Monday, February 18, 2019

Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm

Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm https://ift.tt/eA8V8J

Pháp luật dân sự là công cụ pháp lý quan trọng thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển nhưng cũng là công cụ pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có các hành vi xâm phạm sức khoẻ, tính mạng.

1. Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật dân sự

1.1. Khái niệm, ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật dân sự

1.1.1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thời kỳ sơ khai, trách nhiệm bồi thường chưa được đặt ra, theo đó người ta thường áp dụng nguyên tắc “nợ gì trả nấy” khi có hành vi gây thiệt hại. Luật XII bảng được ban hành vào năm 449 trước Công nguyên có quy định : Kẻ nào làm gãy tay người khác thì kẻ đó phải chịu lại tương tự như vậy. Khi áp dụng nguyên tắc trả thù ngang bằng, lợi ích của người bị thiệt hại không được bảo đảm, hơn nữa lại có một thiệt hại khác phát sinh. Đây chính là lý do để sau đó người ta xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại. Xét về nguồn gốc lịch sử, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định    có lịch sử sớm nhất của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là chế định gây nhiều tranh cãi, có nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu luật pháp cũng như các cán bộ làm công tác thực tiễn.

Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng luôn được hoàn thiện bởi các chuyên gia pháp lý. Ở nước ta, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được quy định    trong Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Pháp luật mỗi nước có thể có những quy định khác nhau liên quan đến xác định mức bồi thường, tuy nhiên một nguyên tắc cơ bản luôn tồn tại – đó là: “Người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại”. Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều chưa có sự phân biệt rõ nét về trách nhiệm bồi thường dân sự. Sự phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự chỉ ra đời trên cơ sở ba bộ luật đầu tiên (Bộ luật Nam Kỳ ban hành ngày 10/3/1883; bộ Dân luật Bắc Kỳ ban hành ngày 01/4/1931; bộ Dân luật Trung Kỳ ban hành ngày 31/10/1936) và các nguyên lý chung về trách nhiệm bồi thường dân sự lần đầu được ghi nhận một cách cụ thể tại Điều 712 đến Điều 716 (Bộ Dân luật Bắc

Kỳ); Điều 761 đến Điều 767 (Bộ Dân luật Trung Kỳ) và cho đến năm 1972 chính quyền Sài Gòn có ban hành bộ Dân luật Sài Gòn từ Điều 729 đến Điều 739 đề cập về trách nhiệm bồi thường dân sự. Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu một bước ngoặt mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ ra đời, ngay lúc này chúng ta chưa thể ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật ngay. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 và Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 thừa nhận luật lệ cũ trên tinh thần không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa của Nhà nước ta. Những quy định    trong Sắc lệnh số 97/SL đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của luật dân sự. Lần đầu tiên những nguyên tắc thực sự dân chủ, tiến bộ mang tính nhân dân sâu sắc được pháp điển hóa. Như nguyên tắc: “Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành xử nó đúng với quyền lợi của nhân dân” hay “người ta chỉ được ứng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân”.

Việc giải quyết các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của ngành tòa án. Qua thực tiễn xét xử, vận dụng và kế thừa những quy định    pháp luật đã có, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 173/UBTP ngày 23/3/1972 hướng dẫn công tác xét xử, trong đó nói rõ điều kiện phát sinh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc, cách xác định    thiệt hại…Thông tư số 03 ngày 5/4/1983 bổ sung giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông… đều là văn bản dưới luật, lại ban hành trong điều kiện nền kinh tế tập trung bao cấp, tuy đề cập đến nhiều vấn đề xong chỉ mang tính định    hướng, chưa cụ thể…Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải có bộ luật dân sự điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội rộng lớn. Bộ luật Dân sự ra đời pháp điển hóa một bước quan trọng tạo ra một văn bản pháp luật thống nhất nhằm khắc phục những tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn của pháp luật dân sự trước đó.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những trách nhiệm dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Chế định    “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng’’ được hệ thống ở chương V, phần thứ 3 với các quy định    từ Điều 604 đến Điều 630 làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời giải quyết khách quan, nhanh chóng, công bằng theo quy định của pháp luật. Theo khoản 5 Điều 281 Bộ luật dân sự Việt Nam thì một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự đó là: “Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự thì sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Nhà làm luật trong trường hợp này đã đồng nghĩa “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” với “nghĩa vụ bồi thường do hành vi trái pháp luật” – Điều 604 Bộ luật dân sự đã xác nhận sự đồng nghĩa này.

Pháp luật nhà nước ta sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khi bị xâm phạm bởi những hành vi trái pháp luật. Khi một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đối với người khác làm phát sinh các quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại. Điều 604 Bộ luật dân sự quy định :

1- Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2- Trong trường hợp pháp luật quy định    người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. Như vậy, bồi thường thiệt hại là quan hệ phát sinh từ hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản các quyền lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của các chủ thể khác. Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải bù đắp, đền bù những tổn thất về vật chất, về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Điều kiện để phát sinh trách nhiệm này là phải có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra có lỗi của người gây thiệt hại.

Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Qua những phân tích trên đây, có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý, là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước theo đó người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm hại tới tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, và các quyền nhân thân khác của cá nhân, tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc của chủ thể khác.

1.1.2. Ý nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Là một loại trách nhiệm pháp lý, được áp dụng khi thỏa mãn những điều kiện do pháp luật quy định    , trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa xã hội sâu sắc, điều đó được thể hiện trên một số phương diện sau đây:

Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định gópphần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Trong các quan hệ xã hội nói chung, giao lưu dân sự nói riêng, chủ thể tham gia nhằm thỏa mãn những lợi ích vật chất hoặc tinh thần của mình. Để xã hội ngày càng phát triển, các chủ thể phải tham gia nhiều quan hệ xã hội khác nhau và trong các quan hệ xã hội mà chủ thể tham gia thì lợi ích luôn là tâm điểm để chủ thể hướng tới. Hiến pháp và các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý sau Hiến pháp luôn ghi nhận và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Đó có thể là lợi ích vật chất, thể hiện ở quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng có thể là lợi ích tinh thần, thể hiện ở các quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Bằng việc quy định    căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường… thì chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ xã hội khác nhau.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Nguyên tắc chung của pháp luật là một người phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi đó mang lại. Bằng việc buộc người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại, chế định    bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đây cũng là nguyên tắc, là mục tiêu mà pháp luật đặt ra. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã cụ thể hóa và thể hiện rất rõ nguyên tắc công bằng trong bồi thường thiệt hại. Theo chế định    này, ai gây thiệt hại thì người ấy phải bồi thường, tuy nhiên sẽ có những trường hợp riêng biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên tắc giảm mức bồi thường, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi…

Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Ngoài mục đích buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình gây ra – nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự – chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo, ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thông qua chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cùng với việc vận dụng chế định này để giải quyết các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Ngoài người vi phạm, những người khác cũng sẽ thấy rằng nếu mình có hành vi gây thiệt hại thì cũng sẽ chịu sự xử lý của pháp luật. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua những biện pháp chế tài nghiêm khắc. Ngoài ra, ý thức pháp luật của người dân cũng ngày một được nâng cao hơn.

1.2. So sánh bồi thường thiệt hại so xâm phạm tài sản với bồi thường thiệt hại do xâm phạm các quyền nhân thân

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất đa dạng, một trong những sự đa dạng đó là đối tượng bị thiệt hại. Đối tượng bị thiệt hại có thể là tài sản, nhưng cũng có thể là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín (sự cụ thể hóa các quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ). Chúng ta có thể thấy rõ sự giống và khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm các quyền nhân thân qua sự phân tích dưới đây.

1.2.1. Những điểm giống nhau

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý. Đây chính là thái độ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi đó gây ra. Cả hai loại trách nhiệm này đều là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với người vi phạm, buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý nên chỉ phát sinh khi và chỉ khi dựa trên các căn cứ do pháp luật quy định    . Những căn cứ đó được xác định cụ thể như: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền nhân thân còn có những điểm giống nhau liên quan đến hậu quả (trách nhiệm vật chất), những trường hợp được loại trừ, những trường hợp không được loại trừ…

1.2.2. Những điểm khác nhau

Bên cạnh những điểm giống nhau, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân còn có những điểm khác biệt, chúng ta có thể thấy sự khác biệt này qua bảng so sánh dưới đây:

CHÈN ẢNH ( 6.1 – 6.3)

2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm

Trách nhiệm bồi thường nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng là một loại trách nhiệm pháp lý, do đó trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định    . Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là những căn cứ do pháp luật quy định , khi thỏa mãn các căn cứ đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng phát sinh. Pháp luật dân sự không quy định    cụ thể căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng mà chỉ quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Do đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng.

2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng

Là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thỏa mãn các căn cứ do pháp luật quy định    . Việc xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ý nghĩa hết sức quan trọng: là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường… Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập tại Điều 307 (Trách nhiệm bồi thường thiệt hại) và Điều 604 (Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) của Bộ luật dân sự năm 2005. Như vậy, trên cơ sở quy định    tại hai điều luật này, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định gồm 4 điều kiện:

1- Phải có thiệt hại xảy ra;

2- Phải có hành vi gây thiệt hại;

3- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra;

4- Người gây thiệt hại phải có lỗi.

2.1.1. Phải có thiệt hại xảy ra

Đây là điều kiện tiên quyết, điều kiện quan trọng nhất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi nếu không có thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không bao giờ phát sinh. Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục, bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại, do đó phải có thiệt hại thì mục đích đó mới đạt được. Nếu thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì việc xác định    “có thiệt hại” là vấn đề không mấy khó khăn, tuy nhiên trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại sẽ khó xác định    , bởi chúng ta không thể “lượng hóa” được thiệt hại trong trường hợp này. Vậy có thể hiểu thiệt hại là gì? Thiệt hại có thể được hiểu theo hai khía cạnh: xã hội và pháp lý.

Theo ý nghĩa xã hội, mỗi hành vi trái pháp luật đều gây thiệt hại, bởi nó làm ảnh hưởng đến những quan hệ xã hội nhất định. Theo luật dân sự Việt Nam thì thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản… của cá nhân và các chủ thể khác. Tổn thất thực tế được đề cập ở đây là sự giảm sút, mất mát về lợi ích vật chất, tinh thần, hay những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại mà người bị hại phải gánh chịu. Những thiệt hại thực tế xảy ra có thể là thiệt hại vật chất hoặc tinh thần. Thiệt hại vật chất là thiệt hại được biểu hiện cụ thể như tài sản đã mất mát, những chi phí cần thiết để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế tài sản bị hư hỏng, những khoản thu nhập thực tế bị mất.

Khi một người có hành vi trái pháp luật gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe… của người khác thì thiệt hại được xác định    như thế nào? Tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá không thể tính thành tiền, do vậy bồi thường thiệt hại ở đây không phải là bồi thường về tính mạng, sức khỏe mà nó là những bồi thường thiệt hại vật chất. Những chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho bên bị thiệt hại hoặc những chi phí cần thiết khác. Theo thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972 hướng dẫn thì thiệt hại được xác định : “Đó là thiệt hại vật chất, biểu hiện cụ thể là thiệt hại về tài sản hoặc những chi phí và những thu nhập bị mất, do có sự thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đưa đến. Thiệt hại đó phải thực sự xảy ra và tính toán được”.

Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận việc buộc người gây thiệt hại “bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần” cho người bị thiệt hại, người thân của họ. Pháp luật về dân sự nói chung, chế định    bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nói riêng là những vấn đề rất nhạy cảm và vô cùng phức tạp, bởi vì những thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy ra tiền áp dụng cho các trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cũng chỉ nhằm an ủi, động viên làm dịu đi nỗi đau cho chính nạn nhân. Đây là vấn đề rất khó, nhưng cho đến nay, về căn bản các cơ quan có thẩm quyền chưa có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho thống nhất, vì vậy khi vận dụng vào thực tiễn còn gây nhiều tranh cãi, chưa thống nhất.

Trên thế giới, thiệt hại về tinh thần đã được một số nước ghi nhận từ lâu như Liên Xô, Cộng hóa Liên bang Đức… Trong cuốn “Trách nhiệm phát sinh do gây thiệt hại” (Nhà xuất bản LGU, Lêningrat, 1973), tác giả Smirnốp T.V khẳng định    : “Nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần của công dân Xô viết, về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chỉ là thực hiện đầy đủ khi người bị thiệt hại được bồi thường không những thiệt hại về vật chất mà cả thiệt hại về tinh thần”. Tại khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự của nước ta quy định    : “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”. Như vậy, thiệt hại được hiểu là ngoài những thiệt hại vật chất còn có những thiệt hại về tinh thần.

Thiệt hại xảy ra được đánh giá một cách khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng xã hội. Trên thực tế, mọi thiệt hại đều mang tính khách quan, tuy nhiên, tiên lượng và đánh giá tính khách quan của sự thiệt hại lại thông qua ý thức chủ quan của con người. Điều đó có nghĩa là trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế như vậy ai cũng công nhận thiệt hại là có và mọi người đều chấp nhận việc đánh giá mức độ thiệt hại. Nhưng nhìn chung thì người bị thiệt hại có thể phức tạp hóa vấn đề lên, như khai tăng giá trị thiệt hại còn người gây thiệt hại có chiều hướng đơn giản hóa. Vì vậy mà người có vai trò đánh giá thiệt hại, đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất quan trọng. Nhìn nhận và đánh giá thiệt hại dựa trên cơ sở pháp luật quy định    để xem xét có thiệt hại xảy ra hay không, mức độ thiệt hại như thế nào…Thiệt hại phải tính toán được tương đương với một số lượng tiền xác định mới đảm bảo đầy đủ cơ sở cho việc bồi thường.

Tuy nhiên, đối với thiệt hại về mặt tinh thần không thể tính toán bằng tiền. Hơn thế đây là khái niệm còn khá trừu tượng, bởi “tinh thần” thì làm sao có thể cân, đo, đong, đếm cụ thể để xác định thiệt hại, do vậy Tòa án chỉ có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xác định số tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị nạn và gia định họ, khắc phục phần nào hậu quả xảy ra. Tòa án cũng chỉ chấp nhận những thiệt hại hợp lý mà thôi, những thiệt hại mang tính suy diễn như: “Tôi là người không bao giờ bị tai nạn, trong tháng này tôi bắt được 5 triệu đồng” hay “thu nhập của một người nông dân ở vùng quê nghèo là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng /tháng”. Có thiệt hại tức là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và phải tính được bằng một số tiền cụ thể nhất định    , còn những thiệt hại mang tính suy diễn, chủ quan sẽ không được thừa nhận nếu không có căn cứ xác đáng.

Như vậy, thiệt hại về vật chất là những thiệt hại trị giá được bằng tiền, đó là thiệt hại thông thường trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đó là những thiệt hại vật chất trong các thiệt hại về tài sản, về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm… Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy thành tiền áp dụng cho mọi trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm mục đích an ủi, động viên và phần nào đó tạo điều kiện để có thể khắc phục khó khăn, làm dịu đi nỗi đau cho chính người bị thiệt hại hay cho những người thân thích của họ.

Thiệt hại về tinh thần là sự thiệt hại về giá trị tinh thần, tình cảm hoặc sự suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân. Hình thức biểu hiện thiệt hại về tinh thần rất đa dạng như: Sự suy sụp tâm lý của người bị thiệt hại sau khi sức khỏe bị xâm phạm làm cho bị tàn tật, bị biến dạng bề ngoài (ví dụ như bị sẹo ở mặt, bị gãy chân làm cho người bị thiệt hại đi cà nhắc…). Ngoài những thiệt hại về tinh thần mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu thì có những trường hợp người thân thích của họ cũng phải gánh chịu tổn thất về tinh thần này. Ví dụ, đó có thể là sự suy sụp, hoang mang, lo lắng, sự đau thương của những người thân thích với cái chết của nạn nhân. Khác với thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần không có tiêu chí chung để xác định    cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là không giống nhau, nhưng thiệt hại về tinh thần thường đi kèm với thiệt hại vật chất.

Điều 710 Bộ luật dân sự của Nhật Bản quy định    : “Một người chịu trách nhiệm về thiệt hại theo quy định    của Điều 709 phải bồi thường cả về thiệt hại phi vật chất bất kể thiệt hại như vậy xảy ra đối với quyền lợi, uy tín, hoặc tài sản của người khác”. Ngoài ra, muốn bồi thường, sự thiệt hại phải thỏa mãn các điều kiện: thiệt hại phải chắc chắn, nhất định, thực tế và chưa được bồi thường.

Nói đến sự thiệt hại chắc chắn, nhất định, thực tế là nói đến một sự thiệt hại đã xảy ra, hoặc chưa xảy ra nhưng nhất định    sẽ xảy ra và có thể ước lượng được. Để chứng minh sự thiệt hại chắc chắn, người bị thiệt hại phải đưa ra những chứng cứ cần thiết và tin cậy như: hóa đơn chứng từ thanh toán những chi phí hợp lý nhằm cứu chữa, phục hồi sức khỏe…Một sự thiệt hại không chắc chắn xảy ra hoặc chỉ có tính chất giả định    hoặc chỉ là mất đi một cơ may thì không được bồi thường. (Theo Bộ luật dân sự Nhật Bản thì việc “mất đi một cơ may” được coi là một yếu tố cấu thành thiệt hại).Bồi thường thiệt hại chính là nhằm khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần tình trạng tài sản trước khi xảy ra thiệt hại hoặc bù đắp những tổn thất do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị xâm phạm nên thiệt hại được coi là điều kiện có ý nghĩa quan trọng. Không thể bồi thường thiệt hại khi không có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại được hiểu là: bị tổn thất, hư hao về người và tài sản và được xác định    bằng một khoản tiền cụ thể. Thiệt hại gây ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế – xã hội được pháp luật bảo vệ, đồng thời cũng phản ánh hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp nhân cũng như của Nhà nước.

Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận có thiệt hại về tinh thần, tuy nhiên có quan điểm cho rằng thiệt hại về tinh thần chỉ là khái niệm xã hội và ở phạm vi tình cảm. Nhưng có quan điểm cho rằng, bồi thường bằng tiền có thể khắc phục phần nào thiệt hại về tinh thần, không thể dùng tiền bù đắp được. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam quy định    mức tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần tại khoản 2 Điều 609 và khoản 2 Điều 610. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã có sự hướng dẫn cụ thể về bồi thường tổn thất tinh thần. Buộc người xâm phạm đến sức khỏe người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại và cho những người thân thích của người bị thiệt hại trong vụ bị xâm phạm tính mạng là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.

2.1.2. Phải có hành vi gây thiệt hại

Hành vi gây thiệt hại trước tiên phải là hành vi pháp luật cấm thực hiện, nếu hành vi đó được thực hiện mà pháp luật không cấm thì người thực hiện hành vi đó không phải bồi thường thiệt hại. Không thể có người gây thiệt hại khi không có hành vi gây thiệt hại. Hành vi gây thiệt hại là hành vi có ý thức của con người diễn ra trái với quy định    của pháp luật và gây thiệt hại tới các đối tượng được pháp luật bảo vệ. Hành vi gây thiệt hại có thể bằng hành động hoặc không hành động, hành động và không hành động đều là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm soát, lý trí điều khiển và đều có khả năng làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành động gây thiệt hại có thể là tác động trực tiếp của chủ thể vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của chủ thể vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại.

Không hành động gây thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể bằng việc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm mặc dù có đầy đủ điều kiện để làm việc đó. Thực tế thì việc xác định hành vi gây thiệt hại bằng hành động không khó, bởi vì nó tác động trực tiếp đến đối tượng bị thiệt hại như: bắn, đâm, chém… Nhưng ở dạng không hành động hoặc được thực hiện thông qua hành vi của người khác thì cần phải xác định mối quan hệ giữa thiệt hại với hành vi của người gây thiệt hại và trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với thiệt hại xảy ra. Ví dụ: người gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng, do tình thế cấp thiết thì không phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết đó mà vượt quá giới hạn cho phép thì các hành vi bị coi là trái pháp luật và phải bồi thường.

Trước khi có Bộ luật dân sự thì ngành Tòa án thường căn cứ vào Thông tư số 173/UBTP-TANDTC ngày 23/3/1972 của Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết các quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo tinh thần nội dung Thông tư thì hành vi trái pháp luật trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Có thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc một vi phạm quy tắc sinh hoạt xã hội”. Như vậy, khi xác định    hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chúng ta có thể thấy có những đặc điểm của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại:

Thứ nhất, hành vi gây thiệt hại phải trái pháp luật, nếu không trái pháp luật thì không phải bồi thường mặc dù có thiệt hại xảy ra. Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu là hành vi vi phạm các quy định    của pháp luật, ngoài ra những hành vi vi phạm các quy tắc xử sự sinh hoạt trong đời sống cũng có thể coi là hành vi trái pháp luật nếu gây ra thiệt hại. Những hành vi gây thiệt hại nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp hoặc gây thiệt hại theo bản án, quyết định    của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không phải là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: để cứu chữa bệnh nhân tránh vết thương bị hoại tử, bác sĩ phải cắt bỏ chân của bệnh nhân, những người phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, những người thi hành án tử hình…

Thứ hai, hành vi trái pháp luật có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc dưới dạng không hành động.

Thứ ba, hành vi gây thiệt hại là hoạt động có ý thức và ý chí. Không thể có hành vi gây thiệt hại mà những biểu hiện bên ngoài của nó không được ý thức của chủ thể kiểm soát hay không được ý chí của họ điều khiển.

2.1.3. Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi gây thiệt hại

Mối quan hệ nhân quả là sự liên hệ giữa hai hiện tượng trong đó có chứa đựng nguyên nhân và kết quả. Phải có sự vận động của hiện tượng là nguyên nhân trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể mới nảy sinh hiện tượng là kết quả. Hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là hậu quả. Xét về nguyên tắc, nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả trong khoảng thời gian xác định    và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp (nguyên nhân quyết định đối với thiệt hại xảy ra). Có nghĩa là thiệt hại đã có sẵn cơ sở trong hành vi. Một hành vi vi phạm nhất định trong một điều kiện xác định thì chỉ làm nảy sinh ra hậu quả này chứ không phải là hậu quả nào khác. Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại, nếu không có hành vi thì thiệt hại sẽ không xảy đến. Nếu không xác định    được mối quan hệ này sẽ không xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi vi phạm và không buộc được người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu chúng ta làm rõ được mối quan hệ nhân quả, sẽ trả lời được hai câu hỏi được đặt ra:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có phát sinh không?

Mức bồi thường thiệt hại được xác định    như thế nào nếu nhiều người gây thiệt hại cho một người hoặc cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi? Trong thực tế mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra biểu hiện rất phức tạp.

Một hành vi trái pháp luật cũng có thể gây nhiều thiệt hại vừa về vật chất, vừa về tinh thần. Có trường hợp thiệt hại xảy ra do một hành vi trái pháp luật khác xen vào gây ra chứ không phải do hành vi có chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại. Ví dụ: A gây thương tích cho B, B được mọi người đưa vào cơ sở y tế cấp cứu. Với tình trạng vết thương như vậy thì hoàn toàn có thể cứu chữa được người bị hại. Tuy nhiên, do tắc trách trong quá trình cứu chữa (bác sĩ đã không vô trùng dụng cụ cứu chữa) nên vết thương của B bị nhiễm trùng dẫn tới hậu quả là B bị chết. Cần phân biệt giữa nguyên nhân và điều kiện: nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, điều kiện không trực tiếp gây thiệt hại nhưng có tác động để cho thiệt hại xảy ra nhanh hơn. Vậy trong mối quan hệ nhân quả, nguyên nhân là yếu tố quyết định    còn điều kiện là yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả. Nguyên nhân và điều kiện trong mối quan hệ nhân quả có thể là một hay nhiều hiện tượng, nhưng giữa chúng có một điểm khác nhau ở chỗ quan hệ với hậu quả xảy ra. Nếu không có nguyên nhân thì không có hiện tượng, sự vật xảy ra và cũng không tồn tại một điều kiện. Nhưng nhiều trường hợp có nguyên nhân xảy ra nhưng không có kết quả nếu không có điều kiện.

Về nguyên tắc thì không có việc hiện tượng này chỉ là nguyên nhân còn hiện tượng kia chỉ là điều kiện. Mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định    thiệt hại.Về mặt lý luận cũng như thực tế để xác định mối quan hệ nhân quả là một vấn đề tương đối khó khăn. Bởi vì sự thiệt hại thông thường thì do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do một nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân này không tồn tại độc lập mà phối hợp với nhau phát sinh ra kết quả, nếu thiếu một trong các nguyên nhân thì không có kết quả xảy ra. Tuy nhiên, mức độ tác động của từng nguyên nhân đối với kết quả có thể là khác nhau, sự khác nhau này đã tạo ra vai trò chủ yếu và thứ yếu của từng nguyên nhân. Trong thực tiễn thì thiệt hại có thể có nhiều nguyên nhân, vậy xác định    nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, nguyên nhân nào là nguyên nhân thứ yếu và gián tiếp, một thiệt hại có thể kéo theo nhiều thiệt hại khác, thiệt hại đầu tiên có coi là nguyên nhân của thiệt hại sau hay không. Chúng ta không thể căn cứ vào thứ tự trước sau của hành vi gây thiệt hại để xác định nguyên nhân chủ yếu hay thứ yếu được, nhất là trong các vụ án có nhiều người tham gia. Tóm lại, mối quan hệ nhân quả là sự tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của con người, khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra phải bảo đảm tính khách quan, phải đặt trong mối liên hệ tất nhiên, nội tại của các hiện tượng chứ không được chủ quan mà xác định    quan hệ nhân quả.

2.1.4. Người gây thiệt hại có lỗi

Lỗi thể hiện dưới hai hình thức: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Khoản 2 Điều 309 quy định    :

Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi trái pháp luật của mình và đối với thiệt hại do hành vi gây nên, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi vi phạm của mình gây ra khi họ có lỗi. Lỗi được cấu thành bởi hai yếu tố đó là lý trí và ý chí. Lý trí là sự thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan, còn ý chí là yếu tố biểu hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại khách quan.

Có thể xem xét hành vi của người gây thiệt hại trên các mặt sau:

Nhận thức của người gây thiệt hại;

Hành vi gây thiệt hại có đúng pháp luật hay trái pháp luật;

Hành vi cụ thể của người gây thiệt hại.

Nếu xét lỗi dưới góc độ quan hệ của cá nhân thì lỗi của người gây thiệt hại là sự biểu hiện quan hệ giữa bản thân người gây thiệt hại và xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan những quy tắc ứng xử chung của xã hội, đòi hỏi cá nhân phải tôn trọng được thể hiện bằng các quy định của pháp luật. Để bảo vệ triệt để lợi ích của người bị thiệt hại trong quan hệ giữa các công dân với nhau và đặc biệt là trong quan hệ giữa công dân với Nhà nước, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, pháp luật dân sự quy định lỗi có thể được suy đoán từ ba điều kiện trên. Như vậy, có thể nói rằng: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay bất cứ trách nhiệm pháp lý nào khác nào đều phải dựa trên cơ sở lỗi. Một người gây thiệt hại mà không có lỗi thì dù thiệt hại tới mức nào cũng không phải bồi thường – đó là nguyên tắc. (trường hợp phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra). Lỗi cố ý biểu hiện trạng thái tâm lý của một người biết hành vi của mình là sai, thấy rõ hậu quả của hành vi đó, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả của hành vi đó xảy ra. Lỗi vô ý là biểu hiện trạng thái tâm lý của người gây thiệt hại, thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại đó không thể xảy ra hoặc có thể xảy ra nhưng ngăn ngừa được. Lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không có trách nhiệm phải bồi thường. Mức độ bồi thường phụ thuộc vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Khi nghiên cứu về lỗi vô ý có thể chia lỗi vô ý ra làm hai loại:

Vô ý vì cẩu thả.

Vô ý vì quá tự tin.

– Vô ý cẩu thả là trường hợp người có hành vi vi phạm mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước thiệt hại có thể xảy ra.

– Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người có hành vi vi phạm thấy trước khả năng hành vi của mình có thể gây thiệt hại và không mong muốn thiệt hại xảy ra nhưng lại tin là có thể ngăn chặn được. Sự khác nhau giữa vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin ở chỗ: người có hành vi vi phạm với lỗi vô ý vì quá tự tin là họ nhận thấy trước được hành vi của họ có thể gây thiệt hại, còn người có hành vi vi phạm với lỗi cẩu thả không nhận thức được thiệt hại có thể xảy ra, trong cả hai trường hợp thì người có hành vi vi phạm không mong muốn thiệt hại xảy ra. Trong dân sự thì dù lỗi cố ý hay lỗi vô ý đều phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định    : Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi trừ các trường hợp:

Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, ngoài nguyên tắc “phải có lỗi” Bộ luật dân sự còn quy định    cả trường hợp không có lỗi người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường.

Khoản 4 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định    : Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Cũng do quy định    này mà các Thẩm phán khi xét xử có cách hiểu khác nhau cho nên dẫn đến có nhiều cách giải quyết khác nhau. Thực tế có việc giải quyết khác nhau là do cần phải phân biệt trường hợp nào chủ sở hữu người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại với trường hợp nào họ không phải bồi thường cả khi họ không có lỗi. Vậy nên chăng Bộ luật dân sự chỉ nên quy định    việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà không cần phải quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cả khi họ không có lỗi. Như vậy, lỗi là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, cần phân biệt các hình thức lỗi để xác định mức độ lỗi trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường.

2.2. Các chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại

2.2.1. Pháp nhân – chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại

Khi chưa có Bộ luật dân sự 1995, trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân được quy định    tại Thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972. Theo tinh thần của Thông tư này thì công nhân viên chức hay một người đại diện hợp pháp của xí nghiệp, cơ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, do hành vi liên quan chặt chẽ đến công tác, được xí nghiệp, cơ quan phân công mà gây thiệt hại theo chế độ trách nhiệm dân sự, rồi sau đó có quyền đòi hỏi họ hoàn trả việc bồi thường đó theo quan hệ lao động.

Trong trường hợp công nhân viên chức hoặc đại diện của xí nghiệp, cơ quan lợi dụng nhiệm vụ do hành vi không liên quan đến công việc được phân công, để mưu lợi riêng mà gây thiệt hại cho người khác thì cá nhân họ phải bồi thường. Điều 618 Bộ luật dân sự quy định    : “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định    của pháp luật”.

Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân trong giao dịch dân sự. Trong quan hệ dân sự pháp nhân có thể đại diện do pháp luật quy định    hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Pháp nhân chỉ bồi thường thiệt hại trong trường hợp người của pháp nhân quản lý gây thiệt hại. Ví dụ: A là lái xe của công ty B, trên đường đi công tác gây tai nạn. Trong trường hợp này thì công ty B phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Có trường hợp tuy người đó là người của pháp nhân quản lý gây thiệt hại nhưng không phải bồi thường. Cũng như ví dụ nêu trên, nhưng sau khi hoàn thành công việc công ty giao cho, A đã lái xe tranh thủ về thăm quê và trên đường về quê đã gây ra tai nạn, trong trường hợp này thì A phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại, công ty B không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người của pháp nhân quản lý không phải chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện. Trong trường hợp người của pháp nhân quản lý lợi dụng nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao nhưng lại làm một việc vì mục đích cá nhân mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.

2.2.2. Cá nhân – chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại

Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự quy định    năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân phụ thuộc vào các mức độ năng lực hành vi dân sự, khả năng bồi thường và tình trạng tài sản của cá nhân.

Khoản 1 Điều 606 Bộ luật dân sự quy định    : “Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng bằng chính hành vi của mình xác lập thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17 Bộ luật dân sự). Trên thực tế, khi xét xử đối với người gây thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên, chưa có việc làm, không có thu nhập, không có tài sản đáng kể và đang sống chung với cha mẹ, thì Tòa án vẫn xác định    trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với họ và trong quá trình giải quyết vẫn thừa nhận sự tự nguyện của cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường thay cho con, nhưng về mặt luật pháp thì không thể buộc họ bồi thường. Thực tế xảy ra cho thấy có người đủ 18 tuổi gây thiệt hại nhưng đang học ở một trường nào đó, chưa có tài sản, không có thu nhập đang phải sống nhờ vào cha, mẹ chu cấp tiền ăn học thì khi thụ lý cơ quan Tòa án nên hòa giải, động viên cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường. “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”.

Trong cuộc sống phần lớn người dưới mười lăm tuổi không có tài sản và sự tự lập về kinh tế. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này đều không có tài sản riêng mà thực tế có nhiều trường hợp những người này đã có tài sản riêng do được hưởng thừa kế, được tặng cho tài sản. Nhưng về mặt pháp lý thì khi những người này gây thiệt hại thì cha, mẹ vẫn là những người phải bồi thường thay, chỉ trừ khi việc bồi thường còn thiếu thì mới lấy tài sản riêng của con bồi thường cho đủ. “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”. 

Theo luật Bộ luật lao động thì: Người từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể được tham gia vào quan hệ lao động để có thu nhập và có tài sản riêng có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha, mẹ quản lý và cha, mẹ hoàn toàn có quyền định    đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi này chưa đầy đủ về năng lực hành vi dân sự nên phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự; vì vậy, cha, mẹ của người từ đủ mười lăm đến dưới mười tám tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do con mình gây ra. Xem xét hai trường hợp người dưới mười lăm tuổi và người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại với trường hợp người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự thì nếu những người này có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Khoản 3 Điều 606 Bộ luật dân sự quy định :

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Xuất phát từ quy định    trên đây của Bộ luật dân sự, một vấn đề nảy sinh là: Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Vậy trong trường hợp này sẽ lấy tài sản ở đâu để bồi thường, ai là người phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo chúng tôi cần có quy định cụ thể trong trường hợp này, chẳng hạn coi đó là rủi ro và người bị thiệt hại phải gánh chịu thiệt hại.

2.3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Khi giải quyết các vụ án liên quan đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc về bồi thường thiệt hại. Dưới góc độ lý thuyết thì nguyên tắc là các tư tưởng pháp lý chỉ đạo có ý nghĩa bao trùm, xuyên suốt trong quá trình ban hành văn bản pháp luật cũng như áp dụng pháp luật các chủ thể phải tuân theo.

Điều 605 Bộ luật dân sự quy định    :

1- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định    khác.

2- Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Bộ luật dân sự 2005 đã bổ sung nguyên tắc “bồi thường một lần hoặc nhiều lần”. Việc bổ sung điều kiện này tạo cho người gây thiệt hại và người bị thiệt hại tự do thỏa thuận theo hoàn cảnh kinh tế và khả năng của mình. Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định    tại Điều 605 Bộ luật dân sự thể hiện sự công bằng hợp lý của pháp luật dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp nhân khi bị xâm phạm, đồng thời cũng thể hiện sự công bằng đối với người gây thiệt hại, đó là người gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm về mức độ lỗi mà mình gây ra.

2.3.1. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời

Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là buộc người gây thiệt hại phải bù đắp, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do đó người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị thiệt hại. Khoản 1 Điều 605  nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời quy định    : “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Theo Từ điển giải thích từ ngữ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội năm 1999 thì cụm từ: “Bồi thường thiệt hại” được hiểu là: “Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại”. Vậy hiểu thế nào là “toàn bộ” và “kịp thời”?

Theo chúng tôi thì “toàn bộ” là tất cả các phần, bộ phận của một chỉnh thể. Bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc công bằng hợp lý phù hợp mục đích cũng như chức năng khôi phục. Điều này có nghĩa cực kỳ quan trọng khi xác định    bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cứu chữa thường rất cao, trong một số trường hợp vượt quá khả năng của người bị thiệt hại. Bồi thường “kịp thời” là không chậm trễ, có thể người gây thiệt hại phải bồi thường ngay mà không cần chờ quyết định    của Tòa án. Ngành Tòa án cũng nên áp dụng triệt để nguyên tắc này khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích pháp của người bị thiệt hại một cách nhanh nhất đồng thời ngăn chặn sự dây dưa, chây ỳ không chịu bồi thường của người gây thiệt hại.

Trong trường hợp người gây thiệt hại có khả năng về kinh tế nhưng không chịu bồi thường ngay để chữa chạy cho người bị thiệt hại thì tùy từng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra quyết định    áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay cho người bị thiệt hại. Ví dụ: Một người bị thiệt hại đang được cứu chữa trong cơ sở y tế bởi hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại và có thể phải điều trị thời gian dài, nhưng người bị thiệt hại do hoàn cảnh khó khăn không thể đáp ứng ngay được. Trong trường hợp này nếu người gây thiệt hại không tự nguyện bồi thường do hành vi của mình gây ra thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay một khoản tiền cho người bị thiệt hại.

Bồi thường thiệt hại được xác định    theo nguyên tắc: người gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu (bồi thường toàn bộ thiệt hại). Thiệt hại xảy ra có thể là tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm (Điều 608; Điều 609; Điều 610 Bộ luật dân sự) tùy từng trường hợp có thể áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần (khoản 2 Điều 609; khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự); chúng ta không chấp nhận những chi phí, thiệt hại không thực tế và thiệt hại được suy diễn chủ quan.

Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời cũng đã được hướng dẫn trong Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP-TANDTC ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn xét xử phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của toàn xã hội. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời không hạn chế sự tự nguyện thỏa thuận việc bồi thường giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Đồng thời nghiêm cấm sự ép buộc thỏa thuận và việc thỏa thuận đó không trái luật, tùy theo sự thỏa thuận của các bên có thể cao hơn mức thiệt hại hoặc thấp hơn mức thiệt hại xảy ra trên thực tế. Đây cũng là đặc trưng cơ bản trong giao lưu dân sự trên cơ sở tự do ý chí, tự do cam kết thỏa thuận.

2.3.2. Giảm bồi thường thiệt hại

Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình với nguyên tắc này thì người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau:

Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại Nếu người gây thiệt hại mà do lỗi cố ý gây thiệt hại thì không được áp dụng nguyên tắc này bởi vì người gây thiệt hại chủ ý gây ra thiệt hại mà theo lỗi cố ý gây thiệt hại là người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là gây thiệt hại, thấy trước thiệt hại của hành vi đó và mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho thiệt hại xảy ra.

– Do vậy người gây thiệt hại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm do lỗi của mình về hành vi đó. Đối với lỗi cố ý thì người gây thiệt hại không được giảm mức bồi thường. Họ chỉ được giảm mức bồi thường do lỗi vô ý, còn lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ dù người gây thiệt hại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn về trước mắt và lâu dài, trừ trường hợp các bên có thỏa thận với nhau về mức bồi thường. Thực tế ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa… các Tòa án đã tuyên mức án phù hợp nhưng người gây thiệt hại vẫn không thể bồi thường do kinh tế khó khăn, nhưng vì pháp luật như vậy nên không thể áp dụng khác. Nguyên tắc này đặt ra nhằm bảo đảm phán quyết của Tòa án đưa ra được thi hành ngay và có hiệu quả, vì thực tế rất nhiều các vụ án các bản án, quyết định    của Tòa án ban hành nhưng cơ quan Thi hành án không thi hành được thì cũng không có ý nghĩa.

Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài khi mức độ thiệt hại có thể lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại. Tất nhiên, điều kiện này luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, để xác định    như thế nào là: “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” là một vấn đề khá phức tạp. Theo chúng tôi thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng trường hợp cụ thể của vụ án mà quyết định    cho thỏa đáng, tránh trường hợp giảm quá ít thì không có ý nghĩ thiết thực, và ngược lại, không nên giảm quá nhiều do lo ngại không thể thi hành án được.

Hay cụm từ “khả năng kinh tế” cũng là một vấn đề cần xác định rõ nhằm để xem xét trường hợp nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại, trường hợp nào thì không được giảm bồi thường, đồng thời cũng là để bảo vệ quyền lợi, bảo đảm tính công bằng, tránh sự gian lận, lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại. Ví dụ: A trong khi lau súng, do sơ ý không biết súng có đạn và bị cướp cò, đạn nổ trúng B làm B chết và bị thương C (B là lao động chính, nuôi dưỡng mẹ già và 2 con con nhỏ). Qua xem xét thực tế hoàn cảnh của A khó khăn, gia định    không có tài sản gì đáng giá, ngoài ra A còn phải nuôi 1 mẹ già và 4 con còn nhỏ. Vậy trong trường hợp này khi giải quyết, Tòa án phải coi sự thiệt hại mà A gây ra cho B,C là quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài và cần thiết giảm mức bồi thường cho A là thỏa đáng, còn giảm mức bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Ngoài hai điều kiện, lỗi của người bị thiệt hại cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi chúng ta xác định    mức bồi thường. Nguyên tắc này cũng là để áp dụng giảm mức bồi thường cho người gây thiệt hại trong trường hợp có lỗi của người bị thiệt hại, cũng như phân tích ở trên, vấn đề xác định    mức bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi rất phức tạp, xác định lỗi của người gây ra thiệt hại là bao nhiêu? Hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định    về vấn đề này, trong thực tiễn xét xử Tòa án thường tự ước lượng tỉ lệ % rồi quyết định , cho nên dẫn đến mức bồi thường có khoảng cách rất xa nhau. Ví dụ: Bản án số 113/2006/HSPT ngày 24/7/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh CM xét xử Nguyễn Thị Phượng về tội cố ý gây thương tích.

Nội dung vụ án như sau: Do có mâu thuẫn về điện sinh hoạt nên giữa Phượng và người bị hại Nguyễn Minh Trí xảy ra cãi chửi và thách đố nhau, Phượng đã dùng dao chém 3 nhát vào mặt và vai trái Trí, tỷ lệ thương tật 15% vĩnh viễn, Tòa án huyện PT xử sơ thẩm phạt Phượng 2 năm tù cho hưởng án treo và nhận xét có phần lỗi của bị hại. Sau khi xử sơ thẩm, anh Trí kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm không cho Phượng hưởng án treo và tăng mức bồi thường. Cấp phúc thẩm nhận định    người bị hại có lỗi nên không có căn cứ tăng mức hình phạt và mức bồi thường, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vậy mức độ lỗi của Trí ở trong vụ án này là bao nhiêu? thực tế không đơn giản. Các Tòa án khi gặp những vụ án như thế này thường chỉ xem xét và quyết định một cách tương đối và như vậy khó tránh khỏi việc sau khi tuyên án các bên sẽ kháng cáo không đồng ý cách giải quyết của cấp sơ thẩm, vì trong vụ án này còn liên quan đến hình phạt tù và mức bồi thường thiệt hại. Người gây thiệt hại thì yêu cầu giảm hình phạt và mức bồi thường người bị thiệt hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu tăng mức bồi thường. Hơn nữa điều luật chỉ định    hình chứ không định lượng, việc giảm mức bồi thường phải phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ của người gây thiệt hại mà Tòa án ra quyết định trong những trường hợp cụ thể.

2.3.3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người gây thiệt hại

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người gây thiệt hạngười bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều 605 Bộ luật dân sự, theo nội dung của nguyên tắc này thì người gây thiệt hại, người bị thiệt hại, người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án can thiệp nhằm thay đổi mức bồi thường, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Nguyên tắc này đã được các nhà làm luật dự đoán được tác động của thị trường đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Ví dụ: Người gây thiệt hại cho rằng mức bồi thường tại thời điểm là quá cao so với thời điểm xét xử nên yêu cầu cơ quan Tòa án giảm mức bồi thường hoặc ngược lại người bị thiệt hại cho rằng mức tiền bồi thường hàng tháng quá thấp không bảo đảm cho mức sinh hoạt hàng ngày nên yêu cầu cơ quan Tòa án tăng mức bồi thường. Thay đổi mức bồi thường có thể hiểu là việc tăng mức bồi thường, có thể cao hơn, có thể thấp hơn mức bồi thường thiệt hại. Hay thay đổi về thời hạn bồi thường ngắn hơn hay dài hơn mức mà trước đây các bên đã thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định    – đó là yêu cầu của người bị thiệt hại. Còn người gây thiệt hại có thể thay đổi mức bồi thường đối với người bị thiệt hại đó là trường hợp người gây ra thiệt hại vì một lý do nào đó không tiếp tục thực hiện việc bồi thường hoặc vì một lý do khách quan.

Ví dụ: Người bị thiệt hại đã bình phục hoàn toàn sức khỏe, đã tham gia lao động tích cực và thực tế đã có khoản thu nhập (việc thu nhập cao hay thấp chúng ta không quan tâm). Hoặc một trường hợp cụ thể khác: Một người bị người khác đánh vào vùng đầu gây thiệt hại về sức khỏe 44%, ngoài trách nhiệm hình sự người gây thiệt hại phải chịu, Tòa án buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại tổng cộng các khoản 5.000.000 đồng, sau một thời gian người bị thiệt hại bị tái phát vết thương, bị liệt nên không tham gia học tập, công tác, lao động… và cần có một người chăm sóc. Trong trường hợp này người bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền về sức khỏe bị giảm sút, bị mất đi và một khoản theo luật cho một người chăm sóc người bị thiệt hại. Ngược lại người gây thiệt hại cũng có quyền này khi cho rằng thiệt hại mà Tòa án buộc họ phải bồi thường cho người bị thiệt hại không còn cần thiết và điều kiện của họ không có khả năng tiếp tục bồi thường. Dù thay đổi mức bồi thường theo hướng nào đi chăng nữa thì vấn đề mấu chốt vẫn là bảo đảm cho sự công bằng, hợp lý cho những người yêu cầu.

Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định    : “Phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần”. Vậy việc thay đổi mức bồi thường thì chúng ta chỉ áp dụng đối với phương thức bồi thường nhiều lần còn đối với phương thức bồi thường một lần thì không áp dụng, bởi lẽ người gây thiệt hại đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và nghĩa vụ bồi thường đã chấm dứt. Như vậy, nếu có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phát sinh đối với phương thức bồi thường thiệt hại một lần thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu này.

2.4. Hình thức bồi thường và mức bồi thường

2.4.1. Hình thức bồi thường thiệt hại

Hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là cách thức thực hiện nghĩa vụ của bên gây thiệt hại đối với bên bị thiệt hại. Trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hình thức bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận hoặc pháp luật quy định . Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định    : “…các bên có thể thỏa thuận về hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định    khác”.

Đối với những thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm thì hình thức bồi thường mà Tòa án thường áp dụng là bồi thường bằng tiền do tính chất đặc biệt của loại thiệt hại này. Các khoản tiền chi phí hợp lý mà người bị thiệt hại và gia định    của họ đã bỏ ra khi điều trị tại cơ sở y tế sẽ được tính thành một khoản tiền cụ thể. Các bên có thể thỏa thuận “phương thức bồi thường một lần” hoặc “phương thức bồi thường nhiều lần” tùy theo từng điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cụ thể.

Theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải bồi thường cho người thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Khoản tiền cấp dưỡng cho những người thân thích gần gũi của người bị thiệt hại mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng phải được thực hiện hàng tháng. Đối với các khoản tiền chi phí hợp lý, thu nhập bị mất đi, thu nhập bị giảm sút cho người chăm sóc người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động cũng phải được bồi thường hàng tháng.

Vậy trong trường hợp người gây thiệt hại và người bị thiệt hại, những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng không ở cùng địa phương, thì việc cấp dưỡng có nên áp dụng hình thức cấp dưỡng hàng tháng hay áp dụng hình thức cấp dưỡng một lần? Theo chúng tôi là đối với trường hợp này thì Tòa án nên áp dụng hình thức cấp dưỡng một lần thì có tính khả thi hơn.

Ví dụ: Bản án số 12/2006/HSST ngày 20/2/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh LC xét xử Sừn Văn Đoàn về tội giết người. Nội dung vụ án: Đoàn vay anh Nghị 100.000 đồng do đòi nhiều lần Đoàn không có tiền để trả, Đoàn nảy sinh ý định    giết anh Nghị. Đoàn dùng cây rìu chém anh Nghị nhiều nhát vào đầu, cổ làm anh Nghị chết tại chỗ, Đoàn kéo xác anh Nghị lăn xuống thác nước. Ngoài phần quyết định    hình phạt, về trách nhiệm dân sự: Tòa án nhân dân tỉnh LC buộc Đoàn phải bồi thường cho chị Vùi Thị Lần – Người đại diện hợp pháp của bị hại: 55.500.000 đồng, trong đó có số tiền: 20.000.000 đồng là tiền cấp dưỡng 1 lần cho 2 cháu là con anh Nghị, cháu lớn sinh năm 1994, cháu nhỏ sinh năm 1997.

Điều 417 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định    : “Người có nghĩa vụ phải bồi thường bằng tiền”. Trong các hình thức bồi thường thiệt hại, ngoài việc bồi thường bằng tiền còn có nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu. Bộ luật dân sự Đức thì áp dụng nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu. Bộ luật dân sự không quy định    rõ như Bộ luật dân sự Nhật Bản nên không rõ là có áp dụng nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu hay không nhưng đa số các học thuyết thì chủ trương áp dụng nguyên tắc bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trong đó án lệ và học thuyết thừa nhận sự khôi phục tình trạng ban đầu.

2.4.2. Mức bồi thường thiệt hại

Khi áp dụng các quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại, cần phải xem xét thực tế và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quyết định : mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại, khả năng kinh tế thực tế của người gây thiệt hại để Tòa án quan tâm xem có nên giảm mức bồi thường hay giữ nguyên mức bồi thường, như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mới được bảo đảm tuyệt đối. Người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi cố ý mà mình gây ra, còn nếu vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài thì có thể được giảm mức bồi thường hoặc có thể chỉ phải bồi thường thấp hơn mức thiệt hại hoặc người bị thiệt hại cũng có lỗi.

Việc xét mức bồi thường thiệt hại như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn đến, đó là khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các đương sự có quyền làm đơn yêu cầu thay đổi mức bồi thường. Thông thường những khoản mà đương sự đưa ra đề nghị được thay đổi là thu nhập bị mất, thu nhập bị giảm sút, tiền cấp dưỡng. Trong luật dân sự thì tiền cấp dưỡng là khoản tiền kéo dài theo thời gian (có trường hợp cho đến khi trưởng thành, có trường hợp cho đến khi chết) cho nên không thể tính toán được chính xác trong một thời gian dài như vậy được, trường hợp yêu cầu thay đổi mức bồi thường có thể xảy ra do yêu cầu của người gây thiệt hại, có thể do yêu cầu của người bị thiệt hại.

Đối với trường hợp người gây thiệt hại vì một lý do khách quan họ có thể có thu nhập cao hơn thời điểm xét xử hoặc họ có thể được thừa kế tài sản… nên người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại đền bù một khoản tương xứng với hậu quả đã gây ra. Ngược lại, nếu người gây thiệt hại lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải nuôi dưỡng bố, mẹ già, con nhỏ dại… họ có quyền yêu cầu được giảm mức bồi thường để vừa có khả năng chấp hành bản án vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia định .

Đối với người bị thiệt hại có thể bản thân họ hay phía gia định    họ có nguồn thu nhập cao trong khi đó thì người phải cấp dưỡng khó khăn hoặc mức cấp dưỡng không còn phù hợp với thực tế vì thế mà không bảo đảm cho người được cấp dưỡng một mức sống tối thiểu.

2.5. Xác định thiệt hại trong trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm

2.5.1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Điều 609 Bộ luật dân sự quy định    :

1- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định    và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
  • Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định    .

* Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định    : “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe…”

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người thiệt hại đi cấp cứu, tiền vé tàu xe thậm chí cả vé máy bay (nếu cần thiết) đi lại cứu chữa tại các cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế phục vụ cho việc cấp cứu, chi phí chiếu chụp Xquang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định    của bác sĩ điều trị. Tiền viện phí, tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng, tiền

chăm sóc phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống, khắc phục thẩm mỹ, chi phí cho việc cấy ghép bộ phận cơ thể bị mất, chi phí giải phẫu về mặt thẩm mỹ do bị bỏng biến dạng cơ thể… để hỗ trợ thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có). 

Trong trường hợp, ở những địa phương vùng sâu vùng xa, do phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu bằng xe máy, xe ngựa…, khi thuê các phương tiện này không thể có hóa đơn, chứng từ, nhưng mặc dầu vậy nếu người bị hại đưa ra chứng cứ chứng minh yêu cầu này thì đây phải được coi là chi phí hợp lý. Hay hiện nay nước ta có nhiều cơ sở y tế tư nhân hoạt động, khi người bị thiệt hại được đưa vào những cơ sở này cấp cứu, điều trị thì cũng cần phải buộc người gây thiệt hại bồi thường những chi phí cần thiết cho việc cấp cứu, điều trị của người bị thiệt hại tại các cơ sở đó. Ngược lại, có những chi phí mà cơ sở y tế ở địa phương có đủ điều kiện cấp cứu, chữa trị không cần thiết phải đưa đi cấp cứu, chữa trị ở những cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên nhưng người bị thiệt hại lại yêu cầu, thì những chi phí này phải được coi là chi phí không hợp lý. Ngoài ra còn có những chi phí mà người bị thiệt hại yêu cầu vượt quá hoặc không liên quan đến việc chữa trị thương tích thì cũng không được bồi thường.

Ví dụ một người bị gãy chân nếu chữa trị ở trong nước thì chỉ tốn khoảng 6-7 triệu đồng, nhưng người bị thiệt hại yêu cầu phải được đưa ra nước ngoài điều trị với chi phí lên đến hàng ngàn đôla, thì những chi phí này không thể coi là hợp lý.

* Thu nhập thực tế bị giảm sút là phần thu nhập tương ứng với thu nhập của người bị thiệt hại trước khi sức khỏe bị xâm phạm mà người bị thiệt hại không thu nhập được. Phần thu nhập thực tế bị giảm sút là phần chênh lệch giữa thu nhập trước và sau khi sức khỏe bị xâm phạm. Nếu người bị thiệt hại có việc làm nhưng không ổn định    thì có thể tính các khoản thu nhập bị giảm sút như sau: Ví dụ, trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập 30.000 đồng/ngày; sau khi sức khỏe bị xâm phạm họ chỉ thu nhập được 20.000 đồng/ngày. Vậy người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường số tiền chênh lệch là 10.000đồng/ngày.

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế nhưng do sức khỏe họ phải đi điều trị và do đó không có được khoản thu nhập đó. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định  và không thể xác định    được thì áp dụng mức trung bình của lao động cùng loại ở từng địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định    thu nhập thực tế của người bị thiệt hại gặp khó khăn, bởi vì việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các bên rất khác nhau và một thực tế nữa là việc quản lý thu nhập công dân của nước ta chưa được chặt chẽ, phần nào khó khăn cho công tác xét xử và giải quyết loại án này. Cần phải xem xét người bị thiệt hại sau khi điều trị về nhà thì khả năng lao động của họ có còn hay không, nếu còn thì cần xác minh thu nhập hàng tháng sau đó đối chiếu với thu nhập của họ trước khi sức khỏe bị xâm phạm để xác định    thu nhập bị giảm sút.

Trên thực tế, khi tính thời gian hưởng thu nhập thực tế và thu nhập bị giảm sút cũng có nhiều quan điểm khác nhau nên dẫn đến cách tính khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ tính thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút trong thời gian người bị thiệt hại nằm điều trị để phục hồi sức khỏe. Quan điểm thứ hai thì cho rằng: Thu nhập thực tế bị mất và bị giảm sút tính từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi người bị thiệt hại chết, ý kiến này căn cứ vào khoản 1 Điều 612 Bộ luật dân sự: “Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến chết”.

Theo chúng tôi thì thời gian hưởng thu nhập thực tế được tính theo hai cách sau:

– Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì thời hạn bồi thường thiệt hại được tính từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi người thiệt hại chết (áp dụng theo khoản 1 Điều 612 Bộ luật dân sự).

– Trường hợp người bị thiệt hại không mất hoàn toàn khả năng lao động thì thời điểm tính bồi thường thiệt hại từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi thu nhập được khôi phục bằng thu nhập trước khi bị thiệt hại. Trong thực tiễn, các Tòa án thường quyết định    buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản tiền và đều được các bên chấp nhận.

* Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thông thường chỉ chi phí cho một người, trường hợp đặc biệt không quá hai người (nạn nhân nằm một chỗ, bị hôn mê sâu, liệt dây thần kinh… phải có người trực tiếp theo dõi thường xuyên). Nếu người bị thiệt hại về sức khỏe bị giảm sút thiệt hại từ 81% trở lên thì người gây thiệt hại phải chịu chi phí cho người cấp dưỡng người bị thiệt hại cho đến khi người bị thiệt hại chết. Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do người chăm sóc phải nghỉ việc để chăm sóc người bị thiệt hại.

Nếu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động (bị liệt, bị chấn thương não mất trí nhớ…) và cần có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản tiền cấp dưỡng cho những người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Chi phí hợp lý và khoản thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị theo chúng tôi thì đó là những khoản chi phí bù đắp cho người chăm sóc người bị thiệt hại do họ phải nghỉ không làm việc, sản xuất, lao động… để dành thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, ngoài ra còn các khoản khác như: tiền tàu xe, tiền thuê nhà nghỉ (theo giá trung bình ở địa phương đó)…mà nếu như không phải chăm sóc người bị thiệt hại thì họ không phải chi.

Theo chúng tôi thì chỉ nên coi những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải cấp dưỡng và thực tế họ đang được cấp dưỡng là người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng cần căn cứ vào mức thu nhập của người bị thiệt hại và thực tế người đó cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng trước khi bị thiệt hại để quyết định    . Ví dụ: A gây thương tích cho B làm B chết, B nghiện ma túy thường xuyên về nhà gây sức ép với bố, mẹ lấy tiền hút, chích ma túy. Vậy trong trường hợp này A không phải bồi thường thiệt hại về khoản tiền cấp dưỡng (phải là người đang trực tiếp thực hiện việc cấp dưỡng).

* Người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

Để đưa ra một mức bồi thường về thiệt hại tinh thần theo chúng tôi nên căn cứ vào những điểm sau:

Nếu sức khỏe của người bị thiệt hại là trầm trọng, cố tật nặng, tàn phế… thì phải coi đây là trường hợp người bị thiệt hại và gia định    họ phải gánh chịu đau thương mất mát lớn về tinh thần vì vậy khoản tiền bù đắp về tinh thần là phải tương đối cao mới hợp lý.

Ngoài ra còn phải tính đến hoàn cảnh gia định    (là con độc nhất, là lao động chính), điều kiện kinh tế của người bị thiệt hại và độ tuổi, vị trí, khả năng của họ trong gia định    , đặc biệt là tác hại của vết thương trên cơ thể, là người chưa thành niên, chưa có gia định mà bị gây thương tích xấu xí diện mạo thì phải quyết định    một khoản tiền cho thỏa đáng.

Ví dụ: Bản án số 105/2006/HSST ngày 21/6/2006 của Tòa án tỉnh CM nội dung vụ án: Do mâu thuẫn khi chơi bida, Lê Hoàng Đ đã dùng gậy chọc bida đập nhiều phát vào đầu của Trần Đức T, làm T bị thương nặng, tỷ lệ thương tích 45% vĩnh viễn. Ngoài việc Đ phải chịu trách nhiệm hình sự, gia định    Đ đã tự nguyện bồi thường tiền cứu chữa cho người bị hại. Người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Tòa án tỉnh CM đã chấp nhận và buộc Lê Hoàng Đ phải bồi thường cho người bị hại tiền bù đắp tổn thất về tinh thần: 8.000.000 đồng.

2.5.2. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Điều 610 Bộ luật dân sự quy định    :

1- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2.- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định    tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nêu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định. Như vậy, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

* Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

Những chi phí hợp lý có thể chấp nhận đó là những chi phí chỉ đặt ra trong trường hợp người bị thiệt hại sau khi bị người gây thiệt hại xâm phạm đến thân thể nhưng chưa bị chết ngay vì vậy khoản thiệt hại này rất cần thiết trong việc xác định    thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Những khoản chi phí cứu chữa người bị thiệt hại trước khi chết xác định giống như chi phí cứu chữa người bị thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm (xem thêm Mục 2.5.1).

* Chi phí hợp lý cho việc mai táng

Theo Nghị quyết 03/ HĐTP-TANDTC ngày 8/7/2006 thì các khoản:

Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: Tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi phí khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…Như vậy Tòa án chỉ buộc người gây thiệt hại bồi thường những khoản đã liệt kê ở trên, thực tế nhiều vụ án gia định    người bị thiệt hại gây áp lực với Tòa án và người gây thiệt hại bằng cách là: đeo khăn tang và mang ảnh nạn nhân đến Tòa án khi xét xử và thường đưa ra rất nhiều khoản bất hợp lý nhằm buộc người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Có vụ án khi xét xử Thẩm phán không nghiên cứu kỹ nghị quyết và căn cứ vào nội dung Nghị quyết hướng dẫn mà tùy tiện quyết định    theo cảm tính, các khoản tiền chi phí, bồi thường quá cao so với mức bình quân thu nhập đầu người ở địa phương. Chấp nhận cả những khoản tiền mà theo luật không được chấp nhận, dẫn đến bản án không có tính khả thi, không mang tính thuyết phục cho dù vụ án này được xét xử lưu động ở địa phương nơi xảy ra việc phạm tội nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Ví dụ: Bản án số 76/HSST ngày 14/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh LC xét xử bị cáo Nguyễn Việt Hùng về tội “Giết người”. Nội dung vụ án: Do có mâu thuẫn từ việc vay nợ tiền từ trước với vợ chồng anh Nguyễn Duy Ngọc và chị Nguyễn Thị Hằng, Hùng đã dùng dao phát dài 90cm (loại dao phát cỏ) chém anh Ngọc 4 nhát chết tại chỗ, chị Hằng đang nằm trên giường cùng con trai 3 tuổi xem tivi, Hùng chém chị Hằng đứt rời bàn chân phải, 1/3 chân trái, 1/3 cẳng tay phải và nhiều vết thương khác trên người, khi đang chém tiếp thì mũi dao cắm vào giường và gẫy cán không chém được nữa.

Phần trách nhiệm dân sự, Tòa án quyết định    :

Buộc bị cáo bồi thường cho bà Phạm Thị Lý (mẹ anh Ngọc) tiền mai táng phí và làm 3 ngày: 5.000.000 đồng; tiền 49 ngày, 100 ngày giỗ đầu: 1.500.000 đồng. Tiền cải táng xây mộ: 3.000.000 đồng. Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần: 10.000.000 đồng.

Bồi thường cho chị Đỗ Thị Hằng:

Tiền viện phí: 3.500.000 đồng.

Tiền sàng lọc máu: 530.000 đồng.

Tiền mua máu và các loại vật tư y tế để cấp cứu: 5.370.000 đồng.

Tiền thu nhập bị mất (từ lúc cấp cứu cho đến khi xét xử là 100 ngày x 25.000 đồng = 2.500.000 đồng.

Tiền công chăm sóc: 45 ngày x 2 người x 20.000 đồng = 1.800.000 đồng. 55 ngày x 1 người x 20.000 đồng = 1.100.000 đồng.

Chi phí cấp cứu, tiền tàu xe thăm nom của gia định    : 1.000.000 đồng.

Tiền bồi dưỡng cho chị Hằng: 1.000.000 đồng.

Tiền tổn thất về tinh thần: 15.000.000 đồng.

Tiền cấp dưỡng cho bà Phạm Thị Lý 66 tuổi, đã hết tuổi lao động mức: 200.000đồng/tháng cho đến khi bà Lý chết.

Cấp dưỡng và chi phí chăm sóc cho chị Hằng mức: 500.000 đồng/tháng cho đến khi chị Hằng chết.

Cấp dưỡng cho 2 cháu con chị Hằng mỗi cháu: 200.000 đồng cho tới khi cháu đủ 18 tuổi.

Qua vụ án nêu trên, khoản tiền làm 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày và giỗ đầu rõ ràng là không hợp lý vì theo Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP, tại tiểu mục 2.2- mục 2- phần 2 quy định    “…không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng lễ, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…”. Theo chúng tôi thì do nước ta có nhiều dân tộc cùng chung sống và mỗi một dân tộc có phong tục tập quán khác nhau nên việc giải quyết vấn đề mai táng là không đơn giản, về chi phí hợp lý cho việc mai táng ngoài những khoản quy định    trong Nghị quyết 03/ NQ-HĐTP nên chấp nhận những khoản sau:

Chi phí bảo quản xác, vệ sinh xác trước khi chôn cất.

Chi phí cho việc thuê khâm liệm.

Chi phí thuê khắc bia, tiền chụp và phóng ảnh thờ.

Chi phí cho những người đào huyệt.

Tiền mua đất để chôn người chết (nếu có).

Tiền xây mộ (nơi không có tục cải táng).

* Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ những người mà khi còn sống người bị thiệt hại thực tế cấp dưỡng, nuôi nấng thì mới được xem xét vấn đề cấp dưỡng, thông thường đó là những người thân thích gần gũi với người bị thiệt hại. Theo Nghị quyết 03/NQ-HĐTP thì những người sau đây được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng:

Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;

Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo quan điểm của chúng tôi, thì tùy từng trường hợp mà Tòa án buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho những người thân thích một khoản tiền cấp dưỡng với mức thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đó.

* Khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần

Không phải trong mọi trường hợp người bị thiệt hại phải bồi thường khoản tiền về tổn thất về tinh thần và tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng mức bồi thường cao hay thấp. Khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự quy định : “…mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định    “. Điều luật chỉ quy định bồi thường mức tối đa không quy định mức khởi điểm bồi thường là bao nhiêu. Theo chúng tôi thì để quyết định trường hợp nào phải bồi thường tổn thất tinh thần thì có thể dựa trên một vài căn cứ như sau:

Khoản bồi thường tổn thất về tinh thần dựa trên lứa tuổi của người bị thiệt hại, chẳng hạn việc bồi thường tổn thất về tinh thần do việc gây thương tích ở vùng mặt cho một người trẻ rõ ràng phải hơn khoản bồi thường này cho một người già.

Khoản bồi thường tổn thất về tinh thần cũng có thể dựa trên mối quan hệ thực tế trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại với những người thân thích, ruột thịt của người bị thiệt hại, chẳng hạn việc bồi thường tổn thất tinh thần này cho gia định người bị hại mà người bị hại là con duy nhất trong gia định phải cao hơn trường hợp người thiệt hại là con trong một gia định đông anh em….Về mức bồi thường cần phải căn cứ vào quan hệ của người bị thiệt hại với người thân thích, ruột thịt của người bị thiệt hại và vị trí của người thiệt hại trong cuộc sống tinh thần của những người thân thích, ruột thịt của người bị thiệt hại, theo tinh thần của điều luật thì bồi thường tổn thất về tinh thần phải được quyết định một lần và ấn định một mức cụ thể trong bản án. Điều cần thiết là nên có một văn bản quy phạm pháp luật quy định mức tối thiểu đối với khoản tiền tổn thất về tinh thần là phù hợp với thực tế.

3. Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Lê Mai Anh (1997), Những vấn đề cơ bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luận văn thạc sĩ luật Học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  2. Bình luận Bộ luật dân sự Nhật Bản (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931.
  4. Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936.
  5. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Bộ luật Nam Kỳ giản yếu 1883.
  7. Bộ Tư pháp (2002), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia định    năm 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Dân luật Việt Nam – Nghĩa vụ (1973), Sài Gòn.
  9. Trần Thị Thu Hiền (1996), Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  10. Dương Quỳnh Hoa (2006), “Xác định    thiệt hại trong bồi thường thiệt hai do tính mạng bị xâm phạm”, Nhà nước và pháp luật, (3).
  11. Hoàng Việt luật lệ (1995), Nxb Văn hóa thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh.
  12. Lê Thị Bích Lan (1999), Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  13. Vũ Thành Long (1999), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm”, Tòa án nhân dân, (8).
  14. Nguyễn Đức Mai (1997), “Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”, Nhà nước và pháp luật, (9).
  15. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam dân luật lược khảo, Sài Gòn.
  16. Vũ Văn Mẫu (1972), Bộ Dân luật, Sài gòn.
  17. Nhà pháp luật Việt – Pháp (2006), Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp, Hà Nội.
  18. Quốc hội (1995), Bộ luật dân sự, Hà Nội.
  19. Quốc hội (1999), Bộ luật hình sự, Hà Nội.
  20. Quốc hội (2000), Luật Hôn nhân và gia định    , Hà Nội.
  21. Quốc hội (2002), Bộ luật lao động, Hà Nội.
  22. Quốc hội (2003), Bộ luật dân sự, Hà Nội.
  23. Quốc triều Hình luật (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  24. Sổ tay thuật ngữ pháp lý thông dụng (1996), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  25.  Phùng Trung Tập (2005), “Cần bổ sung một số quy định    trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Dân chủ và pháp luật, (4).
  26. Thanh Thủy (2004), “Xác định    thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định    của Bộ luật dân sự”, Tòa án nhân dân, (10).
  27. Tòa án nhân dân tối cao (2003), Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2002, Hà Nội.
  28. Tòa án nhân dân tối cao (2004), Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2003, Hà Nội.
  29.   Tòa án nhân dân tối cao (2004), Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định    của Bộ luật dân sự năm 1995 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Hà Nội.
  30. Tòa án nhân dân tối cao (2005), Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2004, Hà Nội.
  31. Tòa án nhân dân tối cao (2006), Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2005, Hà Nội
  32. Tòa án nhân dân tối cao (2006), Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định     của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Hà Nội.
  33. Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình Luật dân sự, Hà Nội.
  34. Từ điển luật học (2006), Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  35.  Thanh Tú (2003), “Cơ sở pháp lý của việc xác định      thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”, Dân chủ và pháp luật, (4).
  36. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (1996), Bộ luật dân sự Cộng hòa Liên bang Đức năm 1896, Tài liệu dịch tham khảo, Hà Nội.
  37. Quách Thành Vinh (2004), “Một số nhận xét và chú ý đối với việc bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm”, Tòa án nhân dân, (11).
  38. Văn Xuân (1996), “Một số vấn đề bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe”, Dân chủ và pháp luật, (11).

 

The post Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm appeared first on Luận văn 1080.

No comments:

Post a Comment