Thursday, October 11, 2018

Các chỉ tiêu định lượng đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp

Nhóm các chỉ tiêu định lượng

Các cổ đông bầu ra hội đồng quản trị, hội đồng quản trị bầu ra Ban giám đốc. Ban giám đốc điều hành doanh nghiệp nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông, các quyết định điều hành doanh nghiệp của họ buộc phải thực hiện phù hợp với việc tối đa hóa giá trị cho các cổ đông. Chỉ tiêu đầu tiên sử dụng để đo lường hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp chính là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.

Tỷ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE):

ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu bình quân sử dụng trong kỳ

Tỷ số này phản ánh khả năng sinh lời của mỗi đồng vốn chủ sở hữu bình quân sử dụng trong kỳ và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, khi họ quyết định bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Tăng ROE là một mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp tất cả các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính: Doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu ROE mới chỉ phản ánh năng lực sinh lời của mỗi đồng vốn chủ sở hữu sử dụng trong kỳ. Tuy nhiên, điều mà các cổ đông phổ thông (chiếm phần lớn số lượng trong công ty cổ phần) quan tâm chưa dừng lại ở đó, họ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu giá trị từ mỗi cổ phần phổ thông mà họ nắm giữ sau khi đã sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức cho các cổ đông ưu đãi. Nhằm phản ánh khả năng này, bài viết sử dụng chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần phổ thông hay cổ phần thường.

Thu nhập một cổ phần thường (EPS):

EPS = Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức trả cho cổ đông ưu đãi/Tổng số cổ phần thường đang lưu hành

EPS phản ánh mức độ sinh lời của mỗi một cổ phần phổ thông nói chung. Các nhà đầu tư thường dùng mức doanh lợi mỗi cổ phần để làm tiêu chuẩn quan trọng đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói chung, chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ lợi nhuận có thể được chia cho mỗi cổ phần càng nhiều, hiệu quả đầu tư của cổ đông lại càng tốt. Mục tiêu quan trọng này cũng là điều mà các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp luôn hướng tới.

Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến EPS, vì đây là khả năng thu nhập có thể nhận được, nếu quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Chỉ số EPS càng cao chứng tỏ khả năng thu nhập trên mỗi cổ phần thường càng lớn. Đó là mục tiêu hướng tới của nhà quản trị tài chính nhằm tăng mức độ cạnh tranh cũng như tác động tốt tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Đồng thời, EPS là cơ sở để quyết định mức chia cổ tức cho mỗi cổ phần thường.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà các cổ đông phổ thông quan tâm không kém chính là cổ tức thực tế chia cho mỗi cổ phần thường hàng năm. Nhằm phản ánh cụ thể về vấn đề này, bài viết sử dụng chỉ tiêu cổ tức một cổ phần thường.

Cổ tức một cổ phần thường (DPS):

DPS = Lợi nhuận sau thuế dành trả cổ tức cho cổ đông thường/Tổng số cổ phần thường đang lưu hành

Để có được ROE và EPS cao, các nhà quản trị tài chính buộc phải giảm số cổ phần thường đang lưu hành, hoặc tăng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông thường; hoặc đồng thời áp dụng cả hai hình thức trên, nhưng tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế phải cao hơn so với tốc độ tăng của số lượng cổ phần thường.

Tóm lại, nếu tốc độ gia tăng của lợi nhuận sau thuế cao hơn so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu và số cổ phần thường đang lưu hành bình quân thì cả ROE và EPS đều tăng và hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp được cải thiện.

Năng lực sinh lời là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Vì các cổ đông thu lợi đầu tư là thông qua cổ tức, mà nguồn gốc của cổ tức lại lấy từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với công ty có tham gia thị trường chứng khoán thì có sự tăng trưởng của lợi nhuận sẽ gia tăng lợi nhuận cho các cổ đông, vì giá cổ phiếu trên thị trường tăng lên. Năng lực sinh lời của doanh nghiệp cũng quan trọng đối với các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp, vì nó là những chỉ tiêu để đánh giá thành tích hiệu quả quản trị tài chính của họ.

Hơn nữa, lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu tuyệt đối nên để đo lường hiệu quả quản trị tài chính trong năm, cần có sự so sánh lợi nhuận sau thuế với doanh thu để xem xét biên lợi nhuận, với tài sản bình quân để xem hiệu quả sử dụng tài sản vào kinh doanh trong kỳ.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS):

ROS = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần trong kỳ

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng quản lý và tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành nghề kinh doanh và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa (xây dựng thương hiệu riêng) thường có hệ số ROS cao. doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc dẫn đầu về giá với chi phí thấp thường có hệ số ROS thấp, còn với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành thì việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm kinh doanh sẽ làm cho ROS thay đổi. Chỉ tiêu này còn được gọi theo các tên khác như: Biên lợi nhuận ròng, hệ số lãi ròng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA):

ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân sử dụng trong kỳ

Tỷ số này đo lường khả năng sinh lợi của một đồng tài sản của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là tỷ số này phản ánh năng lực sinh lợi của doanh nghiệp khi sử dụng toàn bộ các nguồn lực của mình.

Cơ sở để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh là phải có tài sản nhất định, đồng thời các hình thái của tài sản cũng phải được bố trí hợp lý để các tài sản có thể được sử dụng một cách có hiệu quả. Trong một thời kỳ nhất định, nếu doanh nghiệp chiếm hữu và hao phí ít tài sản, mà lợi nhuận thu được càng nhiều thì năng lực sinh lợi của tài sản là ước lượng việc vận dụng có hiệu quả các tài sản và là một phương thức phản ánh hiệu quả đầu tư về tổng thể.

Những người quản lý doanh nghiệp thường quan tâm tới năng lực sinh lợi của tài sản có cao hơn mức lợi nhuận bình quân của tài sản xã hội và cao hơn mức lợi nhuận tài sản trong ngành hay không? Trong một thời kỳ nhất định, do đặc điểm kinh doanh và các nhân tố hạn chế khác nhau, năng lực sinh lợi của các ngành nghề khác nhau cũng sẽ khác nhau: Có ngành sinh lợi cao và có ngành sinh lợi thấp.

Tuy nhiên, ROA đã tính đến ảnh hưởng của yếu tố lãi vay và thuế tài chính doanh nghiệp. Mặc dù lợi nhuận sau thuế mới là vấn đề mà doanh nghiệp nhận được nhưng cũng cần xem xét đến mức sinh lời danh nghĩa của tài sản mà doanh nghiệp sử dụng, từ đó tiếp tục so sánh để thấy ảnh hưởng của lãi vay đến hiệu quả quản trị tài chính của doanh nghiệp.

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP):

BEP = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế/Tổng tài sản (hay vốn kinh doanh) bình quân

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của tài sản hay vốn kinh doanh mà không tính đến ảnh hưởng của lãi vay (nguồn gốc vốn kinh doanh) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong điều kiện thuế thu nhập doanh nghiệp không đổi, thì BEP có tác dụng rất lớn trong việc xem xét mối quan hệ với lãi suất vay vốn để đánh giá việc sử dụng vốn vay tác động thế nào đến khả năng sinh lời của tài sản nói chung và của vốn chủ sở hữu nói riêng.

Giá trị sổ sách trên một cổ phần (BV):

Giá trị ghi sổ cho biết, giá trị tài sản của doanh nghiệp còn lại bao nhiêu nếu ngay lập tức rút lui khỏi kinh doanh. Giá trị ghi sổ là một thước đo khá chính xác giá trị của doanh nghiệp, yếu tố không biến đổi quá nhanh, tương đối ổn định, nên nó là số liệu thích hợp để phân tích cho các nhà đầu tư, tức là mua cổ phiếu đúng giá trị để hưởng cổ tức hàng năm hơn là cho các nhà đầu cơ, người mua cổ phiếu rồi bán đi để hưởng chênh lệch về giá.

Để đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp ngoài những chỉ tiêu định lượng (có thể lượng hóa bằng tiền được), còn kết hợp sử dụng các chỉ tiêu định tính (không thể lượng hóa bằng tiền được). Điều này sẽ giúp cho việc đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp được chính xác và toàn diện hơn.

Xem thêm:

The post Các chỉ tiêu định lượng đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp appeared first on Luận văn 1080.



from Luận văn 1080 https://ift.tt/2yxgoPO
via gqrds

No comments:

Post a Comment