5.1. Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ

Thông thường, quá trình đào tạo bác sĩ được chia thành 3 giai đoạn: Giáo dục y khoa cơ bản (Basic Medical Education), Giáo dục y khoa sau đại học (Postgraduate Medical Education) và Đào tạo liên tục/phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Medical Education – CME/Continuing Professional Development – CPD) [106], [107].

1.5.1.1. Giáo dục y khoa cơ bản

Mục tiêu tối thiểu của giáo dục y khoa cơ bản là phải đào tạo được bác sĩ có năng lực ở mức cơ bản, có nền tảng (kiến thức, kỹ năng, đạo đức) thích hợp để tiếp tục học tại bất kỳ chuyên khoa y nào và phù hợp với vai trò của bác sĩ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, trong quá trình giáo dục y khoa cơ bản, người học nên được giáo dục, đào tạo về trách nhiệm xã hội, triển khai nghiên cứu, tham gia các hoạt động của cộng đồng, và sẵn sàng tham dự các khóa đào tạo y khoa sau đại học [106].

1.5.1.2. Đào tạo y khoa sau đại học

Đào tạo y khoa sau đại học là giai đoạn đào tạo sau giáo dục y khoa cơ bản, bác sĩ được đào tạo dưới sự giám sát để có thể hành nghề độc lập.

Đào tạo y khoa sau đại học bao gồm đào tạo theo yêu cầu của việc cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo tay nghề, đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu và các chương trình đào tạo chính thức khác để có được tay nghề chuyên gia trong lĩnh vực đã định [107]. Nhiều nước phát triển không coi đào tạo tiến sĩ là đào tạo y khoa sau đại học [92], [102].

1.5.1.3. Phát triển nghề nghiệp liên tục

CPD là thời gian đào tạo bắt đầu sau khi hoàn thành giai đoạn giáo dục y khoa cơ bản và giáo dục y khoa sau đại học, kéo dài suốt thời gian hành nghề của mỗi bác sĩ.

CPD bao gồm tất cả các hoạt động mà các bác sĩ thực hiện, chính thức và không chính thức, để duy trì, cập nhật, phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Trong quá trình này, bác sĩ làm việc, học tập một cách tự giác, độc lập, nghĩa là họ học tập, làm việc vì lợi ích tối thượng của bệnh nhân mà không chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài [106].

1.5.2. Kinh nghiệm đào tạo chuyên khoa y sau đại học

Giữa các nước có sự khác biệt về cấu trúc chương trình, tên gọi, phương thức đào tạo, cơ quan quản lý đào tạo chuyên khoa y sau đại học [81].

Tại nhiều nước như Mỹ [73], Anh [101], sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học y, thầy thuốc mới tốt nghiệp thường phải thực hành tay nghề có giám sát trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề đầy đủ. Thời gian thực tập tay nghề này thường kéo dài ít nhất một năm và có thể được gọi là “thực tập nội trú” (intership) [73] hay Nhân viên Y tế cơ sở [101]. Tại một số nước, quá trình đào tạo đại học y thường kết thúc bằng một kỳ thực tập tương tự như thực tập nội trú, như tại Trung Quốc [96]. Quá trình đào tạo này được coi như để chuẩn bị cho đào tạo chuyên khoa.

1.5.2.1. Đào tạo chuyên khoa

Đào tạo chuyên khoa là giai đoạn đào tạo nghề nghiệp đối với bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học y. Tùy theo quy định của từng nước mà học viên có thể là người vừa tốt nghiệp đại học y, như tại Singapore [76], hay đòi hỏi phải thực hành nghề nghiệp trong thời gian nhất định, như tại Malaysia [107], Trung Quốc [74], hoặc đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo nghề nghiệp một cách chính thống như tại Anh [102]. Tại Mỹ, nhiều chương trình đào tạo chuyên khoa tuyển học viên là người vừa tốt nghiệp đại học y, trong khi một số chương trình đào tạo chuyên khoa khác đòi hỏi đòi hỏi học viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo nghề nghiệp chính thống trước. Tên gọi của giai đoạn đào tạo này cũng khác nhau tùy theo từng nước, nhưng thường dùng theo cách gọi của Mỹ là nội trú (residency) [73], [97].

Tuyển sinh đầu vào có thể được thực hiện qua kỳ sát hạch quốc gia bằng máy tính như tại Mỹ [97], Anh [101], hoặc thi theo từng trường như tại Malaysia [105], Trung Quốc [74].

Thời gian đào tạo nội trú thay đổi theo từng chuyên khoa và từng nước, có thể kéo dài từ 3 năm đối với chăm sóc sức khỏe ban đầu tới trên 7 năm với những chuyên khoa đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như phẫu thuật thần kinh.

Trong chương trình đào tạo chuyên khoa, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu trong một chuyên khoa cụ thể trong bệnh viện, dưới sự giám sát của một bác sĩ có thâm niên cao hơn, đã được đào tạo chuyên khoa trong cùng chuyên khoa hoặc chuyên khoa liên quan với chuyên khoa của học viên được giám sát. Các chuyên khoa bác sĩ có thể lựa chọn để học thường là gây mê, da liễu, cấp cứu, y học gia đình, nội khoa, thần kinh, sản khoa và phụ khoa, bệnh lý, nhi khoa, tâm thần học, y học thể chất và phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xạ trị ung thư, ngoại chung, phẫu thuật thần kinh, chỉnh hình, phẫu thuật tai mũi họng, phẫu thuật nhãn khoa, phẫu thuật tiết niệu,… [81]. Hiện nay, ở nhiều nước, nhất là các nước phát triển, người hành nghề bác sĩ đa khoa cũng phải học chương trình đào tạo chuyên khoa [94], [102], chương trình đào tạo nội trú có cấu trúc chặt chẽ, được kiểm định bởi các cơ quan có thẩm quyền [81], như tại Mỹ [97], Anh [102]. Điều này đang được thực hiện tại các nước đang phát triển, như Trung Quốc [4], Malaysia [14].

Trong quá trình đào tạo chuyên khoa, học viên được đào tạo chủ yếu tại các cơ sở y tế như bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh khác,…, nên đơn vị tổ chức triển khai đào tạo chuyên khoa tại nhiều nước là các cơ sở y tế như tại Anh [102], Mỹ [97], nhưng cũng có nước chủ yếu do trường đại học như Malaysia [105], Trung Quốc [76].

Khi hoàn thành quá trình đào tạo chuyên khoa, bác sĩ được cấp chứng chỉ, như tại Mỹ [97], Anh [102], những cũng có thể được cấp bằng tốt nghiệp như tại Malaysia [105], Singapore [75].

1.5.2.2. Đào tạo chuyên khoa sâu

Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu, đòi hỏi tay nghề và trình độ cao, cần được đào tạo một cách chính thức, không thể thực hiện trong chương trình đào tạo chuyên khoa, như tim mạch, nội tiết, phẫu thuật tim – lồng ngực, phẫu thuật nhi khoa, phẫu thuật ung thư, nội tiết sinh sản/vô sinh, ung thư phụ khoa,… Chương trình đào tạo này thường xuyên gọi theo cách của Mỹ, Canada là “fellowship” (chương trình học có học bổng) [75], [102].

Đối tượng tuyển sinh thường là người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên khoa, phương thức tuyển sinh chủ yếu là đăng ký trực tiếp với cơ sở đào tạo hoặc cơ quan cấp học bổng [76]. Nhiều nước hiện nay chưa đào tạo chương trình chuyên khoa sâu một cách chính thống như Trung Quốc [74], Singapore [76], Malaysia [88].

Thời gian đào tạo chuyên khoa sâu có thể kéo dài từ 1-3 năm tùy theo từng chuyên khoa và từng nước. Quá trình học thường có một hợp phần nghiên cứu [97], [76]. Chương trình đào tạo chuyên khoa sâu chỉ mới được kiểm định tại một số nước như Anh [101], Mỹ [97]. Chương trình đào tạo chuyên khoa sâu chủ yếu được thực hiện tại bệnh viện.

Mặc dù quá trình đào tạo chuyên khoa sâu là đào tạo nâng cao so với đào tạo chuyên khoa, và người học có thể đã có giấy phép hành nghề đầy đủ, nhưng họ thường tiếp tục điều trị bệnh nhân dưới sự giám sát của một bác sĩ có thâm niên cao hơn. Vai trò của người học chuyên khoa sâu thường là tư vấn về các vấn đề chung hoặc tư vấn ngoại khoa trong lĩnh vực chuyên khoa sâu mà họ theo học. Bác sĩ giám sát người học chuyên khoa sâu phải là người đã hoàn thành chương trình học chuyên khoa sâu liên quan và được phép hành nghề độc lập (không có sự giám sát trực tiếp của bác sĩ khác). Bản thân người học chuyên khoa sâu cũng có thể là người giám sát đối với người học chuyên khoa [73], [81].

1.5.3. Xu hướng đào tạo dựa trên kết quả đầu ra và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại

Xu hướng đào tạo chuyên khoa y sau đại học hiện nay là hướng tới mô hình đào tạo dựa trên kết quả đầu ra và tích hợp các giai đoạn của quá trình giáo dục y khoa [81].

1.5.3.1. Đào tạo dựa trên kết quả đầu ra

Phần lớn nỗ lực đối với đào tạo chuyên khoa sau y đại học trong những năm qua là tập trung vào quá trình đào tạo, nhất là phương pháp dạy học. Quá trình đào tạo chuyên khoa y sau đại học xác định thời gian dành cho thực hành lâm sàng, các hoạt động gắn liền với lâm sàng và cho nghiên cứu lý thuyết. Quá trình đào tạo đó được thực hiện dựa trên giả định rằng việc học đã diễn ra một cách tự nhiên khi thực hiện công việc lâm sàng thường quy. Các chương trình đào tạo thường có mục tiêu không rõ ràng, sự tham gia của bác sĩ khá lộn xộn, không được xác định rõ ràng theo cấu trúc nhất định, trong khi nhu cầu học tập của học viên chỉ nhận được sự chú ý tối thiểu [81].

Mô hình tập trung vào kết quả đầu ra là xu hướng quan trọng trong đào tạo chuyên khoa y sau đại học, và cũng đang có những áp lực rất lớn đòi hỏi phải thực hiện mô hình này. Đối với cách tiếp cận này, đầu ra của đào tạo chuyên khoa y sau đại học được xác định rõ ràng, dứt khoát, và thông báo cho tất cả các bên liên quan. Đầu ra của quá trình đào tạo phải là yếu tố trọng nhất trong các quyết định liên quan đến chương trình, kế hoạch đào tạo. Các quyết định về nội dung, cách thức tổ chức, phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, quy trình đánh giá, môi trường giáo dục được thực hiện một cách thích hợp để đạt kết quả đầu ra [82].

Mô hình đào tạo dựa trên kết quả đầu đã bắt đầu được thực hiện tại Mỹ. Hội đồng Kiểm định đào tạo Y khoa sau đại học Mỹ đã xác định sáu tiêu chuẩn đầu ra đối với đào tạo chuyên khoa y sau đại học: chăm sóc bệnh nhân, kiến thức y khoa, kỹ năng giao tiếp và trao đổi giữa các cá nhân, tính chuyên nghiệp, học tập và phát triển dựa vào thực hành, thực hành dựa trên hệ thống [77].

Về lý thuyết, có đề xuất áp dụng mô hình “ba vòng tròn” (hình 1) đã được xây dựng cho giáo dục y khoa đại học cho đào tạo sau đại học. Mô hình trực quan này nhấn mạnh làm thế nào để những kết đầu ra gắn kết với nhau trong thực hành lâm sàng. Vòng tròn trong là 7 năng lực kỹ thuật, đó là những gì bác sĩ nên làm. Vòng tròn giữa mô tả 3 đầu ra cần thiết để bác sĩ tiếp cận được với các kỹ năng này. Sự phát triển nghề nghiệp và bản thân được chỉ ra trong 2 kết quả đầu ra ở vòng tròn ngoài cùng [81], [83].

Hình 1. Mô hình “ba vòng tròn”đối với đào tạo dựa vào đầu ra

Cách tiếp cận đào tạo dựa trên kết quả đầu ra trong giáo dục y khoa là vẫn là vấn đề mới, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai thực hiện đào tạo chuyên khoa y sau đại học dựa vào kết quả đầu ra đã mang lại lợi ích rõ rệt. Trong tương lai, toàn bộ quá trình đào tạo chuyên khoa y sau đại học đều sẽ được quy định kết quả đầu ra rõ ràng; các quyết định về việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo sẽ chịu ảnh hưởng bởi kết quả đầu ra [80].

Trong cách tiếp cận đào tạo dựa trên kết quả đầu ra, các đầu ra có thể được “nhúng” vào bản mô tả vào chương trình đào tạo. Việc này sẽ giúp cho cả giảng viên và học viên biết các yếu tố chính của chương trình đào tạo và mối quan hệ giữa chúng. Như vậy, chương trình giảng dạy sẽ trong suốt đối với tất cả các bên liên quan, để kết hợp cùng nhau thực hiện [81].

1.5.3.2. Phương thức tiếp cận xuyên suốt đối với giáo dục y khoa

Một trở ngại lớn đối với lập kế hoạch và thực hiện chương trình đào tạo chuyên khoa y khoa sau đại học một cách có hiệu lực, hiệu quả là tâm lý “đóng hầm” (silo), trong đó các giai đoạn của quá trình đào tạo được coi là độc lập với nhau về cơ sở đào tạo, quy chế, kinh phí. Theo truyền thống, đào tạo bác sĩ là trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị khác nhau, với nguồn kinh phí khác nhau. Có rất ít sự hợp tác trong việc lập kế hoạch giữa các trường và các cơ quan chịu trách nhiệm về đào tạo chuyên khoa y khoa sau đại học với các cơ sở chịu trách nhiệm đào tạo đại học. Điều này dẫn đến mơ hồ về trách nhiệm đào tạo.

Xu hướng tương lai coi đào tạo y khoa là một quá trình liên tục, bắt đầu khi một người quyết định theo học nghề y và kết thúc khi nghỉ hưu. Các giai đoạn khác nhau trong chương trình đào tạo sẽ được tích hợp chặt chẽ, tạo ra sự tiến bộ liên tục của người học, kết quả đầu ra của giai đoạn này là yêu cầu đầu vào cho giai đoạn kế tiếp. Thực ra, điều này đã được đưa ra từ những năm trước đây nhưng đến nay mới đạt được rất ít tiến bộ [81].

1.5.3.3. Công nghệ giáo dục

Lĩnh vực vực lớn thứ hai mà chúng ta sẽ thấy có sự thay đổi rõ rệt trong giáo dục chuyên khoa y khoa sau đại học là việc sử dụng công nghệ giáo dục mới sẽ được mở rộng, phát triển nhanh chóng. Hai vấn đề nổi bật trong lĩnh vực này là sử dụng công nghệ mô phỏng và phương pháp e-learning [81].

a) Sử dụng công nghệ mô phỏng

Sử dụng công nghệ mô phỏng trong y học không phải là mới. Công nghệ mô phỏng đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1970 để mô phỏng các bệnh nhân tim mạch. Kết quả cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu để giảng dạy và đánh giá kỹ năng tại giường bệnh trong khoa tim mạch, ở cả chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Tuy nhiên cho đến gần đây, các mô phỏng chỉ được coi như sự tò mò và là phần ngoại khóa đối với các chương trình đào tạo y khoa chính thống. Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ và đòi hỏi ngày càng tăng trong công tác đào tạo lâm sàng đã dẫn tới một cuộc cách mạng về phương pháp dạy kỹ năng lâm sàng, kỹ năng thực hành cần thiết để thực hiện các thủ thuật xâm lấn, can thiệp ngoại khoa.

Khi sử dụng công nghệ mô phỏng, việc học tập được tạo điều kiện thuận lợi do công nghệ này đã tạo ra những kết quả dưới đây:

– Thông tin phản hồi có hiệu quả hơn;

– Người học được thực hành lặp đi lặp lại;

– Xây dựng được một loạt các tình huống khó khăn giả định để học;

– Có thể lựa chọn nhiều cách thức học tập;

– Tạo được các trường hợp biến thể về triệu chứng lâm sàng;

– Có môi trường học tập được kiểm soát;

– Có thể học theo từng cá nhân [85].

Mô phỏng là xây dựng một thực tế ảo làm thay đổi mô hình đào tạo chuyên khoa y sau đại học. Trong tương lai, công nghệ thực tế ảo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục y khoa, một phần lớn kỹ năng sẽ được đào tạo dựa trên mô phỏng [81].

b) Phương pháp E-learning

Những năm gần đây E-learning đã phát triển nhanh chóng. E-learning mang lại phương pháp tiếp cận phù hợp với giáo dục chuyên khoa y sau đại học. E-learning có những ưu thế đặc biệt đối với cấp cứu và y học thảm họa. Xu hướng mới liên quan tới e-learning trong giáo dục y khoa là thiết kế, cấu trúc bài học dựa trên các đối tượng có thể tái sử dụng và web ngữ nghĩa [81].

1.5.4. Kinh nghiệm quản lý đào tạo và sử dụng bác sỹ chuyên khoa

1.5.4.1. Kinh nghiệm quản lý đào tạo bác sỹ chuyên khoa

Tại phần lớn các nước phát triển, sự tham gia quản lý đào tạo chuyên khoa y sau đại học của Bộ Y tế được thực hiện chủ yếu thông qua các hội đồng mà thành viên gồm đại diện của Bộ Y tế và các hiệp hội nghề y như tại Mỹ [100], Anh [16]; hội đồng này là nơi ban hành tiêu chí chung đối với các chương trình đào tạo chuyên khoa, việc kiểm định chương trình do các cơ quan kiểm định độc lập thực hiện [100], [102]. Tại một số nước, các hội đồng chịu trách nhiệm về đào tạo chuyên khoa có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các cơ sở đào tạo chủ chốt, như tại Malaysia [105], Singapore [75]. Nhưng cũng có nước vai trò quản lý đào tạo chuyên khoa y sau đại học hoàn toàn thuộc về Bộ Y tế như tại Trung Quốc [74]. Nói chung, chương trình đào tạo chuyên khoa được xây dựng có cấu trúc và được quản lý chặt chẽ hơn so với chương trình đào tạo chuyên khoa sâu. Tại nhiều nước, chương trình chuyên khoa sâu hoàn toàn do các hội nghề nghiệp và cơ sở đào tạo quản lý, triển khai thực hiện [81].

1.5.4.2. Cấp chứng chỉ hành nghề và sử dụng bác sỹ chuyên khoa

Tại các nước phát triển, đào tạo chuyên khoa là bắt buộc để có thể được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, như tại Mỹ [99], Anh [101], Singapore [6]; cũng còn nhiều nước chưa đòi hỏi điều này như Trung Quốc [74].

Tại Vương quốc Anh [87] không có kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề Y riêng; việc cấp chứng chỉ gắn liền với quá trình đào tạo, đặc biệt quá trình đào tạo tay nghề sau đại học. Tất cả những người mới tốt nghiệp đại học y, muốn hành nghề y như một bác sĩ thực thụ phải theo học chương trình Bác sĩ cơ sở (Foundation Programme). Chương trình này kéo dài trong 2 năm, giúp người mới tốt nghiệp đại học y có được kiến thức, kỹ năng y khoa chung, đáp ứng yêu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề của Hội đồng Y khoa. Trong năm đầu của chương trình cơ sở, những người mới tốt nghiệp đại học Y chỉ được đăng ký hành nghề tạm thời với Hội đồng y khoa. Đăng ký hành nghề chính thức được thực hiện sau khi kết thúc năm thứ nhất; khi đó họ được làm việc trong các cơ sở y tế với tư cách là bác sĩ, nhưng không được hành nghề độc lập.

Bác sĩ có thể hành nghề độc lập với tư cách bác sĩ đa khoa (General Practioner – GP) hoặc bác sĩ chuyên khoa (Specialist), sau khi có chứng chỉ hành nghề và được cấp phép hành nghề của Hội đồng Y khoa (The General Medical Council – MMC) [87].Người hành nghề bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ đa khoa đều phải học chương trình đào tạo chuyên khoa [102].

Con đường chính để được đăng ký hành nghề độc lập là trải qua quá trình đào tạo chuyên khoa và được cấp Chứng chỉ hoàn thành quá trình đào tạo (Certificate of Completion of Training – CCT). Chứng chỉ này là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với việc đăng ký hành nghề độc lập.

Con đường thứ hai để được đăng ký hành nghề độc lập là phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development) thông qua các vị trí nghề nghiệp (Career post). Sau khi hoàn thành Chương trình cơ sở, bác sĩ có thể dự chương trình đào tạo chuyên khoa theo học kỳ cố định để có thể được làm việc tại các vị trí nghề nghiệp khác nhau theo hướng phát triển nâng cao, qua đó phát triển các năng lực của mình. Khi đáp ứng được các năng lực cần thiết theo quy định của Hội đồng Y khoa, bác sĩ có thể đăng ký hành nghề độc lập [102]. Lương của bác sĩ, nha sĩ làm việc cho Cơ quan cung cấp dịch vụ y tế quốc gia được quy định theo khung đặc biệt trong thông tư riêng do Cơ quan này quy định dựa trên quy định chung của Chính phủ Vương quốc Anh. Mức lương của bác sĩ khác nhau phụ thuộc vào việc họ đang trong thời gian tham gia các khoa đào tạo; là bác sĩ cơ sở, trợ lý bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chuyên khoa hay là chuyên gia.Ngoài lương cơ bản, bác sĩ còn được tính lương làm việc ngoài giờ và thưởng phụ thuộc vào chất lượng công việc.

Bác sĩ đa khoa có thể mở cơ sở khám chữa bệnh riêng, tự làm tổ chức công việc và ký hợp đồng lao động độc lập hoặc như đối tác của cơ quan chăm sóc sức khỏe địa phương. Lợi nhuận của các bác sĩ này thay đổi tùy theo các dịch vụ mà họ cung cấp tùy theo loại và cách thức cung cấp dịch vụ của họ [10].

Tại Mỹ, việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện thông qua thi nhưng việc này không giống nhau hoàn toàn giữa các bang [99]. Hiệp hội Y học Mỹ không dùng thuật ngữ thực tập nội trú (Intership) nữa, hiện nay có xu hướng tích hợp chương trình thực tập nội trú vào chương trình nội trú, nhưng tại các bang Florida, Michigan, Oklahoma và Pennsylvania, yêu cầu bắt buộc bác sĩ Xương khớp phải có 01 năm thực tập nội trú mới được thi cấp chứng chỉ hành nghề. Để có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, thầy thuốc phải hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu, tùy theo yêu cầu của chuyên khoa. Tại nhiều tiểu bang, giấy phép hành nghề đầy đủ (để hành nghề không bị hạn chế) chỉ được cấp cho người đã tốt nghiệp nội trú. Hiện nay, nội trú đang được xem xét để quy định là bước chuẩn bị cần thiết đối với những người chăm sóc sức khỏe ban đầu (được gọi là “Bác sĩ đa khoa” – General Practice) [73].

Tại Malaysia [105], sau khi ra trường, những người tốt nghiệp đại học y được làm việc như một nhân viên tập sự (house officer) và thực tập 2 năm tại các lĩnh vực lâm sàng khác nhau, trước khi được hành nghề độc lập tại các vùng nông thôn. Để được hành nghề như một Bác sĩ chuyên khoa phải hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa.

The post Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ chuyên khoa sau đại học trong Y tế appeared first on Luận văn 1080.

No comments:

Post a Comment