Mỗi bước trong quy trình viết tiểu luận đều quan trọng. Tuy nhiên một số sinh viên không có sự chuẩn bị đầy đủ cho các bước phân tích câu hỏi, lên kế hoạch và biên tập, có lẽ một phần do thời gian dành cho bài tập là không đủ. Việc phân tích câu hỏi một cách sơ sài vẫn có thể tạo nên một bài luận với cách viết rất chỉnh chu, tuy nhiên không trả lời câu hỏi đặt ra hoặc không bám sát chủ đề. Việc lên kế hoạch một cách qua loa thường dẫn đến một bài luận có cấu trúc không chặt chẽ và gây khó khăn cho người đọc trong việc theo dõi. Thất bại trong việc biên tập bài luận có thể làm cho bài viết có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc chấm câu.
Bước 1: Phân tích câu hỏi – Quy trình viết tiểu luận đầu tiên
Có một số câu hỏi mà bản thân nó đã chỉ ra nội dung và cấu trúc của một bài tiểu luận. Đó thường là một câu hỏi dài, vì vậy đừng ái ngại khi bạn gặp phải một câu hỏi khá dài. Tuy nhiên, một số câu hỏi khác đòi hỏi bạn phải phân tích câu hỏi trước để xác định hướng yêu cầu và mức độ phân tích cần thiết. Khi gặp dạng câu hỏi này tìm ra những từ khóa trong câu hỏi sẽ giúp bạn trả lời tốt.
1. Tìm những từ có tính nội dung (content words) giúp chỉ ra bạn cần phải nghiên cứu cái gì; có nghĩa là bạn sẽ được kỳ vọng viết về cái gì. Chú ý đến những từ chỉ ra:
– Chủ đề chung – General topic (thường chỉ ra cho bạn một câu mở đầu thặt đắc cho phần giới thiệu) và
– Trọng tâm của câu hỏi – focus of the question (là điều mà giảng viên muốn bạn trả lời cụ thể)
2. Lưu ý đến những từ chỉ ra công việc phải làm, hay có tính hướng dẫn. Thông qua đó bạn sẽ biết mình phải tiếp cận câu hỏi như thế nào.
Những từ chỉ ra nhiệm vụ phải làm (task words) rất quan trọng bởi vì chúng xác định mức độ phân tích hoặc suy nghĩ cần phải có. Ở mức cơ bản những từ chỉ ra nhiệm vụ cần phải làm như so sánh, đối chiếu, phân tích và đánh giá khá phổ biến và đòi hỏi bạn phải trình bày những gì mình suy nghĩ về bài nghiên cứu chứ không chỉ mô tả lại những gì bạn tìm được. Những từ như mô tả, giải thích, và tóm tắt thường đi kèm với những câu hỏi ngắn. Phổ biến hơn ở cấp độ này là việc trình bày quan điểm của bạn. Nói cách khác,bạn sẽ phải tranh luận, sử dụng những nhận định của mình với các bằng chứng, thảo luận và lý lẽ hợp lý. Bạn có thể tìm thấy một danh sách mở rộng dưới đây bao gồm các từ chỉ ra nhiệm vụ phải làm và ý nghĩa của những từ này.
3. Cuối cùng, hãy lưu ý bất kỳ giới hạn nào mà sẽ giúp bạn đọc vừa đủ với thời gian và số từ cho phép. Ví dụ, câu hỏi có thể yêu cầu bạn phải giới hạn phần trả lời của mình trong cụm từ “bối cảnh nước Úc”, “tội ác ở vùng nông thôn Úc” hoặc ‘các sự kiện sau năm 1900’
Bước 2. Nghiên cứu – Quy trình viết tiểu luận thứ 2
Sau khi bạn đã phân tích và hiểu được câu hỏi nằm trong bài tập, bạn có thể lên kế hoạch bằng cách động não, có nghĩa là, ghi lại những ý tưởng mà bạn có. Việc phân tích khái niệm sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn động não. Một kế hoạch sơ khởi sẽ hỗ trợ bạn trong việc đọc và ghi lại những điểm chính. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải nghiên cứu câu hỏi cụ thể hơn trước khi bạn có thể đi xa hơn.
Bạn được yêu cầu phải đọc nhiều hơn. Một số tóm tắt của môn học sẽ cho bạn biết bạn phải đọc bao nhiêu và đọc cái gì. Yêu cầu đọc cũng khác nhau đối với các chủ đề và môn học khác nhau. Một số chủ đề có thể yêu cầu phân tích một số bài viết đã đọc thật cụ thể, nhưng hiếm khi chỉ yêu cầu bạn đọc một hay hai cuốn sách về một chủ đề cụ thể nào đó. Nguyên tắc cho các môn học trong năm nhất, trong học kỳ đầu tiên là liệt kê ít nhất năm tài liệu tham khảo trong tiểu luận. Một nguyên tắc khác nữa là hãy chọn những tài liệu tham khảo nào được công bố trong từ 5 đến 10 năm trở lại đây. Một số tiểu luận yêu cầu phải sử dụng nhiều nguồn tham khảo khác nhau, chẳng hạn như sách, các bài báo khoa học, tin tức, hay/và các websites. Một nguyên tắc khác nữa dành cho sinh viên năm nhất là hãy bắt đầu với việc đọc những cuốn sách mà giúp bạn có được kiến thức tổng quan trước, sau đó đọc đến những phần cụ thể hơn.
Những bạn sinh viên mới có thể thấy rằng việc tìm tài liệu trong thư viện và cơ sở dữ liệu là một công việc khá mệt mỏi. Thường các thư viện sẽ cung cấp một số hướng dẫn để giúp bạn. Ngoài ra, hãy liên hệ một thủ thư và nhờ tư vấn. Đừng mất thời gian vật lộn với nó và cuối cùng chẳng đi đến đâu.
Sau khi tìm được thông tin mà bạn cần, nhiệm vụ của bạn là ghi chú lại một cách hiệu quả. Đừng sao chép y nguyên những phần cần thiết, hãy cố gắng viết bằng chính từ ngữ của bạn, và hãy nhớ luôn luôn ghi lại tài liệu đã tham khảo kèm số trang. Bạn sẽ cần đến những thông tin này nếu bạn quyết định sử dụng nó trong tiểu luận của mình.
Một số sinh viên gặp khó khăn ở bước nghiên cứu này. Họ tìm cách nghiên cứu thật nhiều và cuối cùng thấy rằng mình có quá nhiều ghi chú làm cho họ dễ bị nhầm lẫn và nản lòng. Nếu bạn ở trong số đó, hãy bắt đầu ngay việc lên kế hoạch sau đó chuyển qua bước tiếp theo. Khi bạn đã có cái gì đó trên giấy bạn sẽ cảm thấy mình kiểm soát
được công việc, có thể nhìn thấy được những tiến bộ trong nỗ lực của mình, và trở nên tập trung và làm việc có hiệu quả hơn.
Bước 3. Lên kế hoạch – Quy trình viết tiểu luận thứ 3
Bây giờ bạn đã sẵn sàng với việc lên kế hoạch cho tiểu luận của mình. Nếu bạn đã có kế hoạch sơ khởi, hãy xem lại và thêm những điểm mới hoặc bỏ bớt đi những gì mà bạn đã tìm thấy hoặc nghĩ là không phù hợp.
Tuy nhiên lên kế hoạch không có nghĩa là thu thập thông tin một cách ngẫu nhiên để hỗ trợ cho những lý lẽ của bạn. Lên kế hoạch liên quan đến việc nhóm hoặc phân loại thông tin thành một loạt các quan điểm và xác định một trình tự thật khoa học để trình bày những quan điểm của bạn. Bạn hãy hướng vào việc xây dựng một cấu trúc bài luận khoa học, có tính liền mạch và rõ ràng. Những bước sau sẽ giúp bạn làm điều đó:
– Xác định ý chính: Có phải bạn bắt đầu nghiên cứu với một ý chính? Có phải bây giờ ý chính đó đã thay đổi khi bạn nghiên cứu sâu hơn rồi không? Hay bạn đã đang tìm ra một quan điểm chủ đạo để nghiên cứu? Cái gì là luận điểm hay quan điểm chủ đạo của bạn? Nếu bạn không có quan điểm trước khi bắt đầu nghiên cứu tài liệu thì hãy bạn hãy cố gắng có nó để giúp cho bạn trả lời câu hỏi. Hãy nhớ rằng, ý chính sẽ giúp bạn cấu trúc bài viết của mình.
– Quyết định những điểm nào mà bạn cần để hỗ trợ cho quan điểm hay ý chính của bạn.
– Kiểm tra để chắc rằng đây là một nhóm những ý tưởng hoặc các luận điểm khoa học.
– Xác định trình tự trình bày. Trình tự trình bày có thể được xác định bởi mức độ quan trọng, thời gian, câu hỏi, mức độ ưu tiên về địa lý hay cá nhân, nhưng bạn nên tuân theo trình tự mà bạn đã chỉ ra trong phần giới thiệu của mình.
– Ghi lại những điểm trái ngược với quan điểm của bạn.
– Hãy bỏ đi những điểm nào mà bạn nghĩ là không phù hợp.
Bảng dưới đây là ví dụ cho thấy bạn sử dụng các tiêu đề như thế nào. Dưới các tiêu đề bạn hãy ghi kèm theo các ý nhỏ. Bây giờ hãy liệt kê các ý này theo một trình tự mà bạn sẽ trình bày đúng như trong bài tiểu luận của bạn. Có phải trình tự này thích hợp không?
Ví dụ: quá trình nghiên cứu sẽ dẫn bạn đến những quan điểm dưới đây. Kế hoạch cho bài luận có thể là như thế này:
Cấu trúc tiểu luận | Số lượng các đoạn văn | Nội dung |
Giới thiệu | 1 | – Hướng người đọc vào chủ đề chung – Nhận diện mục tiêu hoặc mục đích của bài tiểu luận – Tóm tắt phạm vi, những điểm cần giải quyết trong phần thân/nội dung của bài luận. – Ý chính/quan điểm chung: UAI là một dự báo tin cậy cho thành công của trường đại học |
Phần thân/Nội dung | Có thể từ 6 – 8 đoạn trong một bài luận đơn giản |
– Thành công là gì? (Thành tựu học thuật) – Cần cái gì để có được một UAI tốt? – UAI có liên hệ đến thành công về mặt học thuật như thế nào? – Các nghiên cứu cho biết gì về mối liên hệ giữa UAI và thành công? Các đề tài nghiên cứu? – Có ngoại lệ nào không? Có những quan điểm trái ngược nhưng hợp lý không? |
Kết luận | 1 | – Tóm tắt các điểm chính – Củng cố lại quan điểm/ý chính |
Bước 4. Viết – Quy trình viết tiểu luận thứ 4
– Tham khảo phần cấu trúc bài tiểu luận
– Tuân theo kế hoạch của bạn
– Hãy sử dụng các đề mục nếu bạn thấy có ích. Thỉnh thoảng chuyển một đề mục thành câu hỏi trong bản nháp bài luận có thể giúp bạn giữ được những quan điểm của mình. Hãy bỏ những phần tự hỏi này đi trong bài tiểu luận chính thức của bạn nếu giáo viên yêu cầu một hình thức viết luận truyền thống.
– Hãy chú ý khi bạn thay đổi những thuật ngữ sử dụng trong câu hỏi. Ví dụ, nếu trong câu hỏi giáo viên yêu cầu viết về “sự thành công” và bạn thay thế cụm từ này bằng “thành tựu” thì ý nghĩa có thể sẽ khác đi.
– Nhớ để ý những câu chủ đề. Hãy làm cho người đọc nắm rõ quan điểm mà bạn đưa ra trong từng đoạn và lý do tại sao. Bạn biết điều mà bạn viết, nhưng bạn có nói điều ấy cho người đọc biết không?
– Làm rõ mối liên hệ của những quan điểm mà bạn đang trình bày đối với câu hỏi/luận văn của bạn.
– Đừng sử dụng cách xưng hô ở ngôi thứ nhất, ví dụ “tôi nghĩ rằng”, “tôi tin rằng”, “theo ý kiến của tôi” trừ phi bạn được phép hoặc được yêu cầu phải làm điều đó.
– Đừng sử dụng những cụm từ thông thường, ngôn ngữ không chính thức hoặc cách nói sáo rỗng ví dụ như: Ông A là con chim đầu đàn trong ngành văn hóa.
– Sử dụng những câu hoàn chỉnh để diễn đạt ý tưởng của bạn.
– Luôn luôn ghi rõ nguồn trích dẫn dù bạn chỉ trích dẫn ý tưởng của người khác bằng cách viết lại hoặc trích dẫn trực tiếp từ công trình của họ.
– Hãy nhớ rằng đây chỉ là bản nháp. Hãy quay lại một lần nữa và sửa lại các lỗi dù nhỏ nhặt của bạn.
Bước 5. Biên tập – Quy trình viết tiểu luận cuối cùng
Đây là bước cuối cùng trong quá trình viết một bài luận và là bước quan trọng. Nếu không biên tập kỹ thì điểm số của bạn có thể bị ảnh hưởng dù bạn đã làm việc rất tích cực. Hãy nhớ rằng, trình bày một cách chuyên nghiệp, rõ ràng và dễ hiểu trong việc viết luận là chìa khóa đưa đến thành công. Hãy dành cho bạn thời gian để hoàn chỉnh
bước này. Nó có nghĩa là một sự khác biệt giữa điểm số đậu và rớt và điểm số đậu và đậu cao. McLaren (1997) đề cập đến hai bước biên tập: Biên tập tổng thể và biên tập chi tiết. Biên tập chi tiết liên quan đến việc kiểm tra:
– Chính tả, ngữ pháp và dấu chấm câu. Luôn luôn sử dụng công cụ kiểm tra ngữ pháp và chính tả, nhưng hãy lưu ý rằng công cụ này có thể không giúp bạn tìm hết được các lỗi mắc phải.
– Trích dẫn các tài liệu tham khảo đúng và thống nhất. Việc trích dẫn tài liệu tham khảo không đồng nhất có thể làm người đọc nghĩ rằng bạn đã không cẩn thận trong việc trình bày. Biên tập tổng thể đề cập đến việc kiểm tra toàn bộ bài luận. Hãy kiểm tra sự thống nhất và logic. Nói cách khác, bài viết của bạn có nghĩa
không? Người đọc có thấy dễ đọc hay không?
Hãy để bài luận của bạn sang một bên trong khoảng từ một đến hai ngày trước khi bạn biên tập. Nếu không bạn sẽ có khuynh hướng đọc những gì mà bạn mong đợi hơn là những gì mà bạn đã viết. Thông thường cách tốt nhất để biên tập công trình của bạn là đọc thật lớn hoặc đọc nó cho ai đó nghe. Đưa bài viết của bạn cho một ai đó đọc.
Cuối cùng, tham khảo tiêu chí chấm bài trong phần tóm tắt yêu cầu của môn học và bài đánh giá. Tham khảo hướng dẫn chung trong chủ đề “cách trình bày bài tiểu luận” trên website hướng dẫn các kỹ năng học thuật nếu bạn vẫn còn chưa rõ về cách thức làm thế nào để trình bày bài viết của bạn.
Từ khóa tìm kiếm: Quy trình viết tiểu luận , quy trình viết tiểu luận chuẩn.
The post Quy trình viết tiểu luận – 5 bước mà các sinh viên cần nắm vững appeared first on Luận văn 1080.